Đức Thánh Cha đã thúc giục: Hãy luôn tiến bước với “men Thánh Thần”, Đấng dẫn tới “gia sản” mà Chúa Giêsu để lại cho tất cả chúng ta. Suy niệm về đoạn Tin Mừng thánh Luca hôm nay, Đức Thánh Cha nói về hai loại người mà bản văn đề cập đến và họ “lớn lên theo cách thức đối ngược nhau.
Chúa Kitô không khoan nhượng cho người giả hình
Chúa Giêsu nói về thứ men làm lớn lên, nhưng cũng có thứ men xấu chỉ gây phá hoại – thứ men cũng làm lớn lên nhưng là “hướng vào trong.” Đó chính là thứ men của người Pharisiêu, của tiến sĩ luật trong đền thờ, của những nhóm Xa-đốc, nghĩa là, những người đạo đức giả. Đó là những người tự khép mình lại. Họ chú ý đến vẻ bề ngoài, họ giả bộ, họ bố thí rồi sau đó liền khua chiêng cho người ta biết. Đối với họ, điều quan trọng là phải giữ kín điều trong lòng, là sự quy kỷ, là sự an toàn của chính họ: khi có một điều gì đó khiến họ gặp khó khăn trở ngại, như một người bị bọn cướp đánh và bị bỏ lại nửa sống nửa chết, hay khi gặp một người phong cùi, họ rẽ sang lối khác, như quy luật bên trong của họ.
Chúa Giêsu bảo thứ men này rất nguy hiểm. Hãy cẩn thận. Đó chính là đạo đức giả. Chúa Giêsu không khoan nhượng với những kẻ đạo đức giả: những người này tỏ ra rất tốt, với những khuôn mẫu giáo dục tốt nữa, nhưng lại có những thói quen xấu bên trong. Và chính Chúa Giêsu nói: nhìn từ bên ngoài, các ông là những người tốt, như những mồ mả tô vôi, nhưng bên trong thì đầy thối rữa, suy đồi và phá huỷ. Thứ men này làm lớn lên nhưng lại hướng vào bên trong: nó là thứ men không có tương lai, bởi trong sự quy kỷ, trong cái vòng luẩn quẩn chỉ nhắm đến mình, không có một tương lai nào. Ngược lại, có một loại người mà ta thấy họ có một loại men khác, một loại men trái ngược: loại men giúp lớn lên hướng ra bên ngoài. Đúng hơn, nó làm bạn lớn lên như người thừa tự, để kế thừa gia sản.
Lời hứa của một niềm vui vô cùng to lớn
Trong thư gửi tín hữu Ê-phê-xô, thánh Phao-lô giải thích làm thế nào trong Chúa Kitô chúng ta là những kẻ thừa tự, người được tiền định.” Sự liên đới này dành cho những người “hướng ra bên ngoài.”
Nhiều lần họ làm điều xấu, nhưng sau đó họ tu sửa mình. Nhiều lần họ vấp ngã, nhưng họ lại đứng lên. Nhiều lần họ phạm tội, nhưng họ sám hối. Nhưng họ luôn hướng ra bên ngoài, tới gia sản ấy, bởi đó là điều được hứa ban. Và những người ấy là những con người của niềm vui, bởi họ được ban cho một niềm vui lớn lao: rằng họ sẽ là vinh quang và lời chúc tụng của Thiên Chúa. Và như thánh Phao-lô nói: thứ men của những người này là Thánh Thần, Đấng thúc giục ta trở nên lời ca ngợi vinh quang của Ngài, vinh quang của Thiên Chúa.
Với niềm vui nơi con tim
“Dấu chứng của Chúa Thánh Thần, Đấng được hứa ban là “món tiền ký gửi trong gia sản của chúng ta,” trong lúc mong chờ công cuộc cứu độ hoàn tất. Chính Chúa Giêsu muốn chúng ta “luôn bước đi với men Thánh Thần, Đấng không bao giờ làm ta chỉ hướng vào mình, như các tiến sĩ luật, hay những kẻ giả hình. Thực vậy, Thánh Thần đẩy ta hướng ra những biên cương, những chân trời. Như thế, Chúa Giêsu muốn rằng những Kitô hữu dù trong khó khăn, đau khổ, thất bại, vấp ngã, ta luôn tiến lên với niềm hy vọng “tìm thấy gia sản bởi ta có thứ men là Chúa Thánh Thần. Vì thế, có hai loại người: một là bị sự quy kỷ dẫn lối, chỉ hướng vào bên trong. Người ấy có một loại men, được gọi là vị kỷ, nó lớn mạnh phía bên trong, và chỉ lo tỏ vẻ tốt, tỏ vẻ quân bình: nhưng không tự thấy những thói quen xấu của mình. Họ là những kẻ đạo đức giả. Và Chúa Giêsu nói: Hãy coi chừng, hãy cẩn thận. Một loại người khác là những Kitô hữu: chúng ta cần phải là những Kitô hữu, bởi chúng ta cũng có thể là những Kitô hữu giả hình – những kẻ không sống theo men Thánh Thần. Vì điều này, Chúa Giêsu nhắc chúng ta: Hãy coi chừng men Pharisiêu. Thứ men của Kitô hữu là Thánh Thần, Đấng đẩy ta hướng ra bên ngoài, lớn lên với tất cả những khó khăn trên đường đời, cũng như với tất cả những lỗi phạm, nhưng luôn luôn với niềm hy vọng. Thánh Thần chính là gia sản của niềm hy vọng, của lời ngợi khen, và của niềm vui ấy. Trong con tim mình, những người có men Thánh Thần luôn vui mừng ngay cả trong khó khăn, thách đố. Những người đạo đức giả đã quên mất niềm vui có ý nghĩa gì rồi.
Trần Đỉnh, SJ