THÁNH STÊPHANÔ NGUYỄN VĂN VINH
Tá điền, dòng Ba Đaminh – (1813 – 1839)
Kính ngày 19 tháng 12
Trong 38 Tử đạo thuộc gia đình Đaminh Việt Nam.
Trích “Uống Nước Nhớ Nguồn”,
Linh mục Px. Đào Trung Hiệu OP, Chân Lý 1988.
Tranh sơn dầu : họa sĩ Phêrô Lê Hiếu OP.
Người Tân tòng trong tù
Thánh Stêphanô Vinh là một trường hợp hy hữu trong danh mục các thánh tử đạo Việt Nam. Khi bị bắt, anh mới chỉ là dự tòng chưa được rửa tội. Nhưng với những hiểu biết ít ỏi về đạo, anh đã kiên trì làm chứng cho chân lý. Mặc dù khi vào tù anh mới chính thức gia nhập đạo, rồi thành hội viên dòng ba Đaminh, nhưng anh không thua kém bạn bè về lòng can đảm tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa.
Stêphanô Nguyễn Văn Vinh sinh năm 1813 tại làng Bồ Trang, tỉnh Thái Bình. Sống trong một gia đình ngoại giáo rất nghèo, một miếng đất cũng không có, anh Vinh quanh năm phải làm thuê làm mướn cho các gia đình ở Kẻ Mốt (Bắc Ninh). Trường học duy nhất anh ham thích và theo được là các lớp giáo lý, nơi anh tập đánh vần và học truyền khẩu. Đặc biệt anh đem các điều học ở đó ra thực hành trong cuộc sống. Có điều là người ta không biết vì sao anh chưa được rửa tội. mọi người đều mến thương anh vì anh đơn sơ, chất phác, khỏe mạnh và thật thà. Trong công việc, anh không bao giờ làm cho qua lần chiếu lệ, ai thuê việc gì, anh cũng chu toàn tốt đẹp không cần kiểm soát, không có gì chê trách. Cho đến khi bị bắt, anh vẫn độc thân chưa lập gia đình.
Tôi biết đạo Chúa là đạo thật
Ngày 29.6.1839, khi quan quân vây bắt cha Tự ở Kẻ Mốt, và bắt mọi người phải đạp lên Thánh Giá, chàng thanh niên 25 tuổi này đã anh dũng nói thẳng với họ rằng : “Tôi thà chết chứ không bao giờ chịu đạp lên Thánh Giá, vì tôi biết đạo Chúa Giêsu là đạo thật”.
Vì lời này, quan quân tưởng anh là người trong đạo, thế là họ bắt anh Vinh và áp giải về trại giam Bắc Ninh chung với cha Tự, ông Trùm Cảnh, thày Uy, thày Mậu, và hai anh Mới, Đệ. Chính tại đây, anh Vinh được diễm phúc làm người Kitô hữu, được hân hạnh là con Cha Thánh Đaminh. Suốt hành trình tử đạo, anh là một nhân chứng trầm lặng, nhưng cùng lập trường với các vị khác. Gông cùm, xiềng xích và tra tấn không lần nào có thể làm anh sa ngã hay nản chí. Chọn quan thày Stêphanô trong tù, anh cương quyết noi theo vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội đến hơi thở cuối cùng.
Lời an ủi ấm lòng…
Sau gần một tháng dọa nạt tra khảo bảy chiến sĩ đức tin nhưng vô hiệu, ngày 27.7.1838, quan tỉnh Bắc Ninh đệ án vào triều xin xử giảo cha Tự và ông Trùm cảnh, còn năm vị kia quan cho là nhẹ dạ tin theo, nên xin đánh mỗi người 100 roi rồi phát lưu vào Bình Định. Luật vua thời đó xử giảo các phù thủy, đồng cốt, còn những kẻ a dua chỉ bị đánh đòn và phát lưu 300 dặm. Thế nhưng vua Minh Mạng cho rằng tội theo đạo Gia Tô thuộc loại nặng hơn, nên quyết định xử chém hai vị trên ngay tức khắc, còn tất cả sẽ bị xử giảo sau một năm nếu không chịu thay đổi ý kiến.
Ngày 5.9.1838, khi biết tin cha Phêrô Tự và ông Trùm Cảnh đã bị chém tại pháp trường Kinh Bắc, năm vị trong ngục buồn bã nhớ thương. Thày Mậu kêu gọi anh em ngồi lại bên nhau cùng đọc kinh, vừa khích lệ nhau, vừa ôn lại những lời khuyên của cha mình. Sau đó ba buổi tối, như chính các vị thuật lại, trong lúc họ đang cầu nguyện thì bất ngờ tất cả đều thấy như cha Tự hiện ra ngay bên an ủi họ : “Các con đừng buồn, chắc chắn các con sẽ được chết vì đạo. Tuy nhiên, các con sẽ phải qua một thời gian thử thách nữa, để xứng đáng với phúc trọng này”. Có thể đó chỉ là giấc mơ chứ không phải sự thật, cũng có thể đó là lời nhắn nhủ cuối cùng của vị linh mục, nhưng kể từ ngày đó, họ hết sầu buồn, tìm lại được can đảm để nêu gương ngay trong cảnh quẫn bách ở trong trại giam.
Tuyên khấn trong ngục tù
Ấn tượng ghi nét sâu đậm vào lòng năm vị chứng nhân là lời cha Tự trong ngày lãnh phúc tử đạo. Cha mặc áo dòng và nói với mọi người về chiếc áo đó. Trước đây, bốn vị, đến khi vào tù có thêm anh Vinh, đã mặc áo dòng ba thánh Đaminh, nhưng chưa ai khấn cả. Thày Mậu liền viết thư cho cha Huấn dòng Đaminh để bày tỏ niềm ước nguyện được hiệp thông với dòng cách trọn vẹn. Thày viết :
“Chúng con tất cả là năm tập sinh của dòng ba nhưng chúng con không thể giữ chay đủ các ngày thứ hai, thứ tư, sáu và bảy được, nên chúng con xin cha thương rộng phép chuẩn chước cho sự thiếu sót đó. Qua thư này, chúng con xin tuyên khấn trước mặt cha vậy, xin cha cho phép.
“Để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa toàn năng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, chúng con là Phanxicô, Đaminh, Augustinô, Tôma và Stêphanô, trước mặt cha Huấn, đại diện cha Hermosilla, giám đốc dòng Ba Hãm mình Thánh Đaminh, chúng con xin hứa và ước ao giữ lề luật và tập tục của dòng cho đến chết”.
Những chữ “cho đến chết” trong ngục tù khi đó chắc hẳn phải có âm vang đặc biệt đối với các vị. Được nối kết với truyền thống hơn 600 năm truyền giáo của Thánh Phụ và một dòng tu lớn trong giáo hội, từ nay năm anh em tích cực hơn với việc tông đồ. Dưới sự điều hành của thày Mậu, năm hội viên chia nhau tiếp xúc gặp gỡ các bạn tù, giới thiệu với họ về Thiên Chúa, cắt nghĩa giáo lý, rồi dẫn họ đến thày Mậu lãnh nhận bí tích rửa tội. Ít ra các vị đã rửa tội được 44 người. Ngục tù giờ đây trở thành nguyện đường, hàng ngày vang lên những lời chúc tụng Thiên Chúa, lời cầu nguyện cho giáo hội và cho mọi người, mọi giới đầy tràn ơn lành của Ngài.
Làm chứng trước quan quyền
Thấm thoát hơn một năm tù đã trôi qua, triều đình quyết định lại việc xử giảo cả năm người. Ngày 19.8.1839, quan cho điệu tất cả ra tòa, vẫn Thánh Giá một bên, bên kia là dụng cụ tra tấn. quan hỏi : “Các anh bị giam cầm đã lâu ngày, chịu khổ cũng đã nhiều, vậy bỏ đạo đi, ta tha về với vợ con”. Thày Mậu đại diện anh em trả lời : “Chúng tôi đã quyết tâm trung thành với Chúa, nên quan ra lệnh chém đầu hay giết cách nào khác, chúng tôi đều sẵn sàng”.
Rồi cả năm vị quỳ xuống bái lạy Thánh Giá và cầu nguyện : “Lạy Chúa ! Xin cứu chúng con, con xin phó thác hồn con trong tay Chúa”.
Thất vọng, quan cho lính đưa tất cả về ngục và thốt lên : “Bọn này không thể tha thứ được, mà chúng có thèm được tha đâu !”.
Ngày 24.11, năm vị phải ra tòa một lần nữa. Quang cảnh vẫn như lần trước, và các tôi tớ Chúa vẫn một mực cương quyết không chối đạo. Thày mậu thay mặt anh em nói với quan : “Chúng tôi chỉ tôn thờ một Thiên Chúa là cha chung muôn loài, là vua trên hết các vua, là Đấng chúng tôi mong được đổ máu ra để chứng tỏ lòng trung thành và yêu mến”.
Như nai rừng mong tìm về suối nước trong…
Ngày 19.12.1839, trước khi đi xử, quan cho năm vị một cơ hội cuối cùng. Ông nói : “Chỉ cần đi ngang qua phía chân tượng, ta cũng tha”. Sau đó, ông lại nói : “Chỉ cần đi vòng quanh tượng ta cũng tha”. Nhưng các chứng nhân đức tin không để bị mắc lừa, họ bảo nhau quỳ xuống đọc kinh Kính Danh Chúa Giêsu. Có lẽ do ảnh hưởng những lời kinh Giáo Hội trong mùa Vọng, đón chờ Chúa giáng sinh, thày Mậu nói với quan những lời kinh thánh vịnh 41 (câu 1 và 2) : “Thưa quan, chúng tôi ước mong về với Chúa như nai mong tìm thấy suối vậy. Xin quan cứ thi hành án lệnh của nhà vua”.
Biết không thể làm nao núng ý chí sắt đá của những con người này được nữa, quan liền truyền đem đi xử với bản án như sau : “Bọn gian ác theo Gia Tô tả đạo, mặc dầu đã khuyên răn sửa phạt, vẫn ngoan cố không chịu bước qua Thập Tự, nay chúng bị xử giảo”.
Trên đường ra pháp trường, thày Mậu rảo chân bước đi trước, cho anh em bước theo sau, tất cả đều tỏ ra hân hoan kiên cường. Dân chúng hiếu kỳ xem rất đông và xì xào với nhau là các vị này bị giết oan. Theo gương thày Mậu, các chứng nhân tươi cười nói với mọi người : “Anh em chúng tôi đang tiến về Thiên Đàng đây”.
Khi tới nới xử, mỗi vị bị trói vào một cọc đã chôn sẵn. Rồi cùng một lúc lý hình xiết cổ các vị bằng dây thừng cho đến lúc tắt thở. Các tín hữu đem thi thể các vị về an táng tại họ đạo mình. Thánh Vinh được đưa về Hương La thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Ngày 27.5.1900, đức Lêo XIII đã suy tôn anh Stêphanô Nguyễn Văn Vinh và các bạn tử đạo lên bậc Chân Phước. Ngày 19-6-1988, đức Gioan Phaolô II suy tôn các ngài lên bậc Hiển thánh.