Thánh Lễ Bế Mạc Năm Thánh tại Trụ Sở Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam

Cùng với Dòng Anh Em Giảng thuyết trong tâm tình cảm mến tri ân vì biết bao hồng ân Chúa đã ban cho Dòng trong suốt Năm Thánh mừng 800 năm sinh nhật trên trời của Cha Thánh Đa Minh. Hôm nay, 08/01/2022, Gia đình Đa Minh Việt Nam long trọng cử hành lễ Bế mạc Năm Thánh, để tạ ơn Thiên Chúa vì cuộc đời thánh thiện và đặc sủng giảng thuyết Người đã ban cho Dòng qua Cha Thánh Đa Minh. Trong niềm hân hoan đó, vào 10g00, thứ Bảy, ngày 08/01/2022, Tu viện thánh Giuse – Trụ sở Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam  cử hành Nghi thức làm phép nguyện đường mới của Tu viện và dâng Thánh lễ Tạ ơn, Bế mạc Năm Thánh.

Nghi thức làm phép và Thánh lễ Tạ ơn do Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP., nguyên Giám mục Giáo phận Vinh & Giáo phận Hà Tĩnh chủ sự, trước sự hiện diện của cha Giám tỉnh Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam, Tôma Aquinô Nguyễn Trường Tam, OP., cùng với cha Phụ tá Giám tỉnh, Bề trên Tu viện thánh Giuse, Vinh Sơn Phạm Xuân Hưng, OP., và đông đủ anh em trong Tu viện; bên cạnh đó còn có sự hiện diện rất thân tình của quý sơ thuộc Hội dòng Đa Minh Monteils- Tỉnh dòng Đức Mẹ La Vang và quý anh chị Đại diện Ban Phục vụ Huynh đoàn Giáo dân Đa Minh Việt Nam.

Nghi thức làm phép Nguyện đường mới khởi đầu qua việc hát kinh Chúa Thánh Thần, nguyện xin Người ngự đến, thánh hóa và thánh hiến ngôi Nguyện đường mới này, để nơi đây trở thành “trái tim” của Tu viện, nơi cử hành Thánh lễ và các giờ kinh Phụng vụ, nơi  anh em chiêm ngắm mầu nhiệm tình yêu tự hiến của Chúa và kín múc nguồn mạch ân sủng của Người; qua đó, anh em hân hoan thi hành sứ vụ giảng thuyết. Sau khi dâng lời nguyện thánh hiến, Đức Cha Phaolô rảy nước thánh trên Bàn thờ, trên các ảnh tượng và trên khắp nguyện đường. Từ nay, ngôi nguyện đường mới này được thánh hiến cho Thiên Chúa, và dùng để phụng thờ Người qua các cử hành phụng vụ.

Thánh lễ Tạ ơn được tiếp nối ngay sau nghi thức làm phép nguyện đường. Trong lời chào đầu lễ, Đức Cha Phaolô nói lên tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa vì biết bao ân phúc Người đã ban xuống cho toàn Dòng cùng mọi thành phần của Dòng trong suốt hơn tám trăm năm qua; đặc biệt với Gia đình Đa Minh Việt Nam trong suốt gần bốn trăm năm qua, từ khi những vị thừa sai Đa Minh đặt chân đến mảnh đất Việt Nam đến ngày nay. Nhìn lại những ân phúc đó, để tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền bối và nỗ lực “tiếp bước cha anh” hăng say thi hành sứ vụ giảng thuyết ân sủng Lời cho con người thời đại.

Trong bài giảng lễ, Đức Cha Phaolô chia sẻ:

1)- Cùng với địa gia đình Đa Minh trên thế giới, chúng ta hân hoan mừng 800 Năm châu phê Dòng Giảng Thuyết và sinh nhật của thánh Đa Minh trên Thiên quốc. Thiết tưởng đây là một cơ duyên để chúng ta kiểm điểm đời sống, đối chiếu giữa lý tưởng và thực tại, đồng thời suy nghĩ đôi điều về sứ vụ của tu sĩ Đa Minh tại mảnh đất thân yêu này.

Theo Khâm Định Việt Sử thì năm 1533 đời Lê Trang Tông, có một dương nhân đi đường biển lên giảng đạo Gia-Tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh và làng Trà Lũ, Giao Thủy. Vài sử gia cho rằng dương nhân này là một linh mục Tây Ban Nha, dòng Đa Minh. Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn chưa có cứ liệu lịch sử nào có sức thuyết phục.

Điều chúng ta biết chắc là hai thừa sai Đa Minh đầu tiên đến Phố Hiến ngày 7.7.1676 là cha Juan de Santa Cruz và Juan de Arjona, theo lời mời của Đức Cha Fr. Pallu. Có thể coi Gm Juan de Santa Cruz, tên Việt là Thập, như là “tổ phụ miền truyền giáo Đa Minh tại Việt Nam”, vì ngài là thừa sai đầu tiên, hoạt động tại Việt Nam lâu nhất (45 năm) và hưởng thọ 75 tuổi.

Trong giai đoạn khởi đầu, các thừa sai thường xuyên sống trong tình trạng bách hại, phải sống dưới thuyền hay ẩn nấp trong hang, trong rừng hoặc bụi rậm. Vì thiếu linh mục, đại đa số các vị phải đảm nhiệm công tác mục vụ của cha xứ và sống tại nhà xứ. Một số vị bị bắt, bị tra tấn, bị kết án, được phong thánh … Thành công lớn của các vị là triệt để đầu tư cho mục vụ giáo xứ, thành lập các giáo xứ và giáo phận nhiệt thành, năng động, sầm uất. Vào thời Đức cha Phêrô Trung, giáo phận Bùi Chu (bao gồm cả gp Thái Bình) được Đức Thánh Cha Pio XI gọi là “giáo phận truyền giáo kiểu mẫu”.

Tuy nhiên, hoa hồng nào mà chẳng có gai. Trong hơn 250 năm truyền giáo tại Bắc Việt, các cha Đa Minh Tây Ban Nha hoàn toàn sống tại các giáo xứ, như các cha xứ triều khác. Hầu như ít cảm nghiệm về nếp sống tu trì theo linh đạo Đa Minh. Ít nhất, hoàn toàn vắng bống cái hứng khởi ban đầu của thánh Đa Minh khi lập Dòng: gửi anh em đến các Đại học để học tập, thiết lập cộng đoàn, sống đời tu trì và loan báo Tin Mừng.

Tỉnh dòng Rất thánh Mân côi là một tỉnh dòng truyền giáo hùng mạnh về kinh tế, dồi dào nhân sự và địa bàn hoạt động trải rộng lớn. Tuy nhiên, mãi đến cuối thế kỷ XIX, khi dân Phi Luật Tân nổi lên lật đổ chính quyền Tây Ban Nha, lúc đó Tỉnh dòng mới quan tâm đến việc phát triển văn hóa giáo dục ở các miền truyền giáo xa xôi, đặc biệt tại các giáo phận Đông đàng ngoài.

Năm 1924 khánh thành trường Saint Thomas, Nam Định. Năm 1930, khánh thành Giáo hoàng Chủng viện Alberto Cả. Mãi đến năm 1934, Tập viện Đa Minh mới thành lập tại Quần Phương, khởi đầu giai đoạn mới để đào tạo tu sĩ Đa Minh trên chính mảnh đất Việt Nam. Nói chung, về văn hóa và giáo dục, các giáo phận Dòng phát triển chậm hơn và trình độ thấp hơn một số giáo phận thuộc MEP.

2)-  Sau Hiệp định Genève (1954), sứ vụ của các cha Tây Ban Nha thuộc tỉnh Dòng Rất thánh Mân Côi tại Miền Bắc chính thức chấm dứt. Các tu sĩ Đa Minh người Việt di cư vào miền Nam với hai bàn tay trắng. Thật vậy, nếu các dòng khác như Phansinh, Chúa Cứu thế, Lasan… khi bỏ miền 
Bắc để ra đi, thì tại miền Nam đã có sẵn cơ sở. Dòng Đaminh tuyệt nhiên không có chỗ nương thân nào ở miền Nam. Thế nhưng, “việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại”: thật là
 một cuộc đổi mới đối với Dòng Đaminh.

Gần bảy mươi năm sau, nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy biến cố di cư vừa cơ rủi, lẫn cơ may: Dòng Đaminh bỗng dưng được hay bị Việt-nam-hoá hoặc cả hai. Sau những tháng đầu kinh hoàng, thất điên bát đảo, tan hàng, mạnh ai nấy chạy, dần anh em lại quy tụ bên nhau. Chỉ ít lâu sau, các giáo xứ và các cộng đoàn Đa Minh bắt đầu hình thành tại mảnh đất Miền Nam xa lạ. Như một phép mầu, khoảng năm sáu năm sau, một vài tu viện Đa Minh đã được khánh thành tại chính “hòn ngọc Viễn Đông”. Và cứ thế các Trung tâm học vấn, các tu viện, các cơ sở đào tạo khang trang, hiện đại lần lượt theo nhau xuất hiện. Sau biến cố 30/4, tỉnh Dòng, một lần nữa, phải chịu tổn thất nặng về nhân sự, cũng như cơ sở và trường học. Tuy nhiên, nhờ ơn trên, công bằng mà nói, cũng ít Hội Dòng tại Việt Nam có cơ sở và nhân sự như Dòng Đa Minh. So sánh với các Tỉnh dòng Đa Minh trên thế giới thì Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam cũng được coi là một trong các Tỉnh dòng nhiều tu sĩ nhất. Tuy nhiên, nếu xét về phẩm chất, khả năng và đường hướng đào tạo, thì phải thú nhận là còn rất nhiều điều phải làm và phải phấn đấu.

3)-  Đào tạo nhân sự và định hướng tương lai. Không ai có thể cho điều mình không có. Nhiều anh em Đa Minh VN đã được đào tạo và kế thừa di sản của các thừa sai Đa Minh Tây Ban Nha. Chính vì vậy, do điều kiện lịch sử và định hướng mục vụ cụ thể, các vị đã không thể thực hiện được hứng khởi của thánh Đa Minh khi thành lập Dòng là: gửi anh em đi để học tập, rao giảng và thiết lập cộng đoàn. Hầu như các vị được đào tạo để thi hành mục vụ giáo xứ, sống lẻ loi ở các nhà xứ và  không 
có kinh nghiệm gì về nếp sống cộng đoàn, cũng như đời sống học hành. Nói một cách ngắn gọn, đào tạo sơ khởi đó chưa nhằm đào tạo các nhà giảng thuyết theo linh đạo và truyền thống Đa Minh.

Về vấn đề này, không hẹn mà hò, Thư Đúc kết Kinh lý của cha cựu Bề trên Tổng quyền cũng như Công vụ Tổng hội Biên Hòa 2019 cung cấp cho chúng ta một số dữ kiện để suy tư và định hướng tương lai của Tỉnh dòng.

           a)-  Về vấn đề đào tạo sơ khởi

* Đối với Tỉnh dòng, BT Bruno Cadoré rất ấn tượng được tiếp xúc với một “Giáo hội Công giáo thiểu số”, nhưng là một “thiểu số năng động” và “có chất lượng”. Nhờ đó, Tỉnh dòng Đa Minh VN là một trong những Tỉnh dòng có nguồn ơn gọi dồi dào nhất. Tuy nhiên, Tỉnh dòng “cần phải tập trung hơn nữa vào việc phát triển chất lượng đào tạo”.

Cha BT đặc biệt nhấn mạnh đến thách đố của GĐ Đa Minh tại VN. Phải chăng chúng ta cần xem xét trách nhiệm của mình là “giúp GH đối thoại với những người khác, để hiểu họ, để cộng tác với họ khi có thể và để nỗ lực “suy nghĩ với người khác”, đặc biệt là với những người “thuộc tôn giáo khác”.

* Một thách đố cấp bách là cần dành thời gian và có kế hoạch cho sứ vụ đào tạo sơ khởi. Khi đón nhận các anh em trẻ và chịu trách nhiệm đón nhận họ, chúng ta phải xem xét nghiêm túc bối cảnh văn hóa khác nhau (cách sống và lối nghĩ) của các anh em đó và tìm ra đường hướng phù hợp để thích nghi chúng vào “cách sống và lối suy nghĩ của người Đa minh”.

Ơn gọi chúng ta đón nhận là ơn gọi cho Dòng, nhưng được đón nhận và tháp nhập vào Dòng trong môi trường Tỉnh dòng VN. Do đó, họ được đào tạo trước tiên cho các sứ vụ của Tỉnh dòng VN, nhưng đồng thời cũng có khả năng để sống ơn gọi Đa Minh đích thực. Vì vậy, Tỉnh dòng phải xác định tầm nhìn và đưa ra hướng đi rõ rệt.

Chúa đã ban cho chúng ta số lượng ơn gọi dồi dào. Điều cần thiết là phải cải thiện chất lượng ơn gọi và chất lượng đào tạo. Điều này đòi hỏi: 1)- Quan tâm đào tạo các nhà đào tạo. 2)- Chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên cho các Trung tâm. 3)- Chương trình học một trong ba sinh ngữ chính của Dòng.

* Tổng hội Bầu cử Biên Hòa 2019 đặc biệt nhấn mạnh đến sứ vụ tái cấu trúc Dòng, bằng cách thi hành hai tài liệu quan trọng là Quy chế Đào tạo và Quy chế Học vấn. Quy chế Đào tạo đóng vai trò quan trọng trong sứ vụ tái cấu trúc Dòng và đưa ra định hướng để thực hiện sứ vụ này: “Trong truyền thống của chúng ta, đào tạo có nghĩa là tăng trưởng trong việc làm môn sinh, bởi vì chúng ta bước theo Chúa Kitô trên con đường của thánh Đa Minh. Chương trình đào tạo không chỉ là học hành hàn lâm và không chỉ liên quan đến một giai đoạn trong cuộc đời. Đào tạo giả thiết đức khiêm tốn và thuần thục, chấp nhận rằng chúng ta cần phải luôn thăng tiến về kiến thức và nhân đức, cần phải hiểu biết thấu đáo hơn, và cần phải đổi mới. Dĩ nhiên, sâu xa hơn nữa, đào tạo là tác động của ân sủng của Chúa”.

* Đặc biệt, Tổng hội “đã đưa ra một quyết định quan trọng là thiết lập một quỹ học bổng dành cho đào tạo sơ khởi, một trong những cách thế trọng yếu để đảm bảo rằng 800 anh em đang trong giai đoạn đào tạo sơ khởi mà chúng ta có vào thời điểm hiện nay sẽ nhận được một nền đào tạo có chất lượng. Mỗi một anh em, khi đáp lại lời mời gọi ân sủng của ơn gọi Đa Minh, đều có quyền nhận được một nền đào tạo Đa Minh đích thực. Vâng, chúng ta là con cái của các Tỉnh dòng khác nhau, nhưng chúng ta đều là anh em của nhau trong cùng một Dòng”.

*  Đối với Dòng Đa Minh chúng ta, chương trình đào tạo luôn  “kết hợp chiều kích trí thức và mục vụ trong sự tăng trưởng nhân bản và tâm linh của các anh em. Nhiều Tổng hội đã nhấn mạnh rằng việc đào tạo của chúng ta nhằm giúp cho anh em trở nên trưởng thành hơn, xét như là con người và tín hữu, như là tu sĩ và nhà giảng thuyết. Các anh em tiến đến chức linh mục cần sự đào tạo sơ khởi để chuẩn bị ơn gọi của mình, cũng như các anh em trợ sĩ cần chuẩn bị cho ơn gọi của mình”.

* Đối với Dòng Đa Minh chúng ta, “Quy chế Đào tạo cần được đọc cùng với Quy chế Học vấn. Việc học hành là một thành phần cốt yếu của hình thức tu trì của chúng ta. Việc học hành không phải là một lựa chọn thay cho hoạt động tông đồ nhưng là một phần cần thiết cho việc phục vụ Lời Chúa. Bởi vì học hành là thành phần toàn diện của hình thức tu trì của chúng ta, cho nên nó liên quan với cầu nguyện và chiêm niệm, với tác vụ Lời, và với đời sống trong cộng đoàn. Vì thế không bao giờ được phép bàn đến việc đào tạo của chúng ta mà không quy chiếu về việc học hành, cũng như bàn đến việc học hành mà không quy chiếu đến những khía cạnh khác của việc đào tạo”.

             b)- Về mục vụ giáo xứ

Khi bắt đầu tái thiết Giáo hội tại VN, vì thiếu linh mục triều, các giáo phận cần đến anh em và anh em đã phục vụ hữu hiệu qua mục vụ chăm sóc các giáo xứ thuộc về giáo phận. Khi các giáo phận có đủ các linh mục triều, dĩ nhiên, anh em phải lần lượt trao lại các giáo xứ cho các linh mục triều. Nhưng trong mùa gặt của Chúa đã thực sự đủ các thợ gặt chưa?

Phải chăng mọi người thợ cùng làm một công việc như nhau trong vườn nho của Chúa? Là tu sĩ Đa Minh chúng ta phải tìm ra những công việc khác hay những cách thế khác để phát triển và chăm sóc vườn nho ấy. Phải chăng chúng ta cần tìm ra những phương cách khác để hỗ trợ các giáo xứ, qua hình thức hỗ trợ mục vụ lưu động hay hỗ trợ đào sâu về đức tin, mà không nhất thiết phải tham gia vào việc quản trị giáo xứ và phải sống thường xuyên tại các giáo xứ?

Cũng cần suy nghĩ thêm về loan báo Tin Mừng qua mục vụ giáo xứ. Một cách có chủ đích và ý thức, chúng ta có thể biến sứ vụ giáo xứ thành một cộng đoàn gồm các anh em thi hành sứ vụ mục tử nơi cộng đoàn giáo xứ?

Thiết tưởng cần suy nghĩ về đề nghị loan báo Tin Mừng qua công tác mục vụ của cha nguyên BT Cadoré: “Mục vụ không chỉ là coi sóc giáo xứ, bởi vì ý nghĩa của hạn từ mục vụ rộng hơn so với mục vụ giáo xứ. “sứ vụ mục tử”, tức là mang lấy trái tim của vị Mục Tử Nhân Lành trong việc quản trị lưu xá sinh viên, nhà dưỡng lão, nâng đỡ nhóm nghệ sỹ, sống cùng các anh em dân tộc thiểu số, và những hình thức tương tự như thế, đều là những hình thức quan trọng của công tác mục vụ … Chúng tôi mời gọi anh em thực hiện các bước cần thiết và sáng tạo để làm cho hoạt động mục vụ của anh em trở nên đa dạng, phong phú hơn”.

            c)-  Trở về Miền Bắc

Trở lại Miền Bắc nơi mà các cha anh chúng ta đã từ đó đi xuống Miền Nam vào năm 54 của thế kỷ trước. Mấy năm nay, nhất là vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập Tỉnh dòng, đó đây đã vọng lên những lời hẹn hò tái ngộ nơi quê cha đất tổ. Nếu ngày 7/7/1676  các thừa sai Đa Minh Tây Ban Nha đã chọn Phố Hiến như vùng đất ân phúc của Tin Mừng Cứu độ, thì hy vọng một ngày đẹp trời nào đó…, các tu sĩ Đa minh Việt Nam sẽ chính thức hồi hương, nơi một miền đất ân phúc nào đó, nằm cạnh sông Hồng và không xa Phố Hiến.

Điều quan trọng là phải trở về trong tâm thức đầy ắp Đa Minh, với hành trang tâm linh, tri thức, nhân bản và mục vụ mới theo định hướng tái cấu trúc Dòng mà hai Tổng Hội cuối cùng đã quyết định.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, cha Bề trên Giám tỉnh thay lời cho Tỉnh dòng và anh em trong Tu viện Trụ sở Tỉnh dòng khơi lại những cột mốc đáng nhớ và những sinh hoạt, những cử hành trong suốt Năm Thánh vừa qua tại cấp Tỉnh dòng cũng như các địa phương. Ngài chia sẻ rằng, theo kế hoạch thì ngày hôm nay Tỉnh dòng cử hành long trọng Bế mạc Năm Thánh tại miền Bắc, nhưng vì hoàn cảnh dịch bệnh, nên mỗi Tu viện, cộng đoàn và các Hội dòng nữ Đa Minh tổ chức lễ Bế mạc Năm thánh tại các cộng đoàn, chứ không thể cử hành chung theo kế hoạch của Tỉnh dòng đề ra. Qua đó, cha Giám tỉnh cũng bày tỏ tâm tình tri ân đến Đức Cha Phaolô, cùng mọi thành phần trong Gia đình Đa Minh: quý sơ và quý  Đại diện Ban Phục vụ Huynh đoàn Đa Minh đã đồng hành với Tỉnh dòng trong suốt thời gian qua, và trong Năm Thánh, đặc biệt đã hiện diện với anh em Trụ sở Tỉnh dòng trong ngày bế mạc Năm Thánh hôm nay.

Thánh lễ kết thúc qua phép lành trọng thể từ tay Đức Cha Phaolô. Niềm vui ngày bế mạc được tiếp nối qua việc đồng bàn với nhau trong bữa trưa thân tình do Huynh đoàn Đa Minh thiết đãi.

Cùng với toàn Dòng, Gia đình Đa Minh Việt Nam chúng con hân hoan dâng lời ca tụng Chúa vì  ân sủng giảng thuyết mà Chúa đã trao ban cho Dòng qua Cha Thánh Đa Minh và các vị tiền bối của Dòng. Ước mong sao mỗi thành viên trong Gia đình Đa Minh chúng ta can đảm và hăng say “tiếp nối cha anh” để “Lời được vang xa”vang mãi đến các vùng ngoại biên.

Tổng hợp từ daminhvn.net

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *