Xin cho con học được sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa (20.07.2024 – Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: Mk 2,1-5 (năm chẵn), Xh 12,37-42 (Năm Lẻ), Mt 12,14-21

Bài đọc 1 (năm chẵn) : Mk 2,1-5

Bài trích sách ngôn sứ Mi-kha.

Khốn thay những kẻ nằm trên giường
toan tính chuyện xấu xa, lập mưu làm điều ác !
Vừa tảng sáng đã đem ra thực hiện
vì nắm sẵn quyền bính trong tay.
Muốn cánh đồng nào là chúng cướp lấy,
muốn ngôi nhà nào là chúng chiếm đoạt.
Chúng bắt giữ cả chủ lẫn nhà, cả người lẫn gia nghiệp.
Vì vậy, Đức Chúa phán như sau :
Ta toan tính giáng hoạ xuống gia tộc này
khiến các ngươi không rút cổ ra được,
cũng không thể ngẩng đầu bước đi, vì thời đó sẽ là thời tai hoạ.
Ngày ấy, người ta sẽ ngâm thơ chế giễu các ngươi,
sẽ cất lên bài ca than vãn :
“Chúng tôi đã bị huỷ diệt hoàn toàn,
phần đất của dân tôi đã vào tay kẻ khác.
Than ôi, người ta lại tước đoạt của tôi,
và chia đồng ruộng của chúng tôi cho quân phản nghịch !”
Vì vậy, trong đại hội của Đức Chúa
sẽ chẳng ai chăng dây chia phần cho ngươi.

✠ Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 12,14-21)

14 Khi ấy, nhóm Pha-ri-sêu ra khỏi hội đường, bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.

15 Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. 16 Người cấm họ không được tiết lộ Người là ai. 17 Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói : 18 Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu : Ta hài lòng về Người. Ta sẽ cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. 19 Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. 20 Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, 21 và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.

Xin cho con học được sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa (20.07.2024)

Được nghe những điều Chúa Giêsu giảng dạy và chứng kiến những việc Người đã làm, dân chúng thốt lên :“Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả !” (Mc 7, 31-37).

Tất cả những việc Chúa Giêsu làm đều xuất phát từ Tình yêu của Người với con người, vì con người. Thiên Chúa đã lập ra ngày sa-bat để ngày đó con người nghỉ ngơi mà thờ kính Đức Chúa. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Con Người, nên Người đã nói : “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.” (Mc 2,27-28).  Chúa Giêsu luôn tỏ lòng yêu thương con người, khi thấy một người đau khổ vì bệnh tật, Người  liền chữa lành cho họ ngay, kể cả khi đó là ngày sa-bát, như trường hợp Người chữa cho một người bị bại tay ở đoạn Tin Mừng trước bản văn Tin Mừng hôm nay.

Những việc làm đầy yêu thương của Chúa Giêsu lại là cớ để cho những nhà lãnh đạo Do Thái ghen tị, tức giận, vì Người đã làm họ mất mặt với dân chúng, đồng thời họ lo sợ những đặc quyền đặc lợi của họ sẽ bị mất đi nên họ tìm cách giết hại Người. Họ là những kẻ lạm dụng lề luật để kiếm lợi nên muốn đem luật lệ trói buộc con người, coi luật lệ quan trọng hơn con người. Họ là những kẻ biến lề luật thành thành vũ khí quyền lực để thực hiện những chuyện tồi bại mà ngôn sứ Mi-kha đã nói đến trong bài đọc I:những kẻ trên giường nằm tính chuyện ác quái, những việc bất lương. Mai ngày vừa sáng, chúng sẽ thi hành bởi chúng có quyền như thế trong tay. Chúng thèm ruộng đất và chúng đoạt lấy, (chúng muốn) nhà cửa và chúng phỗng ngay. Chúng uy hiếp cả nhà lẫn chủ, cả ruộng lẫn người (Mk 2,1-2).

Trước thái độ thù địch ấy, Chúa Giêsu chỉ lẳng lặng tránh đi (không như các môn đệ khi chưa hiểu Thầy đã từng muốn khiến lửa trời thiêu rụi một làng chỉ vì họ không đón tiếp thầy trò – x. Lc 9,51-55). Chúa Giêsu tránh đi vì người hiền lành. Chính sự hiền lành của Người đã đi vào lòng người nên đám đông dân chúng vẫn theo Người rất đông, và Người chữa lành bệnh cho tất cả họ, đồng thời Người cấm họ không được tiết lộ Người là ai.

Thánh sử Mathew đã nhận ra Chúa Giêsu hoàn toàn ứng hợp với những đặc điểm của “Người tôi trung” được ngôn sứ Isaia mô tả :

–  Chúa Giêsu được Thiên Chúa tuyển chọn, yêu dấu và hài lòng.

–  Sứ vụ của Chúa Giêsu là “loan báo công lý trước mặt muôn dân”, ai tin vào Người thì sẽ trở nên công chính. “Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người”.

– Chúa Giêsu thi hành sứ vụ trong ôn hoà, khiêm nhường cùng với những việc làm yêu thương. Người là Đấng Messia của hoà bình, khác hẳn với đấng Messia đấu tranh cho độc lập dân tộc mà dân Do Thái đang mong đợi.

– Người trung thành tuyệt đối với Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu chính là Người tôi trung của Thiên Chúa. Người vâng lệnh Chúa Cha xuống trần gian này để cứu độ loài người, để đem công lý đến cho mọi người.

Chúa Giêsu đến để cứu độ tôi. Thời cơ của tôi đã đến, tôi đã đưa tay ra để Người nắm lấy và dắt tôi đi. Nhưng tôi đã không thể học được ở Người sự hiền lành và khiêm nhường. Đã có những lúc tôi bị khiêu khích, bị chèn ép… tôi đã phản ứng mãnh liệt đến phải tự thấy rằng có lẽ mình đã thái quá. Tôi đã chỉ nói, chỉ làm thoả mãn cái tôi của mình. Hình ảnh Chúa bị người ta ghen tị, mưu hại mà chỉ lặng lẽ lánh đi nơi khác chỉ hiện diện nhạt nhoà trong tôi.

Lạy Chúa Giêsu, con biết rằng bổn phận của con khi theo Chúa là phải sống làm sao để người ta có thể nhận ra Chúa qua đời sống của con. Nhưng đã nhiều phen con chỉ làm xấu đi hình ảnh của Chúa khi con đã chẳng học được chút nào sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa.

Xin Chúa giúp con biết hoán cải để sống nhân hậu với mọi người : hiền lành và khiêm nhường từ trong ý nghĩ, để lời nói và hành động của con là sự giới thiệu Chúa trung thực với những người chung quanh.

Jos. NM Tưởng

Nhân từ và ôn hòa trước đối nghịch (16.07.2022)

Ngày 16.07: Lễ nhớ tự do Đức Mẹ núi Cát-minh

Danh nhân có câu: “Giới hạn cao nhất của lòng kiên nhẫn là: không nói, không cáu, không giận”. Câu nói dẫn chúng ta đi vào trong ý nghĩa của bài Tin mừng hôm nay khi thấy Chúa Giêsu đối diện với người Pharisêu, Người đã bị họ chỉ trích và bàn bạc để tìm mọi cách giết. Nhưng Chúa Giêsu không trả đũa, trái lại Người lánh khỏi nơi đó. Hành vi này cho thấy Chúa Giêsu rất kiên nhẫn với một thái độ bất bạo động, Người không hơn thua với họ, Người chứng tỏ cho thấy hình ảnh của người Tôi Tớ hiền lành mà chính Isaia đã tiên báo: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng”.

Bài học mà Chúa Giêsu dạy cho chúng ta về thái độ kiên nhẫn, nhân từ và ôn hòa trước những người đối nghịch, bởi vì đây chính là sự khôn ngoan, hướng đi theo Thần Khí và theo những giá trị của Tin mừng. Con đường mà Thiên Chúa luôn mời gọi chúng ta là con đường của bình an và hòa giải. Như lời Đức Giáo hoàng Phanxicô khẳng định trong bài dạy giáo lý ngày 15/4/2020: “Người xây dựng hòa bình là người nhờ ơn Chúa, theo gương Chúa Giêsu, mang hòa giải đến cho tha nhân bằng cách trao tặng chính mình, luôn luôn và ở mọi nơi! Không có hòa giải nếu không có yêu thương hiến dâng chính cuộc đời mình. Phải luôn tìm kiếm hòa bình ở mọi nơi và bằng mọi cách.

Chúng ta cầu xin Thiên Chúa giúp chúng ta luôn biết xây dựng đời sống Kitô hữu, hạnh phúc gia đình, bằng sự kiên nhẫn để tìm kiếm sự bình an và hòa giải.

Tình thương Chúa… (17.07.2021)

Tin Mừng hôm nay ứng nghiệm lời tiên tri I-sai-a đã diễn tả hình ảnh Chúa Giê-su qua bài ca về Người Tôi Trung Của Đức Chúa (x. Is. 42,1-7):

“Này là tôi tớ Ta đã chọn, là người Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng. Ta sẽ cho Thần trí ngự trên Người. Người sẽ rao giảng sự công chính cho dân ngoại. Người không cãi vã, không kêu to hay, và không ai nghe tiếng Người ngoài đường phố. Người không bẻ gãy cây sậy đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói, cho đến lúc Người khiến sự công minh được toàn thắng. Dân ngoại sẽ hy vọng vào danh Người”.

Hình ảnh Người Tôi Trung đã cho thấy Chúa yêu thương con người không cùng, yêu từ muôn thuở, và yêu cho đến cùng.

Khi con người biết sống và tuân giữ Giới Răn Chúa, Chúa thương yêu đã đành. Nhưng Chúa vẫn thương con người và còn thương hơn, khi họ đang yếu đuối lỗi phạm Giới Răn Chúa, phản bội Chúa.

Kẻ tội lỗi ví như cây sậy đã bị dập nát, nhưng Chúa vẫn không bỏ mặc mà còn săn sóc băng bó không nỡ bẻ gãy lìa cho chết luôn. Đôi khi Chúa dùng cả những biến cố xảy đến trong đời để thức tỉnh con người biết ăn năn sám hối, trở về nẻo chính đường ngay. Chúa đã thắp lên niềm tin tưởng đã lụi tàn, tắt ngúm tựa như tim đèn còn le lói chút lửa mong manh.

Lạy Chúa, xin chữa lành những thương tích hồn con bằng Thánh thể Chúa và xin khơi sáng niềm tin con bằng Lời Hằng Sống của Ngài. Amen.

CÁT BIỂN

Hạ… (18.07.2020 – Thứ Bảy Tuần XV Thường Niên)

Hạ (), một từ Hán Việt chỉ sự đi xuống, ở bên dưới, thấp kém, hèn mọn. Đối lại với Thượng () là đi lên, ở phía trên, cao cả, sang trọng. Thầy Mạnh Tử đã ví von: “Do thủy chi tựu hạ” () Như nước tụ ở chỗ thấp. Nhằm diễn tả sức mạnh tiềm tàng của nước, xem thấy nước mềm mỏng, yếu nhược, thường tuôn chảy ở dưới thấp sâu và tụ lại ở chỗ trũng thấp. Nhưng sức mạnh của nước có thể làm núi lở, đá mòn cho dù núi cũng như đá ở chỗ cao, hùng vĩ và vững chắc.

Hôm nay Tin Mừng theo thánh Mát-thêu trình bày diện mạo một Đức Giê-su tự khiêm, tự hạ. Người cũng “do thủy chi tựu hạ”; không cãi vả, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Một Đức Giê-su trái ngược với hình ảnh một Thiên Chúa uy quyền toàn năng phán một lời là dẹp yên cuồng phong, bão tố, xua trừ quỷ dữ… Khi biết nhóm Pha-ri-sêu đang bàn bạc tìm cách giết mình thì Đức Giê-su lánh mặt rời khỏi hội đường, không đối đầu cự chiến với họ. Người còn căn dặn đông đảo dân chúng – Những người đã được Người chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền – không được tiết lộ thân phận Ngài là ai, cho tới khi Người đưa công lý tới toàn thắng. Đức Giê-su chính là hiện thân Người Tôi Trung được Thiên Chúa yêu thương, tuyển chọn, và luôn làm đẹp lòng Thiên Chúa (x. Is 42,1-4)

Chúa Giê-su chọn lối thi hành sứ vụ tại thế trong cung cách âm thầm, khiêm hạ, kín đáo, không phô trương; Ngài thi hành sứ vụ rất mực hiền lành, hết sức nhân từ, và hằng luôn bao dung; Ngài không đành bẻ gẫy cây lau bị giập, chẳng nỡ tắt đi tim đèn leo lét (x. Mt 18,21-22; Lc 15,11-32; Ga 8, 3-11; Is 42, 2-3)

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết sống phục vụ trong khiêm hạ, tự hủy như người Tôi-Trung-của-Chúa để góp phần xây dựng xã hội hoàn mỹ trên nền tảng văn minh tình thương như ý Chúa muốn. Amen.

CÁT BIỂN

Tình yêu thương và lòng nhẫn nại (21.07.2018)

Những người biệt phái năm lần bảy lượt bày mưu tính kế để hãm hại Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay cũng không ngoại lệ, họ lại tiếp tục lên kế hoạch “trừ khử” Người. Tất nhiên, như thường lệ, Người rời bỏ nơi ấy mà đi. Người lo lắng ư? Thưa không. Người sợ hãi ư? Cũng không. Vậy có phải Người nhát gan? Càng không phải. Vấn đề nằm ở chỗ, thời cơ chưa chín muồi, giờ của Người chưa đến nên Người chưa thể bị bắt vào lúc này. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn, nhưng nghịch lý ở chỗ, người đời kiên nhẫn đợi thời cơ để giành lấy vinb quang cho riêng mình, còn Người lại kiên nhẫn đợi đến ngày bị bắt, bị xử tử như một tên tội phạm để cứu chuộc muôn người.

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa nhưng đã chấp nhận sống kiếp phàm nhân, sống ẩn dật suốt thời niên thiếu, rao giảng Tin Mừng cứu chuộc trong 3 năm để kêu gọi con người về với Thiên Chúa là Cha nhân từ. Người kiên nhẫn tránh né những cuộc “đụng độ” không cần thiết với những người biệt phái vì giờ của Người chưa đến. Dù biết rằng con đường cứu chuộc đầy đau đớn, tủi nhục, dù đôi lúc nhân tính trỗi dậy khiến Người sợ hãi xin được cất chén đắng ấy, nhưng vì tình yêu, Người đã thực hiện công trình cứu độ, đưa con người trở về cùng Thiên Chúa.

Con người cũng có lòng nhẫn nại đáng khâm phục, biết bao người đã làm được những việc lớn lao nhờ biết kiên nhẫn chờ đợi thời cơ. Tuy nhiên, mấy ai lại có thể đợi chờ ngày mình bị thiệt thòi để đổi lấy bình an cho người mình yêu thương? Chúa Giêsu chính là tấm gương để chúng ta noi theo, có lòng nhẫn nại là điều tốt, tuy nhiên, nó phải xuất phát từ tình yêu mới có thể mang lại những hoa trái tốt đẹp, thuần khiết.

Trong xã hội ngày nay, người ta ngày càng sống vị kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mình nên mọi việc họ làm chỉ để phục vụ chính mình mà thôi. Những lo toan, tính toán của họ đôi khi vô tình gây thiệt hại cho người khác. Có những kẻ rất kiên nhẫn, họ mưu toan giành giật những thứ không phải của họ (dòng Phaolô, Đan viện Thiên An hay Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm là những minh chứng điển hình). Qua đó, ta có thể thấy sự nhẫn nại nếu không xuất phát từ tình yêu sẽ khiến con người lỗi đức công bình, khiến người ta tự cô lập mình trong vỏ bọc cá nhân, chỉ biết đến mình mà “không thấy, không nghe, không nói” những đau khổ mà anh chị em tha nhân phải gánh chịu vì lòng tham của họ.

Là người Kitô hữu, chúng ta phải biết noi gương Chúa Giêsu, biết hy sinh, kiên nhẫn và điều đó phải xuất phát từ tình yêu chân thành, không vụ lợi, không toan tính hại người… Không chỉ vậy, chúng ta còn phải đem tình yêu ấy trao cho mọi người, để từ đó, con người trở nên gần gũi và yêu thương nhau hơn. Để rồi một ngày không xa, toàn thể địa cầu đều trở nên một thân thể mà chính Chúa Giêsu là đầu.

Lạy Chúa, chúng con biết rằng nếu mọi thứ đều xuất phát từ tình yêu, thế giới này sẽ tốt đẹp biết chừng nào. Thế nhưng, dù biết vậy, chúng con vẫn chưa thể yêu thương hết lòng được, vì cái tôi chúng con quá lớn, khiến chúng con chỉ nghĩ đến mình mà không quan tâm đến anh em. Xin Ngài mở rộng trái tim chúng con, để chúng yêu thương nhiều hơn, biết nhẫn nại với lỗi lầm của anh em vài giúp họ sửa chữa. Xin cho chúng con biết yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương chúng con. Amen.

Petrus Sơn

Người Tôi Trung của Thiên Chúa (16.07.2016)

SUY NIỆM

Khi thấy Đức Giê-su công khai chữa lành cho một người bị bại tay trong ngày sa-bát (Mt 12, 9 – 13), những người Pha-ri-sêu tức giận bàn bạc tìm cách hãm hại Người. Trình thuật Tin Mừng cho thấy ngay sau đó, Đức Giê-su đã rời bỏ nơi đó mà đến chỗ khác; nhưng dân chúng vẫn đi theo Người rất đông và họ mang theo những bệnh nhân để xin người cứu chữa, thấy vậy Đức Giê-su dủ lòng thương  và Người chữa lành cho họ.

Thái độ của Đức Giê-su : Người lánh đi nơi khác không phải vì sợ hãi, nhưng vì giờ của Người chưa đến, hơn nữa rất nhiều người bệnh hoạn, tật nguyền cần được người chữa lành…cần được giải thoát; (theo quan niệm của người Do Thái: Bệnh hoạn tật nguyền, đau khổ đều do tội lỗi gây ra; do đó được chữa lành đồng nghĩa với được giải thoát khỏi những hậu quả của tội lỗi). Trước mưu kế hãm hại của các kinh sư và những người Pha-ri-sêu, Đức Giê-su không một chút phản kháng, người vẫn khôn ngoan kiên trì thực hiện sứ mệnh cứu độ của “Con Thiên Chúa làm người”; Người tiếp tục giảng dạy cho dân Do Thái về lối sống của người công chính và dạy họ tuân giữ lề luật Mô-sê, nhưng với tinh thần yêu mến hơn là chú trọng đến những hình thức giả tạo bên ngoài.

Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó, Người không muốn người ta biết đến Người như một nhân vật có quyền năng chữa lành mọi thứ bệnh tật và xua trừ được ma quỷ; nhưng họ phải nhận biết Người là Con Thiên Chúa là Đấng Mê-si-a mà muôn dân đang trông đợi, đã được Thiên Chúa Cha, đấng giầu lòng thương xót, từ bi nhẫn nại dùng lời ngôn sứ I-sai-a loan báo trước trong thời Cựu Ước: “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn… Ta hài lòng về Người”

Thần khí Thiên Chúa sẽ dẫn đưa Người, và trước mặt dân chúng, Người sẽ giảng dạy về sự  thật và lẽ công bằng. Người điềm tĩnh trước những kẻ chống đối, không tranh cãi hay lớn tiếng thóa mạ đối phương; người nhẫn nhịn chờ đợi sự hoán cải của đám dân cứng lòng vì họ vốn yêu chuộng những hình thức bề ngoài mà không thấy được giá trị tinh thần trong những việc họ làm hay những lề luật họ tuân giữ. Nơi Đức Giê-su thể hiện rõ nét lòng thương xót, thứ tha và khát vọng giải thoát con người khỏi lầm lạc, tội lỗi và khổ đau. Người không muốn một ai phải hư đi, và trong thân phận một con người, Người nỗ lực giải thoát cho họ bằng chính những hy sinh bản thân mình như I-sai-a đã viết: “Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Nó sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Nó không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được nó chỉ bảo.” (Is 42, 3 – 4).

Người tôi trung thì trung tín thi hành sứ mệnh của chủ giao, cho dù phải hy sinh cả mạng sống để hoàn thành ý muốn của chủ. Ở đây, trình thuật Tin Mừng nói đến sứ mệnh của Đức Giê-su Kitô là Đấng mê-si-a, Người có sứ mệnh loan báo công lý để giải thoát nhân loại khỏi lầm lạc, tội lỗi mà dẫn đưa vào Nước Trời. và Người đã hoàn thành sứ mệnh Người Tôi Trung Thiên Chúa bằng con đường khiêm tốn và yêu thương. Người cũng mời gọi các tín hữu thông dự vào sứ mệnh của Người qua ý thức sống ân sủng của bí tích Thánh Tẩy: nỗ lực trở nên “người tôi trung của Thiên Chúa” ngay giữa môi trường sống để thánh hóa bản thân (nên thánh) và loan báo Tin Mừng cho mọi người (làm tông đồ).

Sứ điệp Tin Mừng hôm nay mời gọi tôi:

  • Ý thức ơn gọi nơi bí tích Rửa Tội: Được trở nên chi thể trong nhiệm thể Đức Giê-su Kitô, tôi phải nỗ lực sống tinh thần Tin Mừng giữa đời và tích cực giới thiệu Nước Thiên Chúa cho những người chung quanh bằng chính những hành vi và lời nói tràn ngập yêu thương và khiêm hạ.

CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Kitô! Người Tôi Trung của Thiên Chúa. Xin cho con biết can đảm và khôn ngoan để cộng tác với ơn Chúa mà kiện toàn ơn gọi Kitô Hữu của mình, trung tín với sứ mệnh loan báo Tin Mừng.

SỐNG TIN MỪNG

Khiêm tốn và yêu thương chân thành vì danh Đức Giêsu Kitô, và can đảm, khôn ngoan làm cho tinh thần Tin Mừng thấm nhập vào môi trường sống.

Không được tiết lộ (18.07.2015)

Suy niệm

Trình thuật Tin Mừng hôm nay tiếp nối sau hai vụ tranh luận của nhóm Pha-ri-sêu với Đức Giê-su. Trước những lời giảng dạy uy quyền, thu hút dân chúng, Người còn chữa bệnh bất kể ngày Sa-bát, xảy ra đụng độ, họ bị mất thể diện ngay trong hội đường, họ thấy mình bị tổn thương danh dự và bị mất quyền lợi, nên họ nổi cơn ghen ghét, bực tức. Nhiều lần họ bàn nhau tìm cách để loại trừ Người.

Mở đầu bài Tin Mừng nghe thật đáng buồn: “Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.” Cùng lúc có hai thái độ trái ngược nhau: Đức Giê-su thì vất vả lang thang đó đây để cứu sống con người; còn những người Pha-ri-sêu lại ích kỷ tìm cách diệt trừ Đấng ban sự sống. Người không phản đối, không lấy quyền uy trong tay mà dẹp trận. Người lẳng lặng lánh đi nơi khác. Nhưng dù Người lánh đi, dân chúng vẫn theo Người đông đảo. Người lại tiếp tục “hành nghề”, lấy lòng nhân hậu thương xót mà chữa lành hết. Người gây ảnh hưởng nhiều làm gai mắt nhóm Pha-ri-sêu, cứ như vậy thì sớm hay muộn họ cũng tìm bắt và giết Người thôi.

Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai.” Người cấm không cho họ tiết lộ tông tích, để Người có thể đi lại dễ dàng và thi hành sứ vụ của Người. Ngày nay chúng con lại cứ thích nổi cơ! Có khi chưa được người khác biết đến, là chúng con cố gắng thể hiện mình, khéo phô trương kẻo nhiều người chưa thấu tỏ.

Thánh sử Mát-thêu viết Tin Mừng cho người Do-thái, nên Ngài kéo độc giả nhìn và đối chiếu, kết luận sứ vụ của Người đã ứng nghiệm đúng lời ngôn sứ I-sai-a đã nói về Người Tôi Trung đau khổ: “Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi…”

Chúa ơi! Ngày xưa Chúa đến trần gian âm thầm lặng lẽ nơi cánh đồng hoang vu. Ba mươi năm Chúa sống hiền lành ẩn dật, làm con nhà thợ mộc nơi làng quê nghèo khó. Ba năm lang thang rao giảng, Chúa chọn gọi môn sinh toàn những người ít học, chẳng có thế giá. Trường Chúa dạy không có tài liệu sách vở, nhưng là sống sát sườn với Thầy, bài học từng ngày khắc ghi vào tim gan trí lòng. Bị chối từ, chống đối, ngược đãi Chúa không mở miệng kêu to, không dùng uy quyền mà chống trả, nhưng nhẫn nhục chịu đựng cho đến khi bị giết chết treo trên đồi vắng.

Cả cuộc đời Chúa sống gần gũi với con người và còn dùng chính Thịt Máu mình nuôi chúng con, là minh chứng cho một tình yêu. Dù phải chết như một tử tội, nhưng cuối cùng Chúa đã Phục Sinh chiến thắng khải hoàn, “… cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.”

Cho đến hôm nay Chúa vẫn âm thầm lặng lẽ trong những tâm hồn rộng mở, khát khao có Chúa ở cùng. Để trong những phút giây đời thường giản dị, dù bị lãng quên như không có, thì trong những giây phút lắng đọng, những người ấy luôn cảm nhận sự hiện diện của một Thiên Chúa sống động, êm ái ngọt ngào trong tim.

Có khi nơi những dáng vẻ bề ngoài như không có chi, mà tự trong đáy con tim, tình mến vẫn luôn đong đầy, còn âm thầm tỏa lan trải rộng đến với mọi người gặp gỡ. Và con vẫn cậy trông nơi lòng nhân hậu Chúa, vì dẫu cho tim đèn con có leo lét, thì Chúa vẫn yêu, vẫn không nỡ dập tắt đi, phải không Chúa?

Én Nhỏ

Nhân hậu như Đức Ki-tô ( 19.07.2014)

“Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12,20a)

Suy niệm: Phúc âm theo thánh Mát-thêu cho biết lời tiên báo về Người Tôi Trung trong sách ngôn sứ I-sa-i-a được ứng nghiệm nơi Đức Giê-su: Ngài là Đấng được Thiên Chúa tuyển chọn; Thiên Chúa hài lòng vì người Tôi Trung hiền lành nhân hậu ấy. Không cãi vã, không lớn tiếng: đó là tính cách nhân bản nhưng được nuôi dưỡng và phong phú bởi lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa: Ngài luôn quan tâm, nâng đỡ, bênh vực những người bất hạnh, những người không có địa vị; những người bị gạt ra ngoài lề, không tiếng nói trong xã hội lại được Ngài dang tay đón nhận; dẫu chỉ còn một tia hy vọng le lói, Ngài vẫn nhẫn nại đợi chờ để cứu độ con người.

Mời Bạn: Đức Giê-su Ki-tô, là Chúa và là Thầy dạy chúng ta sống nhân từ, quảng đại với tha nhân, đặc biệt quan tâm đến những anh chị em bé nhỏ nghèo hèn. Mời bạn hãy theo gương Đức Giê-su, sống như Ngài trong từng giây phút của đời mình.

Chia sẻ: Trong ngày truyền thông thế giới xã hội lần thứ 48, Đức tổng giám mục của giáo phận Saigon kêu gọi chú ý đến người nghèo vì họ chịu nhiều thiệt thòi và không có tiếng nói. Họ là ai, và làm thế nào để ơn cứu độ đến với họ?

Sống Lời Chúa: Mỗi ngày quyết tâm làm một hành động cụ thể để trở nên giống Chúa Giê-su nhân hậu và mỗi tối kiểm điểm lại đời sống xem mình đã thực hiện quyết tâm ấy thế nào.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa nhân hậu để chúng con được bắt chước, Xin cho chúng con mềm lòng hơn trước anh chị em mình để mỗi ngày chúng con càng trở nên giống Chúa hơn. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *