Thánh Giuse, con người thầm lặng

Kính Tặng Quý Cha, Quý Thầy Bổn Mạng Thánh  Giuse

I. CUỘC ĐỜI THẦM LẶNG

1. Biểu hiện của đời sống nội tâm

Thánh Giuse là gương mầu của những con người khiêm tốn mà Kitô giáo có thể dẫn đưa đến những vận mệnh lớn lao. Thánh Giuse là bằng chứng cho thấy rằng, để là môn đệ tốt và đích thật của Đức Kitô, không cần thiết phải có những kỳ công “mà chỉ cần những nhân đức thông thường”, nhân bản, đơn sơ, nhưng phải là những nhân đức thật sự và đích đáng”.

(Đức Phaolô VI trong Diễn từ 19-03-1969)

Đức Thánh cha Gioan Phaolô II gợi lại bầu khí thinh lặng bao trùm tất cả những gì liên quan đến bản thân thánh Giuse, ngài viết : “Một sự thinh lặng cho thấy được một cách đặc biệt con người nội tâm của thánh Giuse. Các sách Tin mừng chỉ nói đến những gì “thánh Giuse làm”, nhưng cũng giúp chúng ta khám phá được “trong những hành động” luôn luôn thấm nhuần sự thjinh lặng của Người có một bầu khí chiêm niệm sâu xa. Hằng ngày thánh Giuse tiếp xúc với “mầu nhiệm được giấu kín từ bao thế hệ”, mầu nhiệm đã “cư ngụ” dưới mái gia đình của thánh Giuse”.

(Thông điệp Đấng giữ gìn Chúa Cứu Thế, số 25)

2. Thầm lặng đề tìm biết ý Chúa

Chính trong sự thầm lặng, ngài đã phải chịu đựng nỗi khổ, vì biết Đức Maria có thai. Thế nhưng, ngài không thuộc số những kẻ vội vàng tìm cách trút bỏ nỗi niềm bằng cách kể lể với người khác để vơi đi nỗi sầu.

Rồi trong lúc bối rối lúc đòi phải quyết định, ngài cũng chỉ suy đi tính lại trong lòng, bởi chưa biết hết mọi góc cạnh của sự việc. Chính sự thầm lặng của ngài đã bảo toàn thanh danh cho Đức Maria. Đây là nét cao cả của “đức thầm lặng”.

Chính trong sự thầm lặng đầy niềm tin, Thánh Giuse đã đón nhận mặc khải về việc đầu thai nhiệm lạ của Chúa Giêsu và lời thiên thần mời gọi ngài cư xử như là cha của con trẻ. Ở đây, ta thấy câu trả lời của ngài là thực thi mọi lời Thiên Chúa phán qua miệng thiên thần.

 3. Thầm lặng bước đi bên cuộc đời Chúa Cứu Thế

Cũng trong thầm lặng, ngài đã chứng kiến biến cố lớn lao tại Bêlem : Đức Giêsu sinh ra. Thánh Giuse đã đã đón tiếp Con Trẻ trong sự thầm lặng của một cuộc chiêm niệm ngây ngất, khác hẳn với sự “xôn xao” khi người ta đón tiếp Gioan Tiền Hô (Lc 1, 58). Và rồi, vui mừng trước hồng ân quá lớn lao Chúa đã làm cho mình, ông Dacaria đã nói lên “bài thánh ca chúc tụng” (Lc 1, 67-79). Người ta có thể gán cho Giuse thái độ lạnh lùng vô cảm, nhưng thật ra đối với ngài, sự thầm lặng ấy đã là một “bài thánh ca không lời”.

Rồi, im lặng cùng với Đức Maria, ngài dâng Con trẻ Giêsu trong đền thờ. Đây không chỉ là một sự im lặng thờ phượng, nhưng còn là một sự im lặng hiến tế nữa, bởi phải mang lấy sức nặng nỗi đớn đau do lời ông Simêon tiên báo. Cùng một lúc với việc dâng Con Trẻ, Ngài muốn dâng lên Chúa lời đáng sợ mà tai ngài vừa nghe.

 4. Noi gương Chúa Kitô trong mầu nhiệm tự huỷ

Khi gặp lại Chúa Giêsu trong đền thờ, Thánh Giuse cũng giữ im lặng đang lúc tâm hồn ngài đi từ nỗi lo đến niềm vui. Ngài để cho Đức Maria chia sẻ sự xúc cảm chung của hai người. Dĩ nhiên, với tư cách là cha, ngài có quyền lên tiếng và đòi con giải thích về cách cư xử như thế, nhưng ngài lại thích lu mờ đi và để cho Đức Maria lên tiếng.

Cuối cùng, nếu muốn hình dung Thánh Giuse trong cuộc sống đời thường tại Nadarét, ta cũng chỉ có thể hình dung ngài trong chính thái độ thầm lặng mà thôi. Tin mừng tuyệt đối không nói gì về cuộc sống của ngài tại Nadarét. Điều duy nhất ta biết được là ngài làm nghề thợ mộc và ngay cả chi tiết nhỏ nhặt này nữa, ta cũng chỉ biết nhờ những người đồng hương gọi Đức Giêsu là “con bác thợ mộc” mà thôi.

Rồi ngài đã chết khi nào và được chôn táng ở đâu nào có ai hay ! Cái chết của một con người bình thường có khi lại rộn rã khác thường, thì đây chẳng phải là trường hợp của Thánh Cả Giuse.

Thầm lăng và “tự huỷ” xem ra là những nét lớn được nối kết với nhau nơi cuộc đời của ngài.

II. ĐỨC THẦM LẶNG CỦA THÁNH GIUSE NÓI GÌ VỚI CHÚNG TA HÔM NAY ?

1. Đời sống nội tâm được ươm mầm

Trước tiên, đó là một giáo huấn sống động cho con người thời đại này. Đã hẳn sự thầm lặng luôn là một giá trị cho bất cứ thời đại nào, nhưng thời đại chúng ta là thời đại của âm thanh và của những tiếng động đạt, bắt nguồn từ việc phát sinh các kỹ thuật truyền thông đủ loại. Không thể phủ nhận rằng chúng đem lại nhiều lợi ích cho con người, nhưng đồng thời lại có nguy cơ làm cho tâm hồn mình trở thành sáo rỗng, nghèo nàn.

Thánh Giuse nhắc nhở rằng người ta chỉ có thể đón nhận Đức Kitô và huyền nhiệm của Người nhờ sự thinh lặng. Chính sự thinh lặng đã giúp ngài cũng như Đức Maria “giữ trong lòng” và “suy niệm” mầu nhiệm mà các ngài là những nhân chứng (Lc 2, 19.51).

 2. Bước vào đời sống chiêm niệm dưới sự hướng dẫn của thánh Giuse

Theo gương mẫu của Đức maria và thánh Giuse, dòng cũng dành thời gian đặc biệt : “khoá tập” cho các thỉnh sinh muốn vào dòng.

Tập sinh phải được hướng dẫn thực hành việc cầu nguyện lâu giờ sống cô tịch và thinh lặng… cho nên thời gian và địa điểm năm tập phải được tổ chức thế nào để các Tập sinh có thể tìm thấy ở đó một bầu khí thuận lợi thích hợp cho việc bén rễ sâu vào cuộc sống với Đức Kitô.

Năm Tập là thời gian đi vào sa mạc, giúp các Tập sinh thử nghiệm khả năng sống một mình với Thiên Chúa (Damian Byrne 1991)

Đối với nhiều người, giữ thinh lặng là một việc khó khăn nhất trong quá trình đào tạo”. Pascal viết : “Tôi khám phá ra điều bất hạnh cho con người đơn giản là : không biết cách giữ thinh lặng trong phòng” (Pensée, trang 205) các thụ huấn sinh phải yêu mến “niềm vui cô tịch” nhờ đó là lúc chúng ta nhận được hồng ân Chúa. Ta phải ngồi bệt trên ghế, không phải để thu tích thêm kiến thức, mà để sẵn sàng và nhanh nhạy khi “Lời” đến bất ngờ như kẻ trộm trong đêm vậy.

Cuối cùng chúng ta phải yêu mến sự thinh lặng, xem đó như là cốt lõi sâu thẳm của đời sống Đaminh. Đó là thời gian hồng ân, là trong học hành hay cầu nguyện (Cha Timothy trong thư gửi anh chị em trong giai đoạn đào tạo sơ khởi).

3. Ngôn ngữ của sự thinh lặng

Có một bài hát mang tựa đề “The Sound of the Silence” (tạm dịch “âm thanh thầm lặng”). Chắc chắn tác giả bài hát không chủ ý “chơi chữ”, bởi lẽ “âm thanh” hay “tiếng” không chỉ đơn thuần là cái ta nghe được bằng đôi tai. Như “đài phát tuyến” chẳng hạn, phải có “tai” điện tử (Radar) mới bắt được, chứ tai thường kể như… điếc.

Nhưng còn “tiếng lòng” thì đến Radar cũng chịu trở thành vô dụng thôi !

Thật vậy, chỉ có lòng mới “bắt”, mới “nghe”, và “hiểu” được tiếng lòng. Đây là một loại ngôn ngữ đặc biệt, rất phong phú, sâu sắc và rất riêng tư. Mỗi cõi lòng có tần số phát âm ra và nhận tín hiệu hoàn toàn cá biệt, không trùng hợp với bất kỳ “máy” nào khác, hay nói cho đúng hơn chỉ trực tiếp “nối mạng” với một “Máy chủ” duy nhứt. Tuy nhiên do cùng nối vào một mạng chính, nên cũng vẫn có sự giao lưu, trao đổi thông tin giữ các “đài” với nhau.

Vì tính chất sâu lắng độc đáo như thế, loại “tiếng lòng” này cần có bầu khí hoặc môi trường riêng biệt để được phát và một nhận đầy đủ, hiệu năng. Đó phải là bầu khí an bình, trầm mặc, tôn nghiêm, như khung cảnh thánh thiêng của sự chiêm niệm tôn giáo.

Từ đó, nghiệm đến mối hiệp thông giữa tâm hồn con người với Thiên Chúa càng thấy rõ giới hạn đáng thương của ngôn ngữ phàm tục, ngôn ngữ nói lẫn ngôn ngữ hành văn. Trước huyền nhiệm sâu thẳm của Thiên Chúa, mọi từ ngữ đều trở thành sáo ngữ, rỗng tuếch, vô nghĩa, vô duyên. Chỉ còn có thái độ thán phục, ngỡ ngàng trong thinh lặng. Rồi càng chiêm niệm càng đi đến yêu mến, tôn thờ, cũng trong thinh lặng. Và tuyệt diệu hơn, khi lòng bừng mở ra bao thơ, nhạc chúc tụng, tạ ơn Tình Yêu Tuyệt đối bằng một loại ngôn ngữ độc đáo : Ngôn ngữ của Thinh lặng, để chỉ có lòng hiểu được lòng; lòng sông nhân loại mong manh, nhỏ bé, hoà vào lòng Chúa đại dương, bát ngát, bao la !

4. Thinh lặng để gặp chính bản thân

Cha Elio Gambari trong tác phẩm : “Đời tu dưới ánh sáng công đồng” đã cho chúng ta biết giá trị của việc thinh lặng đối với việc nhận ra bản thân mình như sau : Một bầu khí tịch liêu yên tĩnh giúp cho người ta có thể sống trong thinh lặng nghe tiếng Chúa, dễ dàng thưa chuyện với Ngài, và nhìn ra hoạt động ân sủng trong mình.

Những tu sĩ nào vì lý do hoạt động tông đồ hoặc phục vụ anh em luôn phải giao tiếp với người này người nọ, thường cảm thấy một nhu cầu cần thiết đến sự thinh lặng tịch liêu cả trong lẫn ngoài để có thể lấy lại nguồn sức mạnh mới mẻ từ sự thân mật với Chúa… luôn có một tương quan tỷ lệ thêm giữa thinh lặng với cầu nguyện và sự nhận biết mình.

Ngày nay người ta đánh giá cao về sự thinh lặng vì những nguyên nhân thần hiệp và đức ái hơn là những nguyên nhân khổ chế.

Tuy thinh lặng con người gặp được chính mình và gặp được Thiên Chúa trong anh em, vì thế mỗi tu sĩ cần ý thức về giá trị mang tính xã hội của thinh lặng và giữ thinh lặng vì ta cảm thấy cần thiết, và thấy rõ chính trong thinh lặng mà chúng ta có thể khám phá ra chính Thiên Chúa trong chúng ta và chính chúng ta trong Chúa, cũng như khám phá ra chân lý về anh em mình.

Vì thế thinh lặng là yếu tố quan trọng nhất để kết hợp với Thiên Chúa và khám phá ra chính mình để có phương thế điều chỉnh mình theo giữ đạo thần hiệp với Thiên Chúa và chia sẻ với mọi người.

KẾT LUẬN :

Trong tâm tình học hỏi gương sống của Cha Thánh Giuse

Nhìn vào gương sống thầm lặng và phục vụ của Cha Thánh, chúng ta có một số quyết tâm sau :

  • Cần thủ giữ sự thinh lặng để gặp gỡ Chúa và sống an bình
  • Xác tín thinh lặng là phương tiện tuyệt hảo mà Thiên Chúa muốn dùng để thánh hoá mọi người.
  • Tôn trọng luật thinh lặng ở “nơi và giờ” quy định
  • Suy nghĩ và cầu nguyện trước khi trao đổi với người khác
  • Không nói những điều vô ích, nhưng sẵn sàng sống chan hoà và chia sẻ với mọi người, để tạo bầu khí vui tươi, đầm ấm.
  • Phó thác và tin cậy vào sự quan phòng của Chúa, vì thế năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể và khẩn nài Thánh Cả Giuse, Đấng bảo trợ những tâm hồn dâng hiến.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *