Thánh Đa Minh, Ba Phép Lạ Cải Tử Hoàn Sinh

Thánh Đa Minh,
Ba Phép Lạ Cải Tử Hoàn Sinh

Khuynh hướng Giáo hội gần đây khi cổ võ lòng tôn kính các thánh, thường nhấn mạnh việc noi gương đời sống nhân đức của các ngài. Điều đó chính xác, tuy nhiên đừng quên, các thánh luôn là những đấng chuyển cầu thần thế cho chúng ta trước nhan Thiên Chúa.

Các thánh như thánh Đa Minh, Vinhsơn, Martinô … nên thánh do đời sống thánh thiện chứ không phải nhờ phép lạ, nhưng các phép lạ là dấu hiệu để ta nhận ra tình yêu của các ngài với Chúa lớn lao như thế nào. Vì thế Hội thánh vẫn dựa vào phép lạ, khi suy tôn các vị trên bàn thờ.

 Phép lạ sách không bị cháy

Thánh Đa Minh lúc sinh thời, đã được Chúa ban nhiều dấu lạ, như : Cuốn sách không cháy trong cuộc tranh luận với lạc giáo; Khả năng nói tiếng Đức để giảng cho khách hành hương; Cứu sống đoàn tàu hành hương Compostella Tây Ban Nha thoát cơn bão tố; Các phép lạ chữa bệnh; Thiên thần đem bánh cho tu viện khi các thày đi hành khất vì bác ái đã phân phát hết cho người nghèo …

Trong bài này xin giới thiệu ba phép lạ đặc biệt, phép lạ cải tử hoàn sinh, cho người đã chết được sống lại. Nhờ lời chuyển cầu của thánh Đa Minh, Chúa đã thực hiện việc cải tử hoàn sinh một kiến trúc sư, một em bé và cháu của hồng y Têphanô.

Độc giả có thể đọc thêm về nhiều phép lạ khác của thánh nhân trong tác phẩm “Thánh phụ Đaminh, Đấng sáng lập dòng thuyết giáo”, của cha Giuse Nguyễn Tri Ân, op (1).

1. Cải tử hoàn sinh một kiến trúc sư

Một kiến trúc sư được mời đến giúp sửa chữa nhà cửa tại tu viện Sixto. Một hôm, khi cha Đa Minh đi vắng, các thầy dẫn ông lên coi một tháp cao chót vót đã cũ cần được sửa lại. Chẳng may tháp lâu ngày đã mục đổ xuống vùi ông dưới đống đá chết ngay tại chỗ. Cả nhà dòng và dân chúng tuốn đến coi tai nạn mới xảy ra và bàn tán xôn xao.

Cha Đa Minh đi giảng về, nghe biết tin, người bình tĩnh tiến thẳng đến chỗ tai nạn xảy ra, và yêu cầu các thầy bới đống gạch đá để lấy xác ra ngoài. Sau đó, người quì xuống cầu nguyện với Chúa.

Khi cha Đa Minh vừa cầu nguyện xong, toàn thể dân chúng đứng chung quanh đều chứng kiến nạn nhân được sống lại với thân thể lành mạnh như không có việc chi xảy ra. Tiếng phép lạ đồn thổi khắp thành Rôma.

2. Cải tử hoàn sinh một em bé

Đó cũng là nội dung bức tranh do họa sĩ Vlaho Bukovac người Praha Tiệp Khắc vẽ năm 1911, và được tôn kính tại nhà thờ thánh Đa Minh tại Dubrovnik.

Một góa phụ tên là Tuta, có đứa con bị bệnh nặng. Nhưng quyết định đến nhà thờ thánh Maccô tại Rôma để nghe Cha Đa Minh giảng thuyết. Khi về nhà bà phát hiện ra con trai của bà mới chết.

Bà mang đứa bé đến nhà thờ và thấy thánh Đa Minh đứng ngay ở cửa như đang chờ ai đó. Bà liền đặt đứa bé dưới chân thánh nhân và xin ngài cứu sống con mình. Thánh Đa Minh đến trước bàn thờ cầu nguyện một lát, rồi đến gần hai mẹ con, làm dấu Thánh giá ban phúc lành và đặt tay … Bỗng nhiên đứa trẻ được hồi sinh.

Phép lạ này được ĐTC Honorio III công nhận, khiến ảnh hưởng của cha Đa Minh tăng lên gấp bội; thiên hạ tuốn đến với ngài rất đông, họ chen nhau đụng chạm đến áo ngài mặc. Có người còn lén cắt trộm gấu áo của ngài để làm kỷ niệm di tích của một đấng thánh.

Phục sinh Napoleô – Thánh Đaminh xuất thần

3. Cải từ hoàn sinh Napoleô, cháu hồng y Têphanô

Một hôm cha Đa Minh đang cùng thảo luận với hồng y Têphanô và hai vị hồng y khác. Bỗng có người đến báo hung tín, Napolene Orsini, cháu gọi hồng y Têphanô bằng cậu vừa ngã ngựa và chết ngay tại chỗ. Nghe tin, hồng y Têphanô bàng hoàng ngất xỉu.

Cha Đa Minh đích thân chạy đến chỗ Napoleô nằm chết yêu cầu đem xác nạn nhân về nhà. Rồi người sốt sáng dâng thánh lễ cầu nguyện cho cậu. Sau đó ngài đi vào phòng để xác cậu, lấy tay xếp đặt lại các phần thân thể đã gãy, quì xuống cầu nguyện ba lần, làm dấu thánh giá trên thi hài cậu.

Rồi ngài lớn tiếng truyền lệnh : “Napoleô, nhân danh Chúa Giêsu, con hãy chỗi dậy ngay”. Người vừa dứt lời thì Napoleô đã hồi sinh, bằng yên vô sự, chân tay lành lặn như không có biến cố đáng tiếc đã xảy ra. Cha Đa Minh cầm tay Napoleô trao lại cho đức hồng y.

Lm Px Đào Trung Hiệu OP.

Phục sinh Napoleo : “St Dominic Reuscitates”
Tranh sơn dầu của Benozzo Gozzoli

—-

(1) Lm Giuse Nguyễn Tri Ân op, “Thánh phụ Đa Minh, Đấng sáng lập dòng thuyết giáo”, Chân lý 2005, trang 116-120, 195-205, 223-227

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *