Khi thấy xã hội phát triển và đổi thay từng ngày, ai cũng tự hào và vui mừng trước những chuyển biến ấy. Thang giá trị đời sống được tính từ “ăn chắc mặc bền” đến “ăn no mặc ấm” lên “ăn ngon mặc đẹp” và giờ thì “ăn sang mặc mốt”. Tuy nhiên, một chiều kích khác cũng làm cho chúng ta cần lưu tâm với câu hỏi được đặt ra trong khuôn khổ bài viết này, đó là liệu đời sống tâm linh cũng tiến triển như giá trị vật chất ?
Để trả lời cho câu hỏi này, chúng ta cần phải đi ngược thời gian để trở về những thập niên 70, 80. Vào các dịp đại lễ thời ấy như Tuần Thánh hay tuần chầu lượt trong xứ đạo, tinh thần bà con giáo hữu phấn khởi. Các bậc làm ông bà hay cha mẹ thường nhắc nhở cháu con đi Nhà Thờ đi Lễ xưng tội. Những người làm ăn xa cũng thu xếp công việc để về quê sum họp cùng họ hàng làng xóm trong ngày đại lễ. Những việc làm rất bình thường lại có giá trị không tầm thường chút nào, vì nó in sâu vào tâm thức của những đứa trẻ trong gia đình với thói quen tốt đẹp. Điều ấy nhắc nhở chúng ta rằng đừng xem thường một việc làm dù là nhỏ nhặt trong việc giáo dục đức tin cho các con em, để có thể bén rễ sâu trong môi trường sống.
Hạt giống đức tin rất cần được chăm bón, tưới dội bằng những giọt nước nhỏ như vậy để có thể đứng vững trước mọi thử thách trong cuộc sống, nhờ biết đặt niềm tin của mình nơi Thiên Chúa là thành lũy chở che. Tin vào Thiên Chúa quyền năng là điều kiện cần thiết để con người được lãnh nhận ân sủng của Ngài. Mỗi lần làm phép lạ, Đức Giêsu nếu không đặt câu hỏi: “Con có tin không?” thì Ngài lại khen ngợi : “Lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi” (Lc 7,50).
Ngày nay nhiều Kitô hữu tham dự Thánh lễ khó cảm nhận được nguồn an ủi thiêng liêng, hay tâm tình tôn thờ và yêu mến Chúa, mà coi như một bổn phận bắt buộc hoặc một thông lệ hay một thói quen không hơn không kém. Chính vì vậy, một số tín hữu chọn đến xứ khác dự lễ vì ở đó Cha giảng ít, hoặc lễ nhanh. Họ đang dần mất ý thức Nhà thờ là nơi để gặp gỡ Thiên Chúa, nơi ta có thể bày tỏ tâm tình cầu xin, cảm tạ, chúc tụng Ngài.
Lại có một số khác thì cho rằng chỉ cần giữ đạo tại tâm nên không cần đi lễ và không cần giữ luật Hội thánh để khỏi mất thời giờ, mất tự do, và mất nhiều thứ khác nữa. Những người này tìm đủ lý do để biện hộ cho mình và cũng đặt ra nhiều câu để né tránh việc hun đúc đức tin như : Tạo sao tôi phải giữ luật Hội thánh trong khi những người không giữ mà họ có sao đâu? Tại sao tôi phải đi lễ trong khi nhiều người khác dùng thời gian này để đi chơi? Tại sao tôi phải đọc kinh, cầu nguyện hàng ngày?…
Và còn rất nhiều câu hỏi “tại sao” đặt ra cho bạn, cho tôi và cho tất cả những ai mang danh là Kitô hữu nữa. Chắc chắn ai cũng biết rằng đức tin của chúng ta nếu không được nuôi dưỡng bằng thứ lương thực bồi bổ là Lời Chúa và tham dự các bí tích thì sẽ bị thui chột. Vì thế chúng ta hiểu được nguyên nhân tại sao khi gặp trắc trở trong cuộc sống, nhiều người đã tìm đến với bói toán thay vì đến với Chúa. Đây không phải là vấn nạn của một người hay nhóm người, mà là hiện trạng đáng báo động cho mọi Kitô hữu.
Rồi nữa, trong cuộc sống còn có biết bao nhiêu thứ bả danh lợi thú hấp dẫn khác bị ngộ nhận là những thứ chính đáng để có lý do từ chối đến với Chúa, và thậm chí không dám nhận mình là người có Đạo. Vô tình chúng ta đang đổi Chúa để nhận lấy những công việc, đồng tiền và rất nhiều thứ phù phiếm.
Bởi thế, sống đạo là điều tối quan trọng, vì “Đức Tin không có việc làm là Đức Tin chết”, mà Đức Thánh Cha Phanxicô là ví dụ điển hình. Ngài đã nói: “Giáo hội Công giáo là một Giáo hội của người nghèo”. Mang tâm tình của người Mục tử yêu thương, chăm sóc cả những chiên con bị lạc, ốm đau, thương tật, chính ngài đã vào trại giam để thăm và động viên cũng như giảng Lời Chúa cho những thanh thiếu niên bị chính Cha mẹ và xã hội bỏ rơi. Những người này đã phải thốt lên rằng: “Họ thực sự tìm thấy niềm tin, tình thương từ nơi Đức Thánh Cha Phanxicô”. Đây cũng chính là tinh thần nghèo Đức Giêsu đã sống khi ở trần gian. Ngài đã trở nên nghèo khó thực sự để cho nhân loại được giàu ơn cứu độ.
Do đó, để niềm tin bén rễ và đâm sâu nơi tâm hồn thì chính mỗi người chúng ta. Hãy nhìn lại đức tin của mình, qua đời sống, công việc hàng ngày, qua mọi biến cố của thời cuộc. Mỗi người Kitô hữu hãy chân thành và đơn sơ cầu xin như các Tông đồ: “Xin thêm đức tin cho chúng con” (Lc 17,5) để dám sống và thể hiện niềm tin có Chúa trong thời đại hôm nay.
PHẠM THỤC