Đất nước quê hương của Đức Thánh Cha Phanxicô đang thế tục hóa với tốc độ nhanh chóng, cũng như các quốc gia Mỹ Latinh khác. Các vụ bê bối liên tục đã làm tổn hại sâu sắc hình ảnh của Giáo Hội Công Giáo ở Á Căn Đình, nơi chỉ còn 31% người Công Giáo thực hành đạo.
Từ 90% là người Công Giáo vào năm 1960, đất nước hiện có từ 52% đến 65% dân số theo Công Giáo, theo các cuộc khảo sát khác nhau. Cố nhiên, các cuộc khảo sát này có những sai sót trong phương pháp nghiên cứu, và có thể nhằm đưa ra các giải thích mang mầu sắc ý thức hệ.
Khoảng 20% dân số nói rằng họ không có tôn giáo và những người theo đạo Tin Lành đại diện cho khoảng 12% người Á Căn Đình, một con số vẫn thấp hơn so với nước láng giềng Brazil.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô vẫn giữ được một sự ưa chuộng nhất định, nhưng đã có sự sụt giảm, từ 62% năm 2017 xuống chỉ còn 52% ngày nay.
Và, cũng như ở nhiều nơi trên thế giới, thiền định phương Đông và các thực hành tâm linh cá nhân đang thu hút ngày càng nhiều người, trong khi có một sự thờ ơ với các giáo lý và ràng buộc tôn giáo.
Trong một diễn biến liên quan đến Giáo Hội tại Á Căn Đình, kết quả của cuộc điều tra liên quan đến một biến cố được cho là phép lạ thánh thể có thể sẽ được công bố vào ngày 16 tháng 6 tới đây, lễ Mình Máu Thánh Chúa hay còn gọi là Corpus Christi.
Các giáo dân tại Giáo xứ St. Vincent de Paul ở Hurlingham, Buenos Aires, Á Căn Đình cho rằng sau Thánh lễ ngày 30/8 năm ngoái một cục máu đông hình thành trên một bánh thánh.
Giáo xứ cho biết hai người đàn ông đang dọn dẹp nhà thờ cho biết đã thấy các bánh thánh rơi trên sàn nhà. Vị linh mục đã hướng dẫn họ đặt các bánh này vào một chiếc ly và để chúng tan ra. Những người đàn ông báo cáo rằng nước đã chuyển sang màu máu và các cục máu đông hình thành trên các bánh thánh.
Nội dung bản tin của giáo xứ như sau: “ Phép lạ này xảy ra tại giáo xứ St. Vincent de Paul vào ngày 30 tháng 8. Một số bánh thánh rơi xuống sàn, và hai người đàn ông phụ trách dọn dẹp giáo xứ đã thông báo cho linh mục. Ngài ra lệnh đặt những bánh này vào một cái ly, đổ nước vào cho đến khi các bánh thánh tan ra hết”.
“ Ngày hôm sau, 31 tháng 8, họ lại dọn dẹp giáo xứ. Họ tìm một kính lúp để quan sát cho rõ và không thể tin vào những gì mắt mình nhìn thấy.
Nước có màu máu, và vào lúc 3 giờ chiều, nó trở nên đặc hơn hình thành một cục máu đông. Vào lúc 6 giờ chiều, phép lạ đã hoàn tất.”
“Vị linh mục đã giao phép lạ cho Đức Giám Mục giáo phận Morón”.
Giáo phận Morón ở Buenos Aires sau đó đã ra thông báo làm rõ vụ việc. Cha Martín Bernal, phát ngôn viên giáo phận cho biết cha xứ đã không truyền phép các bánh thánh và vụ việc có lẽ “không phải là một phép lạ Thánh Thể”.
Tuy nhiên, Giám mục Morón Jorge Vázquez cho biết “để mọi người yên tâm”, ngài bắt đầu “một cuộc điều tra và phân tích những bánh thánh nói trên”.
Đây là toàn bộ thông cáo báo chí của Giáo phận Morón
“Đối diện với các tuyên bố khác nhau về một phép lạ Thánh Thể được cho là đã xảy ra vào ngày 31 tháng 8 năm nay, Đức Cha Jorge Vázquuz, Giám mục của Morón, khẳng định qua lời chứng của linh mục đã cử hành Thánh lễ ngày hôm đó rằng điều này không phải là một phép lạ Thánh Thể, vì các bánh thánh mà các bản ghi âm và các bản văn đề cập đến chưa hề được thánh hiến bởi bất kỳ linh mục nào, nhưng đã bị làm rớt trước khi được thánh hiến.
Các bánh thánh này được giữ trong một túi nhựa, và sau đó được cho vào nước để làm tan ra, như quy định thường lệ trong những trường hợp như thế này.
Tuy nhiên, để mọi người yên tâm, Đức Cha đã bắt đầu một cuộc điều tra thích ứng và việc phân tích các bánh thánh nói trên sẽ được thực hiện trong phòng thí nghiệm.”
Source:tn.com.ar
2. Báo cáo của Hoa Kỳ: Vi phạm tự do tôn giáo vẫn tiếp diễn trên khắp thế giới
Các chính phủ và xã hội trên khắp thế giới tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo, nhưng một số quốc gia đã đạt được tiến bộ trong năm ngoái, các quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết khi công bố báo cáo thường niên.
Ngoại trưởng Antony Blinken và đại sứ Rashad Hussain đã đưa ra những đánh giá của họ về thực trạng toàn cầu của quyền được tin và thực hành đức tin khi trình bày Báo cáo năm 2021 của Bộ Ngoại giao về Tự do Tôn giáo Quốc tế. Báo cáo, được yêu cầu hàng năm theo luật năm 1998, đã đánh giá điều kiện của tự do tôn giáo ở gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ngoại trưởng Blinken nói: “Ở nhiều nơi trên thế giới, các chính phủ không tôn trọng các quyền cơ bản của công dân, đồng thời cho biết thêm rằng tất cả các xã hội” phải làm nhiều hơn nữa để chống lại các hình thức thù hận đang gia tăng, bao gồm chủ nghĩa bài Do Thái và chống Hồi giáo”.
Ông Blinken nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo rằng Afghanistan, Miến Điện, Trung Quốc, Eritrea, Pakistan và Ả Rập Xê Út là những ví dụ về các quốc gia bị vi phạm quyền tự do tôn giáo. Ngoài ra, quyền của các nhóm thiểu số tôn giáo “đang bị đe dọa” ở các nước như Ấn Độ, Nigeria và Việt Nam.
Tuy nhiên, Iraq, Morocco, Đài Loan và Timor-Leste là một trong những quốc gia đạt được “tiến bộ đáng chú ý”.
Hussain, người đã được Thượng viện xác nhận vào tháng 12 năm 2021 với tư cách là đại sứ đặc mệnh toàn quyền về tự do tôn giáo quốc tế, cho biết, “Từ Nhân chứng Giêhôva ở Nga; Người Do Thái ở Âu Châu; Baha’is ở Iran; Kitô hữu ở Bắc Triều Tiên, Nigeria và Ả Rập Xê Út; Người Hồi giáo ở Miến Điện và Trung Quốc; Người Công Giáo ở Nicaragua; và những người theo chủ nghĩa vô thần và nhân văn trên khắp thế giới, không có cộng đồng nào được miễn nhiễm với những hành vi lạm dụng này”.
Chuyên gia chính sách công cộng của Southern Baptist Chelsea Sobolik nói với Baptist Press sau khi báo cáo được công bố: “Khi hàng triệu người phải đối mặt với sự đàn áp dưới tay chính phủ của họ và hàng triệu người khác bị cưỡng bức phải di dời, vai trò của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày càng quan trọng để bảo đảm rằng tôn giáo quốc tế tự do là ưu tiên hàng đầu của chính sách đối ngoại.
Sobolik, giám đốc chính sách công của Ủy ban Tự do Đạo đức & Tôn giáo, cho biết: “Chúng ta phải luôn vận động để các chính phủ ngừng ngược đãi công dân của họ và làm việc để thúc đẩy việc bảo vệ cuộc sống và lương tâm trên toàn thế giới.
Hussain nói với các phóng viên các chủ đề chính trong báo cáo năm nay là:
“Có quá nhiều chính phủ sử dụng luật và chính sách phân biệt đối xử và lạm dụng chính người dân của họ.
“Sự không khoan dung và lòng thù hận đang gia tăng trong xã hội đang thúc đẩy bạo lực và xung đột trên khắp thế giới.”
“Sự hợp tác mạnh mẽ giữa xã hội dân sự, chính phủ và các đối tác đa phương đã dẫn đến một số tiến bộ và mang lại hy vọng trong việc giải quyết những thách thức phức tạp này”.
Hussain cho biết, xã hội dân sự, bao gồm các nhà lãnh đạo và tổ chức tôn giáo, là điều cần thiết cho công việc: “Hy vọng lớn nhất của chúng tôi là chúng ta có thể cùng nhau đoàn kết nỗ lực để bảo đảm tôn trọng tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng cho tất cả mọi người trên toàn cầu.”
Source:kentuckytoday.com
3. Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk: Hôm nay chúng ta đang trải qua 100 ngày chiến tranh, 100 ngày biểu lộ sự hiện diện tuyệt vời của Chúa giữa chúng ta
Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương đã có một video trình bày các nhận định của ngài sau 100 ngày chiến tranh kinh hoàng tại Ukraine.
Đức Tổng Giám Mục nói rằng chúng ta tin rằng Chúa là Đấng duy nhất mà chúng ta có thể và nên đặt hy vọng vào. Và hôm nay, vào ngày thứ một trăm của cuộc chiến này, chúng ta bắt đầu ngày đầu tiên của Thập kỷ Truyền giáo, đó là mười ngày chờ đợi sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần. Trong những ngày này, Giáo hội của chúng ta cầu nguyện cho tinh thần truyền giáo, cầu nguyện để có thể chia sẻ đức tin của mình với những người chưa phải là Kitô hữu ngày nay và chưa gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô.
Đức Tổng Giám Mục đã đề cập đến một đoạn trong bài Tin Mừng hôm nay kể về cuộc trò chuyện giữa Chúa Kitô và các môn đệ của Người trong Bữa Tiệc Ly.
“Và sau đó Philíp thưa với Chúa Giêsu, ‘Lạy Chúa, xin chỉ cho chúng tôi biết Chúa Cha và điều đó là đủ cho chúng con’.” Vị Tông đồ này bày tỏ ước muốn sâu xa nhất của mỗi người – đó là được biết Đấng Tạo Hóa của họ, được biết Đấng Cứu Rỗi của họ. Đây là mong muốn sâu sắc nhất của mỗi người mà họ phải hiện thực hóa trong cuộc đời mình.”
Đức Tổng Giám Mục cũng giải thích rằng khi chúng ta nói về việc tìm kiếm sự thật, thấu hiểu những gì xảy ra với một người, ngay cả trong một cuộc chiến tàn khốc, chúng ta đang hướng về Chúa Kitô. Hơn nữa, khi chúng ta tìm kiếm sự sống sung mãn, chúng ta muốn sống, ngay cả trong thời kỳ quân sự xâm lược đang gieo rắc chết chóc, chúng ta đang rao giảng về Chúa Kitô.
“Khi chúng ta đang cùng nhau đi trên con đường của Thập kỷ Truyền giáo này, tôi xin các bạn cầu nguyện cho tất cả các linh mục, tu sĩ, nữ tu và giáo dân của chúng ta, những người rao giảng về Chúa Kitô cho những người chưa biết Ngài, và cầu nguyện cho những người thực hiện công việc truyền giáo này của Giáo hội của chúng ta. Tôi xin anh chị em một lời cầu nguyện đặc biệt cho những người lính của chúng ta. Họ là những nhân chứng đặc biệt về sự hiện diện của Thiên Chúa cho chúng ta ngày nay, vì không có người vô thần nào trên chiến tuyến. Ngay cả những người không tin Chúa cũng cảm thấy rằng có ai đó đang ở ranh giới giữa sự sống và cái chết, và các Kitô hữu biết Ngài là ai và hướng về Thiên Chúa hằng sống hiện diện trong chúng ta trong Con Ngài là Chúa Giêsu Kitô.”
“Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người chưa biết con đường thật, những người vẫn đang tìm kiếm Chúa. Lạy Chúa, xin giúp chúng con chu toàn ơn gọi truyền giáo. Lạy Chúa, xin chúc lành cho Ukraine. Lạy Thiên Chúa, xin ban cho con cái Ngài niềm vui khi gặp Ngài. Lạy Chúa, Chúa là Chân lý của chúng con, Ngài là cuộc sống của chúng con, xin cho chúng con sống trong Ngài, biết Ngài, gặp gỡ Ngài, giúp cả thế giới biết đến Ngài.”
Source:UGCC