Là Kitô hữu, linh mục hay giám mục là một món quà miễn phí của Thiên Chúa, chứ không phải trả tiền. Và sự thánh thiện chính là việc “gìn giữ” món quà quý giá đã được nhận miễn phí, chứ không do công khó nhọc của ta. Trong bài giảng Thánh lễ tại nhà nguyện thánh Marta, Đức Thánh Cha suy tư về thánh vịnh 88 và bài đọc thứ nhất trích sách Samuel trong phụng vụ hôm nay.
Thánh vịnh 88 nói về việc Thiên Chúa chọn David làm vua Israel sau khi từ chối Saul vì ông đã không vâng lời. Trong bài đọc thứ nhất, Thiên Chúa sai Samuel đến xức dầu phong vương cho một trong những người con của Jesse ở thành Betlehem. Việc xức dầu cho thấy chọn lựa của Thiên Chúa và ngày nay, điều này cũng được sử dụng cho việc thánh hiến các linh mục và giám mục; và các Kitô hữu cũng được xức dầu trong Bí tích Rửa tội. Thiên Chúa mời gọi Samuel đừng dừng lại ở những điều bên ngoài bởi “người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thấy tận đáy lòng”.
Và Đức Thánh Cha nhắc lại những sự kiện xảy ra khi ấy: các anh trai của David đã chiến đấu chống lại người Philitinh để bảo vệ lãnh thổ Israel, họ đã lập được công trạng, nhưng Thiên Chúa đã chọn người rốt cùng trong số họ. Một cậu bé “không ngồi yên”, cậu cũng có thể đi xem các anh mình chiến đấu nhưng chọn ở lại để chăn cừu. Và Thiên Chúa đã chọn David, cậu bé với đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. Và Đức Chúa nói với Samuel: “hãy xức dầu cho cậu” và rồi “Thánh Thần của Thiên Chúa đi vào David từ ngày đó trở đi”.
Tính nhưng không trong việc tuyển lựa của Thiên Chúa
Đây là một câu chuyện khiến chúng ta phải suy nghĩ. Chúng ta tự hỏi: tại sao Chúa lại chọn một cậu bé “bình thường”, mà có lẽ nhiều khi hành xử ngớ ngẩn như bao nhiêu đứa trẻ khác? Cậu thậm chí không phải là người đạo đức, không cầu nguyện mỗi ngày, người mà có bảy người anh trai đều xứng đáng hơn cậu. Không những thế, người nhỏ nhất, người giới hạn nhất, không có bằng cấp, không có gì, mà cũng chưa đánh được trận nào lại được chọn. Điều này cho chúng ta thấy “tính nhưng không trong lựa chọn của Thiên Chúa”.
Khi Thiên chúa tuyển lựa, Ngài cho thấy sự tự do và nhưng không của Ngài. Chúng ta thử nghĩ xem: tại sao Chúa lại chọn mình? Không phải vì chúng ta xuất thân từ một gia đình Kitô giáo hay một văn hóa Kitô giáo.” Không phải thế, nhiều gia đình Kitô hữu, và cả những vùng văn hóa Kitô đã từ chối Thiên Chúa. Họ không muốn.
Nhưng làm thế nào mà những người chúng ta ở đây lại được Thiên Chúa chọn? Miễn phí, không phải do bất cứ công trạng gì, hoàn hoàn miễn phí. Chúng ta không phải trả bất cứ thứ gì để trở thành Kitô hữu. Chúng ta những linh mục, giám mục cũng không phải trả bất cứ điều gì để trở thành linh mục hay giám mục. Đúng là có những người muốn tiến thân trong điều gọi là những viên chức trong Giáo Hội, những người muốn tạo ảnh hưởng, muốn trở thành những người leo núi… Không, đó không phải là Kitô hữu. Là Kitô hữu, là người đã lãnh nhận bí tích rửa tội, là linh mục hay giám mục được xức dầu là điều hoàn toàn miễn phí. Đó là những quà tặng không phải trả bất cứ điều gì.
Bảo vệ ân sủng
Và Đức Thánh Cha nói về điều chúng ta có thể làm để nên thánh. “Nên thánh” và sự thánh thiện Kitô giáo là “gìn giữ món quà ấy, chứ không phải điều gì khác hơn”, hành xử theo cách thức “Thiên Chúa luôn ở bên chúng ta”, Người là Đấng ban tặng không theo công trạng của tôi.
Trong cuộc sống thường ngày, trong các doanh nghiệp, công sở, nhiều khi để đạt được một vị trí cao hơn, người ta nói chuyện với quan chức này, với quản lý kia,… bởi vì “hãy nói với ông chủ đưa tôi lên …” Đó là những người tìm leo thang danh vọng.
Nhưng là Kitô hữu, là linh mục, là giám mục chỉ đơn thuần là một quà tặng. Và vì vậy, chúng ta hãy sống khiêm tốn, và gìn giữ món quà ấy, đừng để mất đi. Chúng ta là những người được xức dầu trong sự chọn lựa của Thiên Chúa, chúng ta phải gìn giữ ấn tín xức dầu ấy. Đó chính là sự thánh thiện. Những điều khác không giúp ích cho việc này. Hãy khiêm nhường gìn giữ món quà ấy.
Đâu là món quà lớn nhất của Thiên Chúa? Đó chính là Thánh Thần! Khi Thiên Chúa chọn chúng ta, Người đã ban Thánh Thần cho chúng ta. Và đó chính là ân sủng thuần khiết, không do công trạng của chúng ta.
Quên lãng dân chúng là chối bỏ món quà của Thiên Chúa
Cuối cùng, Đức Thánh Cha lưu ý rằng David đã được tìm thấy “ở sau đàn chiên”, ở sau “dân” của cậu.
Nếu Kitô hữu chúng ta quên mất dân Chúa, ngay cả những người không tin, nếu linh mục chúng ta quên đàn chiên của mình, nếu các giám mục chúng ta quên điều này và cảm thấy mình quan trọng hơn người khác, chúng ta từ chối món quà của Chúa. Nó giống như việc nói với Chúa Thánh Thần: “Xin hãy đi đi, đi đi, hãy lặng lẽ ở lại trong Ba Ngôi đi, hãy nghỉ cho khỏe đi, tôi sẽ tự mình quản lý được.” Và đó không phải Kitô hữu, không phải là gìn giữ ân sủng.
Và Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng của mình với lời cầu nguyện:
Hôm nay, khi nghĩ về David, chúng ta hãy nài xin Chúa, ban cho chúng ta biết sống cám ơn vì món quà mà Ngài ban cho chúng ta, xin ơn hiểu biết món quà ấy, món quà lớn lao và đẹp đẽ nhường nào, và biết gìn giữ món quà ấy với sự trung tín của chúng ta.
Trần Đỉnh, SJ – Vatican News