Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo
Bổn mạng Tỉnh Dòng Đaminh Việt Nam
Ga 19,25-27
Lm Px. Đào Trung Hiệu OP
Mừng Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo bổn mạng tỉnh dòng ngày 15.09, Xin mời đọc lại đoạn Tin mừng của ngày lễ theo thánh Gioan 19, 25-27.
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ : “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình”.
Hãy chiêm ngưỡng Đức Maria dưới chân Thánh giá. Đó là Đức Maria kiên cường, kiên vững, hào hùng. Mẹ không bi lụy, sầu thảm, khóc lóc vật vã như các bà mẹ khác trong trường hợp tương tự, vì Mẹ chấp nhận tất cả. Suốt đời Mẹ đã đồng cảm với những đau khổ của Đức Giêsu, nên Canvê là đỉnh cao 33 năm sứ vụ của Chúa Con, cũng là đỉnh cao 33 năm “đồng cảm” của người Mẹ, từ Belem đến Ai Cập, đến những ngày bôn ba rao giảng, đến những ưu tư thao thức, những bạc bẽo chối từ và cuộc hành trình thương khó.
Và chính giây phút này đây dưới chân Thập giá, Đức Maria đã toàn vẹn XIN VÂNG thánh ý Chúa Cha, để dâng hiến người Con Một yêu dấu. Chính giây phút này Mẹ nhận lời Đức Giêsu để qua Gioan, nhận một trách vụ mới, trở thành Mẫu thân Giáo hội, thành Mẫu thân loài người. Chính giây phút này Mẹ trở thành Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo, thành nữ vương của hàng triệu con người dám hiến dâng mạng sống cho Thiên Chúa, Đấng mình yêu mến.
Các chứng nhân Đaminh Việt Nam
Nhưng tước hiệu Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo bổn mạng mà Tỉnh dòng mừng kính gợi lên trong chúng ta hình ảnh hàng ngàn cha anh kiên cường Tử Đạo đứng quây quần quanh vị Nữ Vương của mình, đã hiến dâng cả đời mình cho niềm tin.
Tôi nhớ đến hiến lễ đầu tiên của cha Louis Fonseca năm 1588, máu của cha đã hòa lẫn với hiến lễ tối cao cha đang dâng trên bàn thờ trong ngục tối ; nhớ đến cha thánh Xuyên, bị kìm kẹp nung đỏ đốt cháy từng miếng thịt, vẫn can trường chịu đựng chứ không bỏ đạo ; nhớ đến thầy thánh Mậu, từ chối quan chức để trung thành với niềm tin ; và nhớ đến thầy thánh Toán sau 13 ngày bị lột trần phơi nắng sương, không hạt cơm vào bụng đã khẳng khái nói rằng : “nến ăn mà phải bỏ đạo, tôi không ăn”.
Martyr : tử đạo, đúng ra phải dịch là nhân chứng. Giờ tử đạo, cha anh chúng ta đã theo chân Đức Maria lên đến đỉnh núi Sọ. Nhưng suốt cuộc đời các vị đã làm chứng cho chân lý. Các vị đã không đi tìm cái chết, có điều khi nào thấy Đấng Quan Phòng muốn có một nhân chứng, thì các vị sẵn sàng đi trọn con đường Ngài vạch ra.
Do đó, cha anh chúng ta không chỉ làm chứng khi bị chém đầu mà trước tiên và chủ yếu là những bước chân loan báo Tin mừng. Cuộc tử đạo trường kỳ trong suốt cuộc sống. Khi phải “trốn trong đống rạ, dưới ruộng lúa, trong thùng gạo, trong mồ mả, hang sâu, chờ đêm về tiếp tục đi công tác”.
Làm sao ta có thể quên được thánh giám mục Hermossilla Liêm phải giả làm gia nô, xắn quần trát bùn nắm đuôi ngựa đi thụ phong ; thánh giám mục Berio Ochoa Vinh thụ phong trong đêm với gậy tre mũ giấy. Làm sao ta có thể quên được những thánh lễ vội vã trong hầm, những thánh lễ ngoài vườn của cha thánh Hiển, những thánh lễ dở dang của cha thánh Xuyên. Dù phải nay đây mai đó, cuộc sống bấp bênh, nhưng các vị không bao giờ nản lòng, vẫn tiếp tục hiện diện để trở thành một dấu chỉ “sức sống Giáo hội” giữa lòng dân Chúa.
Chứng nhân thuyết giáo
“Đồng cảm” với Đấng mong muốn “tất cả nên một đoàn chiên theo một Chúa Chiên” cha anh chúng ta cho đến khi bị bắt vẫn là những chứng nhân thuyết giáo.
Đẹp làm sao thánh giám mục Hermosilla Liêm, trong chiếc cũi chật hẹp, nằm không nổi mà ngồi cũng chẳng được, cứ khom lưng chịu mệt … thế mà vẫn giảng đạo, rửa tội cho con trai một viên đội. Đẹp làm sao hình ảnh một cha thánh Trạch, vẫn tin tưởng kêu mời chính quan tòa “hãy thờ kính Thánh giá để có sự sống đời đời. Hay một cha thánh Tự, cắt nghĩa rành rọt về Thượng phụ, trung phụ, hạ phụ để nói về Chúa Cha trên trời”.
Đẹp làm sao hình ảnh cha thánh Hiển, cụ già 70, sau bao cực hình tra tấn, mỗi tối nắn nót vẽ từng ảnh thánh giá tạo nên cả một phong trào tôn kính Ảnh Chuộc Tội ở Nam Định – và cũng đẹp làm sao mẫu gương tập thể năm anh em gồm hai thầy giảng (thánh Mậu, thánh Úy) và ba thanh niên (thánh Vinh, thánh Đệ, thánh Mới) đã biến nhà tù thành nhà nguyện chủ động hoàn cảnh, làm đơn sơ và xin khấn trọn đời (dòng Ba) rồi rỉ tai truyền bá Tin mừng, rửa tội trên bốn chục người… biến trại giam thành nguyện đường mỗi ngày vang lên những lời kinh mân côi, không làm khó chịu cho người nghe nhưng có ảnh hưởng sâu xa cho cuộc đời mình.
Qua Đức Mẹ để gặp Giêsu
Nói đến Kinh Mân Côi, chúng ta thấy một nét linh đạo của cha anh chúng ta, những người con tỉnh hạt Rất Thánh Mân Côi. Các vị đã đọc, sống và truyền bá các mầu nhiệm mân côi, qua đó hiệp thông với từng biến cố âm thầm của Đức Giêsu tại Nagiaret ; cùng Mẹ Maria theo chân Ngài lên đỉnh đồi Canvê và cùng chiêm ngắm vinh quang Phục sinh. Tài sản duy nhất của cha thánh Dụ khi bị bắt là chuỗi tràng hạt. Trong tất cả những khó khăn các vị đã phó thác cho sự bảo trợ của Đức Mẹ.
Thánh giám mục Valentino Vinh trong thư gửi cho Mẫu thân (thư 61) đã nói lên suy nghĩ của mình, tuy có vẻ hài hước nhưng cũng tràn đầy tin tưởng : “Mẹ à, với tràng hạt Mân Côi trong tay, với lời Kinh Lạy Cha và kinh Kính Mừng Maria tươi nở trên môi, với tư tưởng thánh thiện trong tâm trí, hỏi thế giới còn chi đẹp đẽ hơn ? Mẹ hãy thưa với Đức Maria về con. Lời cầu nguyện tốt lành ấy sẽ đánh gẫy răng quỉ dữ…”.
Một truyền thống cần được phát huy
Chọn Nữ Vương Các ThánhTử Đạo Việt Nam làm bổn mạng, chúng ta tự nguyện và xin Mẹ giúp sức để biết phát huy truyền thống hào hùng của cha anh. Tin tưởng theo gương Mẹ Maria, nghĩa là :
– Cảm thông với Chúa Giêsu trong lòng thế giới.
– Đảm nhận Giáo hội trong tình trạng hiện nay.
– Kiên cường chấp nhận hy sinh, khổ giá.
– Sẵn sàng hiến dâng và phục vụ cách sáng tạo.
Gắn bó với Chúa Cứu Thế, sống trọn đời mình cho chân lý, chết cái chết của mình và làm cho những dòng máu tử đạo trổ sinh hoa trái, hôm nay và mãi mãi.