THÁNH ĐAMINH PHẠM TRỌNG KHẢM
Quan án, trùm xứ, dòng ba Đaminh – (1780-1859)
Kính ngày 13-01
Trong 38 Tử đạo thuộc gia đình Đaminh Việt Nam.
Trích “Uống Nước Nhớ Nguồn”,
Linh mục Px. Đào Trung Hiệu OP, Chân Lý 1988.
Tranh sơn dầu : họa sĩ Phêrô Lê Hiếu OP.
Truyền thống đạo đức gia đình
Đaminh Phạm Trọng Khảm sinh khoảng năm 1780 trong một gia đình bảy anh em giàu có tại làng Quần Cống tại làng Xã Lũ, phủ Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nay thuộc giáo phận Bùi Chu. Thân phụ là cụ Phạm Tri Khiêm, một hương chức danh giá được dân làng trọng vọng. Hấp thụ được nhiều tính tốt của cha, cậu Khảm nổi tiếng là người con có hiếu.
Năm 18 tuổi, anh vâng lời song thân kết hôn cùng cô Annê Phượng, một thiếu nữ đạo hạnh trong làng. Hai vợ chồng sống rất thuận hòa, được dân làng tin phục mến yêu. Đặc biệt hai người biết hiệp lực giáo dục và khích lệ con cái học hành. Con trai ông là Cai Thìn cũng làm đến chức Chánh Tổng, được mọi người kính nể và kiên trung làm chứng cho đức tin đến hơi thở cuối cùng với cha của mình. Ba người con gái của ông là các bà Nhiêu Côn, Nhiêu Trữ và Hậu Địch cũng được đi học như các con trai, nổi tiếng lanh lợi tháo vát.
Mẫu gương tông đồ bác ái
Khi bị bắt, cụ Án Khảm đã gần 80 tuổi, vừa là tiên chỉ trong làng vừa là hội viên dòng ba, kiêm chức Trùm họ trong giáo xứ. Mọi người đều công nhận cụ là người đạo đức, giàu lòng bác ái và lòng nhiệt tình trong những trách vụ. Các thừa sai, các giám mục cũng biết tiếng và cũng đến trọ nhà cụ trong những ngày khó khăn. Trong giáo xứ cụ cộng tác đắc lực với cha sở trong việc điều hành tổ chức họ đạo. Với xóm làng cụ là một người đức độ, quan tâm đến nhu cầu mọi người cả xác lẫn hồn, sẵn sàng chia sẻ của cải cho người nghèo khổ, và khích lệ mọi người can đảm trước những bách hại. Gia phả con cháu cụ ghi lại rằng : “Gia nhân phải kiếm kẻ nghèo khó vào ngồi chung thì cụ mới ăn cơm.”
Vì sẵn của cải, cụ chia sẻ cho mọi người, có lần cụ kiếm cớ đãi cả làng. Cụ cho anh mõ đi rao khắp các ngõ hẻm mời mọi người ra ruộng tổ chức đua diều. Ai thắng ai thua không thành vấn đề, miễn là mọi người được một bữa no say.
Khi quân lính đến bao làng Quần Cống, Cụ tập họp mọi người lại, khuyên họ bền chí. Để khích lệ những người nhát đảm, cụ nói : “Kẻ nào trong anh em đạp lên Thánh Giá khi quan về, tôi sẽ đuổi ra khỏi làng, sẽ không có chỗ mà chôn xác đâu”. Thế rồi cụ bị bắt, và trên đường áp giải những tín hữu “cố chấp” về Nam Định, cụ Án được tách riêng, nhốt ngay trong thuyền của quan để khỏi ảnh hưởng đến người khác. Nhưng suốt thời gian tù, cụ vẫn là chỗ dựa là nguồn an ủi, là người khích lệ và chia sẻ tinh thần cũng như vật chất cho các bạn tù.
Năm 1858 khởi đầu cho giai đoạn bách hại đạo gay gắt nhất trong lịch sử giáo hội Việt Nam. Nhà vua treo giải thưởng xứng đáng cho những ai tố cáo nơi trú ẩn của các vị thừa sai Âu Châu và ngược lại sẽ trừng trị đích đáng những kẻ chứa chấp họ. Thế là các ngài phải nay đây mai đó, trốn từ làng này qua làng khác. Quần Cống là một nơi ẩn náu khá an toàn, vì các chức sắc trong làng là người Công Giáo, và chính họ sẵn sàng đón tiếp các ngài. Đức cha Sampedro Xuyên, đại diện tổng tòa giáo phận Trung dự đoán có thể bị bắt bất ngờ, đã chủ phong giám mục phó cho đức cha Valentino Vinh ngày 14-6 tại làng Ninh Cường, hai cha Riaño Hòa và Carrerras Hiển là phụ phong. Sau đó cả bốn vị đều ẩn tại làng Quần Cống, trọ tại nhà cụ Án Khảm, Cai Tả và Nhiêu Côn.
Và … chỗ dựa tinh thần
Quan Án Sát Nam Định được mật báo làng Quần Cống chứa chấp Tây dương đạo trưởng, liền huy động quân lính đến vây bắt. Nhưng cụ Án Khảm kịp biết tin, vội vàng tìm cách đưa các vị thừa sai trốn khỏi làng. Đức cha Vinh và hai Linh mục qua làng Trà Lũ. Đức cha Xuyên đi qua Kiên Lao (ngày 8-7 mới bị bắt). Sau khi các thừa sai đã đi xa, cụ cho mỏ làng đi trước, đích thân cầm roi đi sau, bắt mõ làng rao lớn tiếng : “Trình quan viên làng nước, có lệnh cụ Án truyền rằng : người nào khóa quá phải phạt ba roi và bị đuổi ra khỏi làng.” Rồi cụ tụ tập dân chúng lại khích lệ họ.
Sau đó, quan quân ùa vào làng, họ bắt toàn thể dân làng tập trung lại, và rồi gọi cụ Án Khảm ra trình diện và nói : “Mau nộp ngay lập tức các đạo trưởng Tây dương và bản quốc, cũng như bọn thầy giảng lẩn trốn trong làng. Nếu bất tuân lão sẻ bị bắt, bị tịch thu tài sản, nhà cửa sẽ bị thiêu hủy, còn chính lão sẽ bị kết tội chống cưỡng nhà vua.”
Cụ Án Khảm hết sức bình tĩnh vì biết chắc các thừa sai đã trốn xa rồi, cụ mạnh bạo trả lời : “Đúng, đạo chúng tôi có các đạo trưởng nhưng các ngài ở đâu làm sao chúng tôi biết được. Xin quan cứ tự do lục soát nếu tìm thấy vị nào trong làng thì quan muốn làm gì cũng được.”
Thế là quân lính chia nhau lục soát khắp cả nhà, dĩ nhiên là không tìm thấy linh mục nào. Nhưng lính lại phát hiện được một số tượng ảnh, áo lễ nên chủ nhà bị kết tội là chứa chấp đạo trưởng. Cụ Án đã đứng ra nhận là mình đã mua những thứ đó. Tuy vậy quan vẫn ra lệnh bắt trói cả nhà.
Trở lại nơi tập trung dân làng, quan Án Sát cho đặt một Thánh Giá ngay giữa sân, rồi bắt mọi người lần lượt bước qua. Nhưng quan đã thất bại dù lính có đi tới đi lui đe dọa, toàn thể dân làng không một ai bước qua Thánh Giá. Một bô lão có lẽ vì quá sợ, run rẩy tiến lên vài bước, định thi hành theo lệnh quan, nhưng cụ Án nhanh chân hơn cản lại và khiển trách. Viên quan tức giận quát lên rằng : “Ta sẽ mất chức nếu không kết tội đươc Án Khảm và bọn người vô phúc này.” Thế rồi quan lại bắt trói Án Khảm, Cai Tả và Cai Thìn và một số người khác, rồi giải về Nam Định, riêng cụ Án được chở đi trong thuyền của quan.
Chúng tôi được nước Thiên Đàng.
Về tới Nam Định, hai cha con cụ Án Khảm được gặp nhau trong những lần ra tòa, và sau này được giam chung. Hai cha con vui mừng và xúc động khuyến khích nhau chịu khổ vì lòng kính mến chúa Kitô.
Tất cả những tù nhân Quần Cống hẹn với nhau quyết tâm trung thành với đức tin, dù phải hy sinh mạng sống. Riêng cụ Án Khảm đã nhiều lần đại diện cả nhóm trả lời với quan, đã tìm cách giáo lý trong đạo.
Một hôm sau khi bắt được đức cha Xuyên, quan cho dẫn ba ông đến trước mặt Đức cha. Các ông kính cẩn chào hỏi và không dấu được niềm vui gặp lại vị chủ chăn của mình. Thấy thế quan phỏng đoán và kết tội các ông chứa chấp vị thừa sai này. Tuy thực sự Đức cha đã ở nhà mình, cụ Án Khảm tìm cách trả lời chung chung : “Là người tín hữu, chúng tôi tôn kính và yêu mến bất cứ một linh mục nào, dù chưa hề quen biết.”
Sau bốn tháng rưỡi bị giam, một hôm quan báo cho biết là cả ba vị đều bị kết án xử giảo. Ông Cai Thìn hỏi lại bản án đã kết tội gì, quan cho hay là tội chống lại nhà vua. Ông Thìn cực lực phản đối. Cuối cùng theo đề nghị của ông, bản án được viết thêm bốn chữ “bất khẳng khóa quá”; nghĩa là tội không chịu bước qua Thập Giá. Các ông vui mừng hân hoan vì được chết cho Đức Kitô. Và trong những ngày còn lại, các ông chuẩn bị sốt sắng đón chờ ngày lãnh nhận hồng phúc tử đạo.
Ba vị chứng nhân đức tin đã cảm nghiệm sâu xa lời Đức Kitô chúc phúc cho những người bách hại vì danh Ngài. Đối với ba vị, bị bắt chịu khổ nhục, bị giết vì danh Đức Kitô là niềm vinh phúc lớn lao. Các vị đã hân hoan đón chờ nó, đồng thời khích lệ an ủi các tín hữu khác. Và khi nghe báo giờ xử tử đã tới, cụ Án Khảm vui vẻ nói với mọi người : “Cha con chúng tôi hôm nay được vào nước Thiên Đàng”. Cả ba vị đã sẵn sàng giã từ trần gian để về hợp đoàn với hàng ngũ các thánh tử đạo, và mở rộng đôi tay đón nhận phần thưởng vinh phúc Chúa đã hứa ban cho những tôi trung của Ngài.
Ngày 13-1-1859, ngoài ba vị Án Khảm, Cai Tả và Cai Thìn còn có bảy giáo hữu làng Quần Cống khác được đưa ra pháp trường Bảy Mẫu, Nam Định. Trên đường đi các vị lớn tiếng đọc kinh. Đến nơi xử các vị tiếp tục đọc kinh Tin, Cậy, Mến và nhiều lần kinh ăn năn tội chung với nhau, rồi lớn tiếng kêu Chúa Giêsu.
Quân lính mạnh tay xô các vị té ngửa trên đất, rồi trói chân tay từng người vào cọc đã chôn sẵn. Mỗi người bị hai người lính cầm hai đầu dây thừng tròng qua cổ và kéo thật mạnh cho đến khi tắt thở. Các tín hữu làng Quần Cống rước các vị đưa về quê mình, và tổ chức an táng trọng thể.
Ngày 29-4-1951, đức Piô XII đã suy tôn ba anh hùng tử đạo : Đaminh Phạm Trọng Khảm, Giuse Phạm Trọng Tả, Luca Phạm Trọng Thìn lên bậc Chân phước. Ngày 19-6-1988, đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên hàng Hiển thánh.