Bài giảng lễ kính thánh Đaminh
Huynh đoàn TGP Sài Gòn ngày 11.8.2018
Thánh Đa Minh khát mong phúc tử đạo
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ.
Người Tôi Trung của Đức Kitô, hằng khát mong phúc tử đạo
Trong bầu khí đặc biệt hôm nay khi chúng ta ôn lại Truyền thống dòng Đaminh đặc biệt qua mẫu gương các thánh Tử Đạo tại Việt Nam, xin chọn lời tiền xướng thánh vịnh thứ nhất trong kinh sáng nói về thánh Đaminh : “Người Tôi Trung của Đức Kitô hằng khát mong phúc tử đạo”.
Chúng ta vừa nghe đoạn tin mừng nói về người kitô hữu bằng hai hình ảnh có vẻ trái ngược nhau : “Anh em hãy là muối đất và ánh sáng cho đời”.
Quả thế, chúng ta vẫn chúc tụng thánh Đaminh : “Ôi ánh sáng rạng soi giáo hội, thầy chân lý mở lối soi đường…”. và khẩu hiệu giới trẻ “Đaminh Đuốc sáng”. Đó là ánh sáng chân lý, ánh sáng Lời Chúa, ánh sáng của việc loan báo tin mừng.
Thế nhưng Đức Kitô cũng khẳng định “Anh em hãy là muối đất”. Hình ảnh muối rất đơn giản. Muối hiện diện âm thầm. Mhưng muối quý hơn vàng vì vàng không thể ăn được. Muối chịu tan chảy, để ướp vào thực phẩm. Tương tự như men trong bột làm cho cả khối bột dậy men, thì muối ướp làm cho thực phẩm đậm đà và ngon miệng. Hình ảnh muối phần nào gắn với hình ảnh của các chúng nhân đức tin trong cuộc sống thướng ngày.
Dĩ nhiên thánh Đaminh không là thánh tử đạo, nhưng chúng ta biết thánh nhân luôn chọn điều khó khăn hơn trong cuộc sống. Gần đây các tổng hội dòng Đaminh, khi nói về sứ vụ, thường nhấn mạnh một số nét trong chân dung thánh Tổ Phụ bằng các thuật ngữ mạnh mẽ như : tính lữ hành, chọn các biên cương, và chọn con đường khúc khuỷu…
Thánh Đaminh là một nhà du thuyết, nên người Đaminh hôm nay cũng sẽ như ngài, với chiếc bị trên vai, “chỗ đất đứng là nhà và tấm đá thô gối đầu”.
Cũng thế, người Đaminh phải chọn đi đến các biên cương, chọn nơi khó khăn chứ khộng phài nơi dễ dãi. Đó là biên cương của sự sống và sự chết, biên cương của công lý và sai lầm, biên cương của các nền văn hóa khác biệt, biên cương là những thách đố của thời đại.
Và thay vì chọn con đường bằng phẳng, con đường cao tốc, các thành viên gia đình Đaminh được kêu mời chọn con đường khúc khuỷu, con đường nguy hiểm đầy nguy cơ vấp ngã.
Trở lại với thánh Đaminh. Nhiều bức họa thường vẽ ngài trước cây thập giá. Ngài nói chuyện với Đức Kitô, đứng giang tay hay phủ phục dưới đất, hoặc ngồi suy niệm dưới chân thập giá. Kết hiệp với với tâm tình của Đức Kitô trên thập giá, như lời chứng của chân phước Jordanô, nhiều lần Cha cầu nguyện lớn tiếng : Chúa ơi, rồi các tội nhân sẽ ra sao ?
Và khi mang trong mình tâm tình của Đức Kitô, thánh Đaminh cũng muốn kết hiệp đời mình với hiến tế thập giá. Với anh em Đaminh thì ngay cả việc học hành cũng được coi như một hình thức khổ chế. Bản thân thánh Đaminh khi còn sống vẫn mang nơi mình một sợi dây xích sắt ăn sâu vào cạnh sườn. Và theo thói quen thế kỷ XIII, mỗi đêm ngài đánh tội ba lần để kết hiệp với cuộc khổ nạn, cũng như để đền tội cho mình và mọi người.
Trong sứ vụ rao giảng tin mừng cứu độ, thánh nhân không chọn giảng ở Toulouse nơi được nhiều người ca ngợi chúc tụng, mà chọn giảng Carcassone nơi bị chế diễu phản đối.
Rồi đối diện với các nhóm lạc giáo, kể cả khi vị sứ thần tòa thánh Castelnau bị ám sát, cha Đaminh vẫn chọn con đuòng cầu nguyện và rao giảng, ngài nói : “chống kiêu ngạo bằng khiêm tốn, chúng ta hãy đi chân không đến gặp Goliát”. Cha Đaminh đứng ngoài các cuộc thánh chiến. Ngài tin tưởng gặp gỡ, đối thoại để chinh phục họ về cho Chúa.
Lần kia nghe một người lạc giáo tâm sự “Tôi không thể rời xa họ, vì tôi ăn nhờ ở trọ trong nhà họ”. Cha Đaminh đã chọn giải pháp tự bán thân mình để lấy tiền cứu anh ta. Dĩ nhiên các tín hữu đã không để ngài thực hiện điều này.
Chúng ta cũng biết việc cha Đaminh để râu là có ý đi truyền giáo cho người Cuman, ngài sẵn sàng dấn thân vào nơi nguy hiểm
Nhớ lại bài hát thánh Đaminh của sơ Sourire có những lời sau : “Rồi một ngày gặp người lạc đạo, quyết dẫn Cha đến nơi chiến hào. Đaminh Cha tươi vui không nao, chinh phục ông về cho Thiên Chúa”.
Bởi vì khi nhóm lạc giáo dẫn cha Đaminh về sào huyệt của họ và hăm dọa sẽ thủ tiêu, ngài thản nhiên trả lời : “Nếu bắt được tôi, xin các anh đừng giết tôi ngay, hãy băm xác tôi ra thành trăm mảnh, xẻo tai cắt mũi, rồi để tôi nửa sống nửa chết hay muốn kết liễu thì tùy ý anh”. Cảm phục trước sự can đảm của ngài, nhóm đối thủ hôm ấy đã ăn năn trở lại.
Quả đúng như lời tiền xướng trong phụng vụ Dòng : “Người Tôi Trung của Đức Kitô, Hằng khát mong phúc tử đạo”.
Kính thưa cộng đoàn.
Thánh Đaminh không đổ máu vì đức tin, nhưng đã sống cuộc đời của một chứng nhân đức tin. Ngài mang trong mình tinh thần của các thánh tử đạo, sẵn sàng đối diện với khó khăn và thích chọn nơi khó khăn hơn.
Học theo gương của ngài hôm nay, chúng ta hãy dâng lên lời nguyện quen thuộc của anh chị em Đaminh
Xin làm cho chúng con được nên giống Cha (…)
quảng đại để sẵn sàng phục vụ, can đảm để dám dấn thân,
cảm tạ khi được vui tươi, hy vọng lúc gặp đau khổ
kiên trì khi nản chí, và chân thành khi sống với anh em.
Xin cho mỗi chúng ta đều trở thành chứng nhân cho Thiên Chúa trong cuộc sống mỗi ngày, với tinh thần của cha Đaminh, gắn bó với mầu nhiệm khổ giá, sẵn sàng chết để làm chứng cho niềm tin, nhưng sống và làm chứng cho mọi người nhận biết ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Lm. Phanxicô X, Đào Trung HIệu OP