Sau 60 năm tìm kiếm, đã tìm thấy hài cốt vị linh mục làm rất nhiềp phép lạ tại Mỹ. ĐTC đề cập đến cái chết của ngài.

1. Bom nổ rung chuyển giáo phận Bata ở Guinea Xích đạo

Trong một tuyên bố ngày 9 tháng Ba, Đức Cha Juan Matogo Oyana, Giám Mục giáo phận Bata ở Guinea Xích đạo bày tỏ nỗi buồn của ngài về các vụ nổ kinh hoàng tại thủ phủ Bata. Các vụ nổ liên tiếp đã làm rung chuyển Tòa Giám Mục và gây ra một số thiệt hại vật chất nặng nề.

Cho đến nay, số người chết tăng vọt lên 98 người. Bộ Y tế cho biết số người chết do một loạt vụ nổ trong một doanh trại quân đội ở Guinea Xích đạo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong khi các tình nguyện viên đang tìm kiếm các thi thể trong đống đổ nát.

Ít nhất 615 người bị thương trong các vụ nổ hôm Chúa Nhật 7 tháng Ba, bắt đầu từ vụ hỏa hoạn tại Căn cứ Quân sự Nkoantoma ở thành phố ven biển Bata.

Phó tổng thống Teodoro Nguema Obiang Mangue cho biết con số thiệt mạng 98 người hiện nay là cao hơn gấp ba lần so với ước tính trước đó là 31 người thiệt mạng.

Trong số những người bị thương, 299 người vẫn đang phải chống chọi với tử thần trong bệnh viện.

Tổng thống Teodoro Obiang Nguema, cha của phó tổng thống, cho rằng vụ tai nạn là do sơ suất liên quan đến việc tàng trữ chất nổ và cho biết các vụ nổ đã làm hư hại hầu hết các ngôi nhà và tòa nhà ở Bata, thành phố chỉ có hơn 250,000 dân.

Bộ y tế của Equatorial Guinea đã đăng trên Twitter rằng họ đã chuẩn bị một phái đoàn sức khỏe tâm thần bao gồm các bác sĩ tâm thần, các nhà tâm lý học và y tá để hỗ trợ các nạn nhân của vụ nổ.

Bộ cho biết: “Những thiệt hại không chỉ về vật chất mà còn về tinh thần”.

Các hình ảnh được truyền thông địa phương đăng tải cho thấy các thi thể được quấn trong tấm vải và xếp thành hàng bên lề đường, và trẻ em được kéo ra từ dưới đống bê tông vỡ và các thanh kim loại xoắn lại.

Đài truyền hình TVGE chiếu cảnh phó tổng thống đến thăm một bệnh viện nơi các nạn nhân đang được điều trị vào thứ Hai.

Vụ nổ xảy ra khi Guinea Xích đạo, một nước sản xuất dầu, đang phải chịu cú sốc kinh tế kép do đại dịch coronavirus và giá dầu thô giảm. Dầu thô cung cấp khoảng 3/4 doanh thu quốc gia.

Guinea Xích đạo là thuộc địa cũ của Tây Ban Nha được cai trị bởi Obiang, vị tổng thống này cai trị lâu nhất ở Phi Châu, kể từ năm 1979 đến nay.

Phần lớn dân số 1.4 triệu người sống trong cảnh nghèo đói.

Guinea Xích đạo có 4 giáo phận và một tổng giáo phận. Trong tổng số 857,000 dân, 87% dân số là người Công Giáo.


Source:Reuters

2. Sáng kiến 24 giờ cho Chúa ngày 12 và 13 tháng Ba

Bất chấp đại dịch, Đức Thánh Cha Phanxicô đã truyền rằng sáng kiến “24 giờ dành cho Chúa” cũng sẽ được cử hành trong năm nay. Như Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Tân Phúc âm hóa đã thông báo, sáng kiến 24 giờ cho Chúa năm nay sẽ được cử hành từ chiều thứ Sáu 12 đến 6g chiều thứ Bẩy 13 tháng Ba, gần với Chúa nhật thứ Tư Mùa Chay.

Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng đã chuẩn bị cho ngày này bằng cách đưa ra một số gợi ý giúp các giáo xứ và cộng đoàn Kitô chuẩn bị cử hành sáng kiến này.

Chủ đề của sáng kiến 24 giờ cho Chúa năm là một câu trích từ Thánh Vịnh “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi” (Tv 103:3).

Trong phần đầu tiên, một số bản văn được giới thiệu khuyến khích mọi người ý thức kinh nghiệm cuộc gặp gỡ với linh mục tại thời điểm xưng tội cá nhân. Các bản văn cũng có thể được sử dụng để chuẩn bị (một mình hoặc dưới sự hướng dẫn của một thừa tác viên) cho việc ăn năn tội cách trọn, trong trường hợp không thể đến được với Bí tích Hòa giải.

Ngoài ra nội dung của phần đầu này còn khuyến khích mọi người đến với Bí tích Hòa giải, giúp suy tư về sự thay đổi của chính mình và ý thức về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc sống. Điều này có khả năng truyền cảm hứng cho các tín hữu thực hiện các công trình lòng thương xót và tiếp tục trưởng thành cá nhân sau khi đã nhận được ơn tha thứ.

Phần thứ hai được sử dụng khi nhà thờ được mở cửa, mọi người đến xưng tội, giúp cầu nguyện và suy niệm theo Lời Chúa. Tài liệu này cũng có thể hữu ích cho bài giáo lý về sự cần thiết phải hoán cải và về Bí tích Hòa giải.

Sự kiện có thể bắt đầu vào tối thứ Sáu với phần phụng vụ Lời Chúa để chuẩn bị cho các tín hữu xưng tội, và kết thúc bằng việc cử hành Thánh Lễ trọng thể vào chiều thứ Bảy. Trường hợp các bí tích không được phép cử hành, hoặc có thể được tổ chức với một số lượng hạn chế, thì việc tôn thờ Thánh Thể có thể được thực hiện trực tuyến, như vậy các tín hữu được chuẩn bị ăn năn tội cách trọn, như Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dạy.


Source:Pontificio Consejo para la promoción de la nueva evangelización

3. Thư mục vụ của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, một năm từ khi đại dịch bùng phát

Ban Thường vụ của Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, hôm 9 tháng Ba đã đưa ra thông điệp sau về đại dịch COVID-19 toàn cầu. Ban Thường vụ của USCCB do chủ tịch Hội Đồng Giám Mục lãnh đạo, bao gồm tất cả các chủ tịch các ủy ban của USCCB và một đại diện từ mỗi giáo tỉnh của Hoa Kỳ và hoạt động với tư cách là ban điều hành.

Toàn văn như sau:

“Tháng này chúng ta đánh dấu một năm kể từ khi đại dịch thay đổi đáng kể cuộc sống ở đất nước chúng ta, mở ra những đau khổ vô biên. Nhiều người đã phải chịu đựng những khó khăn kinh hoàng: ốm đau, chết chóc, tang tóc, thiếu ăn, nhà ở không ổn định, mất việc làm và thu nhập, giáo dục dở dang, chia ly, ngược đãi, cô lập, trầm cảm và lo lắng. Chúng ta đã chứng kiến những bất công về chủng tộc, giảm thiểu dần phúc lợi của người nghèo và người già, và những chia rẽ đau đớn trong đời sống chính trị của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta biết, như Thánh Vịnh nhắc nhở chúng ta, rằng chúng ta tìm thấy niềm an ủi trong lời hứa của Thiên Chúa, là Đấng ban sự sống cho chúng ta (Tv 119: 50).

Chúng ta cũng chứng kiến vô số hành động hy sinh của các nhân viên y tế, những người phản ứng đầu tiên, các tuyên úy, những người làm việc trong các bếp ăn xã hội và nơi tạm trú của người vô gia cư, những người vận chuyển thư, công nhân các cửa hàng nông sản và tạp hóa, bạn bè và thậm chí cả những người lạ. Vô số hành động tử tế đã được thực hiện bởi rất nhiều người, điều này giúp nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta đều cùng chung một con thuyền. Trước tất cả những hành động hy sinh này, chúng ta rất biết ơn. Chúng ta cũng rất biết ơn các linh mục, phó tế, tu sĩ, giáo chức, giáo lý viên và các thừa tác viên giáo hội đã phục vụ dân Chúa trong những thời kỳ khó khăn này.

Trong đại dịch, Thiên Chúa đã một lần nữa mặc khải chúng ta về chính mình. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhắc nhở chúng ta tại quảng trường Thánh Phêrô vào năm ngoái, chúng ta không có quyền lực hay quyền kiểm soát như chúng ta nghĩ. [1] Thay vì xấu hổ về sự bất lực này, hoặc bị đè bẹp bởi nỗi sợ hãi về những gì chúng ta không thể kiểm soát, tính liên kết và sự phụ thuộc của chúng ta vào Thiên Chúa đã được làm rõ. Là Kitô hữu, đây là một bài học rất quen thuộc: Thánh Phaolô nhắc nhở chúng ta hãy mang gánh nặng cho nhau, và như vậy anh em sẽ chu toàn luật Chúa Kitô (Gl 6: 2). Và luật đó là luật yêu thương.

Đại dịch cũng đã làm sống lại ý thức của chúng ta rằng chúng ta là một cộng đồng toàn cầu, và mỗi chúng ta thực sự là người bảo vệ của nhau. Mặc dù sự sẵn có ngày càng tăng của vắc-xin là một dấu chỉ rõ ràng của hy vọng rằng đại dịch này cũng sẽ qua đi, nhưng hy vọng đó phải được trao cho mọi người trên hành tinh bằng cách cung cấp vắc-xin trên toàn cầu. Các quốc gia giàu có hơn và các công ty dược phẩm phải hợp tác với nhau để bảo đảm rằng không có quốc gia nào, không có người nào bị bỏ lại phía sau.

Có rất nhiều điều để học hỏi từ sự đau khổ toàn cầu này. Chúng ta phải xây dựng lòng tốt và sự cởi mở mà chúng ta đã chứng kiến ở cấp địa phương bằng cách tạo ra nhiều cấu trúc xã hội hơn, không chỉ hàn gắn những rạn nứt và sự cô lập mà rất nhiều người cảm thấy trong đại dịch này mà còn ngăn chặn sự chia rẽ như vậy xảy ra lần nữa. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu khẩn, “Chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại duy nhất”, [ 2] vươn đến một chân trời nơi chúng ta quan tâm đến nhau nhiều hơn. Chúng ta hãy giữ cho ý thức này tồn tại và tiếp tục công việc thúc đẩy công ích.

Được canh tân bởi Mùa Chay này, chúng tôi, những thành viên của Ban Thường vụ, đặt niềm tin tưởng vào Chúa, Đấng chịu đau khổ, bị đóng đinh và phục sinh. Chúng tôi cùng với các giám mục anh em của chúng tôi kêu gọi mọi người tiếp tục giữ cho tình yêu của Thiên Chúa luôn sống động trong trái tim và trong gia đình và cộng đồng của mình. Và chúng tôi mong muốn được chào đón các tín hữu Công Giáo trở lại các thánh đường khi tất cả chúng ta có thể an toàn tham gia vào việc cử hành Thánh Thể và quy tụ một lần nữa trong các giáo xứ của chúng ta”.

[1] x, Đức Thánh Cha Phanxicô, “Phút cầu nguyện ngoại thường” (27 tháng Ba 2020). http://www.vatican.va/content/francesco/en/homilies/2020/documents/papa-francesco_20200327_omelia-epidemia.html

[2] Fratelli tutti, số. 8.


Source:USCCB

4. Hài cốt của một vị trong tiến trình tuyên thánh được tìm thấy sau 60 năm tìm kiếm

Sau 60 năm tìm kiếm, đã tìm thấy hài cốt vị linh mục làm rất nhiềp phép lạ tại Mỹ. ĐTC đề cập đến cái chết của ngài.

Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết đã tìm thấy thi thể của Cha Emil Kapaun trong một trường hợp hết sức hi hữu.

Trước sự ngạc nhiên và vui mừng của những người thân, những người được ơn, và của giáo phận Wichita, các nhà điều tra của Bộ Quốc phòng tuyên bố đã xác định được hài cốt của vị tuyên úy quân đội Hoa Kỳ và là Tôi tớ Chúa Cha Emil Kapaun trong số những người lính vô danh chết trong chiến tranh Triều Tiên được chôn cất tại một nghĩa trang Hawaii,

“Tôi chỉ hy vọng mọi người cũng phấn chấn như chúng tôi. Thật tuyệt vời khi biết rằng Cha Kapaun sẽ trở về nhà sau 70 năm,” Cha John Hotze của Giáo phận Wichita nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA.

Ray Kapaun, cháu trai của vị linh mục cho biết như sau:

“Không có từ nào có thể giải thích cảm xúc lúc này”, anh nói, theo KWCH News.

“Tôi biết có rất nhiều phép lạ đã được cho là nhờ lời cầu bầu của chú tôi, và nhiều phép lạ đang trong tiến trình điều tra, nhưng tôi nghĩ mọi người đều coi chính việc tìm được thi thể này là một phép lạ”, Ray nói. “Bởi vì điều này quá bất ngờ. Ý tôi là, gia đình tôi, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng chúng tôi sẽ thấy điều này trong đời”.

Đức Cha Carl Kemme của Wichita hoan nghênh khám phá này.

“Thật là một bất ngờ vui mừng và thú vị đối với Giáo phận Wichita khi hài cốt của Cha Kapaun đã được tìm lại sau rất nhiều năm và chúng tôi tiếp tục mong đợi quá trình tuyên thánh cho ngài trong tương lai”, vị giám mục nói.

Cha từng là tuyên úy trong Chiến tranh thế giới thứ hai và được biết đến vì đã phục vụ anh dũng trong Chiến tranh Triều Tiên. Ngài thuộc trung đoàn bộ binh số 8 của Quân đội Hoa Kỳ. Sau khi bị bắt làm tù binh, ngài tiếp tục phục vụ cho những người lính khác trong một trại tù, nơi ngài mất ngày 23 tháng 5 năm 1951.

Cơ quan Kiểm toán POW/MIA của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã xác định được hài cốt của vị linh mục trong số những người lính không rõ danh tính được chôn cất tại Nghĩa trang Quốc gia Thái Bình Dương ở Hawaii, giáo phận Wichita cho biết ngày 4 tháng 3. Nhiều hài cốt binh sĩ đã được chuyển đến đó từ Triều Tiên trong những năm 1950 và một lần nữa vào những năm 1990.

Thông thường các tử sĩ có thể được xác định nhanh chóng nhờ những tấm thẻ bài họ đeo quanh cổ. Tuy nhiên, trong Chiến tranh Triều Tiên, các tù binh Mỹ như Cha Kapaun bị quân Trung Quốc và Bắc Hàn tịch thu các tấm thẻ bài. Việc xác định, do đó, khó khăn hơn rất nhiều, đặc biệt là họ có thể bị đưa đi xa khỏi nơi bị bắt và bị giam giữ chung với những người lính của các đơn vị khác.

Tiến trình tuyên thánh cho Cha Kapaun.

Năm 1993, Cha Kapaun đã được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn lên hàng “Tôi tớ của Chúa”, là bước đầu tiên trên con đường được tuyên thánh. Một cuộc họp quan trọng liên quan đến trường hợp của ngài đã được lên kế hoạch tại Bộ Tuyên thánh vào tháng 3 năm 2020, nhưng cuộc họp đó đã bị hoãn lại do sự xuất hiện của đại dịch coronavirus ở Ý.

Cha Kapaun sinh ra ở Pilsen, Kansas vào năm 1916. Ngài trưởng thành trong thời kỳ Đại suy thoái. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1940 và bắt đầu công việc mục vụ với tư cách là một linh mục quản xứ tại quê hương của mình.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Cha Kapaun đã dâng các bí tích tại Sân bay Quân đội Harrington gần đó cho đến khi Ngài trở thành tuyên úy quân đội toàn thời gian vào năm 1944. Ngài đã đóng quân ở Ấn Độ và Miến Điện trong suốt thời gian chiến tranh. Ở đó, ngài phục vụ binh lính và dân chúng quanh vùng với một thái độ hy sinh quên mình.

Ngài cũng nổi tiếng về lòng dũng cảm. Sau khi chiếc xe jeep bị hỏng, ngài thường đạp xe đi gặp những người lính ngay cả ở tiền tuyến. Ngài thường lần theo tiếng súng để tìm họ.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Cha Kapaun theo học lịch sử và giáo dục tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ. Ngài trở về nhà trong một thời gian ngắn với tư cách là Cha Sở của giáo xứ thời niên thiếu của mình và phục vụ tại một số giáo xứ khác. Năm 1948, Hoa Kỳ ra lời kêu gọi các tuyên úy quân đội trở lại phục vụ. Cha Kapaun đáp lại. Sau đó, ngài được cử đến Texas, Washington và Nhật Bản trước khi được điều tới Hàn Quốc.

Trong Trận chiến Unsan vào tháng 11 năm 1950, Cha Kapaun đã làm việc không mệt mỏi để an ủi những người đau khổ và nâng đỡ tinh thần và cõng những người bị thương trên chiến trường về tuyến sau. Một trong những người lính mà ngài cõng về là một người lính Trung Quốc bị thương. Anh ta đã giúp ngài thương lượng đầu hàng quân Trung Quốc và Bắc Hàn sau khi đơn vị bị quân địch bao vây. Cha Kapaun đã bị bắt làm tù binh.

Ngay cả khi đó, ngài vẫn tiếp tục giúp đỡ những người khác. Cha Kapaun cõng một tù nhân Mỹ bị thương không thể đi bộ khoảng 30 dặm đến một trại tù, mặc dù người lính nặng hơn ngài 10kg. Người lính này có thể đã bị giết bởi quân địch nếu anh ta không thể theo kịp cuộc hành quân.

Cha Kapaun bị đưa đến trại tù số 5 ở Pyoktong, một ngôi làng bị đánh bom từng là trung tâm giam giữ. Những người lính tại trại bị ngược đãi nghiêm trọng và bị suy dinh dưỡng, bệnh kiết lỵ, thiếu quần áo ấm để chống lại một mùa đông cực kỳ lạnh giá. Cha Kapaun sẽ làm tất cả những gì có thể cho những người lính. Ngài giặt quần áo bẩn của họ, lấy nước ngọt và chăm sóc vết thương cho họ.

Vị linh mục đã giúp các bạn tù giải quyết các vấn đề và giữ vững tinh thần. Ngài thức trắng đêm để viết thư về nhà thay cho các thương binh. Nhiều tù binh chiến tranh được trao trả cho biết nỗ lực của ngài đã giúp họ sống sót trong mùa đông khắc nghiệt. Đối với những người không qua khỏi, vị linh mục đã giúp chôn cất xác của họ.

Cha Kapaun cử hành các bí tích cho các bạn tù của mình, giải tội cho và cử hành Thánh lễ. Vào Chúa Nhật Phục sinh năm 1951, khoảng hai tháng trước khi chết, ngài tổ chức thánh lễ Phục sinh vào ban mai cho các tù nhân.

Khi bị viêm phổi và xuất hiện cục máu đông ở chân, vị tuyên úy đã bị từ chối điều trị y tế, dẫn đến cái chết của Ngài.

Vì sự dũng cảm tại Unsan, Cha Kapaun đã được truy tặng Huân chương Danh dự của Quốc hội trong một buổi lễ năm 2013 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Huân chương là phần thưởng quân sự cao quý nhất của Hoa Kỳ dành cho lòng dũng cảm.

Trong khi thi thể của vị linh mục được cho là đã được chôn cất trong một ngôi mộ tập thể trên sông Áp Lục gần biên giới Triều Tiên-Trung Quốc, thì sự việc không phải như vậy. Thay vào đó, hài cốt của ngài đã được trao trả cho Mỹ vào những năm 1950 cùng với hàng trăm binh sĩ không rõ danh tính khác, Cha Hotze nói với CNA.

“Ngài được chôn cất ở đâu đó trong trại tù. Hài cốt của ngài thực sự đã được trao trả cho Mỹ ngay sau Chiến tranh Triều Tiên, khoảng năm 1954”.

Một bộ hài cốt ban đầu đã được cho là của Cha Kapaun, nhưng các nhà điều tra xác định được nhầm lẫn này, chúng thuộc về một người đàn ông trẻ hơn ở độ tuổi những năm đầu 20 tuổi, chứ không phải của một linh mục 35 tuổi. Việc xác định thêm rất khó khăn, một phần là do thiếu công nghệ.

“Ngài được chôn cất tại nghĩa trang quốc gia, cũng như nhiều người khác, với tư cách là một người lính vô danh”, Cha Hotze nói. “May mắn thay, Bộ Quốc phòng vẫn tích cực tìm cách xác định hài cốt của những quân nhân vô danh này”.

Tháng 6 hàng năm, những người hành hương đã diễu hành từ Wichita đến quê hương Pilsen của Cha Kapaun. Họ đi bộ 60 dặm để tưởng nhớ vị linh mục và cuộc hành quân của ngài đến các trại tù.

“Mọi người được truyền cảm hứng từ những gì ngài có thể làm”, Cha Hotze nói. “Ngài được sinh ra không lâu trước thời Đại Suy Thoái. Ngài lớn lên trong thời kỳ Đại Suy Thoái với tư cách là một nông dân nghèo ở Kansas. Gia đình không có gì. Và ngài đã có thể làm cho những điều tuyệt vời xảy ra.”

Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jerry Moran, của Đảng Cộng Hòa của tiểu bang Kansas, người đã ban hành luật để trao Huân chương Danh dự cho Cha Kapaun, cũng bình luận về việc xác định hài cốt của linh mục.

Moran cho biết: “Tôi rất vui vì gia đình của ngài cuối cùng đã tìm được thi thể ngài sau sự phục vụ quên mình của Cha Kapaun cho đất nước của chúng ta.”


Source:Catholic News Agency

5. Đức Giáo Hoàng quyết định tham dự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô xác nhận rằng ngài có kế hoạch đến thăm Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungari để tham dự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế, diễn ra vào ngày 12 tháng 9 tại Quảng trường Anh hùng của Budapest.

Trên máy bay trở về từ Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói về những điểm ngài có thể viếng thăm trong tương lai.

Ngài nói rằng việc tham dự Thánh lễ ngày 12 tháng 9 ở Hungary sẽ không bao gồm một chuyến thăm đất nước. Nhưng Ngài lưu ý rằng Budapest cách thủ đô Bratislava của Slovakia hai giờ lái xe và đặt ra câu hỏi liệu chuyến đi có nên được kết hợp với một chuyến thăm ở đó hay không.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52 sẽ diễn ra tại Budapest vào ngày 5-12 tháng 9 sau khi nó bị trì hoãn một năm vì đại dịch coronavirus.

Đức Hồng Y Péter Erdő, tổng giám mục của Esztergom-Budapest, nói với CNA vào tháng Hai rằng đại hội “sẽ là một dấu chỉ hy vọng lớn cho người Công Giáo trên toàn thế giới”.

Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần đầu tiên diễn ra tại Pháp vào năm 1881. Sự kiện này nhằm mục đích cung cấp một chứng tá về sự Hiện diện Thực sự của Chúa Giêsu Kitô trong Bí tích Thánh Thể và thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về phụng vụ và Thánh Thể trong đời sống của Giáo hội. Đại hội thường được tổ chức bốn năm một lần.

Erdő, Giáo chủ Công Giáo Hung Gia Lợi, nói rằng mục đích của đại hội năm nay được tóm tắt bằng lời cầu nguyện chính thức, trong đó nói rằng sự kiện này nhằm “phục vụ sự đổi mới tinh thần của cộng đồng, thành phố, quốc gia, Âu Châu và thế giới của chúng ta”.

Trong một tuyên bố ngày 8 tháng 3, Đức Hồng Y hoan nghênh thông báo của Giáo hoàng.

“ Chúng tôi rất vui khi biết rằng Đức Thánh Cha đã công bố quyết định đến Budapest để tham dự Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52”, ngài nói trong tuyên bố, cũng được ký bởi Giám mục András Veres, chủ tịch hội đồng giám mục Hung Gia Lợi.

“Chúng tôi hy vọng rằng chuyến thăm của Đức Thánh Cha sẽ là một sự khích lệ to lớn và củng cố tinh thần cho tất cả chúng tôi và cho những người tham dự Đại hội Thánh Thể trong tương lai”.

Các nước Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm trong tương lai gần

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra bình luận của mình về các chuyến tông du trong cuộc họp báo trên chuyến bay trở về sau chuyến thăm lịch sử ba ngày tới Iraq, nơi ngài gặp gỡ các nhà chức trách chính trị, các nhà lãnh đạo tôn giáo và các cộng đồng Kitô Giáo.

Vị giáo hoàng 84 tuổi nói rằng ngài cảm thấy mệt mỏi hơn trong chuyến tông du Iraq so với những lần trước và không biết liệu lịch trình di chuyển của mình có nên chậm lại trong tương lai hay không.

Trước khi đại dịch coronavirus hủy bỏ các chuyến đi có thể có của Đức Giáo Hoàng đến Indonesia, Đông Timor và Papua New Guinea vào năm 2020, Đức Phanxicô đã giữ một lịch trình tông du bận rộn, thực hiện 32 chuyến đi quốc tế đến 51 quốc gia khác nhau trong bảy năm.

Đức Phanxicô nói với các nhà báo ngày 8 tháng 3 rằng ngài “nhận thức được những rủi ro” khi đi tông du trong khi đại dịch coronavirus đang diễn ra, nhưng quyết định đến Iraq “xuất phát từ bên trong”.

“Tôi đã cầu nguyện rất nhiều về điều này, và cuối cùng, tôi đã tự do đưa ra quyết định”.

Đức Giáo Hoàng đã nhận được vắc-xin coronavirus trước khi đến Iraq, những người cùng thực hiện chuyến hành trình với ngài cũng vậy.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Đức Hồng Y Bechara Boutros Rai, Thượng phụ Công Giáo nghi lễ Maronite của Li Băng, đã yêu cầu ngài thêm một chặng dừng chân tại thủ đô Beirut của Li Băng trong chuyến thăm Iraq của ngài.

Ngài đã quyết định không làm vậy vì ngài cảm thấy đất nước này xứng đáng có một chuyến thăm quan trọng hơn.

“Tôi đã viết một lá thư và hứa sẽ thực hiện một chuyến đi đến Li Băng”, ngài nói, ca ngợi đất nước vì sự hào phóng trong việc chào đón những người tị nạn.

Sau chuyến thăm Iraq, Đức Thánh Cha chưa nghĩ ngay đến một chuyến đi đến Syria. Ngài cũng sẽ không đến thăm Á Căn Đình. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài thường nói đùa rằng ở quê hương đến 76 năm là quá đủ.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng ngài đã lên kế hoạch đến thăm đất nước này vào tháng 11 năm 2017, cùng với Chí Lợi và Uruguay. Nhưng ý tưởng này đã bị bỏ dở vì nó sẽ đụng độ với một mùa bầu cử ở Chí Lợi. Đức Giáo Hoàng đã đến thăm Chí Lợi vào tháng Giêng năm 2018, nhưng ngài giải thích rằng đó là mùa hè ở Á Căn Đình và Uruguay, vì thế, ngài đã đến thăm Peru.

Đức Thánh Cha nói thêm rằng ngài sẽ đến thăm Á Căn Đình khi có cơ hội và ám chỉ rằng chuyến đi cũng có thể bao gồm Uruguay và miền nam Brazil.


Source:Catholic News Agency

6. Nhà văn viết vắn tắt quá khiến người đồng hương bất bình với Đức Giáo Hoàng

Trong khi Đức Thánh Cha đang ở thăm Iraq, dư luận tại Á Căn Đình đã tỏ ra bất bình vì có một số phương tiện truyền thông quốc tế gần đây đã đưa tin rằng Đức Thánh Cha nói đi đâu thì đi, ngài không muốn về thăm quê hương Á Căn Đình.

Tác giả của cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha, là nguồn gốc gây ra tin đồn tai hại này đã làm rõ bối cảnh và ý nghĩa của lời nói của Đức Thánh Cha.

Nhà báo kỳ cựu người Á Căn Đình và nhà thần kinh học Nelson Castro đã phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô để viết cuốn sách “Sức khỏe của các Giáo hoàng”.

Nhật báo La Nación của Á Căn Đình đã xuất bản một đoạn của Castro vào ngày 27 tháng 2 bao gồm một phần cuộc phỏng vấn của ông với Đức Giáo Hoàng. Câu cuối cùng là: “Tôi sẽ không trở lại Á Căn Đình”, khiến một số người cho rằng điều đó có nghĩa là “không bao giờ”.

Vào cuối cuộc phỏng vấn cho cuốn sách của mình về sức khỏe của các Đức Giáo Hoàng, Castro hỏi Đức Thánh Cha Phanxicô “Ngài tưởng tượng cái chết của mình như thế nào?” Và ngài trả lời “Tôi sẽ là giáo hoàng, dù là đương nhiệm hay danh dự. Và ở Rome. Tôi sẽ không trở lại Á Căn Đình”.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với nhà báo đồng nghiệp Tito Garabal trên Radio Grote, Castro đã làm rõ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài sẽ không trở lại Argentina “đó là nói về việc sống ở Á Căn Đình nếu ngài từ chức, chính là như vậy”.

“Ngài không nói ‘Tôi sẽ không đến thăm Á Căn Đình nữa’. Khi tôi hỏi ngài hình dung ra cái chết của mình như thế nào ngài nói: ‘Tôi sẽ không trở lại Á Căn Đình để chết ở đó’”

“Điều này là không thể chối cãi. Và vấn đề có hai khía cạnh: vì cuộc phỏng vấn được tường trình nguyên văn nên chúng tôi muốn trích một cách trung thành nhất có thể, và tôi không đoán trước được điều này, cho nên trong ấn bản thứ hai của cuốn sách, tôi sẽ giới thiệu điều này, làm rõ hơn,” Castro giải thích.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài thường nói đùa rằng ở quê hương đến 76 năm là quá đủ.


Source:Catholic News Agency

7. Đức Thánh Cha Phanxicô trả lại cuốn sách cầu nguyện lâu đời cho đồng bằng Ninivê

Trong chuyến đi tới Iraq, Đức Thánh Cha Phanxicô đã trả lại một cuốn sách cầu nguyện bằng tiếng Ả Rập rất lâu đời đã được phục chế sau khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào ngôi nhà thờ Công Giáo nơi cuốn sách từng được lưu trữ.

Có niên đại vào khoảng giữa thế kỷ 14 và 15, cuốn sách bao gồm những lời cầu nguyện phụng vụ bằng tiếng Aramaic cho mùa Phục sinh trong truyền thống Syriac.

Cuốn sách trước đây được lưu giữ trong Nhà thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội Al-Tahira ở Bakhdida, còn được gọi là Qaraqosh. Nhà thờ Công Giáo nghi lễ Syriac này đã bị cướp bóc khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS nắm quyền kiểm soát thị trấn từ năm 2014 đến năm 2016.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm nhà thờ vào ngày 7 tháng 3 và đọc kinh Truyền Tin cùng với các tín hữu Kitô địa phương từ các thị trấn và làng mạc trên khắp Đồng bằng Ninivê. Nhà thờ đã được phục hồi hoàn toàn bởi tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ.

Trong khi đến thăm Nhà thờ Vô nhiễm Nguyên tội, Đức Thánh Cha đã trả lại cuốn sách cho Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Syria Yohanna Boutros Mouche của Mosul.

Cuốn sách được các nhà báo phát hiện ở miền bắc Iraq vào tháng Giêng năm 2017 – khi Mosul vẫn còn nằm trong tay bọn khủng bố Hồi Giáo IS – và được gửi cho vị giám mục địa phương, là Đức Tổng Giám Mục Mouche. Ngài đã giao nó cho một liên đoàn các tổ chức phi chính phủ Kitô Giáo để bảo quản an toàn.

Cuốn sách đã được giấu trong tầng hầm của nhà thờ cùng với những cuốn sách quan trọng khác, nhưng cuối cùng được chuyển đến Erbil trước khi được gửi ra nước ngoài để trùng tu.

Viện Bảo tồn Sách Trung ương (ICPAL) ở Rome đã giám sát việc khôi phục bản thảo, được tài trợ bởi Bộ Di sản Văn hóa Ý.

Quá trình trùng tu kéo dài 10 tháng bao gồm việc tham khảo ý kiến của các chuyên gia tại Thư viện Vatican, nơi có các tập sách tiếng Syriac có cùng thời kỳ.


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *