Có ít nhất một nữ tu mỗi sáng thức dậy và dọn các chuồng nuôi súc vật, ngay cả vào dịp Lễ Giáng sinh. Nhưng cũng có những lý do khác khiến cho sơ Mary-Joy trở thành một trường hợp đặc biệt.
Thời thơ ấu
Mary-Joy sinh năm 1951 và lớn lên ở Battle, thuộc quận East Sussex, cách London khoảng 80 km về phía đông nam. Cô đã trải qua thời thơ ấu bình thường như mọi trẻ em khác. Trở thành nữ tu là một trong những lựa chọn mà Mary-Joy nghĩ là cô có thể theo đuổi, bên cạnh việc trở thành người huấn luyện voi và tham gia Thế vận hội vào một ngày nào đó.
Mary-Joy đã phải cố gắng rất nhiều trong thời gian đi học do mắc phải chứng rối loạn trong việc học đọc hoặc giải nghĩa từ ngữ. Không may là chứng rối loạn này không được chẩn đoán. Nhưng cô lại “yêu thích làm mọi thứ”, và cô đã khám phá ra rằng cô “học qua các con ngựa”. Làm việc trong trang trại của gia đình đã dạy cho cô những kỹ năng mà cô có thể sử dụng để phục vụ rất nhiều người khác đang phải vật lộn với nhiều khuyết tật khác nhau.
Làm nên lịch sử
Mary-Joy đã làm nên lịch sử vào năm 1976. Sau khi đọc thấy một quảng cáo chiêu mộ lính cứu hỏa, cô đã khiến cho những người tuyển dụng ngạc nhiên khi gõ cửa và nói rằng cô muốn tham gia đội cứu hoả. Và cô đã trở thành người lính cứu hỏa nữ giới đầu tiên ở châu Âu trong thời bình. Khi đó, ngày làm việc của Mary-Joy bao gồm lao động trong trang trại và đi cứu hoả khi được liên lạc qua máy nhắn tin mà cô được trang bị.
Tạo cơ hội cho tha nhân
Những đứa trẻ có nhu cầu đặc biệt đến nhà của Mary-Joy và cô sẽ dạy chúng cởi ngựa. Một số em đến từ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, một số đến từ London, và một số trải qua những ngày cuối tuần. Trong khi ở trang trại, các trẻ em thích thú ở bên những con vật, ví dụ như xem trứng gà đến từ đâu. Thông qua những con ngựa và ngựa con, Mary-Joy có thể giúp các em phát triển và “cho các em một cơ hội”, như sơ mô tả. Trước đây, và cho đến bây giờ, điều này vẫn còn rất quan trọng đối với sơ.
Khi nhớ lại quãng thời gian làm lính cứu hỏa của mình, sơ Mary-Joy nói: “Cuộc sống thật thú vị và đầy những điều tươi đẹp”. Sơ cho biết thêm rằng việc ở trong một vài tình huống nguy hiểm đến tính mạng, những lúc mà sơ có thể là không còn trở về nhà nữa, đã khiến cuộc sống của sơ trở nên nghiêm túc hơn. Trong thời gian đó, đức tin và sự tín thác vào Thiên Chúa bắt đầu phát triển cùng với sự “hiểu biết về sự nâng đỡ của Thiên Chúa”.
Rời gia đình
Năm 1984, không lâu sau khi nghỉ phục vụ trong ngành cứu hoả, Mary-Joy đã gia nhập Dòng các Nữ tu Hài Đồng Giêsu, một Hội Dòng do Nicola Barrè thành lập tại Pháp, hiện có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Hoạt động tông đồ chính của dòng là giáo dục trẻ em, đặc biệt là những trẻ em sống trong những hoàn cảnh thiệt thòi nhất. Cả cha và mẹ của sơ vừa qua đời trong thời gian gần đây, nên sơ có trách nhiệm tìm nhà cho tất cả “những con vật dễ thương” mà sơ rất yêu quý trước khi vào dòng tu. Sẽ không lâu nữa sơ sẽ lại được bao quanh bởi “những con vật dễ thương” của mình.
Giấc mơ bắt đầu
Vài năm sau, sau sứ vụ đầu tiên không thành công tại một trường học ở Liverpool, Sơ Mary-Joy chuyển đến London. Sau đó vào năm 1989, Sơ Mary-Joy kể lại, “Tôi được trao cho cơ hội chăm sóc ba chú ngựa con. Ban đầu, tôi từ chối điều này vì vài năm trước đó, tôi đã từ bỏ các con ngựa của mình để bước vào đời sống tu trì. Nhưng sơ bề trên giám tỉnh của tôi lúc đó đã động viên tôi, nói rằng tôi thương các trẻ em và thương các chú ngựa, và điều quan trọng là sử dụng những tài năng mà Chúa đã ban tặng cho tôi”. Với ba chú ngựa con đó, Sơ Mary-Joy đã bắt đầu nơi mà sau này trở thành một trường dạy cưỡi ngựa chính thức.
Vùng đất mà sơ tìm thấy và mang những con ngựa con đến không có nhà cửa, chuồng ngựa, nhà vệ sinh, điện đèn, không có gì cả. Sau khi quyên góp tiền cho một dự án của hội dòng ở Peru, một trong những nữ tu ở đó nói với sơ rằng tốt hơn hết là quyên tiền cho dự án của chính sơ vì điều kiện của họ khá hơn sơ rất nhiều.
Giấc mơ được thực hiện
Sơ Mary-Joy giải thích, cho biết ước mơ của sơ đã được hiện thực như thế nào. Đó chỉ là sự nhiệt tình, và thiện chí của nhiều người đã đến và suốt những năm qua giúp đỡ sơ từng chút một. Từ chỗ hoàn toàn không có gì vào năm 1989, Trung tâm Wormwood Scrubs Pony hiện có những chú ngựa, ngựa con, lừa, chó và mèo, và một đội ngũ nhân viên đầy đủ. Một sân cưỡi ngựa lớn trong nhà đã được thêm vào năm 1994.
Trung tâm là nơi dành cho học sinh từ các trường khuyết tật, các thanh thiếu niên có vấn đề về sức khỏe tâm thần, khiếm khuyết đặc biệt và gặp khó khăn trong học tập. Ngay cả những người bị sa sút trí tuệ và trẻ em khuyết tật về thể lý cũng được giúp đỡ nhờ liệu pháp tại trung tâm. Tại đây, Sơ Mary-Joy đã phát triển một chương trình giáo dục để giúp cho những người đến đây phát triển nhân bản cá nhân, dạy họ các kỹ năng sống để họ có thể thực hiện được những gì họ mong muốn trong cuộc sống. Một số kỹ năng sống mà trẻ em có thể học là an toàn về cháy nổ, sơ cứu, chăm sóc động vật, tìm hiểu về môi trường và tất nhiên, cách chăm sóc và cưỡi ngựa.
Sơ Mary-Joy có một chuỗi các chữ cái sau tên của sơ, những từ nói về tên của dòng của sơ, Huân chương Đế chế Anh, được trao tặng bởi Nữ hoàng vì “các dịch vụ cho trẻ em khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn, Thành viên của Hiệp hội cởi ngựa dành cho Người tàn tật, Huấn luyện viên chuyên nghiệp được công nhận bởi Hiệp hội Ngựa của Anh, Huấn luyện viên được công nhận của Câu lạc bộ Pony, Nhà giáo dục huấn luyện viên thể thao Vương quốc Anh.
Dấn thân và chăm chỉ
Nhờ sự làm việc chăm chỉ và dấn thân của sơ, cũng như sự cộng tác của vô số tình nguyện viên, ước tính hơn 11.000 người đã được giúp đỡ từ cuộc sống làm việc của Sơ Mary-Joy.
“Nếu bạn mơ ước”, Sơ Mary-Joy nói, “nó sẽ xảy ra”. Theo sơ, Trung tâm Wormwood Scrubs Pony là một điều kỳ diệu. “Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra nếu tôi đã lên kế hoạch cho nó”, sơ nói. Đối với Sơ Mary-Joy, đời sống cá nhân và ơn gọi tu trì của sơ hòa quyện một cách tự nhiên. Trong một thế giới mà thành tích học tập được đánh giá cao, sơ đã chứng minh rằng bất kỳ ai, kể cả người khuyết tật về học tập, đều có thể đạt được những điều tuyệt vời.
Sr Bernadette Mary Reis, fsp