Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: 1 V 21,17-29 (năm chẵn), 2 Cr 8,1-9 (năm lẻ), Mt 5,43-48
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,43-48)
43 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Anh em đã nghe Luật dạy rằng : Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. 44 Còn Thầy, Thầy bảo anh em : hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. 45 Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. 46 Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi ? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao ? 47 Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu ? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao ? 48 Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.”
Giới răn mới (18.06.2024)
Ronald Knox (nhà thần học người Anh) từng nói: Là Ki-tô hữu, chúng ta chưa bao giờ thật sự nghiêm túc tiếp nhận thách thức của Chúa Giê-su rằng hãy yêu thương kẻ thù mình.
Thế giới hôm nay đang sống trong giận dữ và thù hận với các mối quan hệ ngoại giao chính trị.
Trong cuộc sống, ai ai cũng đều gặp phải những người khiến cho mình cảm thấy khó chịu. Có những người cố ý hoặc vô ý làm tổn thương mình. Trong nhiều trường hợp, ta cảm thấy mình có quyền tức giận, có quyền cảm thấy tổn thương vì những điều bất công mình gặp phải. Đó là những điều hết sức tồi tệ !
Khi xưa, Chúa Giê-su dạy các môn đệ hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi mình. Như vậy, thì mới xứng đáng trở nên con cái của Chúa Cha, Đấng ngự trên trời (x. Mt.5,43-48).
Thương yêu kẻ thù của mình đúng là một phép thử kiên nhẫn và luân lý thật sự ! Bởi lẽ, bản năng tự nhiên của con người gần như luôn là tự vệ, thậm chí sợ hãi, hoang tưởng khi đối chọi với sự xả thân và tha thứ. Yêu người yêu mình là tình yêu tự nhiên theo trái tim, nhưng khi yêu kẻ làm hại mình là ta làm theo Lời Chúa. Khi ấy chúng ta cần phải dùng đến cả ý chí và lý trí cùng sự thêm sức của Chúa. Điều này đòi hỏi một sự cố gắng có ý thức.
Ngày nay, Chúa cũng dạy các Ki-tô hữu – Đi theo Chúa, sống Lời Chúa – Có nghĩa là, một lúc nào đó, Ki-tô hữu cũng sẽ bị người khác căm ghét. Họ sẽ có kẻ thù. Điều đó đã xảy ra với Chúa Giê-su và chắc chắn nó cũng sẽ xảy ra với những ai mang danh Ngài.
Vậy thì,
Làm thế nào để tôi không để cho sự ghen tức khiến cho tim mình lạnh giá ?
Làm thế nào để tôi không để cho một lời nói chua chát làm hỏng nhiệt tâm của tôi ?
Làm thế nào để tôi không coi những người khác như quỷ dữ khi họ chống đối tôi ?
Làm thế nào để tôi vẫn giữ lòng khoan dung khi tôi bị hiểu lầm?
Làm thế nào để tôi vẫn giữ được sự nồng ấm khi đối diện với chua cay ?
Làm thế nào để tôi tha thứ được cho một người không cần tôi tha thứ ?
Làm thế nào để ngăn không cho chính bản thân tôi đóng kín lòng mình khi đối diện với những lạnh lùng và chối bỏ ?
Làm thế nào để tôi tha thứ cho những người khác khi chính trái tim tôi đang bị tổn thương ?
Đó chính là những thách thức tột cùng. Nghĩa là, không căm ghét những ai chống đối mình, không căm ghét kẻ thù của mình, luôn độ lượng và tha thứ khi đối diện với những hiểu lầm, chống đối cay chua, tị hiềm, tức giận, thù hận, ngược đãi, và thậm chí bị đe dọa giết hại.
Noi gương Chúa Giê-su – Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình ra như thế – để ta khỏi ngả lòng nản chí (x. Dt.12,3).
Chúa Giê-su đã chấp nhận bị bắt, bị đánh đập và bị kết án cách bất công; Người không kháng cáo lại trước tổng trấn Phi-la-tô; Người chịu đựng bị sỉ nhục, bị nhổ nước bọt và đánh đập bởi những người lính; Người vác sức nặng của thập giá; Người tha thứ cho những kẻ đóng đinh Người vào gỗ giá; Ngài đã chết cho toàn nhân loại, trong đó có cả những kẻ chống đối, thù ghét Ngài. Nhờ đó, trong nhiều nỗi gian truân thử thách, ta được tràn đầy vui mừng, và trong hoàn cảnh cùng cực khốn khó ta lại trở nên kho tàng phúc hậu cho tha nhân bằng cách kiên nhẫn và nhân từ, không ghen tị, ngạo mạn hoặc cư xử khiếm nhã (1Cr.13,4-8).
Lạy Chúa, xin ban Thánh Thần Chúa giúp con mạnh mẽ gạt bỏ sự thù hận trong lòng mình; xin thêm cho con tình yêu của Thánh Tâm Chúa và sự tha thứ. Amen.
CÁT BIỂN
Yêu thương vô biên (20.06.2023)
Sống và làm con của Chúa là một tiến trình thực hành đức Tin suốt cả đời của một Ki-tô hữu.
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu hôm nay (Mt. 5,43-48) đã đưa ra các phạm trù của tiến trình đó:
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” để từ đó “trở nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện”.
Là con cái của Chúa, nếu không sống và có tâm tình vượt lên trên tình cảm và cảm xúc lẽ thường tự nhiên như thế thì có công trạng chi; có làm được việc gì lạ thường đâu. Bởi lẽ, kẻ xấu và người ngoại cũng biết yêu người yêu mến họ; họ cũng chào hỏi người mà họ thân quen đấy thôi !
Từ đó cho thấy, đã là con cái của Chúa thì ta không được đặt giới hạn cho tình yêu của bản thân mình; cũng như Chúa – Cha của ta trên trời – đã không giới hạn tình yêu của Ngài đối với nhân loại. Chúa Giê-su chính là bằng chứng sống động của tình yêu vô biên, yêu cho tới chết trong giờ phút tử nạn trên thập giá, Chúa đã thực hành những gì Người giảng dạy các Tông đồ:
“Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”
Thật vậy, tình yêu đích thực không hề phụ thuộc vào những gì mà người ta nhận được từ kẻ khác. Tình yêu là phải ước muốn điều tốt lành cho kẻ khác, bất kể những gì họ đã làm cho mình. Đó cũng chính là phương cách mà tình yêu Thiên Chúa dành cho những người tội lỗi, trong đó có tôi và anh.
Lạy Chúa, xin hãy cho con con tim của Chúa; để con biết yêu thương anh chị em mình thật nhiều như Chúa đã yêu chính con. Amen.
CÁT BIỂN
Hoàn thiện (14.06.2022)
Thử phân tích “Hoàn thiện” (完善), một từ ghép ta thấy:
Hoàn (完), bộ Miên (宀 – mái nhà) và chữ nguyên (元 – chủ yếu, căn bản) tức là ở trong nhà thì chủ yếu được đầy đủ, không thiếu thốn. Ý muốn nói đến sự toàn vẹn, đầy đủ.
Thiện (善), bộ Dương (羊) tượng trưng cho chữ tường (祥 – điềm lành, điều tốt) và chữ ngôn (言 – lời nói). Ý nói đến sự tốt lành, đẹp đẽ.
Từ đó, hoàn thiện (完善); về mặt triết học nghĩa là những điều tốt về mặt đạo đức; là lý tưởng thỏa mãn ý chí con người, là chân thỏa mãn lý trí và mỹ thỏa mãn tình cảm vậy.
Tin Mừng theo thánh Mát-thêu (5,43-48) trình bày giáo lý mới của Chúa Giê-su đối với các môn đệ của Ngài, cũng như cho mỗi Ki-tô hữu ngày hôm nay: Tình yêu thương đích thực là yêu thương tất cả mọi người, từ thân nhân bạn hữu cho đến ngay cả người dưng xa lạ, thậm chí là phải yêu thương kẻ thù của mình, kẻ ghét mình, kẻ mưu hại mình.
Thật vậy, có yêu tha nhân như thế thì mới nên hoàn thiện như Chúa Cha trên trời là Đấng tốt lành, hoàn hảo. Người đã yêu thương hết tất cả không trừ một ai, yêu người lành cũng như kẻ dữ, người liêm khiết cũng như kẻ bất lương.
Thế giới hôm nay đầy dẫy bạo lực, thù nghịch và bắn giết nhau. Hơn lúc nào hết, lời mời gọi các Ki-tô hữu hãy sống cuộc sống hoàn thiện theo chân – thiện – mỹ trong lúc này thật sự hết sức ý nghĩa và cần kíp. Ngõ hầu giữa bóng đêm sự dữ sẽ ánh lên ánh sáng sự sống yên bình của sự hoàn thiện Tin Mừng Phục Sinh.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết sống trọn lành như Cha chúng con ở trên trời. Amen.
CÁT BIỂN
Hãy yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù (15.06.2021)
Ghi nhớ:
“Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 6, 48)
Suy niệm:
Vào ngày 13/05/1981 kỷ niệm 64 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phao lô II bị tên Mehmet Ali Agca dùng súng sát hại tại Quảng Trường thánh Phê-rô, trúng hai phát đạn, một vào ngực một trúng tay, Đức Giáo Hoàng bị trọng thương, tính mạng của Người lúc ấy như ngàn cân treo sợi tóc. Sau cuộc phẫu thuật kéo dài hơn năm giờ đồng hồ, sinh mạng của Đức Thánh Cha mới qua cơn nguy hiểm. Sau khi sức khỏe ổn định Người nói:
– Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi, tôi đã chân thành tha thứ.
Hai năm sau vào ngày 27/12/1983 Đức Giáo hoàng đã đích thân đến nhà tù Ribibbia, tại nước Ý để gặp gỡ kẻ đã đang tâm muốn giết chết mình. Đức Thánh Cha còn đề nghị với chính quyền ân xá cho anh ta. Không những thế, Đức Giáo Hoàng còn liên hệ với gia đình Agca và vào năm 1987 Người còn đến thăm hỏi mẹ của kẻ sát nhân!
Chính vì tấm lòng thương yêu cao thượng đó mà sau khi được ân xá, vào ngày 27/12/2014 Agca đã đến viếng mộ của Đức Giáo Hoàng, anh đã đặt lên trên ngôi mộ bó hoa hồng trắng, anh đã cải đạo sang theo đạo Công Giáo.
Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su kêu gọi những môn đệ Ngài không chỉ yêu thương những người yêu thương mình mà còn phải yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyên cho họ! Đây là một đòi hỏi rất khó thi hành, Bởi lẽ, theo tính tự nhiên của con người là sòng phẳng. là công bằng, thế nên: “Ai yêu ta thì ta yêu lại, ai thù ghét ta thì ta thù ghét lại” Do vậy, việc Đức Giê-su mời gọi xem ra rất khó để thực hiện. Nhìn vào thực trạng xã hội hôm nay, việc tha thứ cho kẻ thù đã là rất khó khăn rồi còn nói chi đến việc yêu thương và cầu nguyện cho họ nữa!
Nhưng nếu xét cho cùng, thì lời mời gọi của Thầy Giê-su rất có lợi cho những ai áp dụng lời dạy này. Thầy Giê-su là một nhà tâm lý tuyệt vời. Bởi lẽ, nếu ta thi hành được lời mời gọi của Thầy thì suốt đời ta được sống trong tâm tình thư thái thảnh thơi và bình an, đó sẽ là một cuộc sống mà nói theo ngôn từ ngày nay là; “một cuộc sống có chất lượng”. Cuộc sống đó không bị chi phối, không bị nặng nề, ngột ngạt bởi những toan tính trả thù, trả oán.
Tuy lời kêu gọi này rất khó thực hành. Nhưng chúng ta đã có một tấm gương tuyệt vời để nhìn vào đó làm động lực mà quyết tâm thi hành. “Anh em phải nên hoàn thiên, như Cha của anh em ở trên trời là Đấng toàn thiện”. Nhìn lên Chúa Cha và Chúa Con rồi gẫm lại thân phận mình; chúng ta thấy. Chúa Cha là Đấng rất thánh thiện, Ngài đã tạo dựng nên chúng ta, thế nhưng chúng ta đã biết bao lần xúc phạm đến Ngài? Với những lỗi phạm như vậy lẽ ra chúng ta phải chịu những hình phạt nặng nề, thế mà Ngài chẳng những Ngài không giáng phạt mà vẫn yêu thương tha thứ, thậm chí Ngài còn hy sinh Người Con Một yêu dấu của Ngài đến trần gian để chịu chết mà cứu chuộc chúng ta.
Đến tấm gương của Đức Giê-su thì, mặc dầu bị bọn biệt phái, người Pha-ri-sêu luôn chống đối thù ghét. Cụ thể là khi chịu nạn bị quân dữ đánh đòn làm cho khổ nhục và cuối cùng giết chết bằng cách đóng đinh Ngài vào thập giá, ấy vậy mà Ngài vẫn yêu thương tha thứ và còn cầu nguyện cho họ: “ Lạy Cha, xin tha tội cho họ bởi họ chẳng biết việc mình làm”. Thiên Chúa là Đấng rất thánh, vậy mà chúng ta còn cả gan xúc phạm, thế nhưng Ngài vẫn rộng lòng tha thứ, còn chúng ta là phận hèn mọn nếu có một ai đó lỡ xúc phạm, thù ghét chúng ta thì lẽ nào chúng ta không bỏ qua, tha thứ và cầu nguyện cho người anh em.
Nếu chúng ta giữ lòng đố kỵ, hận thù, oán ghét. Lấy oán báo oán thì oán ngày càng chồng chất, và khi ấy thế giới này, xã hội này sẽ sống trong bất an, sợ hãi. Một cuộc sống như vậy thì còn gì là tốt đẹp, còn gì là hạnh phúc. Chỉ khi nào chúng ta nghe lời Chúa: Yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù mình, cho những kẻ mình không thích, sống lấy ân báo oán thì lúc đó oán mới tiêu tan! Và cuộc sống mới trở nên tốt đẹp, đáng sống và đáng yêu mà thôi!
Cầu nguyện:
Lạy Cha, chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con, xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen.
Sống Lời Chúa:
Luôn tha thứ và cầu nguyện cho kẻ xúc phạm đế mình
Đaminh Trần Văn Chính.
Sống xứng đáng là con cái của Cha (07.06.2020)
“Các ngươi hãy yêu thương thù địch” (Mt 5, 44)
Nếu chúng ta đã vẫn có một ngày sống với yêu thương, làm ơn cầu nguyện thì ấy đã là điều tốt đẹp. Thế nhưng, Chúa muốn chúng ta có một cuộc sống thiện hảo hơn, xứng đáng là con cái của Cha trên trời hơn nữa, khi ta biết: “yêu thương kẻ thù, làm ơn cho ai ganh ghét, cầu nguyện cho người bắt bớ, nguyền rủa”.
Quả thực, Chúa hiểu rõ lòng ích kỷ, thiếu khoan dung của ta, bởi vì ta chỉ hướng ‘lòng yêu, việc làm ơn và lời cầu xin’ tới những người ta thích, ta yêu, tới người làm vui lòng ta thôi. Còn những người xử không đẹp với ta, thì ta vẫn xếp họ khỏi danh sách những người chúng ta bận lòng. Chuyện này có vẻ muôn đời là chuyện thời sự nóng nhất trong ngày, chuyện thời sự từ trong gia đình đến ra ngoài xã hội.
Thử xem, ngay cả người trong nhà với nhau, vợ chồng, con cái, anh em một nhà, thành viên trong cùng hội đoàn, cùng cộng đoàn, cùng giáo xứ, các linh mục trong cùng Giáo Phận, các tu sĩ trong cùng Hội Dòng… mà chẳng biết “yêu thương, làm ơn, cầu nguyện” cho nhau vì không vừa ý nhau, thì nói gì đến việc “yêu thương, làm ơn, cầu nguyện” cho ai khác. Cách sống này phản tác dụng truyền giáo, nếu không nói là làm nhạt nhòa đi, xấu đi, hoen ố đi, hay tệ hơn nữa là đánh mất đi hình ảnh của Đức Giê-su Ki-tô, hình ảnh của Thiên Chúa ngay trong đời sống các tín hữu. Ước gì không còn nghe thấy chuyện linh mục, tu sĩ, giáo dân hơn thua bôi nhọ nhau. Ước gì không còn nghe thấy chuyện vợ chồng, anh em hơn thua bài xích, chỉ trích nhau. Vì tất cả những điều ấy chứng tỏ chúng ta chưa xứng đáng, nếu không nói là chưa phải là con cái của Cha trên trời.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ý thức mình là con cái của Cha trên trời, thì phải luôn biết sống “yêu thương, làm ơn, cầu nguyện”, đặc biệt cho tất cả những ai không làm vui lòng chúng con, còn ngược đãi, thù hại chúng con nữa. Amen.
HH-BCT
Yêu thương anh em bằng tất cả tấm lòng chân thành của mình (18.06.2019)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu dạy cho chúng ta một bài học thật cao quý để được làm con cái của Cha trên trời, đó là: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”. Nếu trong Cựu Ước dạy chúng ta yêu người thân cận (Lv 19, 18), thì Đức Giêsu dạy chúng ta hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Chúng ta yêu kẻ thù, vì kẻ thù cũng là thụ tạo do Chúa Cha tạo dựng nên như chúng ta.
Vì yêu thương, Chúa truyền lệnh mới
Chính Ngài trao, gởi tới anh em
YÊU THƯƠNG Chúa đã cho đem
Cùng nhau đón nhận cho thêm mặn nồng
*
Lệnh truyền này chân thành tha thiết
Để mọi người hiểu biết YÊU THƯƠNG
Cùng nhau tiến bước chung đường
Hài hòa thân thiện vấn vương nghĩa tình
Thiên Chúa đã cho mặt trời mọc lên vào mỗi buổi bình minh để ánh sáng đem lại sự sống cho muôn người. Ngài lại cho mưa rơi xuống ruộng vườn của họ để họ có của nuôi thân. Ngài không hề phân biệt, không dành nắng hay mưa cho riêng người nào. Ngài bao dung và rộng rãi khi đối xử với mọi người. Khi trái tim của chúng ta giống trái tim của Chúa, chúng ta sẽ nhìn kẻ thù bằng cặp mắt yêu thương, sẽ cư xử với họ theo cung cách hài hòa thân thiện. Lúc đó họ sẽ chẳng còn là kẻ thù nữa, nhưng lại là bạn hữu thân tình của chúng ta.
Lệnh truyền đó quang minh chính trực
Giúp mọi người dạ thực lòng ngay
YÊU THƯƠNG thật sự như Thây
Tận tâm phục vụ tràn đầy thiết tha
*
Lệnh truyền đây: chính là lẽ sống
Để lấp đầy chỗ trống xưa nay
YÊU THƯƠNG phủ kín tràn đầy
Kết liên sum họp ngất ngây tình người
Trong thực tế cuộc sống hằng ngày, Chúng ta đã cố gắng yêu thương, làm hòa, vui vẻ… với những người chúng ta không thích, nhưng sao vẫn còn có sự e dè, ngượng ngùng nào đó. Nhưng không sao! Chúa chỉ muốn chúng ta đã nỗ lực đến mức độ nào. Để rồi từ những cố gắng, nỗ lực đó, Chúa sẽ ghi nhận và tiếp tục ban thêm hồng ân của Ngài cho chúng ta và biến đổi chúng ta cũng như những người chúng ta gặp gỡ đều trở nên tốt đẹp, hiệp nhất và yêu thương nhau nhiều hơn.
Lệnh truyền Chúa: cho đời hạnh phúc
YÊU THƯƠNG rồi hát khúc hoan ca
Điểm tô cuộc sống mặn mà
Nhìn nhau ánh mắt chan hòa niềm tin
*
Cùng đan kết giữ gìn luôn nhớ
Lòng bảo lòng xin chớ đừng quên
YÊU THƯƠNG đời sẽ đẹp thêm
Lệnh truyền của Chúa êm đềm biết bao
Lạy Chúa! xin cho chúng con biết sống trong tình yêu thương của Chúa và của mọi người, để chúng con được sống trong bình an và hạnh phúc. Xin cho chúng con biết sống xứng đáng là con cái của Chúa là luôn biết yêu thương và đem niềm vui đến cho mọi người đang sống chung quanh chúng con. Amen.
HOÀI THANH
Yêu như Chúa yêu… (19.06.2018)
Lời Chúa hôm nay dạy rằng:
“Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời.” (Mt 5,44-45a)
Theo lời hiệu triệu trên của Chúa Giê-su và theo lời dạy của Ngài, các Ki-tô hữu được mời gọi sống quảng đại, bao dung trong các mối tương quan với mọi người: Yêu ngay cả kẻ thù ghét mình và cầu nguyện cho kẻ làm hại, ngược đãi mình.
Đó chính là tình yêu hoàn thiện của Chúa.
Nghịch lý của tình yêu hoàn thiện là:
Thay vì loại trừ, ghét bỏ, và tẩy chay kẻ thù, kẻ làm hại ta; thì ngược lại phải bao dung, tha thứ cho họ luôn mãi… để yêu thương họ như yêu thương chính người thân yêu của mình vậy.
Tình yêu hoàn thiện yêu thương tất cả mọi người không trừ một ai.
Tình yêu hoàn thiện còn đòi buộc phải cầu nguyện cho kẻ thù của mình nữa.
Lạy Chúa, thế giới hôm nay vẫn còn xảy ra nhiều cuộc chiến xung đột sắc tộc, màu da, tôn giáo, thể chế chịnh trị… Xin Chúa cho mỗi Ki-tô hữu biết mở lòng mình ra đón nhận những khác biệt, sẵn sàng tha thứ cho người xúc phạm mình, và luôn yêu thương nhau để mọi người được sống trong hòa bình, trong yêu thương. Amen.
CÁT BIỂN
Nghịch lý Tin Mừng (20.06.2017)
Nghịch lý “yêu kẻ thù” của Tin Mừng Đức Giê-su Ki-tô luôn thách thức tri thức và luận lý của con người. Ngày nay, vẫn còn nhiều người không chấp nhận chân lý này bởi lẽ nhân loại vẫn đang thiếu một tình yêu đích thực – Tình yêu Ki-tô giáo – Chỉ tình yêu của Đức Ki-tô và tình yêu giống như Đức Ki-tô mới thay đổi được lòng người, mới hủy diệt được bom đạn, mới xóa bỏ được hận thù, và mới thật sự tiêu diệt được sự dữ, chết chóc vẫn đang diễn ra hàng ngày trên thế giới…
…Tháng 10 năm 1975, vào những ngày đầu lao tù của ĐHY Nguyễn Văn Thuận ngài đã viết: “Tôi không xem ai là kẻ thù nghịch của tôi, kể cả những người căm thù tôi nhất, những người bắt bớ tôi, thề không đội trời chung với tôi. Tôi luôn luôn xem họ là anh em tôi” (x. Ðường Hy Vọng số 793)
Năm 1997, sau khi được chính quyền Việt Nam trả tự do. Quyển “5 chiếc bánh và 2 con cá” cũng do chính Ðức Hồng Y viết lúc ở trong tù được xuất bản lần đầu tiên bằng tiếng Ý. Trong lời mở đầu Ðức Hồng Y viết như sau:
“Nhiều lúc tôi cảm thấy khó chịu trong lòng vì người ta phỏng vấn, muốn thúc giục tôi nói những chuyện giật gân trong thời gian ở lao tù, muốn tôi kết án, tố cáo, khích động đấu tranh trả thù. Đó không phải mục đích của tôi. Nguyện vọng lớn nhất của tôi là trao lại cho các bạn trẻ một sứ điệp của tình thương và sự thật, của công lý và hòa bình, của tha thứ và hòa giải, để xây dựng”.
Ngài còn quả quyết: “Bác ái không có biên giới; nếu có biên giới, không còn là bác ái nữa” (x. Ðường Hy Vọng số 787).
Trên đây là số ít của những chứng từ sống yêu thương như Tin Mừng hôm nay đề cập.
Chúa Giê-su đòi buộc những ai theo Người phải yêu kẻ thù… Nếu môn đệ Chúa mà chưa biết yêu kẻ thù của mình, cũng như khộng biết cầu nguyện cho kẻ bắt bớ ngược đãi mình thì chưa thật sự là con cái của Cha Trên Trời vậy !
Nghịch lý của Tin Mừng Chúa Giê-su là đây. Đòi hỏi trái khoáy của Phúc âm vượt trên những tính toán của con người; đòi buộc con người phải vượt thắng những tình cảm, những tâm lý ứng xử thông thường gặp phải trong cuộc sống thường nhật của mình.
Tình yêu sẽ chiến thắng hận thù. Cho dù có lúc sự dữ xem ra thắng thế, có lúc bóng tối lấn lướt ánh sáng, và sự chết gần như thống trị hoàn toàn sự sống…như chính lúc Chúa Giê-su bị bắt và bị chết treo trên thập giá. Thế nhưng, bất cứ Ki-tô hữu nào cũng biết Chúa Giê-su đã chết nhưng không thật sự chết, mà Ngài đã sống lại và hằng sống bên hữu Thiên Chúa Cha.
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết yêu như Chúa khi đội mặt với những người đang làm phiền, làm khổ con. Xin Chúa cũng cho con có được tâm tình của Chúa để con biết sống và thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống thường ngày. Amen.
CÁT BIỂN
Yêu thương trọn hảo (14.06.2016)
Cuộc sống không đơn giản như tôi nghĩ. Bởi lẽ tôi không chỉ sống đơn độc một mình, mà là đang sống trong một cộng đồng xã hội bao gồm rất nhiều người: Tốt đẹp có, và xấu xa cũng có…Mỗi người một cá tính, một hoàn cảnh, một ý nghĩ, và động lực sống khác nhau… không ai giống ai. Chính sự khác biệt và đa dạng này làm tôi nhiều phen phải đau khổ, chán chường, và mệt mỏi …
Có những nỗi khổ đau do tôi tự tạo ra, và cũng có những bất hạnh do người khác trao cho… thành thử có người tôi cho là bạn, có kẻ tôi cho là thù… thuận theo khuynh hướng tâm tính tự nhiên của con người.
Thế nhưng, Chúa Giêsu đã bẻ gẫy những giới hạn tự nhiên thường tình như tôi vừa nói. Ngài đã đưa ra một “thông điệp” mới mẻ: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44)
Qua “thông điệp” này, Chúa Giêsu mời gọi các Kitô hữu hãy kiến tạo một tình yêu thương trọn hảo bằng một tâm hồn đại lượng; ngõ hầu trở nên hoàn thiện như Thiên Chúa Cha trên trời là Đấng hoàn thiện (x. Mt 5,45-48)
Với một tình yêu thương trọn hảo như thế, chắc chắn không còn ai bị loại ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa. Không còn sự phân chia đối cực như hiện nay giữa người thân thuộc và kẻ địch thù nữa; mà tất cả đều là anh em, bạn hữu, con chung một Cha trên trời vậy.
Tình yêu thương trọn hảo mà Chúa Giêsu đưa ra được thể hiện bằng những hành động cụ thể – và quan trọng nhất – đó là thi ân và cầu nguyện cho những kẻ không được tôi yêu thương. Chúa Giêsu đòi buộc tôi không được yêu thương theo bản năng tình cảm tự nhiên, mà phải thực sự yêu thương mọi người vì mưu cầu lợi ích cho chính họ. Bởi chính khi sống yêu thương như vậy, tôi thực sự được nên giống Chúa hơn, Đấng luôn yêu thương, khoan dung, và tha thứ cho hết thảy người lành kẻ dữ.
Thật vậy, yêu thương chính là chu toàn Lề Luật của Chúa (x. Rm 13,8-10). Yêu thương để trở nên giống Chúa hơn; và yêu thương để xứng đáng được làm con cái của Ngài.
Lạy Chúa Giêsu, xin tuôn đổ tình thương trọn hảo của Ngài trên chính cuộc đời của con; để con được giải thoát khỏi tình yêu hạn hẹp, luôn toan tính với anh chị em mình. Xin ban cho con biết quảng đại yêu thương và bao dung với tất cả mọi người, ngay cả với những kẻ chống đối và làm hại con. Amen.
CÁT BIỂN
Tình Chúa không biên giới
“Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính.” (Mt 5,45)
Suy niệm: Một người khi vừa vượt biên thành công sang nước láng giềng liền bốc một nắm đất nơi anh đang đứng và nói: đất này cũng giống đất ở nước anh, thế nhưng chính đường biên giới do con người vạch ra đã làm cho đất bên ấy khác với đất bên này. Tình yêu Thiên Chúa bao la xoá bỏ mọi thứ biên giới. Đấng cho “mặt trời mọc lên soi sáng cho cả kẻ xấu lẫn người tốt, cho mưa xuống người công chính cũng như kẻ bất lương,” Đấng ấy mời gọi chúng ta hãy sống như Ngài, yêu thương mọi người cách bình đẳng không loại trừ ai, yêu thương không chỉ anh em mình, mà phải yêu cả những kẻ khó ưa và cả kẻ thù của mình nữa.
Mời Bạn: Trong thông điệp Phục Sinh 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói: “Hãy đến và xem! Tình yêu Thiên Chúa mạnh mẽ dường nào, Tình yêu ấy trao ban sự sống và Tình yêu ấy làm cho hy vọng nở hoa nơi sa mạc.” Chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới đủ sức mạnh để phá đổ mọi bức tường ngăn cách. Thiên Chúa hôm nay vẫn đang tiếp tục thể hiện Tình yêu ấy nơi mỗi người chúng ta khi ta biết mở lòng đón nhận và làm theo chỉ dẫn của Ngài trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Sống Lời Chúa: Làm việc bác ái cụ thể cho người đang sống bên cạnh bạn nhất là những người mà tự nhiên bạn không ưa thích, những người bạn đang có mối bất hoà.
Cầu nguyện: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ, xin thương xót con và để con có khả năng thương xót và yêu mến mọi người xung quanh con như chính Chúa đã yêu con.