Quý Cha quê hương Trù Mật dâng lễ  cầu cho các bậc tiền nhân

“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống tốt đẹp từ ngàn xưa, được tổ tiên lưu lại cho hậu thế trên dải đất hình chữ S. Truyền thống ấy càng được tô đậm và rõ nét hơn nơi người Công giáo, khi Hội Thánh dành trọn tháng 11 để kính nhớ, cầu nguyện cách riêng tha thiết hơn, khẩn nài hơn, cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân yêu đã ra đi theo tiếng gọi của Chúa, xa cõi tạm trần gian. Trong tâm tình ấy, vào lúc 19 giờ thứ Năm ngày 17.11.2022, tại Vườn Thánh giáo xứ Trù Mật, quý cha quê hương đã trở về để cùng với cha xứ Giuse Nguyễn Văn Yêm dâng lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời trong giáo xứ, Thánh lễ do cha Phaolô Lưu Ngọc Lâm chủ tế. Hiệp dâng Thánh lễ có quý thầy, quý dì, quý Hội đồng giáo xứ và Ban hành giáo, quý hội đoàn cùng rất đông bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ.

Vườn Thánh giáo xứ Trù Mật tọa lạc trên một gò đất cạnh cổng làng, hướng về nhà thờ giáo xứ, với hai hàng chữ khắc đậm trên hai trụ cổng: “Hỡi người còn sống – Xin nhớ đến tôi”. Những ngày trong tháng 11, Vườn Thánh luôn đông người lui tới thăm viếng và cầu nguyện cho người thân. Đêm nay, Vườn Thánh như một công viên, đèn điện lấp lánh, hoa nến lung linh, người người nhộn nhịp, xóa tan đi bầu khí lạnh lẽo, tang tóc vốn có nơi “thế giới của những kẻ chết”. Ngồi bên nấm mộ của những người thân, bà con giáo dân cảm thấy ấm lòng hơn khi nghe tiếng Thánh ca thắp lên niềm hy vọng: “Sự sống này chỉ thay đổi mà không mất đi. Lúc con người nằm yên giấc ngủ, mắt nhắm lại rồi là thấy tương lai…”

19 giờ, rước đoàn đồng tế từ nhà thờ ra Vườn Thánh trong tiếng kèn đồng âm vang, tiếng trống rộn ràng. Quý cha tiến lên lễ đài khi ca đoàn tấu lên lời ca nhập lễ trong niềm tín thác: “Tôi tin rằng Đấng Cứu Chuộc tôi hằng sống và ngày tận thế tôi sẽ từ bụi đất sống lại và trong thân thể này tôi sẽ được chiêm ngưỡng Đấng Cứu Chuộc tôi”.

Mở đầu Thánh lễ, cha Phaolô ngỏ lời với cộng đoàn, theo thông lệ, quý cha hôm nay trở về quê hương báo hiếu với tổ tiên, ông bà, cha mẹ và những người thân đã ra đi trước. Cách đặc biệt trên mảnh đất thánh của giáo xứ, những người đã ra đi trước, đang nằm dưới những nấm mộ và cộng đoàn đang hiện diện nơi đây, chính là sự gắn kết giữa người còn sống và người đã chết. Trong cuộc sống ai cũng có những điều bất toàn, yếu đuối, cần phải có sự thanh tẩy. Chính vì vậy, nhờ lời cầu nguyện của mỗi người, xin Chúa thứ tha lỗi lầm và sớm đưa các linh hồn về hưởng Nhan Thánh Chúa.

Sau khi công bố Tin Mừng, cha Phaolô Lưu Hữu Tình chia sẻ: Chúng ta đang ngồi bên cạnh những nấm mộ được sơn, được ốp lát rất đẹp, rất sạch. Nhưng nếu nhìn thấu và nhận biết, thì bên trong chỉ là một bộ xương tàn, thậm chí chỉ là một nắm bùn đất. Vậy thì chúng ta đến với những ngôi mộ và khấn vái điều gì? Chẳng lẽ lại khấn vái với nắm xương đang phân hủy đó sao? Không, nơi nấm mộ đó không phải là đích điểm của con người, nó chỉ là đích điểm của một cuộc sống trần gian này mà thôi. Nhưng nơi nấm mộ đó khi chúng ta nhìn vào, chúng ta xác tín rằng đằng sau sự chết, đằng sau những ngôi mộ là sự liên đới với người sống, đó có thể là các thánh, đó cũng có thể là các linh hồn trong luyện ngục. Mỗi khi chúng ta thắp lên một nén nhang, một ngọn nến hay chưng một bình hoa lên mộ của những người thân, là chúng ta đang đứng bên bờ vực của sự sống và cái chết. Chúng ta ý thức: sống cứu người – chết người cứu ta, đừng để đời chưa qua mà ta đã qua đời.

Thánh lễ kết thúc tốt đẹp trong niềm cảm tạ, tri ân Thiên Chúa và Mẹ Maria.

Bà con giáo dân ra về, như vẫn thấy những người thân yêu của mình đang dõi nhìn theo lưu luyến với ánh mắt đọng lời biết ơn, vì Thánh lễ và những lời cầu nguyện dành riêng cho họ đêm nay và trong suốt tháng 11 này. “Sự sống này vào nấm mộ mà không mất đi. Chúa thương từng bụi cây lá cỏ, đâu muốn con người phải nát tan đi. Trọn kiếp này, ai theo đường sự sống trọn tình, mai sau sẽ được Phục Sinh trong Chúa, được sống muôn đời cuộc sống hiển vinh”.

 Hồng Minh

XEM THÊM HÌNH ẢNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *