PHẦN I. CHÂN DUNG NHÀ GIẢNG THUYẾT
Lm Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
3/ Tại Osma
Gia nhập kinh sĩ đoàn trong thời vàng son này, cha Đa Minh đã học được kinh nghiệm sống chung theo tinh thần Giáo Hội tiên khởi (Cv.4,32). Theo tu luật Augustino, các kinh sĩ sống hòa hợp “một trái tim một tâm hồn“, để tài sản làm của chung, đề cao kinh nguyên chung, việc học hành và chia nhau đi rao giảng, giúp đỡ người bất hạnh. Tại Osma, cha Đa Minh nổi bật về lòng khiêm tốn, trở nên người rốt hết trong cộng đoàn. Sau này, điều đầu tiên ngài căn dặn về việc huấn luyện tập sinh, là sống khiêm tốn trong lòng cũng như bên ngoài. Ngoài ra thánh Jordano còn ghi nhận, cha Đa Minh đã sử dụng cuốn “Đối chiếu các giáo phụ“, bàn về các nết xấu và cuộc đời hoàn thiện. Nhờ đó cha khám phá ra những đường lối muôn nẻo dẫn tới ơn đứu độ. Cha hết mình sống theo đường lối đó.
“Nhờ ơn sủng hỗ trợ, cuốn sách đã giúp cha đạt được một lương tâm tinh tuyền, chiêm ngưỡng được nhiều ánh sáng và lên đến đỉnh hoàn thiện”
Thế nhưng điều cần nhấn mạnh hơn cả trong giai đoạn này là lối cầu nguyện của cha Đa Minh. Đó là biểu hiện của lòng khát vọng liên kết mật thiết với Đức Kitô, cảm thông những khốn khổ của nhân trần và hiến toàn thân cho họ được ơn cứu độ.
4. Cha Đa Minh cầu nguyện
Là người từng chung sống, chứng kiến và nghe cha Đa Minh cầu nguyện, chân phước Jordano ghi rằng :”Cha thường cầu nguyện suốt đêm, Chúa đã ban cho cha ơn đặc biệt cầu nguyện cho các tội nhân, cho người nghèo và người sầu khổ. Cha cảm thông với những sầu khổ của họ tận đáy lòng, và biểu hiện ra bên ngoài bằng những dòng nước mắt. Có khi giữa đêm thanh vắng. Ngài lớn tiếng kêu nài : “Chúa ơi ! Rồi đây các tội nhân sẽ ra sao? ”
Đó là sự đồng cảm với Đức Kitô, yêu nhân gian bằng những rung cảm, thao thức của chính Chúa thuở xưa. Tình yêu đó thúc đẩy cha, trong giờ cầu nguyện, thân thưa với Chúa về những người đã gặp, học với Chúa để biết xót thương và cảm thông với những người sẽ gặp :
“Lúc nào cha cũng cầu xin cho được lòng bác ái đích thực để mưu tìm và chăm lo phần rỗi cho mọi người cách hữu hiệu. Cha nghĩ rằng chỉ khi nào mình noi gương Chúa Cứu Thế, hiến toàn thân toàn sức cứu rỗi các linh hồn thì mới thực sự trở thành chi thể của Chúa”
Cha không hề nghi ngờ Thiên Chúa Đấng hằng xót thương. Cha chỉ xin Chúa mở rộng cõi lòng mình để biết yêu thương và cảm thông. Và trong giờ kinh nguyện nồng cháy đó, cha muốn đưa hết thảy lương dân, người Do thái, người Hồi giáo hay anh em Ly giáo… nghĩa là tất cả, đến với Chúa Cứu Thế.
Lời cầu nguyện đó biểu lộ lòng cha yêu thương các tội nhân. Cha lấy tấm lòng của Thiên Chúa để ôm ấp họ. Cha không chuyển cầu cho bằng “kết hợp” ngày càng sâu xa hơn với Đức Giêsu, là Đấng trên Thánh Giá đã dạy cho loài người nghệ thuật yêu thương.
Và như thế đó, hết đêm này tới đêm khác, cha Đa Minh học với Chúa nghệ thuật giảng thuyết. Tuy nhiên, cha không vội vã lên đường thi hành sứ vụ ngay. Có lẽ cha cũng chưa nghĩ tới điều đó. Suốt đời, cha không bao giờ đốt giai đoạn, cha biết chờ đợi đúng lúc.
5/ Một đêm không ngủ
Năm 1203, lần đầu tiên cha Đa Minh có cảm hứng lập Dòng, nhưng mọi chuyện đã xảy ra như bất ngờ. Giám mục Diego chọn cha Đa Minh tháp tùng đi Đan Mạch cầu hôn cho hoàng tử, con vua Alphonso VIII, miền Castille. Khi đi ngang miền nam nước Pháp, cha Đa Minh chứng kiến cảnh đau lòng. Người ta thiếu tin tưởng vào giới chức trong Giáo Hội. Ngày càng đông các thiện nam tín nữ rời bỏ Giáo Hội đi theo các nhóm Cathares, theo chủ thuyết nhị nguyên, vừa sống thanh thoát, vừa hoạt động hăng say.
Ngay đêm đầu tiên ngủ tại quán trọ, cha gặp người chủ quán đã gia nhập nhóm Cathares. Thế là lửa nhiệt tâm với các linh hồn đã đượm nóng suốt bao năm chiêm niệm tại Osma, bỗng bừng cháy lên. Cha Đa Minh thức trắng đêm, thân ái nhưng thẳng thắn, trao đổi và thuyết phục người chủ quán trở về chính lộ. Chính đêm nay cha mường tượng thấy một điều : Muốn cảm hóa được lạc giáo, cần phải có những người nhiệt tình, hiểu và sống Tin Mừng, sẵn sàng ra đi, đối thoại và thuyết phục họ.