Tấm thảm của Đức Thánh Cha Phanxicô quý đến mức hình chụp tấm thảm đã bán được 150,000 Mỹ Kim

1. Kết quả các cuộc bầu cử các chủ tịch Ủy ban USCCB

Hôm 15 tháng Mười Một năm 2021, Hội đồng Giám mục Mỹ đã bắt đầu khóa họp mùa thu cho đến thứ Năm, ngày 18 tháng Mười Một tới đây, tại thành phố Baltimore. Đây là khóa họp trực diện đầu tiên kể từ hai năm nay, sau thời kỳ đại dịch.

Mỗi năm, các giám mục Mỹ nhóm họp hai lần: khóa họp bán niên vào tháng Sáu và khóa họp mùa thu, là khóa họp chính vào tháng Mười Một, diễn ra tại thành phố Baltimore, là giáo phận đầu tiên tại nước này.

Các giám mục dành ngày đầu tiên để họp riêng, gọi là “phiên họp điều hành”, giới báo chí hoàn toàn không được tham dự. Trong phiên này, các tham dự viên hoàn toàn tự do thẳng thắn trao đổi về Văn kiện giáo huấn về Bí tích Thánh Thể. Việc bỏ phiếu chung kết về dự thảo văn kiện này sẽ diễn ra vào ngày cuối.

Đây là một vấn đề đã thu hút nhiều chú ý của dư luận và đã được thảo luận trong khóa họp trực tuyến hồi tháng Sáu năm nay. Lý do vì văn kiện này liên hệ một cách nào đó tới sự kiện có những chính trị gia, tuy xưng mình là Công Giáo nhưng công khai ủng hộ phá thai và vẫn lên rước lễ.

Trong khóa họp hiện nay, các giám mục Mỹ sẽ bầu lại vị thủ quỹ, cũng là Chủ tịch Ủy ban ngân sách và tài chánh, tiếp đến là chủ tịch mới cho năm ủy ban, là: giáo sĩ, tu sĩ và ơn gọi; rồi Ủy ban phụng tự, Ủy ban công lý nội địa và phát triển nhân bản; Ủy ban giáo dân, hôn nhân, đời sống gia đình và giới trẻ, sau cùng là Ủy ban về di trú. Các vị đắc cử sẽ có một năm chuẩn bị, trước khi chính thức nhận nhiệm vụ.

Giáo Hội Công Giáo tại Mỹ hiện chiếm 20.8% trên tổng số 326 triệu dân, so với 46.5% theo các hệ phái Tin lành. Các tín hữu Công Giáo thuộc 195 giáo phận được gộp thành 33 giáo tỉnh.

Hôm 16 tháng 11, tại Baltimore, trong khuôn khổ phiên khoáng đại mùa thu của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, các Giám Mục đã bầu sáu chủ tịch mới. Chủ tịch được bầu sẽ giữ vai trò này trong một năm trước khi đảm nhận chính thức vị trí “chủ tịch” tại Đại hội đồng mùa thu năm 2022.

Image of Bishop elect James F Checchio Credit Leo Song Seminarian Pontifical North American College CNA 3 8 16

Đức Cha James F. Checchio của Metuchen đã được nhiều phiếu hơn Đức Tổng Giám Mục Paul Etienne của Seattle với kết quả 135 so với 106 và được tuyên bố là thủ quỹ mới của Ủy ban Tài chính và Ngân sách.

Đức Cha Earl Boyea của Lansing được bầu làm chủ tịch Ủy ban về Giáo sĩ, Đời sống Thánh hiến và Ơn gọi với số phiếu 137 so với Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver được 103 phiếu.

Trong cuộc bầu cử sít sao nhất trong ngày, Đức Cha Steven Lopes của Giáo Hạt Tòng Nhân Ngai Tòa Thánh Phêrô được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Phụng Tự với 121 phiếu, hơn Đức Tổng Giám Mục Mitchell Rozanski của St. Louis chỉ có 1 phiếu.

Các giám mục đã bầu Đức Tổng Giám Mục Borys Gudziak của tổng giáo phận Công Giáo Đông phương Ukraine ở Philadelphia làm chủ tịch Ủy ban Công lý Quốc nội và Phát triển Nhân văn với 125 phiếu. Đức Cha Thomas Paprocki của Springfield, Illinois chỉ được 116 phiếu.

Đức Cha Robert Barron, Giám Mục Phụ Tá của Tổng giáo phận Los Angeles, được bầu làm chủ tịch Ủy ban Giáo dân, Hôn nhân, Đời sống Gia đình và Thanh niên với 140 phiếu so với 103 phiếu dành cho Đức Cha Edward Burns của Dallas.

Cuối cùng, Đức Cha Mark Seitz của El Paso đã trở thành chủ tịch mới được bầu của Ủy ban Di cư với 127 phiếu. Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami chỉ được 116 phiếu.

Các giám mục cũng bầu ba giám mục vào ban giám đốc của Catholic Relief Services, tức là, Dịch Vụ Cứu Trợ Công Giáo, gọi tắt là CRS. Đức Tổng Giám Mục Timothy Broglio của Tổng Giáo phận Quân Đội Hoa Kỳ, và Đức Cha Oscar Solis của Salt Lake đã được bầu lại cho nhiệm kỳ thứ hai, là nhiệm kỳ cuối cùng, và Đức Cha Donald Hying của Madison cũng được bầu vào hội đồng quản trị.


Source:Catholic News Agency

2. Tấm thảm của Đức Thánh Cha Phanxicô quý đến mức hình chụp tấm thảm đã bán được 150,000 Mỹ Kim

Hôm 15 tháng 11, tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, cho biết tấm thảm của Đức Thánh Cha Phanxicô quý đến mức hình chụp tấm thảm, chứ không phải là tấm thảm, chỉ hình chụp thôi, đã bán được 150,000 Mỹ Kim.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Bài báo trên tờ Aleteia có nhan đề “Carpet given to Pope Francis has been turned into non-fungible token (NFT) to help Afghan weavers”, nghĩa là “Tấm thảm tặng cho Đức Thánh Cha Phanxicô đã được mã hoá kỹ thuật số không thể thay thế (NFT) để giúp những người thợ dệt Afghanistan.”

NFT, là chữ viết tắt của non-fungible token, trong trường hợp này nghĩa là tấm ảnh kỹ thuật số có đi kèm các mật mã có thể xác định người chủ đích thực của tấm ảnh.

Bài báo viết như sau:

Một hình ảnh kỹ thuật số của tấm thảm sẽ được bán với giá ước tính 150.000 Mỹ Kim.

Một tấm thảm được trao cho Đức Thánh Cha Phanxicô thực sự là “món quà không ngừng cho đi”.

Vào năm 2016, Sheikh Mohamed bin Zayed Al-Nahyan, thái tử của Abu Dhabi đã tặng cho Đức Thánh Cha một tấm thảm dệt tay nhân chuyến thăm của thái tử tới Vatican.

Bây giờ tấm thảm đó đã trở thành hình ảnh kỹ thuật số NFT, dự kiến sẽ thu về 150,000 đô la khi nó được bán vào cuối tuần này, Mashable.com đưa tin.

Một hình ảnh kỹ thuật số của tấm thảm đã được tạo ra và sẽ được hiển thị trong “một khung vàng trang trí công phu trên canvas kỹ thuật số 65 inch”, tại Abu Dhabi Art tuần này, theo báo cáo.

Tấm thảm được dệt bởi những người phụ nữ Afghanistan và được sản xuất bởi Fatima bint Mohamed bin Zayed, một nhà buôn đồ thủ công từ Afghanistan.

Công ty đã nảy ra ý tưởng bán một bản sao kỹ thuật số của tấm thảm để giúp những người thợ dệt Afghanistan, những người sẽ nhận được 80% số tiền bán được.

Maywand Jabarkhyl, giám đốc điều hành của Fatima Bint Mohamed Bin Zayed cho biết: “Quá trình biến một trong những tấm thảm mang tính biểu tượng nhất của chúng tôi thành NFT là một bước tiến quan trọng cho sáng kiến của chúng tôi”.

“Nó không chỉ cho chúng tôi cơ hội đưa các thiết kế của mình đến với khán giả toàn cầu mà còn mở ra một luồng doanh thu mới, sẽ là vô giá đối với các nghệ nhân của chúng tôi ở Afghanistan, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc khủng hoảng gần đây. Với những tháng mùa đông khắc nghiệt đang đến rất nhanh, số tiền quyên góp được sẽ hướng tới việc cung cấp các mặt hàng cứu trợ cốt lõi cho những người dễ bị tổn thương nhất ở Afghanistan”.

Tấm thảm ban đầu, có kích thước 9 nhân 6 ft hay 2.7m nhân 1.8m, vẫn thuộc quyền sở hữu của Giáo hoàng Francis. Người mua NFP, ngoài việc nhận được một bản sao kỹ thuật số của tấm thảm được lồng vào khung, sẽ mang về nhà một bản sao của tấm thảm, có kích thước bằng 2 phần 3 của tấm thảm thật sự.


Source:Aleteia

3. Tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích giải thích thêm về lý do của Tự Sắc Traditionis Custodes

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Thụy Sĩ nói tiếng Ý, phát sóng ngày 14 tháng 11, Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche nói rằng “hình thức bình thường của việc cử hành Nghi thức Rôma được tìm thấy trong những tài liệu đã được công bố kể từ Công đồng Vatican II.”

Đức Tổng Giám Mục Roche nhận định rằng, trên hết, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đưa ra các nhượng bộ “để khuyến khích những người theo Đức Tổng Giám Mục Lefebvre, quay trở lại hiệp nhất với Giáo hội”

“Rõ ràng là Tự Sắc Traditionis Custodes đang nói: OK, thử nghiệm này không hoàn toàn thành công. Và vì vậy, chúng ta hãy quay trở lại những gì Công đồng Vatican II yêu cầu đối với Giáo hội”.

Tự Sắc Traditionis Custodes, có hiệu lực vào ngày 16 tháng 7, là ngày được công bố, nhấn mạnh rằng một giám mục có “thẩm quyền duy nhất” trong việc cho phép thánh lễ Latinh truyền thống trong giáo phận của ngài.

Tuy nhiên Tự Sắc cũng đặt ra trách nhiệm đối với các Giám Mục mà trong giáo phận của ngài đã có một hoặc nhiều nhóm dâng Thánh lễ dưới hình thức ngoại thường, buộc các Giám Mục phải bảo đảm rằng các nhóm này không phủ nhận hiệu lực của Công đồng Vatican II và Huấn quyền.

Các Giám Mục được hướng dẫn chỉ định một hoặc nhiều địa điểm nơi các tín hữu gắn bó với Thánh lễ Latinh Truyền thống có thể tụ họp để cử hành thánh thể. Tuy nhiên, không phải ở các nhà thờ giáo xứ và không được xây dựng thêm các giáo xứ tòng nhân mới.

Trong một bức thư gửi các giám mục trên thế giới giải thích quyết định của mình, Đức Thánh Cha nói rằng ngài cảm thấy buộc phải hành động vì việc sử dụng Sách Lễ năm 1962 “thường được đặc trưng bởi sự từ chối không chỉ cải cách phụng vụ, mà còn của chính Công đồng Vatican II, tuyên bố, với những khẳng định vô căn cứ và không thể biện minh được, rằng Công Đồng đã phản bội Truyền thống và ‘Giáo hội chân chính.’

Tự Sắc Traditionis Custodes đã thực hiện những thay đổi đáng kể đối với Tự Sắc Summorum Pontificum, vào năm 2007 của Đức Bênêđíctô thừa nhận quyền của tất cả các linh mục được cử hành Thánh lễ bằng Sách lễ Rôma năm 1962.

Thánh lễ sử dụng Sách lễ năm 1962 được biết đến với nhiều hình thức khác nhau như là hình thức ngoại thường của Nghi thức Rôma, Thánh lễ Tridentinô, và Thánh lễ Latinh truyền thống.

Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II đã viết tông thư Ecclesia Dei vào năm 1988, sau khi Tổng Giám Mục Lefebvre tấn phong 4 giám mục mà không được phép của Tòa thánh. Đức Tổng Giám Mục Lefebvre, đặt trụ sở Huynh Đoàn Thánh Piô X ở Écône, Thụy Sĩ, đã bị vạ tuyệt thông cùng với bốn giám mục.

Đức Bênêđíctô đã dỡ bỏ vạ tuyệt thông đối với bốn giám mục được tấn phong bất hợp pháp vào năm 2009, nhiều năm sau cái chết của Đức Tổng Giám Mục Lefebvre, như một phần trong nỗ lực của ngài để đưa Huynh Đoàn Thánh Piô X trở lại hiệp thông với Giáo Hội. Cho đến nay, Huynh Đoàn Thánh Piô X vẫn tiếp tục ở trong trạng thái không hiệp thông với Giáo Hội.

Trong phần bình luận của ngài với chương trình truyền hình Thụy Sĩ, Đức Tổng Giám Mục Roche nói rằng cải cách phụng vụ được đa số giám mục tham dự Công đồng Vatican II mong muốn, đã diễn ra tại Rôma từ năm 1962 đến năm 1965.

“Và chúng ta phải nhớ rằng cải cách phụng vụ không phải là ý muốn của giáo hoàng. Đây là ý muốn của đại đa số các giám mục trong Giáo Hội Công Giáo, những người đã được tập hợp lại với nhau trong công đồng đại kết lần thứ 21.”

Vị tổng giám mục 71 tuổi người Anh nói thêm: “Những gì được đưa ra vào năm 1570 là hoàn toàn phù hợp với thời điểm đó. Những gì được đưa ra trong thời đại này cũng hoàn toàn phù hợp với thời đại này”.

Năm 1570 là khi Đức Giáo Hoàng Piô V ban hành tông hiến Quo primum, quy định rằng việc sử dụng Sách lễ Rôma sửa đổi là bắt buộc trong toàn Giáo hội phương Tây, với một số ngoại lệ. Đức Piô V đã thực hiện các bước theo Công đồng Trent, từ đó bắt nguồn thuật ngữ thánh lễ Tridentinô.


Source:Catholic News Agency

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *