Sắc trời đổi màu! Thời khắc cuối năm cùng với sự thay da đổi thịt của vạn vận báo hiệu một năm Âm lịch dần khép lại, hé mở năm mới đang gõ cửa với bao điều phía trước. Quả vậy những thời khắc cuối năm, cách riêng cuối năm âm lịch với người Á Đông nói chung và người Việt nói riêng có gì thật linh thiêng, vừa háo hức, vui tươi nhưng cũng không kém phần tĩnh tại, êm đềm và sâu lắng. Chính sự trầm lắng, nơi những khoảng lặng, giúp con người ta có thời gian để dừng lại và chiêm nghiệm về kiếp nhân sinh, về cuộc đời và về chính mình, nhất là trong một năm đã qua. Hòa quyện với sự nhộn nhịp, xô bồ, tất bật, quay cuồng của nhịp sống hiện đại, vẫn còn đó những nét thâm trầm, những khoảng lặng dù có thể hiếm hoi, nhưng đáng quý để ai đó chiêm nghiệm cuộc đời, về cái “thời” của con người.
Thật vậy, cuộc đời con người là một “cái thời”, một thời để sinh ra, một thời để sống và một thời để chết đi. Hay như nguời ta vẫn nói sông có khúc, người có lúc, thời thế thế thời, rồi cái gì cũng có cái thời của nó. Lật giở những trang Kinh Thánh, chúng ta cũng thấy rất nhiều bức tranh đa sắc về cái thời. Trong đó, sách Giảng Viên có những dòng rất hay và sâu sắc về chữ “Thời”: “ Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời: một thời để chào đời, một thời để lìa thế; một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây; một thời để giết chết, một thời để chữa lành; một thời để phá đổ, một thời để xây dựng; một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một thời để múa nhảy; một thời để quăng đá, một thời để lượm đá; một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn; một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất; một thời để giữ lại, một thời để vất đi; một thời để xé rách, một thời để vá khâu; một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một thời để gây chiến, một thời để làm hòa…”[1]
Cũng trong chiều hướng đó, Đức Giê-su khi đến trần gian, Ngài cũng chấp nhận “cái thời” của con người, và Ngài nói tới cái thời, thời kì đã mãn, thời để sám hối, thời để tin và được cứu độ; đi xa hơn, Ngài còn mạc khải về thời của Nước Thiên Chúa: “Thời kì đã mãn và Nước Thiên Chúa đã đến gần….”[2] Tất cả để nói lên chữ thời mà đôi khi chúng ta vì quả mải mê chuyện thế trân mà lạc trôi trong vô định, đôi lúc hay nhiều khi con người lại quên mất chữ Thời, nên lâm cảnh trầm luân lúng túng của những nàng tiên xuống chơi hồng trần rồi bị giấu mất đôi cánh không còn thể trở lại chốn thiên thai được nữa.[3] Vì thế, trong những khoảnh khắc của tiết xuân, người viết thiết tưởng đây là thời cơ thuận tiện dừng lại đôi chút để chiêm nghiệm, tản mạn về chữ Thời nơi thời gian, thời tiết và thời đại mà chúng ta đang hiện hữu. Qua đó, cách nào đó phác họa đôi nét về kiếp nhân sinh, về những ước vọng khả dĩ của con người mỗi dịp tết đến xuân về…
Thời gian…
Giáo sư Trần Phương Hồ, trong lời tựa cuốn sách “Chữ Thời” của linh mục triết gia Kim Định, đã diễn tả thật hay về thời gian: “Thời gian, hai tiếng đầy bí hiểm. Bí hiểm vì quá thân cận với con người. Đúng hơn đó chính là nguyên tố cấu tạo nên con người và con người chỉ tiến hóa khi nương tựa theo cánh thời gian.”[4] Quả vậy, thời gian luôn là một chủ đề vừa hấp dẫn, vừa bí ẩn, nhưng lại luôn nhức nhối và thu hút sự quan tâm của con người.
Thời gian là thứ không màu, không mùi, không vị… nhưng lại là thứ ướp cho cuộc đời muôn màu, muôn mùi muôn vị để làm nên cái chất của cuộc đời. Thời gian cứ lững lờ, chẳng đợi chờ ai, chẳng quan tâm đến ai. Nó cứ lặng yên, nhưng lại cuốn trôi mọi thứ, mặc cho sự ồn ã của vũ trụ và loài người bởi tất cả cuối cùng cũng phải lặng yên và bị xóa nhòa trong nó; thời gian cứ êm trôi nhưng sức mạnh ghê gớm của nó lại có thể nhấn chìm mọi thứ sôi động nhất, dập dồn nhất và tưởng chừng mạnh mẽ nhất của kiếp nhân sinh, để rồi đẩy lui vào quá khứ tất cả mọi sự đã đi qua nó; thời gian như thể vô cảm lặng lẽ nhìn từng người, từng thế hệ xuất hiện, đi qua, rồi biến tan trong nó… Thời gian là thứ nhanh nhất nhưng cũng là thứ chậm nhất dù nó đều nhất, bởi vòng xoay của nó luôn bền vững, luôn vần xoay mà chẳng một thứ gì, chẳng một tiến bộ nào có thể ngăn bước nó… Thời gian chứa đựng mọi sự biến đổi dù là nhỏ nhất của một kiếp người hay của bất cứ sự vật nào; thời gian luôn chứng kiến mọi sự biến đổi và chẳng bày tỏ bất cứ cảm xúc nào trước những được hay mất của những gì diễn ra trong nó… Nó cứ lặng lẽ, cứ vô cảm, cứ miệt mài làm nhiệm vụ của nó… đón nhận tất cả để rồi cũng biến đổi và nghiền nát tất cả.
Quả vậy, chiêm ngăm sự vận hành của vũ trụ, sự lưu chuyển tuần hoàn của thời gian, chúng phải thốt lên ngạc nhiên và thán phục Đấng Tạo Hóa về sự vi diệu, cách riêng với thời gian. Cùng với đó, hòa với nhịp thở của thời gian, chúng ta thấy vạn vận và con người hiện hữu trong thời gian và qua thời gian, nên không ngừng biến đổi, sinh ra và chết đi theo thời gian. Chúng ta hiện hữu trong thời gian và chỉ trong thời gian chúng ta mới biến đổi. Bao thời kì đã trải qua trong dòng thời gian, để rồi còn lại có thể là hư không, hay đôi khi chỉ là những vết tích, những kí ức dù đẹp nhưng tiếp tục sẽ lu mờ dần và biến mất theo thời gian. Để rổi thời gian vẫn lặng lẽ trôi, chậm chạp, lờ lững nhưng có sức mạnh biến đổi kì diệu cuốn tất cả vào trong đó để biến đổi, để vần xoay, để nghiền nát và trả tất cả về “nơi tình yêu bắt đầu”. Thời gian cứ trôi rất lặng lẽ, thậm chí vô cảm để rồi khi con người dừng lại để chiêm ngắm nó, mới thấy nó trôi thật nhanh, và sức biến đổi trong nó thật mãnh liệt vượt tầm với của con người.
Chính vì thế, Tết chính là thời điểm tuyệt vời để chúng ta chiêm nghiệm thời gian. Suy tư về thời gian cũng chính là suy tư về chính mình, về những gì chúng ta đã và đang sống, những gì chúng ta sẽ sống. Để rồi qua đó, chúng ta nhận ra sự nhỏ bé, mỏng dòn của kiếp nhân sinh, mà chỉ chớp mắt thôi, thời gian đã vụt mất và chẳng thể quay trở lại. Nhờ đó, chúng ta biết trân trọng thời gian, quý trọng con người, tôn trọng thiên nhiên vì thời gian trôi qua không bao giờ trở lại, không phải vì thời gian biến đổi nhưng vì chính chúng ta và vạn vật biến đổi theo dòng thời gian và chẳng thể lấy lại được những gì thời gian đã cuốn trôi: sức khỏe, tuổi tác, sự nghiệp, tình yêu, môi trường, khí hậu… mọi thứ mà nếu chúng ta không trân trọng sẽ bị thời gian nghiền nát và trở nên vô ích, thậm chí có hại cho đời, cho người…
Đôi dòng chiêm nghiệm về thời gian, về cái như thể vô hạn, thứ mà chúng ta không thể nắm bắt được, không thể thao túng được. Qua đó, Tết là khoảng khắc quý giá để mọi người quây quần gặp gỡ, để tạ ơn phút giây tương phùng vì thời gian còn cho chúng ta cơ hội được gặp nhau để chia sẻ và ở bên nhau. Tuy nhiên, có lẽ Tết cũng cần có những khoảng lặng giúp chúng ta ý thức hơn về thời gian, nhận thức đúng đắn về sự biến đổi cùng những sự biến động của đất và người, để nhờ đó, chúng ta sống có ý nghĩa hơn và hữu ích hơn, nhất là trong tương quan với Thiên Chúa, với con người và thế giới mà chúng ta đang sống và vươn lên mỗi ngày…
Thời tiết…
Nhìn sự vận hành của thiên nhiên qua việc chiêm nghiệm thời gian, cũng là thời cơ để chúng ta nhận diện sự biến đổi của thời tiết, qua tiết trời và cảnh sắc thiên nhiên. Quả vậy, hiện hữu giữa thế giới cùng với không thời gian, thời tiết là thứ mà chúng ta quan tâm mỗi ngày: “trông trời trông đất trông mây, trông mưa trông nắng, trông ngày trông đêm…”[5]. Những kinh nghiệm quý báu mà ông cha đúc kết giúp chúng ta có những trải nghiệm tuyệt vời để chiêm ngắm thời tiết với sắc trời đổi thay, cùng sự vận hành cách kì diệu theo đúng chu kì của nó. Dù thời tiết mỗi nơi có thể khác biệt, nhưng nhìn chung nếu cái oi ả của mùa hạ làm con người đôi khi thấy ngộp thở, thì cái mát mẻ của tiết thu lại giúp tâm tính con người như dịu lại; cùng với cái buốt gia của mùa đông luôn là sự trổ sinh, nảy mầm của sắc xuân. Vì thế, Tết gắn với mùa xuân, với sự khởi đầu của sự sống của một vòng quay mới. Để rồi nhờ đó, chúng ta như được làm mới lại và được tái sinh với thời tiết thuận hòa.
Tuy nhiên, thế giới hiện đại khiến chúng ta đôi khi quá mải mê với thế sự, mà quên mất chiêm nghiệm thời tiết, về sắc trời, thiên nhiên để đọc ra những dấu chỉ của sắc trời. Hệ quả là, sự cân bằng sinh thái đã bị phá vỡ do sự ích kỉ và tàn ác của con người khiến thiên nhiên bị biến đổi mà thời tiết chính là dấu hiệu rõ nhất, kéo theo những hậu quả khôn lường mà nạn nhân phải gánh chịu chẳng phải ai xa lạ mà chính là con người. Nếu trước đây, khi thiên nhiên còn trong lành, khí hậu ổn định, thì cứ đến hẹn lại lên, những cơn mưa, nhưng cơn gió, cùng những biến đổi rõ rệt khi thay đổi thời tiết luôn gắn với sự giao mùa. Thì ngày nay, hoặc chúng ta ít quan tâm, hoặc có quan tâm cũng khó hơn trong việc nhìn ra và nhìn đúng những dấu hiệu của thời tiết, của thiên nhiên, vì những kinh nghiệm, những bài học ngày xưa đôi khi không còn ứng nghiệm nữa. Biến đối khí hậu, ô nhiễm môi trường đã và đang ảnh hưởng tới cuộc sống và sự hiện hữu của chúng ta, mà nếu không dừng lại để chiêm nghiệm, để đúc rút và hành động thì một ngày nào đó, chính con người sẽ đưa trái đất và chính mình đến bến bờ diệt vong…
Thật vậy, dường như khi văn minh càng tiến bộ thì con người càng sống xa thiên nhiên với hoa xuân nắng hạ, với thâu hoạch ở thu và tàng ẩn ở đông nghĩa là càng xa cái tiết nhịp thiên nhiên co giãn uyển chuyển, không còn dịp xem trăng lên ngắm hoa nở ngoài đồng nội, hít đầy phổi hương lúa Đồng Nai… Trái lại ngày nay chỉ còn phải sống theo nhịp máy móc của đồng hồ, cũng đo đếm tính toán y hệt như không gian đều đặn, thì chữ Thời không còn giữ được vai trò trung gian để làm nhịp cầu đưa con người có xác thân trong không gian đi về cùng Tính thể vô danh, vô xú, vô ảnh, vô hình.[6]
Vì thế thời Tết, tiết Xuân chính là “thời” để chúng ta tạm gác lại công việc, bỏ qua một bên những bận tâm, để gặp gỡ, để tương quan và để chiêm nghiệm về những biến đổi đang đe dọa chúng ta. Để rồi khi chiêm ngắm sự thay đổi của sắc trời, chúng ta vẫn vui thỏa tận hưởng những điều kì diệu mà thiên nhiên mang lại, nhưng đồng thời cũng ý thức hơn về việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta không chỉ cho chúng ta nhưng trên hết là cho thế hệ tương lai vì thời tiết đổi thay, vũ trụ vần xoay luôn là những dấu chỉ giúp con người phản tỉnh và canh thức…
Thời đại…
Chúng ta đang sống trong một thế giới biến đổi không ngừng, thậm chí đảo điên mà con người đôi khi vị xoay, bị vật, bị nghiền, thậm chí loại bỏ. Vì thế, Tết là dịp để chúng ta chiêm nghiệm về con người và thế giới trong thời đại của chúng ta, kinh qua thời đại của cha ông qua những trang sử đa sắc màu của nhân loại. Nhờ đó, chúng ta không chỉ nhận ra những dấu chỉ của thời đại, nhưng còn tiếp nhận những dấu chỉ đó và nhất là thích nghi, biến đổi và dung hòa những dấu chỉ đó trong cuộ sống hiện sinh của chúng ta.
Quả vậy, một năm đã qua, thời đại mà chúng ta đang sống đã, đang và có lẽ sẽ vẫn phải chứng kiến những bước chuyển mình chóng mặt trong mọi mặt của đời sống từ kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa… Những dấu chỉ luôn cho thấy những dấu hiệu có phần khả quan, xen lẫn những đám mây u ám vẫ đã và đang tiếp tục ám ảnh, tác động trên con người. Thật vậy, chúng ta không thể phủ nhận thời đại chúng ta đang sống là một thời đại đầy nhiễu nhương và bấp bênh khi cuộc sống chúng ta luôn bị bủa vây bởi những những hiểm nguy luôn rình rập bởi bạo lực, bệnh dịch, chiến tranh, thiên tai… thậm chí đến từ những thực tại tưởng như chẳng có gì đe dọa đến con người…
Tuy nhiên đối diện với những khó khăn thử thách, hay qua những dấu chỉ đôi khi có phần u ám, yếm thế của thời đại không phải để mất hy vọng hay buông xuôi. Trái lại, những dấu chỉ qua thời đại, nhất là với sự bùng nổ của khoa học công nghệ cùng những tác động nhãn tiền và sâu sắc của nó trong những giai tầng xã hội chính là co hội thuận tiện giúp con người sống chậm lại để mà thích nghi, để mà làm chủ những dấu chỉ ấy. Qua đó, trong mỗi dịp Tết đến xuân về, hòa nhịp với nhịp đập của vũ trụ và hòa điệu trong vũ điệu của thời đại, chúng ta cũng cầu mong cho thế giới an hòa, con người bình an trong một năm mới, cầu nguyện cho thời đại này và thế hệ sau nữa không bao giờ đánh mất niềm hy vọng, hay đặt hy vọng sai chỗ. Nhưng ước mong con người của thời đại biết neo đậu đời mình, gia đình mình, thế giới của mình vào chiếc neo vững chắc là chính Thiên Chúa, nơi Con Một của Ngài là Đức Giê-su Ki-tô. Nhờ đó, trong một thời đại và một thé giới dường như đang vắng bóng Thiên Chúa, con người phản tỉnh và nhận ra sự hiện diện của Ngài luôn sống động hơn bao giờ hết và chân nhận chỉ nơi Ngài con người mới thỏa mãn niềm khát mong và niềm hy vọng đích thực là sự sống và hạnh phúc muôn đời…
Tắt một lời, Tết luôn là dịp để bao kiếp người dù có đi thật xa vẫn mong quay về nhà, về với nguồn cội và về với quê hương, gia đình để nghỉ ngời, để gặp gỡ, sẻ chia, và cũng là để tái tạo và hướng tới một giai đoạn mới của kiếp nhân sinh. Tuy vậy, Tết cũng là khoảng lặng quý giá giúp mỗi người sống chậm lại, tạm gác lại mọi bộn bề để đi sâu vào trong chính mình để nhìn, để chiêm nghiệm về “cái thời” của chính mình, cũng như cái thời của con người và của vũ trụ này. Để rồi, khi chiêm nghiệm và trải nếm “cái thời”, chúng ta biết quý trọng cái thời của chúng ta trong thời gian, qua thời tiết và nơi thời đại mà chúng ta đang hiện hữu. Qua đó, chúng ta ý thức hơn về “cái thời” đang qua và sẽ qua của mình, để quý trọng thời gian, với những điều đã làm được và vẫn còn bỏ ngỏ; đồng thời nhận ra những biến đổi vần xoay diệu kì của thiên nhiên qua những dấu chỉ thời tiết, của sắc trời để mà yêu để mà nâng niu hành tinh này; và hơn hết, cái thời cũng giúp ta nhận ra những dấu chỉ của thời đại. Nhờ đó, cùng với niềm vui tưng bừng đón xuân, chúng ta cũng ý thức và sống niềm hy vọng về một năm mới bình an cho chính mình, gia đình và toàn thể nhân loại…
[1] Cf. Gv 3, 1-8
[2] Cf. Mc 1,15
[3] Cf. Kim Định, Chữ Thời, Nxb. Hội Nhà Văn, tr. 11
[4] Cf. Ibid., tr. 11
[5] Cf. https://www.thivien.net/Khuy%E1%BA%BFt-danh-Vi%E1%BB%87t-Nam/Ng%C6%B0%E1%BB%9Di-ta-%C4%91i-c%E1%BA%A5y-l%E1%BA%A5y-c%C3%B4ng/poem-19tRYEOtTiEbNLRJ24WqJQ
[6] Cf. Kim Định, Chữ Thời, Nxb. Hội Nhà Văn, tr. 27
Tác giả: Thất Nguyễn