Làm chứng cho Chúa đến hết đời (14.12.2024 – Thứ Bảy Tuần II Mùa Vọng)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Hc 48,1-4.9-11; Mt 17,10-13

Bài đọc 1: Hc 48,1-4.9-11

Bài trích sách Huấn ca.

Ngày ấy, ngôn sứ Ê-li-a xuất hiện,
ông là vị ngôn sứ chẳng khác nào ngọn lửa,
lời của ông tựa đuốc cháy bừng bừng.
Ông khiến cho nạn đói hoành hành trong dân,
và do lòng nhiệt thành, ông làm cho số dân giảm bớt.
Ông dùng lời Thiên Chúa mà đóng cửa trời,
và ba lần cũng cho lửa đổ xuống.
Thưa ông Ê-li-a, ông đã làm bao việc lạ lùng,
ông thật là vinh quang hiển hách !
Ai có thể tự hào được nên giống như ông ?
Ông đã được cất lên giữa đám lửa xoáy như cơn lốc,
trên chiếc xe do ngựa đỏ như lửa kéo đi.
Trong những lời khiển trách vào thời sẽ đến,
ông đã được nêu danh,
để làm nguôi cơn giận của Thiên Chúa
trước khi cơn thịnh nộ bùng lên,
để đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu,
và tái lập các chi tộc Gia-cóp.
Phúc cho ai được nhìn thấy ông,
và cho kẻ được an nghỉ trong tình yêu Thiên Chúa,
vì cả chúng tôi, chắc chắn cũng sẽ được sống.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 17,10-13)

10 Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, các môn đệ hỏi Đức Giê-su rằng : “Sao các kinh sư nói rằng ông Ê-li-a phải đến trước ?” 11 Người đáp : “Đúng thế, ông Ê-li-a đến và sẽ chỉnh đốn mọi sự. 12 Nhưng Thầy nói cho anh em biết : ông Ê-li-a đã đến rồi và họ không nhận ra ông, nhưng đã xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” 13 Bấy giờ các môn đệ hiểu Người có ý nói về ông Gio-an Tẩy Giả.

Làm chứng cho Chúa đến hết đời (14.12.2024)

Ngày 14.12: Lễ Nhớ Thánh Gioan Thánh Giá (1541 – 1591)

Mô sê và Êlia là hai ngôn sứ vĩ đại của Cựu ước. Chúa Giêsu nói : Cho đến ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. (Mt 11,13) thì ông Êlia là đại diện phần ngôn sứ, ông Môsê đại diện phần “lề luật”.

Ngôn sứ Êlia sống vào thời Akháp làm vua Israel phía bắc (874-853). Tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, không màng đến sự an nguy của tính mạng, một mình ông Êlia đã thách đấu với 450 ngôn sứ thần Baan trên núi Các-men bằng việc dâng của lễ toàn thiêu để chứng minh Thiên Chúa là vị Thần chân thật duy nhất, còn các thần khác chỉ là ngẫu tượng do người ta bịa ra. Hôm đó Thiên Chúa đã dùng lửa trời toàn thiêu lễ vật của Êlia dâng, giúp ông chiến thắng oanh liệt các ngôn sứ thờ ngẫu tượng. Việc ông làm đã dục lòng cho dân Do thái quay trở lại tin thờ Thiên Chúa, thoát khỏi tình trạng đang chao đảo đức tin và hùa theo thờ cúng các ngẫu tượng (1 V 18, 20-40).

Trong Thánh Kinh, ngôn sứ Êlia không chết mà được Thiên Chúa đem đi trên một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa (2 V 2,11).

Ngôn sứ Malakhi đã báo trước về sứ vụ dọn đường cho Đấng Messia đến của Êlia:

Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, (Ml 3,23-24).

Bài đọc I trích từ sách Huấn ca đã kết luận về ngôn sứ Êlia : Người đã nên dấu chỉ sự đe phạt qua các thời đại, để làm nguôi cơn thịnh nộ Chúa, để giao hoà cha với con, và chấn hưng lại những chi họ Gia-cóp.

Những nhiệm vụ của ông Êlia khi được sai đến để chuẩn bị cho Ngày của Chúa, đều được Thiên sứ Gáprien, khi truyền tin cho ông Giacaria, đã lập lại là sẽ có nơi con trẻ Gioan (x. Lc 1,17).

Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết rằng ông Gioan chính là Êlia phải đến trước Người : “Và nếu anh em chịu nghe lời tôi, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến” (Mt 11,14).

Nhưng các môn đệ đã quên điều đó. Khi từ trên núi xuống, sau khi đã được Chúa Giêsu cho xem thấy vinh quang của Ngài khi cùng với hai ông Mô sê và Êlia, ba môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu vẫn hỏi Chúa Giêsu “Sao các kinh sư nói rằng ông Ê-li-a phải đến trước?” Lần này Chúa Giêsu cũng trả lời các môn đệ : Ông Gioan chính là người làm công việc của ông Êlia, là người phải đến trước để chuẩn bị cho Đấng Cứu thế đến sau ông. Nhưng người Do thái đã không tin ông Gioan, nên cũng không tin Chúa Giêsu chính là Đấng Messia toàn dân đang mong đợi. Vì họ mong đợi đấng Messia theo ý của họ chứ không theo chương trình của Thiên Chúa.

Êlia đến để chỉnh đốn mọi sự. Gioan, Êlia thời Tân ước, đã đến. Ông kêu gọi người ta sám hối để được ơn tha tội, thể hiện bằng chịu phép rửa và thực hành những việc cụ thể và thay đổi cách sống. Thật tội nghiệp, sau một thời gian chịu sự dẫn dắt của các mục tử biến chất, dân chúng đã không còn tự ý thức được những điều phải làm theo lề luật và theo lương tâm. Họ đã phải hỏi “Chúng tôi phải làm gì đây ?” Cả những người bị xã hội xa lánh vì nghề nghiệp, vì tôi lỗi … cũng đến hỏi ông Gioan như thế. Ông Gioan đã chỉ cho họ những việc tốt lành phải làm, là sống yêu thương và bác ái, cũng chính là giúp họ sửa sang con đường tâm linh cho ngay thẳng, là chuẩn bị một tâm hồn thánh thiện để đón Chúa. (x. Lc 3,10-14).

Ngày nay cũng nhiều người, nhiều Kitô hữu đã chứng kiến những dấu lạ, những sự nhiệm mầu trong vũ trụ và trong đời sống thường ngày, nhưng vẫn không nhận chân Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã sắp đặt và an bài mọi việc. Họ chỉ muốn Chúa đến theo những suy nghĩ thiển cận của họ. Chúa phải đến để lo cho họ được đầy đủ những thứ họ muốn và như thế Chúa mới là linh thiêng, là toàn năng.

Nhưng cũng có những Kitô hữu đã tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu, họ trung thành với Đức Tin và sẵn sàng làm chứng cho Chúa đến hết đời, dù có chịu nhiều gian truân thử thách, hoặc phải hy sinh tính mạng. Họ đã thành những thánh nhân, dù đã được Giáo hội tuyên thánh hay chưa. Thánh Gioan Thánh Giá Giáo Hội kính nhớ hôm nay là một trong số những vị đó.

Cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá hoàn toàn thực hành theo lời của Chúa Giêsu : Ai muốn theo ta hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo ta (Mc 8,34b).

Thánh Gioan Thánh Giá sinh năm 1542 tại Avila, Tây Ban Nha. Lòng đạo đức của thánh nhân bắt đầu từ gia đình, được người cha tuy chết sớm nhưng đã để lại tấm gương yêu thương và trung tín, của người mẹ tần tảo lao lực hy sinh cho con cái.

Thánh nhân đã trải qua thời thơ ấu vất vả mưu sinh. Khi mới 14 tuổi, để giúp đỡ mẹ, Gioan vào làm việc trong bệnh viện với nhiệm vụ trông coi các bệnh nhân bị chứng bệnh bất trị hoặc bị điên dại. Chính trong sự đau khổ và nghèo nàn này, cùng với việc hàng ngày chứng kiến những đau đớn và bất lực của con người trước bệnh tật, hoàn cảnh, Gioan đã nhận biết và đã đi tìm hạnh phúc ở nơi Thiên Chúa chứ không ở nơi trần gian này.

Gioan luôn nghĩ rằng chỉ có hết tâm trí từng giây từng phút trong cuộc đời đều gắn liền với Chúa, đem những đau khổ kết hợp với cuộc khổ nạn của Chúa thì mới có thể đạt đến sự viên mãn thánh thiện.

Năm 1953 Gioan đã gia nhập và khấn dòng Cát Minh (Camêlô) và được thụ phong linh mục ba năm sau đó. Thánh Têrêsa Avila đã đến gặp cha Gioan, cả hai đều muốn cải cách luật dòng để đưa việc tu trì của dòng vào đời sống khổ hạnh, chuyên cần chiêm niệm và cầu nguyện. Nhóm dòng Cát Minh cải cách này được gọi là “dòng Cát Minh đi chân đất”. Nhưng việc cải cách không dễ dàng, cha Gioan gặp nhiều chống đối ngay từ trong nhà dòng, thậm chí ngài còn bị một số thầy bắt cóc đưa về nhà dòng ở Toledo, gần Madrid, giam lại trong xà lim chật chội, bị hạn chế ăn uống, bị đánh đòn… Nhưng chính lúc bị giam giữ đó Đức Tin của thánh nhân bừng cháy hơn bao giờ hết. Ngài thấy ngài chỉ còn Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã đem cho ngài niềm vui trong cái xà lim nhỏ bé tối tăm lạnh lẽo ấy.

9 tháng sau bị bắt, cha Gioan đã trốn thoát và đến ẩn trốn trong bệnh xá của một tu viện. Tại đây cha Gioan bắt đầu cuộc đời tận tuỵ chia sẻ và dẫn giải tình yêu của Chúa với mọi người. Chính cuộc sống với toàn những nghèo khó, nguy nan, bất hạnh, cuộc đời đầy phong ba và cay đắng đã làm cha Gioan càng trở nên tin tưởng và mê say yêu Chúa hơn.

Là một tu sĩ dòng Cát Minh, cha Gioan cảm nghiệm sự thanh luyện tinh thần. Ngài nhấn mạnh đến cái giá trị của tinh thần kỷ luật : con đường hiệp nhất với Thiên Chúa là sống kỷ luật, từ bỏ mình, thanh luyện. Thánh Gioan quả thật là người “của Thánh Giá.

Thánh Gioan đã trở thành linh hướng cho Thánh Têrêxa Avila. Tác vụ linh hướng của cha Gioan lan rộng cả thành phố, với một đám đông người, kể cả những người nổi tiếng là tội lỗi. Cha đã cố gắng dành thời gian cho tất cả mọi người, cả những trẻ em nghèo. Nhớ lại thời thơ ấu của mình, cha đã quy tụ trẻ em lại, dạy cho chúng biết đọc, biết viết.

Năm 1580, Đức Giáo hoàng Gregory đã chấp thuận việc tách dòng “Dòng Cát Minh đi chân đất” ra, không còn nằm dưới quyền của Dòng Cát Minh thông thường nữa. Cha Gioan đã đi khắp Tây Ban Nha, thành lập những tu viện mới của Dòng Cát Minh Đi Chân Đất.

Ngài từ trần vào tháng 12 năm 1591, khi 49 tuổi. Cuộc đời ngài ngắn ngủi nhưng trọn vẹn. Cha Gioan được Đức Giáo Hoàng Benedictus XIII tôn phong lên hàng hiển thánh năm 1726 và năm 1926 Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên xưng Thánh Linh Mục Gioan Thánh Giá là Tiến Sĩ Hội Thánh.

Thánh Gioan Thánh Giá là một mẫu gương sáng láng về hết lòng yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân. Ngài đã nhận ra Thiên Chúa nơi mỗi tha nhân để ngài yêu thương và phục vụ. Ngài chính là dấu chỉ để mọi người nhận Ngày của Chúa đã sắp đến trong cuộc đời mỗi người.

Lạy Chúa Giêsu, khi chiêm ngắm cuộc đời Thánh Gioan Thánh Giá, chúng con thấy thánh nhân đã vì lòng nhiệt thành yêu mến Thánh giá mà hoàn toàn từ bỏ mình để hết lòng yêu mến Chúa, dành trọn cuộc đời cho Chúa và để yêu mến phục vụ tha nhân, trở nên dấu chỉ Nước Chúa đã đến. Nhờ lời chuyển cầu của Thánh Gioan Thánh giá, xin Chúa ban cho chúng con ơn sốt sắng, mạnh mẽ theo gương ngài, để mai sau được cùng ngài chiêm ngưỡng Nhan Thánh vinh hiển Chúa. Amen.

Jos. NM Tưởng

Xin cho con nhận ra Chúa (16.12.2023)

Hai bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đều nói đến vị ngôn sứ lẫy lừng trong Cựu ước là ông Êlia. Vị ngôn sứ này được Thiên Chúa ban cho quyền phép lớn lao như đóng, mở cửa trời (gây hạn hán và cho mưa xuống), khiến lửa từ trời xuống đốt cháy kẻ thù, làm cho kẻ chết sống lại v.v… Ngôn sứ Êlia được sai đến để “chấn hưng lại nhà Giacóp”, làm cho dân từ bỏ thần ngoại mà quay về với Đức Chúa là Thiên Chúa của cha ông họ.

Bài Tin Mừng là đoạn tiếp theo trình thuật Chúa Giêsu đem ba môn đệ thân thiết nhất lên núi, rồi người biến hình và có hai ông Môsê và Êlia đến đàm đạo về cuộc Xuất hành tại Giêrusalem của Ngài.

Dựa vào lời các ngôn sứ trong Cựu ước, đã từ lâu dân Israel mong chờ Đấng Messia đến để cứu dân tộc họ khỏi ách cai trị của ngoại bang, thời Đức Giêsu là Đế quốc Rôma. Khi ông Gioan xuất hiện, kêu gọi dân Israel sám hối và làm phép rửa cho họ tại sông Giôđan. Dân chúng đã thắc mắc và thầm mong ông chính là Đấng Messia, hoặc là ông Êlia trở lại như lời tiên báo của ngôn sứ Malakhi : “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của ÐỨC CHÚA đến, ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông…” (Ml 3,23) và “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta.” (Ml 3,1),.

Nhưng ông Gioan đã thẳng thắn bác bỏ những điều ấy và xác nhận ông chỉ là tiếng kêu trong sa mạc như ngôn sứ Isaia đã nói : “Có tiếng hô  : “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA”  (Is 40,3).

Ngoài việc khẳng định mình chỉ là người đi trước dọn đường cho Đấng Cứu thế, ông Gioan còn giới thiệu Chúa Giêsu với mọi người : “Có đấng đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi” (Mc 1,7) và khi Chúa Giêsu đến, ông nói : “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” (Ga 3,30).

Để củng cố lòng tin của ba môn đệ, Chúa Giêsu cho họ thấy thấy vinh quang của Ngài khi Ngài biến hình trên núi và đàm đạo với các ông Êlia và Môsê. Nhưng vì các môn đệ chỉ thấy ông Êlia xuất hiện trong chốc lát hoặc trí óc còn bị che khuất nên các ông vẫn còn thắc mắc về việc ông Êlia phải đến trước Đấng Messia.

Chúa Giêsu đã giải thich cho họ biết nhiệm vụ của Ngôn sứ Êlia là đến để chấn hưng đạo đức của dân Israel. Nếu hiểu theo nghĩa đó thì khi ông Gioan đến cũng đã làm công việc của Êlia : kêu gọi người ta sám hối để đón Chúa. Như vậy ông Êlia đã đến qua công việc của ông Gioan đã làm.

Cuối cùng các môn đệ cũng hiểu được những điều Chúa Giêsu nói với các ông là nói vể Gioan Tẩy giả và công việc ông làm là việc của ngôn sứ Êlia.

Nhưng những người Do Thái đã không nhận ra điều ấy, họ vẫn cứ bám vào sự hiểu biết, quan niệm của họ là phải có ông Êlia trở lại từ trời, nơi mà trước đây ông đã được Thiên Chúa đem đi bằng chiếc xe có những con ngựa như lửa kéo. Do đó họ đã không chấp nhận Gioan. Họ chỉ coi ông Gioan như một ngôn sứ chứ không phải là Êlia mới, người tiền hô của Đấng Messia là Chúa Giêsu, nên họ không nhận ra thời của Chúa đã đến. Và họ cũng không nhận Chúa Giêsu chính là Đấng Thiên sai nên đã đối xử với Ngài một cách bất công và sẽ gây cho Ngài nhiều đau khổ.

Chúa Giêsu đã nói về hiệu lực của Thánh Kinh : trời đất sẽ qua đi nhưng một chấm một phết trong Lề Luật cũng phải được hoàn thành (Mt 5,18). Vì vậy khi áp dụng Thánh Kinh vào cuộc đời mỗi người Lời Chúa luôn luôn mang tính thời sự.

Hàng ngày Ngôn sứ Êlia và Thánh Gioan Tẩy giả vẫn đến với tôi qua những vị mục tử có nhiệm vụ chăm sóc phần hồn của tôi, các Ngài vẫn đến để chấn hưng cách sống của đoàn chiên, của riêng tôi để sẵn sàng đón Chúa đến. Thường xuyên hơn nữa Chúa còn đến với tôi qua những người chung quanh, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn ngặt nghèo, để tạo cơ hội cho tôi thông cảm và chia sẻ với họ những gì Chúa đã ban cho tôi. Làm được như vậy tôi đã học theo gương Thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu Chúa Giêsu với mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, dân Do Thái xưa không nhận ra Gioan là vị Tiền Hô của Chúa nên cũng không nhận ra Chúa chính là Đấng Messia họ đang mong đợi. Phần con cũng rất nhiều lần con không nhận ra Chúa đến ở với con, lo mọi thứ cho con.

Xin Chúa làm cho Lửa yêu thương Chuá đã đem xuống thế gian này cháy bùng mạnh mẽ trong con, giúp con luôn nhận ra Chúa trong những người chung quanh con, để con yêu mến Chúa hết lòng bằng việc yêu anh em như chính mình.

Con tạ ơn Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ con. Amen.

Jos. NM Tưởng 

Biết lắng nghe tiếng Chúa (10.12.2022)

Ghi nhớ:

Nhưng Thầy nói cho anh em biết: “ Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn” (Mt 17, 12).

Suy niệm:

Có hai người một da trắng và một da đen, cùng nhau bước đi trên con đường dẫn vào thành phố. Đang đi, đột nhiên người da trắng dừng lại và nói với người bạn đồng hành rằng:

Bạn đã đánh rơi một đồng tiền.

Tại sao anh biết?

Vì tôi nghe thấy tiếng keng phát ra khi đồng tiền chạm vào mặt đường!

Và khi lục lại túi thì quả thật người da đen đã bị mất tiền. Họ quay lại tìm kiếm và thấy. Đi một quãng nữa thì người da đen bảo người da trắng.

Tôi nghe thấy có tiếng dế kêu.

Giữa thành phố này thì làm sao có dế mà anh nói, người kia thắc mắc.

Thế nhưng người da đen dẫn bạn mình từ từ tiến đến một đống gạch, và đúng thế, từ trong đống gạch ấy phát ra tiêng dế kêu.

Người bạn da trăng khen ông bạn da đen rằng:

Tôi rất phục anh bởi giữa thành phố với biết bao tiếng ồn mà anh vẫn nghe được tiếng kêu của dế. Đôi tai của anh thật là tốt.

Bài Tin Mừng hôm nay Đức Giê-su đề cập đến thái độ dân chúng đã mê muội không thức tỉnh để đón nhận các tiên tri được Chúa gửi đến như Ê-li-a, hay Gioan để giới thiệu về Thiên Chúa. Cũng như không đón nhận chính Người: “Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra”. Sở dĩ Đức Giê-su dằn dò các môn đệ không được nói đến biến cố Chúa Hiển Dung trên núi, Bởi vì, thái độ dân chúng lúc đó đang rất cứng lòng, họ không dễ dàng đón nhận Chúa nếu chưa hội đủ những điều kiện cẩn để kiểm chứng về Người, vì thế việc loan truyền sự việc Chúa hiển Dung sẽ chưa phải là lúc, chưa phù hợp. Vì vậy Đức Giê-su đã căn dặn các ông cẩn trọng rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.

Trong cuộc sống thực tế ngày nay cũng chẳng khác thuở xưa là bao: Con người ta vẫn còn quá chú ý đến đời sống trần gian này. Họ miệt mài tìm thú vui trần thế, miệt mài thu tích của cải mau hư mất, ngại phấn đấu đi vào cửa hẹp! Và họ lãng quên đi cứu cánh của đời mình là hạnh phúc đời sau, vì vậy đôi tai của họ trở nên như điếc, đôi mắt của họ trở nên như mù, không nhìn ra sự hiện diện của Chúa, Để rồi: “Chúa đang gõ cửa nhà, nhưng chẳng mấy ai ra mở cửa để tiếp đón Ngài”. Tại Việt Nam còn biết bao người còn chưa tin Chúa, chưa theo Đạo và trong số nhửng kẻ đã tin Chúa, đã theo Đạo thì cũng còn rất nhiều người nguội lạnh, khô khan!

Trong Mùa Vọng này, Chúng ta được lời mời gọi của Giáo Hội là Mẹ chúng ta: Là dọn dẹp tâm hồn cho khang trang sạch đẹp để chuẩn bị đón Chúa Giáng Sinh vào trong tâm hồn mình. Đồng thời phải làm nhiều việc thiện và cầu nguyện cho những người chưa nhận biết Chúa để họ cũng được Chúa Giáng Sinh vào trong tâm hồn họ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết cách dùng lời nói cũng như việc làm để giới thiệu Chúa đến anh chị em đang sống chung quanh chúng con để Danh Chúa ngày được nhiều người biết đến. Amen.

Sống Lời Chúa:

Đổi mới cuộc sống để đón Chúa Giáng Sinh vào tâm hồn.

Đaminh Trần Văn Chính.

Cặp mắt đức tin (11.12.2021)

Sau khi được chiêm ngưỡng Chúa Giê-su Hiển Dung ở trên núi. Trên đường đi xuống, Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê đã được Chúa cảnh tỉnh:

Thầy nói cho anh em biết: “Ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế.” (Mt. 17, 12).

Ngày xưa dân Do-thái không nhận ra Gio-an Tiền Hô là hiện thân của Ê-li-a, là người phải đến trước Đấng Mê-si-a, để dọn đường cho Ngài. Thế là, họ đã xử Gio-an theo ý riêng của họ, họ đã giết hại ông. Từ đó, Chúa cũng cho các tông đồ biết, khi Ngài đến để Cứu Độ nhân loại thoát khỏi quyền lực tội lỗi và sự chết thì người Do-thái cũng đối xử độc ác với Ngài hơn thế nữa – họ sẽ bắt Ngài, giết Ngài bằng cách đóng đinh vào thập giá.

Ngày nay cũng có nhiều người đang xả thân “dọn đường cho Chúa” nhưng có lẽ tôi đây cũng không nhận ra, nên tôi đã tẩy chay, loại trừ, và bất hợp tác với họ.

Lạy Chúa, xin cho con luôn nhận ra thánh ý Chúa trong bất cứ hoàn cảnh sống nào, và xin cho con luôn nhận ra khuôn mặt của Chúa nơi anh chị em con và mọi người xung quanh con bằng cặp mắt đức Tin, để con nhận ra Chúa đang đến với con hằng ngày trong cuộc sống. Amen. 

CÁT BIỂN 

Đời ngôn sứ… (12.12.2020)

Sứ vụ của Gio-an Tẩy Giả là thực thi nhiệm vụ của một ngôn sứ như Ê-li-a, kêu gọi dân Ít-ra-en ăn năn sám hối, hoán cải đời sống, trở về với Thiên Chúa. Gio-an cũng có đời sống và phục trang giống như ngôn sứ Ê-li-a: Ông để tóc dài và rậm, xõa xuống lưng. Ông bận áo lông thú, thắt lưng bằng dây da; sống nơi hoang vắng cô tịch để dễ dàng cầu nguyện tương giao với Chúa và được Chúa thêm sự sốt sắng cháy bừng như lửa, thêm ý chí cương quyết để nói ngay thẳng, thêm can đảm để rao giảng sám hối không sợ một ai. (x. 2V.1,8; 1V.18,46; Mt. 3,3-4; Mc. 1,4;6; Mt. 3,9-10; Ga. 1,20-31).

Là một Ê-li-a theo nghĩa ẩn dụ, Gio-an kêu gọi mọi người ăn năn và sống cuộc đời vâng phục Thiên Chúa, chuẩn bị mọi người cho sự nhập thế của Chúa Giê-su, Ngài “đến để tìm và cứu những gì hư mất” (x. Lc. 19,10) và làm cho tội nhân được hoà giải với Thiên Chúa Cha (x. 2 Cr. 5,15-18). Nhưng vì người Do Thái không chấp nhận Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế nên họ cũng không đón nhận tinh thần và quyền lực của tiên tri Ê-li-a nơi Gio-an Tẩy Giả. Vì thế mà họ đã xử tệ với ông, như họ đã từng đối xử tệ với các ngôn sứ trước đây. Đó cũng là cách mà họ sẽ đối xử với Chúa Giêsu – Đấng Cứu Thế – sau này.

Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay vẫn đang mời gọi mỗi người chúng con – đang theo Chúa – tích cực dọn đường cho Chúa đến qua lời nhắc nhở của các vị chủ chăn. Nhưng cũng giống như dân Do Thái xưa, chúng con vẫn cứng lòng không muốn đón nhận những lời cảnh tỉnh ấy. Nhiều lần nữa Chúa Giê-su tiếp tục bị khước từ.

Lạy Chúa Giê-su, thế giới hôm nay vẫn cần những ngôn sứ như Gio-an, làm chứng bằng lời giới thiệu và bằng đời sống. Xin cho chúng con biết ngoan ngoãn nghe theo lời kêu gọi của Chúa qua những vị mục tử mà thật lòng sám hối, chuẩn bị tâm hồn xứng hợp để đón nhận Ơn Cứu độ mà Chúa thương ban trong ngày Người quang lâm. Amen.

CÁT BIỂN

Lắng nghe để làm theo (14.12.2019)

Ngày 14.12: Lễ Nhớ Thánh Gioan Thánh Giá (1541 – 1591)

Vào thời Chúa Giê-su, dân chúng cứ trông đợi ông Ê-li-a đến, vì họ cho rằng ông là vị tiền hô cho Đấng Cứu thế sẽ đến sau khi ông Ê-li-a xuất hiện.

Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã giảng giải rõ ràng cho thắc mắc của Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê khi thấy Chúa Giê-su vừa đàm đạo với ông Ê-li-a khi các ông vừa chứng kiến Người biến hình trên núi. Qua đó, ba tông đồ này đã hiểu “hình tượng Ê-li-a” đang hiện diện nơi con người của Gio-an Tẩy Giả và trong sứ mạng “giới thiệu” Đấng Thiên Sai chính là Chúa Giê-su đã đến và đang hiện diện ở giữa họ. Gio-an Tẩy Giả đã đến để “trực tiếp dọn đường” cho Đấng Cứu Thế. Thay vì đón nhận lời của Gio-an rao giảng, mau mau sám hối canh tân đời sống mình để được lãnh nhận ơn cứu độ; thì họ lại từ chối, và đã xử với ông “theo ý riêng” của họ; và rồi họ cũng sẽ xử như vậy với Đấng Cứu Thế mà Gio-an loan báo. (x. Mt 17,11-12)

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe, hiểu và mau mắn sống theo thánh ý Chúa trong suốt đời con. Amen.

CÁT BIỂN

Ngôn sứ Êlia, Gioan và Đấng Messia (15.12.2018)

Suy niệm:

Xưa nay, Do Thái vẫn được coi là dân tộc có trí thông minh vượt bậc, dân riêng được Thiên Chúa tuyển chọn. Họ thuộc nằm lòng lời các ngôn sứ tiên báo về một Đấng Messia sẽ đến giải thoát họ khỏi ách nô lệ.

Trước khi Đấng Messia đến, Thiên Chúa đã gửi các ngôn sứ đến để nhắc nhở dọn đường chuẩn bị nhưng tiếc thay bao nhiêu ngôn sứ đến người Do Thái đều không nhận ra. Gioan Tẩy Giả được coi là vị ngôn sứ sau cùng đã đến nhưng họ cũng không nhận ra. Trong tâm trí họ luôn là hoài nghi ngờ vực, một dấu hỏi lớn còn đó: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?”

Theo truyền thống tại Palestine thời Chúa Giêsu thì ngôn sứ Êlia đã được xe lửa rước về trời nhưng sẽ trở lại chỉnh đốn mọi sự. Vì đang lúc đất nước bị đế quốc Rôma chiếm đóng, thế lực ngoại giáo nói bảo hộ nhưng thực là để chế ngự lòng yêu nước yêu dân tộc. Trong khi đó những người có thế giá trong dân toàn là hạng xu thời mua quan bán tước. Các ngôn sứ bị vắng tiếng và bị chính quyền Do Thái khai trừ. Vì thế người dân càng mong vị ngôn sứ Êlia trở lại. Họ thấy lời nói và việc làm của Đức Giêsu nên đã nhầm tưởng Ngài là ngôn sứ Êlia đã trở lại. Chúa Giêsu khẳng định cho rõ về các ngôn sứ dù vị nào tiếng tăm lừng lẫy bao nhiêu cũng chỉ dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến.

Một lần nữa Chúa Giêsu muốn cho người ta hiểu, người dọn đường cho Đấng Cứu Thế hiện nay là Gioan Tẩy Giả, một con người thánh thiện sống khắc khổ. Những lời rao giảng của ông đã khơi dậy lòng sám hối nơi dân chúng nên Chúa nói Êlia đã đến rồi mà người ta không nhận ra còn đối xử thậm tệ. Nhưng chính điều gì Gioan chịu thì Con Người cũng bị đối xử như thế.

Do Thái là một dân tộc thích lý luận, họ đòi hỏi mọi cái phải rõ ràng minh bạch chính xác. Họ rất giỏi về khoa học, đặc biệt thiên văn. Niềm tin của họ phải được chứng nghiệm, được xem tận mắt, sờ tận tay… Họ cẩn thận ghi chép và thuộc lòng những lời các ngôn sứ từ hàng ngàn năm thế nhưng một thực tại lớn lao hiện diện trước mặt họ lại không thấy. Họ không thấy hay cố tình không chấp nhận.

Tư tưởng và thái độ của người Do Thái cũng là tư tưởng của mỗi người chúng ta. Giống như một thanh niên Ấn Độ, anh đang đứng bên bờ sông Hằng mênh mông giữa một buổi trưa hè nắng cháy nhưng anh luôn thắc mắc “Đây là nước hay là sông, đây là sông hay là nước” và anh đã chết khát bên dòng nước mát ngọt ấy. Anh đã đến bên bờ sông nhưng anh không chịu uống nước, anh đã chết cùng với mớ lý luận ngu xuẩn ấy như thi sĩ Goethe đã từng nói : “Mọi lý thuyết thì xám xịt, chỉ cây đời mãi mãi xanh tươi”.

Ngôn sứ Êlia, Gioan và Đấng Messia đã đến nhưng người Do Thái vẫn tiếp tục ước mơ và kiên trì đợi chờ. Quả thật Chúa không đến trong vinh hoa phú quý, giữa tiếng trống kèn, cờ hoa lộng lẫy. Chúa đến trong âm thầm nơi thinh lặng, trong những con người với dáng vẻ nghèo hèn, những người bị xã hội khinh chê ruồng bỏ. Chúa đến trong yêu thương và tha thứ, trong chữa lành và kiếm tìm. Để nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, chúng ta phải có thái độ khiêm tốn, lắng nghe, phải từ bỏ lối suy nghĩ, cái nhìn hạn hẹp, cục bộ… bỏ những ảo ảnh vinh hoa phú quý của hưởng thụ vật chất.

Cầu nguyện

Lạy Chúa, giống như người Do Thái xưa, chúng con cũng không dễ nhận ra Chúa trong nếp sống khó nghèo của Gioan Tẩy Giả, trong thái độ sám hối ăn năn. Xin cho chúng con biết từ bỏ đam mê tội lỗi đang trói buộc khiến chúng con không nhận ra Chúa. Xin cho chúng con khiêm tốn lắng nghe lời Chúa mời gọi sống sám hối và cầu nguyện luôn mãi để chúng con lãnh được ân sủng của Chúa trong mùa vọng hồng ân này. Amen. 

Theo ý Chúa (16.12.2017)

Con người là loài thọ tạo thông minh, tài giỏi, tiến bộ… nhưng cũng không kém phần tham lam, họ luôn muốn được nhiều hơn những gì mình đang có. Chẳng hạn, trong văn hóa của các nước, ít nhiều đều có những nhân vật mang đến điều ước cho con người như bụt, tiên, thần đèn… và họ áp đặt Thiên Chúa cũng phải như thế. Tuy nhiên, người ta đã không nhận thức được Người không phải kho chứa điều ước để ban phát chúng theo ý thích của họ, Người là Chúa, là Cha chứ không phải kẻ phục tùng con người.

Người ta thường hay trách Thiên Chúa vì Người không thực hiện lời họ khẩn cầu. Thế nhưng, họ không biết họ thực sự đang mong ước điều gì, họ chỉ biết mong muốn được thỏa mãn ước muốn của hiện tại mà không cần lo nghĩ đến hậu quả của nó. Thiên Chúa thì ngược lại, Người biết chúng ta muốn gì, nhưng Người sẽ ban những điều thực sự cần thiết cho chúng ta.

Đạo đức xã hội ngày càng xuống cấp do con người đã lạm dụng sự tự do của mình, điều đó khiến tư duy của họ thay đổi theo hướng tiêu cực. Người ta luôn buộc người khác phải phục tùng theo ý chỉ của mình mà không quan tâm đến hậu quả của nó. Họ áp đặt tư tưởng của mình lên tất cả mọi người, không chừa một ai. Tuy nhiên, không phải đến tận ngày nay, người ta mới cư xử như vậy, hơn hai nghìn năm trước, con người đã mang tư duy ấy rồi. Điều đó được thể hiện qua đoạn Tin Mừng hôm nay.

Chúa Giêsu bảo rằng người ta đối xử với ông Gioan Tẩy Giả như ý họ muốn mà không quan tâm đến việc khác. Người cũng biết rõ rằng, chính Người cũng bị họ đối xử như vậy. Thế nhưng, Chúa Giêsu không vì việc đó mà từ bỏ loài người, Người vẫn khát khao được cứu chuộc họ. Điều đó là do Người tự nguyện vâng lời thánh ý của Chúa Cha. Quả thật, trong Tin Mừng, chưa bao giờ Chúa Giêsu cầu nguyện cho theo ý mình, Người luôn vâng phục Cha mình. Qua đó, ta có thể thấy, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa mà còn khiêm nhường, vâng phục như thế, thì bọn phàm nhân chúng ta là ai mà dám chống lại thánh ý Người.

Sống giữa xã hội hôm nay, chúng ta luôn phải đối mặt với sự đấu tranh từng ngày, từng giờ. Chúng ta không chỉ chống lại những ước muốn bất chính của người khác mà bên cạnh đó, ta còn phải đấu tranh với chính mình để không sa vào con đường tội lỗi nhằm thỏa mãn khát khao của bản thân. Bên cạnh đó, mỗi người phải biết tự suy xét lại bản thân, có bao giờ chúng ta xin theo ý Chúa không, hay lúc nào cũng xin được như ý mình?

Lễ Giáng Sinh đang đến mỗi ngày một gần, mỗi người chúng ta cần phải ý thức và chuẩn bị tâm hồn để đón chờ Chúa đến. Để làm được điều đó, chúng ta luôn cần đến sự đồng hành của Chúa mà cách hiệu quả nhất là nghe théo thánh ý của Người. Mỗi người chúng ta phải biết trở nên mờ dần như Thánh Gioan Tẩy Giả, để Chúa có thể sáng lên trong cuộc đời của mình. Để từ đó, chúng ta nhận ra sự mọn hèn của phận người mà lắng nghe tiếng Chúa.

Lạy Chúa, lắm lúc chúng con mong muốn được theo ý mình hơn nghe ý Ngài, chúng con chỉ biết đến hiện tại mà không nghĩ đến hậu quả của nó. Ngài thấu suốt mọi sự, xin hãy ban cho chúng con những điều thật sự cần thiết, đặc biệt là tình yêu và niềm tin tuyệt đối vào Ngài. Xin cho chúng con biết đặt thánh ý Ngài lên hàng đầu và luôn nhắc nhở bản thân rằng: “Xin đừng theo ý con, một theo ý Chúa”. Amen.

Petrus Sơn

Dọn đường cho Đức Chúa (10.12.2016)

 

1. SUY NIỆM:

Cuộc hiển dung của Đức Giêsu trên một ngọn núi cao (Mt 17,1) có lẽ là núi Ta-bo; đã làm cho ông Phê-rô, và hai anh em ông Gia-cô-bê, Gio-an bàng hoàng, sung sướng. Được tận mắt chiêm ngắm vinh quang của Đức Giêsu khi Người hiển dung đàm đạo với hai nhân vật thời cựu ước là ông Mô-sê và ông Ê-li-a, lòng tin của các ông về Đức Giêsu là Đấng Mê-si-a mà các ngôn sứ đã loan báo, càng thêm vững mạnh. Các ông ngây ngất trước khung cảnh của cuộc gặp gỡ; tuy nhiên, mầu nhiệm Ơn Cứu độ vẫn còn bị che khuất; do đó các ông chưa hiểu thấu đáo. Đang khi thầy trò đi xuống khỏi núi, Đức Giêsu căn dặn các ông: không được kể lại những gì vừa được chứng kiến (mắt thấy, tai nghe) cho người khác biết.

Qua thị kiến, các ông cảm nhận được Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà muôn dân đang trông mong, chờ đợi. Còn các kinh sư và những người lãnh đạo dân Do Thái lúc bấy giờ thì ngược lại; họ khó chịu trước những giáo lý và những việc Đức Giêsu làm cho dân chúng, lòng trí họ đã ra mê muội bởi thói kiêu căng và ích kỷ; dựa vào Thánh Kinh cựu ước: “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng.” (Mlk 3, 23); các kinh sư cho rằng ngôn sứ Ê-li-a phải “tái xuất hiện” như một dấu chỉ báo trước ngày Đấng Mê-si-a đến để thực hiện lời hứa; họ chờ đợi Ê-li-a đến để loan báo cho họ về Đấng Mê-si-a; vì thế họ không tin và tìm cách chống đối Người.

Ngôn sứ Ê-li-a: Qua bài đọc một trong Phụng vụ hôm nay, tiên tri Ma-la-khi nói đến một người hết lòng kính sợ Thiên Chúa, ông này đã nhiệt thành thực thi chức vụ ngôn sứ của mình, can đảm và cương nghị dùng lời nói truyền đạt cho dân mệnh lệnh của Thiên Chúa, ông chỉnh đốn lối sống gian ác, tà vạy của những kẻ kiêu ngạo thách thức Thiên Chúa; ông mong họ trở về đường công chính, nhưng ông đã bị chống đối và bách hại. Các kinh sư chủ tâm chờ đợi Ê-li-a như một dấu chỉ về ngày Đức Chúa ngự đến.

Khi nghe các môn đệ nói về quan điểm của những kinh sư, Đức Giêsu đã khẳng định: “ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”.  Đức Giêsu muốn nói đến Gioan Tẩy Giả. Thật vậy Đức Giêsu nhiều lần giới thiệu cho các môn đệ về Gioan Tẩy Giả – Ê-li-a của Tân Ước: Ông là người sống khiêm hạ, cương trực chống lại sự gian ác, ông rao giảng phép rửa sám hối và kêu gọi mọi người chỉnh đốn tâm hồn, từ bỏ lối sống bất chính để đón nhận ơn cứu độ. Đức Giêsu khẳng định: “Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến (Mt 11, 14)”.

Với lối sống hình thức, giả tạo; các kinh sư và người Pha-ri-sêu nại vào lề luật và truyền thống cha ông để lại, họ tự hào về sự hiểu biết của bản thân; do đó họ không nhận ra dấu chỉ “ngày Đức Chúa ngự đến” nên đã không chống đối, không tin.

Ông Ê-li-a và Gio-an tẩy giả là những người được sai đi để dọn đường cho Đức Chúa. Sứ mệnh của các ông là truyền giảng thánh ý của Thiên Chúa, dọn đường cho Đấng Cứu Độ ngự đến. Bằng chính lối sống đơn sơ, khiêm hạ, sự nhiệt thành và can đảm, các ông chỉnh đốn các tâm hồn và mời gọi mọi người sám hối.

Hãy là người dọn đường cho Đức Chúa.

Người Kitô hữu, những người đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, tín thác cuộc đời cho lòng nhân hậu, từ bi và hay thương xót của Người qua việc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy; người Kitô hữu cũng được mời gọi sống niềm tin của mình giữa trần thế và giới thiệu Đấng Kitô cho mọi người – chỉnh đốn cách sống nơi bản thân và lan tỏa tình yêu Thiên Chúa ra môi trường sống xung quanh, để dọn đường cho Đức Chúa đến trong cuộc đời mình và trong ngày tái quang lâm của Người.

Hãy là người dọn cho Đức Chúa.

Trước tiên chỉnh đốn lời nói, hành vi và suy nghĩ của mình theo tinh thần Tin Mừng, để trong cuộc sống diễn tả được tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho mọi người; đồng thời, hãy can đảm và kiên trì giới thiệu Đức Kitô cho những người xung quanh, bằng gương sáng và lòng nhiệt thành, sống theo tinh thần Tám Mối Phúc; dẫu rằng có phải gặp gian nan thử thách và chống đối.

Trình thuật Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

  • Khiêm hạ để nhận ra dấu chỉ “Đức Chúa ngự đến” trong cuộc đời và sẵn sàng tiếp đón Người với tâm tình sám hối và hoán cải.
  • Ngày xưa, Gioan Tẩy giả chính là Ê-li-a của Tân ước, đã can đảm chỉnh đốn tâm hồn những kẻ thành tâm trông mong, chờ đợi Đấng Cứu Thế đến ban ơn Cứu độ; hôm nay, Hội thánh Chúa nói chung và tôi – là người Kitô Hữu, hãy là tiếng hô trong hoang địa “Dọn đường cho Đức Chúa”, bằng lối sống khiêm hạ, đơn sơ, chính trực, và tràn đầy yêu thương.

 

2. CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa! Con Một Chúa đã từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa để mặc lấy xác phàm, cư ngụ giữa nhân loại để cảm thông chia sẻ và trao ban hạnh phúc. Xin cho con biết khôn ngoan nhận ra dấu chỉ “cuộc viếng thăm của Chúa”; đồng thời cho con biết nhiệt thành và can đảm góp phần vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, biến đổi thế giới như lòng Chúa mong ước.

3. SỐNG LỜI CHÚA:

Nỗ lực canh tân đời sống bản thân theo tinh thần Tin Mừng và giúp những người xung quanh chuẩn bị đón Chúa ngự đến cách xứng hợp hơn.

Chỉnh đốn mọi sự (12.12.2015)

Suy niệm: Được tận mắt chiêm ngắm vinh quang của Đức Giêsu khi Người hiển dung đàm đạo với hai nhân vật thời cựu ước là ông Mô-sê và ông Ê-li-a, lòng tin của các tông đồ về thầy Giêsu là Đấng Mê-si-a mà các ngôn sứ đã loan báo, càng thêm vững mạnh. Các tông đồ ngây ngất trước khung cảnh của cuộc gặp gỡ; tuy nhiên, mầu nhiệm Ơn Cứu độ vẫn còn bị che khuất do đó các ông chưa hiểu thấu đáo.

Đang khi thầy trò đi xuống khỏi núi, Đức Giêsu căn dặn các ông: không được kể lại những gì vừa được chứng kiến (mắt thấy, tai nghe) cho người khác biết. Qua thị kiến, các ông cảm nhận được Đức Giêsu chính là Đấng Cứu Thế mà muôn dân đang trông mong, chờ đợi. Còn các kinh sư và những người lãnh đạo dân Do Thái lúc bấy giờ thì ngược lại, họ khó chịu trước những giáo lý và những việc Đức Giêsu làm cho dân chúng, lòng trí họ đã ra mê muội bởi thói kiêu căng và ích kỷ; dựa vào Thánh Kinh cựu ước: “Này Ta sai ngôn sứ Ê-li-a đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, ngày trọng đại và kinh hoàng.” (Mlk 3, 23); các kinh sư nói: ông Ê-li-a phải đến trước để dọn đường cho Đức Chúa, vì thế họ không tin và tìm cách chống đối Người. Họ chờ đợi Ê-li-a tái xuất hiện và loan báo về Đấng Mê-si-a.

Ngôn sứ Ê-li-a; qua bài sách thánh trong phụng vụ hôm nay, tiên tri Ma-la-khi nói đến một người hết lòng kính sợ Thiên Chúa, ông nhiệt thành thực thi chức vụ ngôn sứ của mình, khi can đảm và cương nghị dùng lời nói truyền đạt cho dân mệnh lệnh của Thiên Chúa, chỉnh đốn lối sống gian ác, tà vạy của những kẻ kiêu ngạo thách thức Thiên Chúa; ông mong họ trở về đường công chính, nhưng ông đã bị chống đối và bách hại. Các kinh sư chờ đợi Ê-li-a như dấu chỉ khi Đấng Mê-si-a xuất hiện, bởi ông sẽ là người dọn đường cho Đức Chúa.

Khi nghe các môn đệ nói về quan điểm của những kinh sư, Đức Giêsu đã khẳng định: “ông Ê-li-a đã đến rồi mà họ không nhận ra, lại còn xử với ông theo ý họ muốn. Con Người cũng sẽ phải đau khổ vì họ như thế”.  Đức Giêsu muốn nói đến Gioan Tẩy Giả. Thật vậy Đức Giêsu nhiều lần giới thiệu cho các môn đệ về Gioan Tẩy Giả, ông là người sống khiêm hạ, cương trực chống lại sự gian ác, ông rao giảng phép rửa sám hối và kêu gọi mọi người chỉnh đốn tâm hồn, từ bỏ lối sống bất chính để đón nhận ơn cứu độ.  Người khẳng định: “Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gio-an chính là Ê-li-a, người phải đến” (Mt 11, 14).

Trình thuật Tin Mừng hôm nay mời gọi mỗi người: “Hãy dọn đường cho Đức Chúa ngự đến”.

Hãy là người dọn đường cho Đức Chúa

Người Kitô hữu, những người đặt trọn niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, tín thác cuộc đời cho lòng nhân hậu, từ bi và hay thương xót của Người qua việc lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy; người Kitô hữu cũng được mời gọi sống niềm tin của mình giữa trần thế và giới thiệu Đấng Kitô cho mọi người – chỉnh đốn cách sống nơi bản thân và lan tỏa tình yêu Thiên Chúa ra môi trường sống xung quanh, để dọn đường cho Đức Chúa đến trong cuộc đời mình và trong ngày tái quang lâm của Người.

Hãy là người dọn cho Đức Chúa

Trước tiên chỉnh đốn lời nói, hành vi và suy nghĩ của mình theo tinh thần Tin Mừng, để trong cuộc sống diễn tả được tình yêu của Thiên Chúa đã dành cho ta cũng như cho mọi người; đồng thời, hãy can đảm và kiên trì giới thiệu Đức Kitô cho những người xung quanh, bằng gương sáng và lòng nhiệt thành sống theo tinh thần Tám Mối Phúc, dẫu rằng phải gặp gian nan thử thách và chống đối.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Con Một Thiên Chúa đã từ bỏ ngôi vị Thiên Chúa để mặc lấy xác phàm, cư ngụ giữa nhân loại, cảm thông chia sẻ và trao ban hạnh phúc. Xin cho con biết quảng đại yêu thương và tha thứ để diễn tả lòng thương xót vô biên của Người; đồng thời biết nhiệt thành và can đảm góp phần vào công cuộc rao giảng Tin Mừng, biến đổi thế giới như lòng Chúa mong ước.

Sống Lời Chúa:  Nghiêm chỉnh tuân giữ giới răn Thiên Chúa, nỗ lực canh tân đời sống bản thân và biến đổi tâm hồn những người xung quanh để xứng đáng đón Chúa ngự đến.

Đốm Lửa

Nói một đàng hiểu một nẻo

Các môn đệ hỏi Chúa Giêsu: “Vậy sao các kinh sư lại nói Êlia phải đến trước?” (Mt 17,10)

Suy niệm: Các môn đệ chưa hết “choáng” trước việc Chúa hiển dung mà các ông vừa chứng kiến, nên đang khi từ trên núi xuống (x. Mt 17,9), các ông vẫn thắc mắc: khi thấy tiên tri Êlia cùng với ông Môsê xuất hiện đàm đạo với Thầy, các ông đã cầm chắc Thầy mình là Đấng Mêsia; thế mà Êlia vừa thoáng hiện ra, thoắt lại biến mất, thế thì làm sao dọn đường, khôi phục lại vương quốc cho Ít-ra-en đây? Chúa Giêsu quả là vất vả với “bầy học trò” chậm hiểu, Thầy nói một đàng, trò hiểu một nẻo: nói coi chừng “men Pharisêu” thì các ông môn đệ nhà ta lại hiểu là men bột, lại lo thiếu bánh ăn, dù mới chứng kiến phép lạ hoá bánh ra nhiều (x. Mt 16,5-12). Hôm nay, các ông lại hiểu sai về vai trò của Êlia, và đồng thời cũng hiểu sai về Thầy mình. Thầy Giêsu vẫn nhẫn nại giải thích cho các môn đệ: Êlia đã đến nơi con người Gioan Tẩy giả, và Ngài là Đấng Mêsia đã đến, nhưng là Đấng Mêsia chịu đau khổ rồi mới vào vinh quang.

Mời Bạn: Chúng ta dễ quen thói “suy bụng ta, ra bụng người;” vì thế khi nghe Lời Chúa, thay vì hiểu theo ý Chúa, chúng ta lại “lạng lách”, suy diễn theo ý riêng của chúng ta. Chúa mời gọi chúng ta làm ngược lại thói quen đó: hiểu đúng ý Chúa và sống theo Lời Ngài.

Sống Lời Chúa: Để “quen” nghe hiểu ý Chúa, mời bạn dùng “bài thuốc” sau đây: 1) suy niệm hằng ngày để thấm nhuần cung cách hành động của Chúa Giêsu; 2) hành động theo cung cách của Chúa bằng cách hy sinh lợi ích riêng tư để tận tâm phục vụ tha nhân.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe và sống theo ý Ngài.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *