Vào giữa thời điểm tâm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp và bùng phát ở nhiều nơi trên thế giới, lệnh cách ly xã hội tại nước nhà cũng được triển khai thực hiện để hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng xã hội thì những ngày vừa qua, cộng đồng mạng lại lan truyền hình ảnh về cậu bé Sùng Mí Sò, 12 tuổi ở xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, phải oằn mình đi cõng gạch thuê khiến ai nấy đều xót xa và thương cảm.
Hình ảnh em xuất hiện trên mạng trong dáng người nhỏ thó, đang lê từng bước khó nhọc khi tấm lưng trần của em cõng 3 viên gạch (khoảng 36 kg) đi lên trên bản với đoạn đường khá xa và dốc ngược, con đường mà xe không lên được nên phải dùng sức người. Thế mới xót xa! Điều đáng nói ở đây là một ngày em phải cõng thuê 3 chuyến gạch trên con đường này và chỉ được trả công 2.000 đồng/viên. Công việc nặng nhọc là thế, nhưng số tiền em kiếm được một ngày không được 20.000 đồng, thì làm sao không khỏi chạnh lòng?
Cứ sự thường vào tuổi của em, cái tuổi ăn tuổi ngủ, tuổi được vui chơi cùng bè bạn, được chú tâm học tập như bao đứa trẻ khác là điều cần thiết nhất chứ không phải nghĩ đến việc lo “cơm, áo, gạo, tiền” vào lúc này. Nhưng trớ trêu thay số phận em lại rơi vào một hoàn cảnh éo le và đáng thương. Bố em bị tai nạn giao thông và qua đời cách đây hơn 1 năm, người mẹ thay vì phải gánh trách nhiệm nuôi dưỡng em và 2 em nhỏ, lại biền biệt ra đi không một lần liên lạc hay chu cấp để nuôi nấng 3 anh em. Đứa em gái của em vì thế cũng phải nghỉ học giữa chừng để kiếm kế mưu sinh, các em phải sống dựa vào một chút đất trồng ngô của ông bà nội, nhưng ông bà nội thì mù chữ, không biết tiếng phổ thông, đau ốm liên miên. Bởi đó, em tức khắc trở thành lao động chính của gia đình. “Tấm lưng trần” chịu phơi sương phơi nắng của em đã trở thành nơi kiếm ra những đồng tiền ít oi với đầy mồ hôi, nước mắt và máu. Cứ nhìn từng động tác em bước đi là hiểu được những vất vả mà em trải qua.
Với những người có điều kiện bình thường, lao động là một điều vất vả, tần tảo, quăng mình vào cuộc đời và vật lộn với cuộc sống mưu sinh thì đã là một điều đáng sợ huống chi với những đứa trẻ mồ côi thì cuộc sống lại càng trở nên đáng sợ hơn. Hai chữ mưu sinh dường như đang trở thành gánh nặng trên những đôi vai bé nhỏ, những mảnh đời bất hạnh như các trẻ em ở miền núi. Làm gì để sống, làm gì để ăn ngoài những công việc dãi nắng dầm mưa, thậm chí phải lặn lội vào nơi nguy hiểm nhất trong khi các em đang tuổi cắp sách đến trường. Khuôn mặt hồn nhiên, vô tư của các em dường như thấm vẻ khắc khổ, lam lũ, lấm láp của gió sương.
Sau khi xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự thương cảm với hoàn cảnh của cậu bé trong ảnh. Theo đó, một số người viết: “Hãy nhìn xem, không những đôi chân mà cả cổ của em cũng phải gồng lên để mà đi. Nhìn em thương quá! Cuộc đời chắc có số phận cả; Trông các em mà đau lòng và nghĩ về những điều khác trong xã hội càng xót thương em. Cầu mong ông bà và các em nhiều sức khoẻ để vượt khó, sống mạnh khoẻ may mắn hơn mỗi ngày. Đọc mà thương quá đi thôi ! Còn biết bao nhiêu cảnh đời cơ cực như thế này mà hàng ngày ta nào đâu hay biết giữa cái thời buổi vốn dĩ đã văn minh và hiện đại hơn xưa rất nhiều…”.
Làm sao không xót xa được khi em đang trong độ tuổi đáng được quan tâm, chăm sóc để phát triển về mọi mặt từ thể chất cũng như tinh thần cho đến tình cảm; cần phải được học tập để hình thành nhân cách, nhưng em lại không được quyền hưởng trọn vẹn những điều đó.
Làm sao không xót xa được khi mặc dù mới 12 tuổi nhưng em đã phải làm lụng ngang sức của một người lớn, tấm lưng trần của em phải mang lấy trọng trách như một người trụ cột gánh vác gia đình.
Làm sao không xót xa được khi cả ngày thân em mệt nhoài ngược xuôi trên bản làng, tấm thân nhỏ bé ấy khi phải cõng trên lưng 3 viên gạch nặng 36 kg, phải leo lên cái dốc kia cũng khiến cho lả người, còng lưng, khụy chân mà chỉ nhận được một khoản tiền công “quá là khiêm tốn” (2.000 đồng/viên), chưa kể những ngày mưa nắng thất thường, đôi bàn chân em làm sao có thể kéo nỗi tấm thân gầy còm cùng với những viên gạnh đè nặng trên đoạn đường khó khăn và trơn trượt.
Làm sao không xót xa được khi khuôn mặt gầy còm, dáng người nhỏ thó, đen nhẻm cộng với tấm lưng trần của em có thể chịu đựng được sức nặng của những viên gạch với tổng khối lượng bằng với cân nặng của cơ thể em.
Làm sao không xót xa được khi biết bao bạn đồng trang lứa với em được bao bọc chở che của mọi người trong gia đình như những “cậu ấm cô chiêu”; được cha mẹ nâng niu, chăm bẵm, lo lắng cho từng bữa ăn giấc ngủ; được đến trường với những bộ quần áo mới đắt tiền và được đưa đón trong sự thương yêu, trong khi em phải hứng lấy tất cả bụi bặm của cuộc đời, đầu trần chân bươn chải khắp hang cũng ngõ hẻm để kiếm tiền nuôi sống mình và người thân.
Làm sao không xót xa được khi mỗi ngày em phải lao động vất vả nhưng ít khi nào được bữa cơm lành canh ngọt, cuộc sống khó khăn nơi bản làng thì lương thực chính chỉ là mèn mén (món ngô xây của người Mông).
Làm sao không xót xa được khi tấm lưng trần ốm yếu và dễ bị thương tổn vì sức nặng đè lên, có lúc tôi tự hỏi không biết với nhịp độ đều đặn của công việc làm thuê như vậy, em có thể trụ được bao nhiêu ngày. Giả sử một ngày nào đó, tấm lưng này của em không đủ sức chống đỡ nỗi nữa thì cuộc đời em, cuộc đời 2 đứa em nhỏ và cuộc đời ông bà nội của em sẽ ra thế nào đây?
Em à! Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và trên thế giới phê chuẩn Công ước về quyền trẻ em năm 1990, luôn hướng tới đảm bảo mọi trẻ em đều khỏe mạnh, an toàn, được giáo dục và trao quyền để phát triển tối đa tiềm năng, nhưng nhan nhản đâu đây từ thôn quê đến thành thị, vẫn đầy dẫy những bạn thiếu nhi cùng trang lứa với em bị bỏ lại phía sau, bị loại ra ngoài bởi tác động của sự phát triển kinh tế xã hội năng động này. Nhiều bạn thiếu nhi đang chịu cảnh thiếu thốn về giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nơi ở, nước và vệ sinh môi trường hoặc hòa nhập xã hội cũng như quyền được bảo vệ.
Ai là người đứng ra chịu trách nhiệm cho số phận của em? Ai là người xoa dịu để tấm lưng trần của em không bị bầm dập, không bị rướm máu, không bị thương tổn vì áp lực của những viên gạch trĩu nặng vai? Ai là người nâng em chỗi dậy khi em ngã nhoài trên đường đời? Có lẽ hàng loạt câu hỏi đặt ra nhưng không biết đến bao giờ mới có câu giải đáp. Tôi tự hỏi không biết có bao giờ em oán trách cuộc đời, hận người, lên án xã hội đã đưa đẩy em đi vào trong cảnh khắc khổ lam lũ như thế. Có lẽ em phải bôn ba, bươn chải, vật lộn với đời, còn giờ đâu mà oán với hận, trách với than. Thế mới khiến cho bao người càng cảm thấy đau hơn!
Tôi cảm thấy có một cái gì đó nhói lòng khi bắt gặp hình ảnh của em trong thời gian mà mọi người trong Giáo hội tại Việt Nam đang thao thức và thực hiện định hướng “Đồng hành với người trẻ trong tiến trình hướng tới sự trưởng thành toàn diện”. Tôi làm gì cho em đây?
Trong lúc em bị quăng vào cuộc đời có khi không một ai ngó ngàng đến thì vẫn còn đó một người đang dõi mắt nhìn em, hiểu em, cảm thông và luôn chúc lành cho em, người đó chính là Giêsu, em à! Ngài đã từng khẳng định “Nước Trời là của những ai giống như trẻ thơ”(x. Mt 19, 14), mà em chính là trẻ thơ trong mắt và trong trái tim Ngài. Cầu mong em nhận được nhiều lời chúc phúc của Ngài, luôn được bình an và tia sáng hy vọng sớm ngời lên trong đôi mắt hồn nhiên của em. Tấm lưng trần của em lại được xoa dịu và chữa lành.
Nhìn vào em đã để lại cho đời nhiều bài học! Bài học về những ân huệ mình nhận được từ cuộc đời thật vô giá. Nếu đang cảm thấy cuộc đời mình thật chẳng sáng sủa gì, mệt mỏi, áp lực thì hãy xem cuộc đời của em để thấy rằng cuộc sống này đã ưu ái cho mình quá nhiều rồi.
Nt. Mary Nguyễn Hòa (Mến Thánh Giá Qui Nhơn)