Như chúng ta đã biết, một hôn phối đã cử hành trong Giáo hội, giữa hai người đã được rửa tội, không có một ngăn trở nào, hôn phối ấy không thể nào được tháo gỡ do bất cứ quyền bính nào của Giáo hội. Do vậy, Tòa án hôn phối của Giáo hội chỉ làm công việc tuyên bố rằng: ngay từ đầu, lúc cử hành, hôn phối ấy đã không tạo được hiệu quả của bí tích. Bộ Giáo luật năm 1917 phân biệt ngăn trở thành hai loại khác nhau:
– Ngăn trở cấm chỉ (impedient impediment): hôn phối bị cấm cử hành, nhưng nếu cử hành vẫn thành hiệu nhưng mắc lỗi.
– Ngăn trở tiêu hôn (diriment impediment): hôn phối bị cấm cử hành và nếu cử hành hôn phối ấy sẽ không thành hiệu, nghĩa là không tạo được hiệu quả bí tích.
Cũng nên biết rằng, Bộ Giáo luật 1917 liệt kê 5 loại ngăn trở cấm chỉ và 13 ngăn trở tiêu hôn. Bộ Giáo luật 1983 bãi bỏ danh từ “ngăn trở cấm chỉ” và chỉ còn liệt kê 12 loại ngăn trở tiêu hôn mà thôi. 12 ngăn trở đó là:
1. Chưa tới tuổi Giáo luật định.
2. Bất lực, dù vĩnh viễn hay tạm thời.
3. Dây hôn thú, người bị ràng buộc do cuộc hôn nhân trước, ngay cả trường hợp chưa hoàn hợp.
4. Khác biệt tôn giáo.
5. Ðã lãnh nhận chức thánh.
6. Ðã khấn trọn đời trong một Dòng tu hay Tu hội.
7. Bị bắt cóc hay bị ép buộc.
8. Cố sát phối ngẫu.
9. Thân thuộc: hàng dọc cấm kết hôn ở mọi cấp, hàng ngang cấm kết hôn đến cấp thứ bốn.
10. Hôn thuộc, có họ do kết bạn: cấm kết hôn ở bất cứ bậc nào thuộc hàng dọc.
11. Ngăn trở công hạnh hay liêm sỉ.
12. Dưỡng hệ: cấm kết hôn ở bất cứ bậc nào thuộc hàng dọc, và hàng ngang cấm kết hôn đến cấp thứ 2. (trích Từ cạnh sườn bị đâm thâu, trang 467 – 469).
CAEBVtVPbTw