Phúc trình thứ 16 về tự do tôn giáo trên thế giới

Một phần ba các nước trên thế giới, tức là 61 quốc gia, không tôn trọng tự do tôn giáo, theo phúc trình thứ 16 của tổ chức bác ái “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, công bố hôm 22 tháng Sáu vừa qua.

G. Trần Đức Anh, O.P. | RVA

Tổng cộng, có gần bốn tỷ 900 triệu người, tương đương với 62% dân số hoàn cầu sống tại các nước hạn chế nhiều về tự do tôn giáo.

Phúc trình này trình bày kết quả cuộc nghiên cứu, từ tháng Giêng năm 2021 đến tháng Mười Hai năm ngoái, 2022, và là phúc trình duy nhất không do một chính phủ thực hiện, về sự tôn trọng và vi phạm quyền tự do tôn giáo đã được quy định trong điều số 18 của Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, và áp dụng cho tất cả các tôn giáo.

Theo Phúc trình mới công số, 28 nước bị xếp hạng “màu đỏ”, với các cuộc bách hại, nơi nguy hiểm nhất đối với việc tự do hành đạo; 33 nước màu cam, trong đó tôn giáo bị kỳ thị cao độ. So với phúc trình hai năm trước đây, tại 47 quốc gia, tình hình trở nên xấu hơn, trong khi đó có 9 nước tình hình tự do tôn giáo được cải tiến.

Một trong những kết luận chính trong Phúc trình của tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, là: các cộng đồng tôn giáo thiểu số ngày càng lâm vào tình trạng thê thảm; trong một vài trường hợp các tôn giáo này có nguy cơ biến mất, vì sự liên kết giữa những hoạt động khủng bố, những cuộc tấn công gia sản văn hóa và những biện pháp tinh vi, như sự lan tràn các đạo luật gọi là chống cải đạo, chẳng hạn như tại Ấn Độ, sự lèo lái các qui luật tuyển cử và những giới hạn tài chánh. Tuy nhiên cũng có trường hợp những tôn giáo đa số bị bách hại, như tại Nicaragua và Nigeria. Tổng cộng có hơn 307 triệu tín hữu Kitô sống tại những nước có bách hại.

Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ” nhận xét rằng trong hai năm gần đây, có sự gia tăng trên thế giới quyền lực của các chính phủ độc đoán và các lãnh tụ cực đoan tìm cách thực thi quyền bính vô giới hạn, vì thế họ ghen tương hoặc sợ các vị lãnh đạo tinh thần, đặc biệt là khả năng của các vị này trong việc động viên các cộng đoàn tôn giáo. Tình trạng này có hậu quả tai hại cho tự do tôn giáo. Nạn phạm pháp mà không bị trừng phạt trở thành một điều liên tục xảy ra trên thế giới và tại 36 quốc gia, những kẻ gây hấn, tấn công, ít khi hoặc không bao giờ bị truy tố vì các tội ác của họ. Góp phần vào tình trạng này, có sự im lặng của cộng đồng quốc tế đối với những chế độ được coi là quan trọng về chiến lược đối với Tây phương, như Trung Quốc và Ấn Độ. Hai nước này không bị những chế tài của quốc tế hoặc những hậu quả nào đối với những vi phạm của họ đối với tự do tôn giáo. Cũng tương tự như vậy đối với các nước Nigeria và Pakistan.

(acs-italia.org 22-6-2023)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *