Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19
Lời Chúa: Cv 16,1-10, Ga 15,18-21
✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an (Ga 15,18-21)
18 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng : “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. 19 Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20 Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. 21 Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”
Lội ngược dòng (04.05.2024)
“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.” (Ga 3,16).
Có người thắc mắc : Thiên Chúa yêu thế gian đến thế thì tại sao các môn đệ của Chúa Giêsu lại không thuộc thế gian ? Tức là không thuộc thành phần được Chúa YÊU, môn đệ lại còn bị thế gian ghét, bị bắt bớ. Phải chăng môn đệ của Chúa Giêsu là những người bị “đì” ?
Thế gian hiểu theo nghĩa là thế giới loài người, nơi hậu duệ cùa Adam – Eva sống để thi hành án phạt của tội Tổ Tông. Thiên Chúa yêu thế gian có nghĩa là Thiên Chúa yêu loài người.
Nhưng loài người, thế gian, có những kẻ không chấp nhận, không tin Chúa Giêsu “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận. Còn những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. (Ga 1,10-12).
Chúa Giêsu đã đến thế gian, đến với loài người như trở về với anh em của mình, nhưng loài người lại không tiếp nhận Người, vì họ “đã chuộng bóng tối hơn ánh sáng, vì các việc họ làm đều xấu xa. Quả thật, ai làm điều ác, thì ghét ánh sáng và không đến cùng ánh sáng, để các việc họ làm khỏi bị chê trách” (Ga 3,149-20).
Còn các môn đệ là những người tin vào Chúa Giêsu nên họ là con Thiên Chúa. Đức Tin là hồng ân Thiên Chúa ban. Các môn đệ đã được Chúa Giêsu chọn và ban cho Đức Tin. Vậy Chúa Giêsu đã chọn và tách họ khỏi thế gian là tách họ khỏi sự tội, để họ sống trong Tình yêu của Thiên Chúa.
Thế gian yêu bóng tối nên ghét ánh sáng. Chúa Giêsu là sự sáng, là nguồn phát xuất mọi ánh sáng. Thế nên thế gian ghét Chúa Giêsu, và đương nhiên nó cũng ghét luôn cả những ai thuộc ánh sáng. Để trung thành với Chúa Giêsu, môn đệ của Người phải chấp nhận sự ghét bỏ đó
Khi phục sinh, Chúa Giêsu đã chiến thắng kẻ thù cuối cùng là sự chết, nhưng thế gian vẫn tồn tại trong đau khổ và Ơn Cứu chuộc của Chúa Giêsu vẫn đang hoạt động. “Cuộc chiến thắng của Chúa Giêsu chỉ toàn vẹn trong ngày Người tỏ mình ra trong vinh quang, khi Người trao mọi sự cho Cha” (1 Cr 15,25-28).
Chấp nhận sự thù ghét của thế gian vì là môn đệ của Chúa Giêsu, người môn đệ sẽ được gì ?
Các Tin Mừng cho chúng ta thấy ước mong của các môn đệ khi theo Chúa Giêsu. Lý tưởng ban đầu của các ông khác xa mục đích mà Chúa Giêsu nhắm tới. Họ lo cho một tương lai ở trần thế với quyền cao chức trọng chứ chưa biết tới sứ mệnh loan báo Tin Mừng Nước Trời. Nhưng dần dần theo sự hứng dẫn của Chúa Giêsu, các ông trưởng thành, nhận biết Thiên Chúa toàn năng với công cuộc cứu độ của Ngài chỉ vì quá yêu loài người. Các ông đã được Chúa Giêsu “cảm hóa” và chỉ còn biết làm mọi việc theo ý Chúa để rao giảng ơn Cứu độ của Thiên Chúa cho muôn dân mà thôi.
Khi thi hành sứ mệnh Chúa trao, các môn đệ của Chúa đã đứng vào thế đối nghịch với thế gian. Các ngài cũng chịu những gì họ đã làm với Chúa Giêsu, cùng có lòng tha thứ cho những kẻ ngược đãi mình, vì như chính Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha khi Người chịu khổ hình, thì các môn đệ cũng tôn vinh Chúa Cha khi họ bị ngược đãi, vì chính sự ngược đãi đã làm Đức Tin của các ngài sinh hoa trái xum xuê, nhu lời Chúa Giêsu : “Ðây là điều làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở nên môn đệ của Thầy”.(Ga 15,8).
Kitô hữu ngày nay thường không phải chịu những bách hại trực tiếp bởi bạo lực như khi bị cấm đạo thời phong kiến, nhưng sống trong xã hội tôn sùng vật chất thì Kitô hữu luôn gặp những “bách hại” rất nguy hiểm bởi tính chất hào nhoáng tinh vi cũa những cám dỗ, những viên thuốc độc bọc đường, những nắm đấm sắt bọc nhung, những hố thẳm chết chóc ngụy trang bằng sự đẹp đẽ kiều diễm. Chính vẻ bề ngoài mang lại hạnh phúc sung sướng cấp thời ấy đã làm nhiều Kitô hữu đi theo ma quỷ mà vẫn nghĩ mình đang phụng sự Chúa, phục vụ anh em. Ví dụ lo toan chuyện bất chính để có tiền làm từ thiện, để được xã hội tôn vinh, rồi lợi dụng sự tôn vinh ấy để tiếp tục mưu lợi nhiều hơn.
Người Kitô hữu có đủ sức mạnh lội ngược dòng để theo Chúa hay là buông xuôi để được ngay những hạnh phúc của thế gian ?
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, được Chúa chọn gọi và ban hồng ân Đức Tin, chúng con trở thành môn đệ của Chúa. Đây là hạnh phúc tuyệt vời của chúng con.
Nhưng sống giữa thế gian đầy thù hận với những mưu mô và chước cám dỗ tinh xảo này, chúng con nhiều phen lầm lẫn và nhụt chí phấn đấu. Xin Chúa ban Thánh Thần để hướng dẫn chúng con phân biệt phải trái, giúp chúng con can đảm chống trả những cám dỗ ma quỷ và sống đúng phẩm chất là con Chúa. Chúng con tạ ơn Chúa. Amen.
Jos. NM Tưởng
Thế gian ghét ta thì cũng là điều dễ hiểu (13.05.2023)
Lời Chúa ngày hôm nay thật đúng với thời đại ngày nay, nhất là trong bối cảnh xã hội Việt Nam ngày càng chú trọng vào vật chất hơn tinh thần. Ngoài ra, xã hội coi nhẹ việc nói lên sự thật hay sợ hãi nói lên sự thật vì họ cho rằng sự thật chỉ là việc mơ hồ trong một lý thuyết mà không ai có thể thực hành. Qua đó, những ai sống trong sự lừa dối, sẽ tìm được sự ủng hộ của nhóm người bất chính. Chính vì thế, “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 15,18)
Thiết nghĩ rằng, Chúa Giê-su muốn nói cho chúng ta biết rằng thế gian ở đây không phải là nói về chính những con người nói chung trong đó có những người tốt và xấu. Nhưng thế gian ở đây chính là những hành vi xấu, là những âm mưu muốn hủy diệt của ma quỷ đối với con người. Vì thế, như Thánh Phê-rô đã nói: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5,8-9). Chính ma quỷ là những kẻ chống lại sự thật, sự sống, ánh sáng nơi Đức Giê-su. Như thế, chúng ta là những con cái của Chúa Giê-su, chúng ta cũng sống trong ánh sáng của Chúa Giê-su. Vì sống nơi Đức Giê-su nên chúng ta chống lại ma quỷ là những tội lỗi.
Thế gian ghét ta thì cũng là điều dễ hiểu, vì trong chúng chỉ có sự ghen tức, thù hận. Bởi vì, chúng không muốn chúng ta có thể sống trong Chúa, sống trong sự bình an của Chúa. Chúng ta cần có sự can đảm mạnh mẽ về mặt linh hồn, theo đuổi sự khó khăn, và không hoãn sợ dù phải chết. Ma quỷ rất là xảo quyệt, chúng lợi dụng những khó khăn, đau khổ, bệnh tật, xỉ vả, nhạo báng của chúng ta. Để chúng ta bỏ cuộc, sợ hãi, không tin tưởng vào tình yêu của Chúa. Thế gian thì ghét ta bởi vì chúng không có tình yêu. Vì thế, tình yêu làm cho người Mẹ nên can đảm, mạnh mẽ để bênh vực con mình, thì tình yêu Thiên Chúa đi sâu vào linh hồn, làm ta thêm mạnh mẽ gấp trăm nghìn lần.
Nói tóm lại, dù thế gian ghét ta như thế nào đi nữa, chúng ta cũng luôn một lòng tin tưởng vào Chúa. Bởi vì, Thiên Chúa thì luôn luôn yêu thương chúng ta. Ngài luôn sẵn sàng lắng nghe lời cầu xin của chúng ta. Chính vì thế, chúng ta không bao giờ sợ hãi nói lên lời Yêu mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân. Chúng ta cũng mạnh mẽ làm chứng cho sự thật, phản đối những bất công. Nguyện xin Thiên Chúa là Cha đầy yêu thương luôn giúp đỡ chúng con biết sống can đảm để làm chứng cho Chúa trong cuộc sống.
Một lòng theo Chúa, bất chấp mọi gian nan thử thách (21.05.2022)
Ghi nhớ:
“Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em”. (Ga 15, 19).
Suy niệm:
Trong một khu xóm nọ, nhà của ông Hoà và ông An ở bên cạnh nhau. Đáng lẽ ra nhà liền kề với nhau họ phải sống câu tục ngữ: “bán anh em xa mua xóm láng giềng gần” để “khi tối lửa tắt đền” có nhau. Nhưng ông Hoà và An thì lại không sống hoà thuận êm ấm với nhau! Nói chính xác là ông Hoà vì cảm thấy thua kém người hàng xóm, nên có lòng ganh tỵ, tức tối và nói xấu ông An đủ điều, mặc dầu ông An chẳng làm gì nên tội. Đời sống đạo của hai ông thì khác biệt hẳn nhau: ông An thì siêng năng đi lễ, sống bác ái và chan hoà tình người, ngược lại ông Hoà thì khô khan, sống khép kín và sẵn sàng công kích ông hàng xóm bên cạnh…
Trước đây trong giáo xứ có bà Ba Trung muốn trở lại đạo, thì ông An hết lòng giúp đỡ, giảng giải những điều cần biết về đạo cho bà Ba hiểu. Có một rào cản lớn đối với bà Ba là: “bà lo sợ khi gia nhập đạo rồi, thì anh em họ hàng sẽ chê bai thậm chí là xa tránh vì họ cho rằng bà đã phản bội dòng họ, phản bội tổ tiên, mà bỏ đạo ông bà cải sang đạo Chúa!”. Nhưng cuối cùng nhờ sự giải thích và động viên cùng những lời cầu nguyện của nhiều người mà bà Ba đã quyết định theo đạo Công Giáo và rồi bà đã trở thành một con chiên ngoan đạo.
Đáng lẽ như thế thì người đồng đạo phải mừng rỡ! Đàng này ông Hoà lại có ý kiến: “Theo ý tôi, thà cứ để bà Ba sống ngoại đạo có khi còn tốt hơn cho bà ấy, vì khi đã theo đạo thì phải tuân giữ các giới răn, nếu không giữ được thì phạm tội. Chẳng hạn như; ngày Chúa nhật nếu là người ngoại đạo thì đâu cần phải lễ lạy gì? Và Chúa sẽ chẳng chấp tội họ vì họ đâu phải là người trong đạo. Nhưng khi đã vào đạo rồi thì việc bỏ lễ ngày Chúa Nhật khi không có lý do chính đáng và không đọc năm chục kinh bù lại thì đã là phạm tội trọng!”.
Ông An nghe người ta thuật lại những lời nói ấy của ông Hoà thì ngay sau đó, ông liền sang nhà gặp ông Hoà để “chuyện trò, tâm sự”. Ông nói.
Bác Hoà ạ, đã bao nhiêu năm ở gần nhau nên tôi hiểu nhiều về bác, những lời bác nói không tốt với người khác về tôi, người ta đều thuật lại cho tôi biết cả. Thực ra thì tôi cũng giận bác lắm, vì là con người mà! Ai mà chẳng tức giận khi có kẻ khác nói xấu về mình? Nhưng vì Chúa, tôi đã không giữ lòng thù hằn mà trái lại mỗi khi đi tham dự thánh lễ, nhớ đến bác tôi lại dâng hết những nỗi ghét dơ, sự bực dọc lên Chúa và cầu nguyện cho bác để anh em lối xóm chúng ta mỗi ngày sống bác ái yêu thương và chân thành với nhau hơn, cùng nhau thăng tiến. Tôi xin chân thành góp ý với bác về việc bác có lối suy nghĩ về việc bà Ba theo đạo, đó là sự suy nghĩ tiêu cực và lệch lạc. Bác biết không? Được biết Chúa và được đi theo Ngài là một hạnh phúc, là một hồng ân lớn lao mà không phải ai cũng có được. Còn một điều này nữa tôi xin bác lưu ý; đó là bác cứ kiểm điểm lại trong thâm tâm của bác xem; trong cuộc đời của bác, bác có thấy người nào đã quyết tâm đi theo Chúa, sống hiền lành, đạo đức, mà lại có cái kết cuộc vô phúc chưa?”. Nói xong những lời ấy ông An bắt tay ông Hoà và ra về.
Câu hỏi mà ông An đặt ra cho ông Hoà được đúng hai ngày sau thì bà Ba mất, trước khi qua đời bà Ba được nhận lãnh đầy đủ các phép Bí Tích sau cùng, Có một điều khiến ông Hoà phải suy nghĩ nhiều và cuối cùng đi đến quyết tâm thay đổi lối sống, đó là; Ngày bà Ba qua đời, cũng là ngày Đức Cha giáo phận về ban Bí Tích thêm sức cho các em trong giáo xứ, và vì thế cho nên Đức Cha đã ghé nhà tang gia để chia buồn và cầu nguyện cho linh hồn bà Ba. Rõ ràng đây là một ân phúc đặc biệt đối với bà Ba. Một sự việc xảy ra lần đầu tiên trong giáo xứ này và có lẽ nó sẽ khó có thể xảy ra thêm một lần nữa!.
Nhìn vào cuộc đời Đức Giê-su, từ khi mới sinh hạ tại Belem, thì Người đã bị người đời, cụ thể là vua Hê-rô-đê truy lùng sát hại, sau này trong thời gian ba năm đi rao giảng Tin Mừng thì có thể nói: “không một ngày nào Người được yên hàn, Người luôn bị người đời ganh ghét tìm cách bắt bẻ, thậm chí tiêu diệt ”. Chính bởi vì Người là hiện thân của Ánh Sáng, của Công Chính nên tối tăm, ma quỷ và thế gian không thể chấp nhận và chúng thù ghét Người. Cũng chính vì thế cho nên những ai đi theo Người thì họ cũng cùng chịu chung một “số phận” như Người! Là môn đệ của Chúa thì chúng ta không còn thuộc về thế gian nữa. Chúng ta thuộc về Ánh Sáng, vì vậy trong cuộc đời của mình, chúng ta sẽ phải chịu nhiều gian nan thử thách và đau khổ, nhưng chúng ta đã có Đấng chiến thắng sự chết, Đấng đã chiến thắng tội lỗi, chính Người sẽ ban cho chúng ta Thần Khí và sức mạnh để chúng ta cũng thắng vượt được thế gian và ma quỷ như Người. Điều quan trọng là chúng ta có một lòng tin tưởng, phó thác và cậy trông nơi Người hay không?
Tin Mừng hôm nay nói về việc Thầy Giê-su tiên báo nhưng khó khăn, đau khổ và thách thức sẽ đến với các môn đệ, cũng như những kẻ muốn bước đi theo Người, một biết viễn cảnh không mấy sáng sủa, và thực tế đã cho chúng ta thấy; riêng tại Việt Nam đã có hơn 100.000 người vì tin và chọn Thầy Giê-su làm Đấng mình mãi tôn thờ, họ đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình để bảo vệ niềm tin ấy.
Tối tăm thì luôn thù ghét ghét Ánh Sáng, ma quỷ thì luôn chống đối lại Thiên Chúa và tìm cách cám dỗ để loài người sa đoạ hòng lìa xa tình thương của Thiên Chúa mà mất linh hồn.
Chính vì thế cho nên một khi đã chọn Chúa và đi theo Người thì chúng ta phải chấp nhận phải từ bỏ, chấp nhận hy sinh, chấp nhận thua thiệt. Và với ơn sủng của Người, chúng ta sẽ chiến đấu và chiến thắng: Thế gian, ma quỷ và chính bản thân mình.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con luôn một lòng sắt son tin tưởng vào Chúa, xin cho chúng con trọn đời trung thành yêu mến và phụng sự Người, cho dù cuộc đời chúng con có phải chịu nhiều thiệt thòi, đau khổ hay bị người ta ghen ghét. Xin cho chúng con luôn xác tín rằng; Chỉ có Chúa mới là hạnh phúc và vinh quang đích thực cho chúng con mà thôi và chúng con sẵn sàng đánh đổi tất cả để chiếm cứ được niềm hạnh phúc và vinh quang ấy. Amen.
Sống Lời Chúa
Một lòng tin theo Chúa, bất chấp mọi khó khăn thử thách.
Đaminh Trần Văn Chính.
Thuộc về Thượng giới (08.05.2021)
Theo tổ chức Trao đổi Nguồn lực Quốc tế (REI) cho biết: Tại thời điểm cuối năm 2019, cứ 7 Ki-tô hữu thì có 1 người bị bách hại vì đức tin của mình; gần 300 triệu Ki-tô hữu sống tại các miền đất bị bách hại; tình hình Ki-tô hữu ở Trung Đông là đáng lo ngại nhất. Trước năm 2003, Ki-tô hữu ở Iraq là 1,5 triệu, nhưng vào hè năm nay còn chưa đến 150.000, đã giảm 90%. Tại Syria, giữa năm 2017 chỉ còn gần 500.000 Ki-tô hữu, so với 1,5 triệu vào năm 2011. Ngày nay, các Ki-tô hữu là nhóm tôn giáo bị ảnh hưởng nhiều nhất và là trung tâm của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, đang chuyển từ Trung Đông sang châu Phi, Nam Á và Đông Á.
Tin Mừng hôm nay là lời tiên tri cho những bách hại nói trên và chưa có dấu hiệu ngừng lại, khi vẫn còn những người đi theo Chúa. Không chỉ riêng các môn đệ Đức Giê-su phải chia sẻ số phận của Thầy mình, mà mọi Ki-tô hữu hôm nay trong thế giới này cũng không phải luôn được thế gian đón nhận. Xưa kia Chúa cảnh báo các môn đệ: Nếu thế gian đã bắt bớ Thầy, thế gian cũng sẽ bắt bớ anh em. Và nếu thế gian ghét anh em, thì hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước khi họ ghét anh em.
Bị ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại mãi cho đến tận thế mới chấm dứt: Đó là thân phận của Thầy Giê-su, và cũng là số phận của những ai đi theo con đường của Ngài. Bởi lẽ, các Ki-tô hữu không thuộc về thế gian, và họ đã được Chúa chọn và ra tách khỏi thế gian (x. Ga. 15,18-20).
Thật vậy, khi sống theo đòi hỏi của Tin Mừng có thể khiến những người đang theo Chúa như chúng ta hôm nay đây sẽ bị thế giới đương đại tẩy chay, làm khó dễ; thậm chí còn bị bách hại, khủng bố, giết chóc.
Tuy nhiên, cuối cùng, bách hại cướp đi sự sống đời này lại là nguyên nhân của niềm vui và phần thưởng lớn lao trên thiên đàng. Sống hy sinh, dấn thân theo đòi hỏi của Tin Mừng là một tiến trình dẫn đến sự phục sinh khải hoàn: Dẫn đưa các Ki-tô hữu từ lối sống theo tình cảm tự nhiên đạt đến cuộc sống theo Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Cuộc đời các thánh cho chúng ta thấy rằng sự bách hại giúp các Ki-tô hữu được giải thoát khỏi sự cám dỗ và thỏa hiệp với thế gian.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức “được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ?”(Mt. 16,26).
CÁT BIỂN
Danh Ki-tô hữu (25.05.2019)
Theo một tài liệu nghiên cứu của Tổ chức “Trợ giúp các Giáo hội đau khổ”, được trình bày hôm 24/10/2019 vừa qua tại nhà thờ thánh Ba-tô-lô-mê-ô ở Rô-ma cho thấy:
Cứ bảy người Ki-tô hữu thì có một người bị bách hại vì đức tin của mình. Ngày nay, các Ki-tô hữu là nhóm tôn giáo bị bách hại nhiều nhất và là trung tâm của chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo, đang chuyển từ Trung Đông sang châu Phi, sang Nam Á và Đông Á – Mặt trận mới của Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Sự bách hại người Ki-tô hữu gia tăng mạnh mẽ tại 20 quốc gia (Ả-rập Sau-đi, Bur-ki-na Fa-so, Ca-mơ-run, Trung Quốc, Bắc Hàn, Ai Cập, Ê-ri-trê-a, Phi-líp-pin, Ấn Độ, In-đô-nê-si-a, I-ran, I-rắc, My-an-ma, Ni-gê, Ni-gê-ri-a, Pa-kít-tan, Cộng hòa Trung Phi, Sy-ri-a, Sri Lan-ka và Su-đăng). Tình trạng nhân quyền tại những quốc gia này thật đáng lo ngại vì các Ki-tô hữu phải chịu đàn áp, bách hại. Riêng Nam Á và Đông Á đang trở thành chiến trường mới của hoạt động thánh chiến. Bắc Hàn là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới đối với người Ki-tô hữu.
Những vụ khủng bố, tấn công và bách hại các tín hữu Ki-tô tại các quốc gia này dường như không có dấu hiệu dừng lại. Điều này cho thấy từ trước đến nay và cho đến tận ngày cánh chung, thế gian vẫn đang từng ngày chống lại Thiên Chúa, cũng như vẫn đang chống lại những ai mang danh của Người
Tin Mừng hôm nay làm sáng tỏ thêm ý nghĩa sự bách hại đang diễn ra chỗ này, chỗ kia mỗi ngày trong thế giới của con người, vẫn và đang xảy ra y như lời Chúa Giê-su đã nói với các Tông đồ khi xưa:
Anh em không thuộc về thế gian. Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. Thế gian đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em; họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy – Danh của một Ki-tô hữu (x. Ga 15,18-21)
Lời Chúa cho thấy thế gian chính là một thế lực Thù Ghét luôn chống lại tình yêu Thiên Chúa. Và cái chết của Đức Giê-su trên thập giá chính là đỉnh điểm sự Thù Ghét của thế gian.
Nhưng chính nhờ cái chết của Đức Giê-su, con người được đã được mạc khải tình yêu vô vàn của Thiên Chúa, và sự chết của Đức Ki-tô cũng chính là khởi đầu cho sự chiến thắng sự Chết và sự Dữ.
Dù cho bị thế gian ghét bỏ và bắt bớ. Thì các Ki-tô hữu lại càng phải lăn xả vào trong thế gian để làm chứng cho Tin Mừng Chúa Phục Sinh; từ đó giúp thế gian nhận biết tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ có làm cho thế gian nhận biết tình yêu Thiên Chúa, thì mới xóa bỏ được ganh ghét, hận thù của thế gian. Đây chính là thách đố của Tin Mừng.
Lạy Chúa Giê-su, “xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa. Để con biết đem yêu thương vào nơi oán thù; đem thứ tha vào nơi lăng nhục; đem an hòa vào nơi tranh chấp; đem chân lý vào chốn lỗi lầm”. Amen.
CÁT BIỂN
Bị loại trừ (25.05.2019)
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã phán cùng các môn đệ rằng nếu đi theo Người, các ông sẽ bị người đời ghét bỏ, vì họ đã ghét bỏ chính Người. Họ ghét Người vì không biết Người được Chúa Cha sai đến thế gian. Do đó, chấp nhận trở thành môn đệ của Chúa Kitô nghĩa là phải chấp nhận sự ghét bỏ của người đời, thậm chí phải chấp nhận việc bị loại trừ vì làm chứng cho sự thật.
Trong xã hội chúng ta đang sống, người Kitô hữu luôn là mục tiêu công kích của rất nhiều người. Tại sao họ lại chống đối chúng ta? Vì chúng ta sống để làm chứng cho Thiên Chúa là Sự Thật. Trong khi đó, vốn quen sống trong sự dối trá, họ sợ sự thật. Họ công kích, loại trừ chúng ta ra khỏi cộng đồng, lôi kéo nhiều người cùng chống đối chúng ta vì họ sợ sự thật, họ sợ những kẻ làm chứng cho sự thật. Thế nên, chúng ta bị loại trừ là điều khó tránh khỏi.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, người biết rõ điều đó, Người cũng biết thế gian cũng sẽ chống đối những tín hữu của Người. Hôm nay, người cho các môn đệ biết điều đó không phải để ngăn cản họ mà ngược lại, Người cảnh báo để các ông chuẩn bị tinh thần và tiếp tục dấn thân vào con đường làm chứng cho sự thật. Người không muốn các ông rút lui, nhưng điều người mong mỏi là các ông sẵn sàng để bước theo mình.
Giáo hội ngày nay không chỉ bị công kích bởi người ngoài, sự chống đối đó còn được thể hiện nơi những người anh em cùng một Cha. Có rất nhiều người vì thiếu sự hiểu biết thấu đáo đã đưa ra những yêu sách, tạo sức ép buộc Giáo hội phải thay đổi theo những luật pháp của người đời. Chẳng hạn, luật pháp cho phép phá thai, họ đòi được phá thai; luật pháp cho phép ly dị, họ đòi được ly dị; luật pháp cho phép hôn nhân đồng giới, họ đòi được kết hôn đồng giới… Họ quên rằng không thể áp dụng những tiêu chuẩn của người đời vào những giới luật của Chúa. Thế nên, những người bênh vực cho truyền thống lại bị những anh em theo xu hướng hiện đại ghét bỏ, cho rằng đó là sự bảo thủ, cổ hủ và muốn loại trừ họ.
Là những người đứng về phía sự thật, làm chứng cho Thiên Chúa, chúng ta buộc phải chịu hy sinh. Chúa Giêsu đã cho chúng ta biết trước điều đó, Người muốn chúng ta sẵn sàng để đó nhận mà không sợ hãi, không trốn tránh. Để được như thế, chúng ta rất cần sự trợ giúp của Người. Thế nên, ta phải siêng năng chạy đến với Chúa, xin cho chúng ta dám can đảm, vượt qua những nỗi sợ hãi, vượt qua mọi lo lắng để làm chứng cho Người, bất chấp việc bị ghét bỏ hay loại trừ, vì chúng ta thuộc về Người.
Lạy Chúa, Ngài đã cho chúng con biết rằng theo Ngài quả thật chẳng dễ dàng. Ngài không mập mờ, không giấu giếm, nhưng đã cho chúng con biết số phận của mình: bị người đời ghét bỏ. Tuy yếu đuối, chúng con vẫn sẽ luôn bước đi theo Ngài vì chúng con biết, Ngài luôn ở cùng và tiếp thêm sức mạnh cho chúng con. Amen.
Không biết … (05.05.2018)
Một tổ chức hay đảng phái nào đó muốn lớn mạnh, thâu tóm quyền lực hay có sức ảnh hưởng lớn đến quần chúng thường phải cậy dựa vào một thế lực uy quyền, bí ẩn “chống lưng”. Thế lực ấy thường không lộ diện một cách công khai mà chỉ đứng đằng sau chi phối toàn bộ hoạt động của tổ chức hay đảng phái mà họ đang nắm quyền. Tất thiên, người ta thường không biết danh tính hay sự hiện hữu của thế lực bí ẩn ấy vì nếu biết, người ta sẽ phải kiêng nể, dè chừng. Sự “chống lưng” ấy thường gợi cho chúng ta hướng về ý nghĩa tiêu cực.
Chẳng hạn, một băng đảng côn đồ, ác độc có thể ngang nhiên hoành hành, phá phách, nhiễu loạn dân chúng, gây hoang mang, lo sợ cho mọi người, khi và chỉ khi sau lưng chúng có một thế lực không hề nhỏ “chống lưng”. Kẻ giấu mặt ấy không cần phải quá đáng sợ hay quyền lực, chỉ cần đủ để những người có trách nhiệm phải can thiệp không dám nhúng tay vào là được. Khi người dân biết được kẻ quyền lực đằng sau bọn côn đồ ấy, chẳng ai đủ can đảm để chống lại.
Hay như ở một vương quốc nào đó, nơi mà nền kinh tế bị phụ thuộc hoàn hoàn vào những kẻ nắm quyền, không một ai có khả năng tự vươn lên, bị chèn ép về nhiều mặt, lại xuất hiện những tỉ phú giàu có một cách bất thường, vươn lên một cách lạ lùng, trái ngược hoàn toàn với những gì dân chúng phải gánh chịu. Chắc chắc đằng sau kẻ đó là một thế lực hùng mạnh, mạnh đến nỗi ai có khả năng cạnh tranh với họ đều bị đè bẹp và nghiễm nhiên, họ trở thành những tỉ phú tài giỏi, được những kẻ khờ dại ca ngợi và ngưỡng mộ. Đương nhiên, thế lực đó không ai không biết, chỉ là chẳng ai dám chống lại khi biết họ là ai.
Thế nhưng, hôm nay Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta một ý nghĩa tích cực hơn về sự “chống lưng” ấy. Sau lưng các tông đồ luôn có một người quyền lực ẩn mình là chính Người. Bên cạnh đó, chính Chúa Cha là người đã sai Con Một mình đến thế gian. Chính vì thế, các tông đồ luôn có sự hỗ trợ đặc biệt từ chính Thiên Chúa. Tuy nhiên, khác với những trường hợp kể trên, tuy được Đấng Toàn Năng “chống lưng”, các ông vẫn phải chịu đau khổ, chịu bách hại, tất cả là vì những người chống đối các ngài không biết được các ngài đang làm việc cho Người, vì nếu biết, chắc hẳn họ sẽ không làm vậy. Dù các ông rao giảng nhiều cách mấy, họ vẫn không tin và không nhận biết Người.
Ngày nay, người Kitô hữu vẫn phải chịu sự bách hại ngầm bởi xã hội vô thần. Nhiệm vụ của người Công giáo vẫn vậy, vẫn loan báo cho người đời biết rằng chúng ta đang làm việc cho Thiên Chúa, chính Người là Đấng bảo vệ chúng ta. Thế nhưng, không phải ai cũng dám mở lòng để đón nhận Người. Chính vì thế, mỗi người chúng ta cần siêng năng chạy đến cùng Chúa, siêng năng cầu nguyện cùng Người, để Người cho chúng ta thêm can đảm và vững tin, dám hiên ngang loan báo Tin Mừng của Chúa, dù biết rằng nguy hiểm luôn cận kề.
Lạy Chúa, xin cho những người chưa nhận biết Ngài dám mở lòng, dám khiêm nhường để nhận biết Ngài; xin cho họ nhận thức được chính Ngài là người bảo vệ chúng con, đã sai chúng con đi và sẽ luôn ở cùng chúng con. Xin cho chúng con thêm vững lòng tin tưởng và can đảm loan truyền danh Ngài, hầu giúp cho anh em tha nhân được nhận biết danh Ngài. Amen.
Petrus Sơn
Chấp nhận bị thế gian thù ghét (20.05.2017)
SUY NIỆM
Khi Đức Giêsu dùng dụ ngôn gốc cây nho và cành nho để mặc khải về mối tương quan mật thiết giữa các môn đệ với mình, Người muốn họ xác tín về sự cần thiết phải gắn bó, liên kết mật thiết với Người, bằng cách vâng phục, thực thi lời giáo huấn của Người, là Lời có quyền năng biến đổi những ai tin và tuân giữ để trở nên những con người mới, con người thuộc về Đấng Kitô và được cứu độ nhờ cuộc tử nạn và phục sinh vinh hiển của Người. Tuy nhiên, vinh quang và hạnh phúc luôn kèm theo thập giá, khổ đau; và chỉ những ai kiên trì tìm kiếm và khao khát chiếm hữu, mới có được làm của riêng mình.
Trình thuật tin Mừng theo thánh Gioan hôm nay lại mặc khải cho thấy một thực tại phũ phàng mà các môn đệ của Đức Giêsu phải gánh chịu đó là bị thế gian ghét bỏ, loại trừ. Nguyên nhân trước tiên bởi các môn đệ là người cùng nhóm với Đức Giêsu, Đấng bị các nhà lãnh đạo Do Thái căm ghét, loại trừ vì đã giảng dạy sự thật và xưng danh là Con Thiên Chúa, là Đấng Mêsia phải đến để cứu độ dân Ít-ra-en, cứu độ nhân loại. Thứ đến, giáo lý mới mẻ của Đức Giêsu mà các môn đệ tin nhận, và lối sống khác biệt với truyền thống Do Thái mà tiền nhân để lại đã làm cho các kinh sư và người Pha-ri-sêu nổi giận. Do đó “giận cá chém thớt”, dân Do Thái đã bắt bớ hành hạ Đức Giêsu thì các môn đệ của Người sao tránh khỏi bị vạ lây.
“Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước. Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của nó”. Lời tiên báo của Đức Giêsu đặt các môn đệ ở hai trạng thái đối nghịch: -Thế gian ghét anh em, vì nó đã ghét Thầy trước, và thế gian sẽ ủng hộ, yêu thích anh em, sẽ đem lại cho anh em nhiều lợi ích trần gian khi anh em là của nó, thuộc về nó.
Tuy nhiên, để an ủi khích lệ những kẻ đã từ bỏ mọi sự: danh vọng, địa vị, lợi lộc trần gian mà theo mình; Đức Giêsu khẳng định: Anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian; Người gắn kết với các môn đệ cả trong sứ mệnh sẽ trao phó cho các ông sau này và đồng cảm với các ông trước sự thù địch, ghét bỏ của thế gian, khi các ông hết lòng đi theo Người: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng sẽ tuân giữ lời anh em. Nhưng họ sẽ làm tất cả những điều ấy chống lại anh em, vì anh em mang danh Thầy”.
Các môn đệ cùng những người đã tin theo giáo huấn của Đức Giêsu Kitô và chịu phép Thánh Tẩy bởi Thánh Thần, được ban tặng danh hiệu Kitô Hữu nghiã là những người thuộc về Đức Kitô. Lời tiên tri của Đức Giêsu về số phận của những người mang danh Kitô Hữu đã xảy ra ngay sau khi Người vinh hiển về cùng Chúa Cha. Trải qua gần ba thế kỷ bị bách hại, biết bao nhân chứng đã hy sinh mạng sống, đổ máu đào để minh chứng đức tin vào Chúa Kitô; các môn đệ và những người tin vẫn trung thành với đức tin Kitô Giáo, kiên vững với nếp sống cộng đoàn thời các Tông đồ và xây dựng Hội Thánh cho đến ngày nay.
Tuy nhiên cũng không ít người vì ham hố lợi danh lạc thú, ngã chiều theo thế gian mà quên đi danh phận cao quý của mính, không dám nhận mình là người “Kitô hữu” hoặc trong cuộc sống, bị ảnh hưởng các xu hướng thế gian, họ có những hành vi, suy nghĩ trái ngược với giáo lý Hội Thánh, coi thường lề luật Chúa; bất chấp thủ đoạn, chỉ cốt được lợi lộc của cải trần gian.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:
– Ý thức ơn gọi Kitô Hữu đã lãnh nhận khi chịu phép Thánh Tẩy, để nỗ lực sống và loan báo Tin Mừng Cứu Độ giữa đời thường.
– Tin tưởng và kiên vững trong đường lối của Đức Giêsu Kitô, dẫu có gặp thử thách, khổ đau vì chân lý, vì danh Người.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã chọn và tách con ra khỏi thế gian để con được mang danh “Kitô Hữu”. Xin củng cố lòng tin và ban thêm sức mạnh thiêng liêng để con thuộc về Chúa cách trọn vẹn hơn; đồng thời cho con biết nỗ lực chu toàn sứ mệnh Chúa đã trao trong ngày con lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy.
SỐNG TIN MỪNG:
Sẵn sàng chấp nhận những đau khổ, thua thiệt để làm vinh danh Đức Giêsu Kitô, và sống xứng đáng với danh hiệu Kitô Hữu, người thuộc về Chúa Kitô.