1. Sức mạnh của một ngôi nhà được làm phép: Nhà trừ quỷ tiết lộ lý do tại sao một ngôi nhà được làm phép có thể đẩy lùi ma quỷ
Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #149: Demons Repulsed by Blessed Homes”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 149. Ma quỷ bị đẩy lùi bởi những nhà được làm phép.”
Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Một người phụ nữ bị quỷ ám đã rời khỏi phòng của cô ấy để đi làm các việc lặt vặt.
Không nói cho cô ấy biết, tôi đã lặng lẽ làm phép và trừ tà bằng cách sử dụng nước thánh. Tôi cũng rắc muối trừ tà vào các góc trên sàn nhà.
Sau đó, tôi lấy dầu trừ tà và làm dấu thánh giá trên cửa ra vào, cửa sổ và xà ngang. Khi tôi bỏ đi, nhìn bằng mắt thường không có gì khác biệt.
Ngày hôm sau, cô ấy nhắn tin cho tôi:
Cha đã làm gì đó với căn phòng của con?
Tại sao con lại hỏi thế?
Cha đã làm phép căn phòng của con.
Sao con biết như thế?
Một cái gì đó đã thay đổi. Những con quỷ ghét căn phòng đó. Chúng vẫn còn ghét.
Cuộc trao đổi ngắn ngủi này làm rõ nhiều thứ.
Đầu tiên, nó giúp xác nhận người phụ nữ đã bị ma nhập. Cô ấy có “kiến thức huyền bí”. Không đời nào cô ấy có thể biết tôi đã làm phép và trừ tà cho căn phòng của cô ấy. Cô nhận được kiến thức này thông qua các con quỷ.
Có kiến thức huyền bí là một dấu hiệu mạnh mẽ thực sự bị quỷ nhập.
Thứ hai, nó xác nhận quyền năng và tầm quan trọng của việc được làm phép bởi một linh mục, đặc biệt là làm phép cho những ngôi nhà của chúng ta. Những con quỷ ghét nó và bị nó đẩy lui.
Một phụ nữ bị quỷ ám khác nói rằng khi cô ấy đến gần một ngôi nhà được làm phép, cô ấy rất khó vào đó, giống như khi vào một nhà thờ.
Một người thứ ba nói rằng khi cô ấy bước vào một ngôi nhà được làm phép, cô ấy có thể nhìn thấy con quỷ, thường hành hạ cô ấy, phải đứng ở bên ngoài. Nó nhìn qua cửa sổ khi cô vào trong nhưng không dám vào.
Một ngôi nhà được làm phép là một nơi thánh và những con quỷ trong người bị ám sẽ bị xua đuổi bởi bất cứ những gì linh thánh.
Đức Ông Stephen Rossetti, nhà trừ quỷ của Giáo phận Syracuse, nhấn mạnh rằng:
Tất cả chúng ta nên lo liệu cho nhà của mình được làm phép, tốt nhất là bởi một linh mục, và “nên sẵn lòng hợp tác” với ngài. Nhưng nếu không có linh mục hoặc phó tế, thì Sách Các Phép bản tu chính năm 1989 của Giáo hội, từ trang 237 đến trang 242, cho phép một giáo dân được làm phép nhà.
Trong trường hợp này, sau phần Giới thiệu, Các bài đọc Kinh thánh và Lời cầu nguyện, người giáo dân chắp tay cầu nguyện Lời chúc lành sau:
“Lạy Chúa, xin hãy gần gũi với những người tôi tớ Chúa đây
là những người dọn vào ngôi nhà này (hôm nay)
và đang cầu xin phước lành của Chúa.
Xin Chúa hãy là nơi nương ẩn của họ khi họ ở nhà,
Là bạn đồng hành của họ khi họ đi vắng,
Và chào đón họ khi họ quay trở lại.
Và cuối cùng xin nhận họ vào nơi
Chúa đã chuẩn bị cho họ trong
Nhà của Cha, nơi Chúa hằng sống hằng trị muôn đời.
Amen”.
Sau đó, những người tụ tập và nhà cửa được rảy nước thánh trong khi thừa tác viên nói: “Xin cho nước này nhắc nhở chúng ta nhớ đến phép rửa tội của chúng ta trong Chúa Kitô, Đấng đã cứu chuộc chúng ta bằng cái chết và sự phục sinh của Ngài”.
Source:Church POP
2. Tổng giám mục Salvador cảm ơn tổng thống vì đã hứa không chấp thuận những thay đổi hiến pháp nhằm ủng hộ phá thai
Tổng giám mục của San Salvador hôm thứ Bảy cảm ơn tổng thống El Salvador, Nayib Bukele, vì tổng thống cam kết không chấp thuận phá thai, tư tưởng giới tính hoặc trợ tử trong các cải cách hiến pháp do chính phủ của ông vạch ra.
Trong bài giảng của mình tại một Thánh lễ ngày 18 tháng 9 nhân kỷ niệm hai trăm năm lập quốc, Đức Tổng Giám Mục José Luis Escobar Alas, cũng là chủ tịch của hội đồng giám mục Salvador, nói rằng “chúng tôi muốn dành thời điểm này để cảm ơn tổng thống của nước cộng hòa vì sự cam kết ông không sửa đổi những điều khoản của Hiến pháp Chính trị liên quan đến việc tôn trọng sự sống của con người từ khi được hình thành cho đến giai đoạn cuối cùng của sự tồn tại của con người, một cách tự nhiên”.
Đức Tổng Giám Mục cũng cảm ơn tổng thống Bukele “vì cam kết của ông ấy không chấp thuận an tử, cũng như cam kết bảo vệ sự tôn trọng hôn nhân như một mối ràng buộc do Thiên Chúa thiết lập giữa một người nam và một người phụ nữ”.
Vào ngày 13 tháng 9, một liên minh gồm 75 tổ chức ủng hộ cuộc sống và ủng hộ gia đình đã yêu cầu tổng thống Bukele từ chối những cải cách được đề xuất. Và hơn 26,000 người đã ký một bản kiến nghị trực tuyến do CitizenGO đưa ra, trong đó cảnh báo về những nguy hiểm trong những đề xuất cải cách.
Source:Catholic News Agency
3. Đức Thánh Cha Phanxicô thương tiếc vị Hồng Y người Venezuela, người đã ‘cống hiến cuộc đời mình để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội’
Hôm thứ Sáu, Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của một vị Hồng Y người Venezuela, người “ đã hiến dâng mạng sống của mình để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội”.
Giáo hoàng đã bày tỏ sự tôn kính đối với Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino, tổng giám mục hiệu tòa của Caracas, trong một bức điện được công bố hôm 24 tháng 9, một ngày sau khi vị Hồng Y này qua đời sau khi nhập viện vì COVID-19.
Trong bức điện gởi cho Đức Hồng Y Baltazar Enrique Porras Cardozo, Giám quản tông tòa của Tổng giáo phận Caracas, ngài viết: “ Khi nhận được tin về cái chết của Đức Hồng Y Jorge Liberato Urosa Savino, Tổng Giám mục hiệu tòa của Caracas, tôi bày tỏ với Đức Cha nỗi buồn của tôi, xin Đức Cha vui lòng truyền đạt lại cho những người thân của vị Hồng Y đã qua đời và cho tất cả những người tạo thành một phần của cộng đồng giáo hội này”.
“Khi tưởng nhớ vị mục tử tận tụy này, trong nhiều năm và với lòng trung thành, đã hiến dâng cuộc đời của mình để phục vụ Thiên Chúa và Giáo hội, tôi xin cam đoan những lời cầu nguyện của tôi cho linh hồn Đức Hồng Y được nghỉ ngơi đời đời, xin Chúa ban cho ngài vương miện của vinh quang không phai mờ, và tôi ban phép lành, như một dấu chỉ của niềm hy vọng Kitô vào Chúa Phục sinh”.
Đức Tổng Giám Mục Porras thông báo về cái chết của vị Hồng Y 79 tuổi vào ngày 23 tháng 9, gần một tháng sau khi Đức Hồng Y Urosa nhập viện sau khi xét nghiệm dương tính với coronavirus.
Đức Hồng Y Urosa sinh ngày 28 tháng 8 năm 1942. Ngài được thụ phong linh mục vào ngày 15 tháng 8 năm 1967 tại tổng giáo phận Caracas, bao gồm thủ đô của Venezuela.
Ngài lấy bằng tiến sĩ thần học tín lý vào năm 1971 tại Đại học Giáo hoàng Grêgôriô ở Rôma.
Ngài là phó Giám đốc và sau đó là Giám đốc của Chủng viện San José của El Hatillo và Giám đốc của chủng viện liên giáo phận Caracas, nơi ngài là giáo sư triết học về nhân chủng học.
Ngài từng là chủ tịch của Tổ chức các Chủng Viện Venezuela và phó chủ tịch của Tổ chức các Chủng Viện Mỹ Latinh.
Đức Giáo Hoàng John Paul II đã phong ngài làm Giám Mục Phụ Tá Caracas vào ngày 3 tháng 7 năm 1982, và ngài được tấn phong vào ngày 22 tháng 9 năm đó, khi vừa tròn 40 tuổi.
Vào ngày 16 tháng 3 năm 1990, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Valencia, một tổng giáo phận ở bang Carabobo, tây bắc, nơi ngài đã phục vụ trong 15 năm.
Vào ngày 19 tháng 9 năm 2005, ngài được bổ nhiệm làm tổng giám mục của Caracas
Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã tấn phong Hồng Y cho ngài vào ngày 24 tháng 3 năm 2006.
Ngài cũng tham dự thượng hội đồng gia đình vào tháng 10 năm 2015, nổi bật vì bảo vệ mạnh mẽ đạo lý Công Giáo.
Trong bài phát biểu tại Thượng hội đồng, Đức Hồng Y Urosa khuyến khích các nghị phụ trong Thượng hội đồng đừng quên những lời dạy của Chúa Giêsu và Giáo hội trong khi thảo luận về khả năng cho những người Công Giáo ly dị và tái hôn được lãnh nhận Bí tích Thánh Thể.
Ngài cũng là một trong số 13 vị Hồng Y đã gửi thư cho Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ quan ngại về các thủ tục của Thượng hội đồng.
Đức Giáo Hoàng đã chấp nhận đơn từ chức Tổng giám mục Caracas của Đức Hồng Y vào ngày 9 tháng 7 năm 2018, sau khi ngài bước qua tuổi nghỉ hưu 75.
Là một tổng Giám mục hiệu tòa, ngài không tham dự Thượng hội đồng Amazon ở Rôma vào tháng 10 năm 2019, nhưng ngài đã viết một số bài báo trong đó nhắc lại tầm quan trọng của đời sống độc thân linh mục và nhấn mạnh sự cần thiết của việc loan báo Chúa Kitô và Tin Mừng ở Amazon.
Ngài là một nhà phê bình sắc bén đối với chế độ xã hội chủ nghĩa của Hugo Chávez. Chávez đã cho du đảng phá đám các thánh lễ do ngài cử hành. Ngài cũng chỉ trích sự lãnh đạo của tên độc tài Nicolás Maduro, là người mà ngài cùng với các giám mục Venezuela đã công khai và nhiều lần yêu cầu, rời bỏ quyền lực, kêu gọi các cuộc bầu cử công bằng và dân chủ.
Trong nhiều năm, những đã thúc đẩy án tuyên thánh cho Bác sĩ José Gregorio Hernández, bác sĩ của người nghèo, được phong chân phước vào ngày 30 tháng 4 năm 2021.
Source:Catholic News Agency