Phần thưởng lớn lao dành cho những ai thi hành tám mối phúc (10.06.2024 – Thứ Hai tuần X Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 V 17,1-6 (năm chẵn), 2 Cr 1,1-7 (năm lẻ), Mt 5,1-12


Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu (Mt 5,1-12)

1 Khi ấy, thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. 2 Người lên tiếng dạy họ rằng :
3“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,
vì Nước Trời là của họ.
4Phúc thay ai hiền lành,
vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
5Phúc thay ai sầu khổ,
vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
6Phúc thay ai khát khao nên người công chính,
vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
7Phúc thay ai xót thương người,
vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
8Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,
vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
9Phúc thay ai xây dựng hoà bình,
vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
10Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,
vì Nước Trời là của họ.
11Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại
và vu khống đủ điều xấu xa.
12Anh em hãy vui mừng hớn hở,
vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.
Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng đã bị người ta bách hại như thế.”

Phần thưởng lớn lao dành cho những ai thi hành tám mối phúc (10.06.2024)

Ghi nhớ:

“Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng”. (Mt. 5, 6)

Suy niệm:

Trong quyển tự thuật: Mahatma Gandhi (1869- 1948) cha đẻ của chủ trương đấu tranh bất bạo động và là người giải phóng đất nước Ấn Độ khỏi ách thống trị thực dân của đế quốc Anh, đã kể lại câu chuyện như sau:

Trong thời gian còn là sinh viên Gandhi đã đi lại khá nhiều Nam Phi. Ông say mê đọc Kinh Thánh và rất tâm đắc với Bài Giảng Trên Núi của Đức Giê-su. Chính Tám mối phúc đã làm niềm gợi hứng để ông đưa ra chủ trương đấu tranh bất bạo động.

Gandhi tâm niệm rằng Ki-tô giáo sẽ là giải pháp để xoá tan đi các mối ung nhọt, phân chia giai cấp đang gặm nhắm xã hội Ấn Độ từ nhiều thế kỷ qua. Ông đã nghĩ đến việc xin gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo. Thế nhưng, một ngày nọ, khi bước chân đến một ngôi nhà thờ với ý muốn tham dự thánh lễ và nghe những lời hay ý đẹp từ Kinh Thánh. Ông đã rất thất vọng vì vừa bước đến cửa thánh đường, người ta đã chặn ông lại và nới với ông rằng:

Nếu ông muốn tham dự thánh lễ, thì xin vui lòng đến một nhà thờ khác nơi đó dành riêng cho người da màu!

Lập tức ông rời khỏi ngôi thánh đường và từ đó về sau, ông đã không bao giờ còn trở lại bất cứ một ngôi nhà thờ nào nữa!

Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể tự nhìn lại mình vì rất có thể vô tình hoặc cố ý mà chính ta sẽ trở thành kẻ làm vật chướng ngại ngăn cản không cho người khác đến với Chúa; một lời nói, một cử chỉ, một cách sống, nếu đi ngược lại tinh thần của Tin Mừng thì đều có thể trở thành những hành động xua đuổi người khác ra khỏi Đền Thờ.

Bài giảng trên núi hay còn gọi là Hiến Chương Nước Trời, một Bài giảng mà đối với những con người sống thực tế và lo hưởng thụ thì xem ra có vẻ khó chấp nhận, thế nhưng nếu suy xét cho kỹ lưỡng thì đây quả là những lời vàng ngọc, đó là khuôn vàng thước ngọc cho những ai thích sống nội tâm và luôn tìm kiếm Chân-Thiện-Mỹ. Thật vậy; muốn dũ bỏ khỏi vòng kiềm toả chi phối của tiền bạc thì chi bằng sống đơn sơ, nghèo nàn không quá bận tâm về vật chất và nhất là không sổng mải mê trong sự hưởng thụ mà hãy lấy câu: “Tri túc, tiện túc, đãi túc hà thời túc, tri nhàn, đãi nhàn hà thời nhàn”. Nghĩa là biết đủ, chấp nhận đủ tức là đủ; đợi đủ thì biết bao giờ đủ. Biết nhàn, thì nhàn đợi nhàn thì bao giờ nhàn? Chính vì lòng ham muốn giầu sang phú quý không có điểm dừng nên đã là cho người ta lao đao vất vả, không tìm được sự thư thái, an nhiên trong tâm hồn.

Cũng vậy, chính bởi bản tính hung hăng mà đã làm cho bao con người điêu đứng tù tội, chỉ bởi vì họ không biết câu: “Một câu nhịn chín điều lành”.

Biết chấp nhận những đau khổ của cuộc đời và dâng lên Thiên Chúa những đau khổ đó như của lễ để thông phần với những đau đớn mà Đức Giê-su đã chịu trên hành trình khổ nạn thì ta đã biết biến những đau khổ thành ơn phúc, còn nếu như ta oán trách, kêu ca thì những khổ đau ta cũng vẫn phải chịu nhưng thay vì được thưởng công ta lại làm mất hết ơn phúc!

Thật là hạnh phúc khi ta luôn ấp ủ trong mình khát vọng được nên Thánh, vì chỉ khi đó ta mới tìm được sự bình an và niềm vui trong cuộc sống.

Trong đời sống hàng ngày, khi nhìn thấy anh em đau khổ cần sự an ủi và giúp đỡ, ta biết chạnh lòng thương xót và giúp đỡ hết sức có thể thì chính là lúc ta được Thiên Chúa ban ơn trợ giúp vì Ngài cũng sẽ xót thương ta khi ta biết xót thương người anh em.

Giữa một xã hội sống thực dụng, hưởng thụ khoái lạc, nếu ta giữ được một tâm hồn trong sạch, hướng thiện vì luôn ý thức được rằng thân xác của ta là Đền thờ của Chúa Thánh Thần thì tâm hồn ta sẽ luôn được thư thái bình an, không hổ thẹn với lương tâm với chính Chúa.

Xây dựng yêu thương, nối kết mọi người trong tình yêu thương đầm thắm đó là bổn phận của mỗi chúng ta và khi thực hiện được như vậy thì ta xứng đáng được gọi là con cái Thiên Chúa.

Những ai sống công chính, thuận theo ý Chúa thường bị người đời chê bai, công kích, khinh rẻ, thì hãy chớ nản lòng, ngược lại nên vui mừng hoan hỷ vì phần thưởng cao cả và trọng đại sẽ được Chúa ân thưởng sau này là Nước Trời.

Tóm lại: Nếu chúng ta thực thi được Tám mối phúc thì chẳng những ngay khi còn sống trên trần gian này chúng ta đã tìm được sự bình an, thư thái trong tâm hồn mà mai sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, chúng ta cũng chắc nhận được phần phúc trên cõi vĩnh hằng.

Cầu Nguyện:

Lạy Chúa, cuộc sống ngày nay, nhiều khi chúng con quên mất Chúa, mải mê tìm kiếm những thú vui, đam mê vật chất, danh lợi phù phiếm mau qua chóng hết mà quên tìm đến với Chúa là Chân-Thiện Mỹ, là niềm vui cao cả và bất tận của chúng con. Xin tha thứ  mọi lỗi lầm và ban ơn để chúng con luôn tìm được lẽ sống và niềm vui trong việc thi hành ý Thánh Chúa. Amen.

Sống lời Chúa:

Luôn thực thi những thú vui lành mạnh như đọc Thánh Kinh, giúp đỡ người khó khăn, yên ủi người đau khổ….

Đaminh. Trần Văn Chính.

Sống tinh thần nghèo khó (12.06.2023)

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó.”

Có lẽ người Công giáo nào cũng đã từng đọc kinh hay thuộc lòng Tám Mối Phúc Thật, và có lẽ nhiều người ngoài Kitô giáo cũng đã ít nhiều nghe nói đến bản Hiến Chương Nước Trời này. Cũng giống như bản thân Chúa Giêsu, Tám Mối Phúc Thật là dấu chỉ của sự mâu thuẫn. Nếu đối với người Công giáo và nhiều bậc vĩ nhân của nhân loại, Tám Mối Phúc Thật là nguồn cảm hứng cho cuộc sống cao thượng; thì đối với một số người khác, Tám Mối Phúc Thật chỉ là một lô những đức tính của loài vật, bởi vì chỉ có loài vật mới cúi đầu khuất phục và nhẫn nhục chịu đựng; đối với một số khác nữa, Tám Mối Phúc Thật chỉ là những lời hứa hão huyền về một thứ thiên đàng ảo tưởng, hay nói theo một học thuyết, đó chỉ là thuốc phiện ru ngủ quần chúng. Vậy đâu là tinh thần đích thực của Tám Mối Phúc Thật?

Chúa Giêsu trong bài giảng trên núi vào đầu sứ vụ của Ngài đã dẫn nhân loại đến với hạnh phúc bằng tám mối phúc. Mỗi mối phúc mà Chúa Giêsu đề cập, không được con người quan tâm như là những điều may mắn hạnh phúc, trái lại là những khổ đau mà con người luôn tránh.

Có thể quy tất cả 8 đức tính ấy vào một đức tính căn bản là “tinh thần nghèo khó”. Người có tinh thần nghèo khó là người:

  • Không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này… (nói cách khác: không màng đến nước trần gian).
  • Chỉ ước ao sống tốt theo thánh ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn lành Thiên Chúa (nói cách khác: được sống trong Nước trời).

Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo, nên có thể nói: hạnh phúc đích thực của người Kitô hữu là vứt hết những gì mình có, để được lấp đầy bằng chính Thiên Chúa.

Vậy hạnh phúc là gì? Thực ra chưa có một định nghĩa chính xác nào về hạnh phúc được mọi người công nhận, nhưng xét cho cùng, đối với chúng ta thì hạnh phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng không hạnh phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái, con cá chỉ hạnh phúc khi được bơi lội tự do. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người là được ở trong Nước Thiên Chúa.

Niềm tin của người Kitô hữu thiết yếu hướng về cuộc sống mai hậu: mọi nỗ lực của người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính cách siêu việt của cuộc sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về quê hương đích thực là Thiên Quốc. Tuy nhiên, niềm tin hướng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho người Kitô hữu xao lãng với những nhiệm vụ trần thế của họ. Họ phải xác tín rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp được những giá trị của Nước Trời; chính qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh cửu của họ. Ðây quả là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu ở mọi thời.

Một trong những nguyên nhân khiến người Kitô hữu bị bách hại là bởi vì con người không hiểu được sứ điệp của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã bị chống đối và cuối cùng bị treo trên Thập giá là bởi vì những người đương thời không hiểu được sứ điệp và con người của Ngài. Ðó cũng chính là thân phận của người Kitô hữu trong trần thế, nhưng chính khi bị bách hại mà vẫn kiên trì trong niềm tin của mình, người Kitô hữu mới thể hiện được ý nghĩa sứ điệp của Tin Mừng.

Chúa Giêsu đã chẳng nói: khi nào Ngài bị giương cao, Ngài sẽ kéo chúng ta lên cùng Ngài sao? Ðó là sức mạnh và nét hấp dẫn của Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu không chỉ rao giảng, mà còn thể hiện cho đến cùng. Chết để cho sứ điệp Tin Mừng được đón nhận, đó là nghịch lý của Tám Mối Phúc Thật. Cái chết ấy được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày của người Kitô hữu, nghĩa là hăng say phục vụ, sống quảng đại, liêm khiết, sống bác ái yêu thương, ngay cả chấp nhận những thua thiệt miễn là không đánh mất niềm tin của mình.

Lạy Chúa Giêsu, lời kêu gọi của Ngài trong Tám Mối Phúc đã trở nên lý tưởng phấn đấu cho chúng con. Xin cho chúng con biết vượt lên những khó khăn để sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi, xin Chúa cũng ban ơn và soi dẫn cho chúng con biết nghe theo Lời của Chúa để đạt được hạnh phúc Chúa hứa ban. Amen.

Joston

Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó (06.06.2022)

Không phải của cải giàu sang có thể đem lại hạnh phúc cho ai làm ra nó. Nhưng phúc thật là biết dùng của cải trần gian mà mua nước trời. Nhưng làm sao ta có thể cho đi những gì ta phải vất vả làm ra để chờ mong cái phúc mà chúng ta chưa thấy, nếu ta không có niềm tin vào Thiên Chúa là đích của ta. Làm sao ta có thể tới đích được nếu ta còn mải mê làm giàu, vì Chúa Giêsu  đã dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ” thì cũng không ai vừa thờ tiền bạc vừa thờ Chúa được.

Chính vì muốn giúp ta thoát ly khỏi ảnh hưởng tiền bạc, để dễ dàng thực thi các điều kiện mà các mối khác đề ra, Chúa Giêsu  đặt “nghèo khó”làm mối phúc ưu tiên.

Nếu ta còn quý trọng tiền bạc thì tiền bạc dễ làm ta mất hiền lành và khoan dung. Còn tìm an ủi nơi tiền bạc làm sao ta trọng ơn an ủi của Chúa. Còn bị tiền bạc chi phối làm sao ta yêu điều công chính. Ta cũng không thể xót thương tha nhân nếu ta còn vì muốn giàu có mà khai thác sức lao động người khác. Biết bao người chỉ vì tiền bạc mà bán thân và cũng biết bao người cả trong anh em ruột thịt cũng kiện cáo nhau chỉ vì tiền bạc thì hy vọng gì họ xây dựng hòa bình .

Vì thế chỉ khi nào ta thực thi được điều mà các bậc hiền nhân quân tử nói: “Hãy coi tiền tài như phẩn thổ”.

Chúa Giêsu không dậy ta phải coi tiền tài như phẩn thổ. Nhưng phải coi chừng nó như đứa đầy tớ, lưu manh. Trao phó chủ quyền mình cho nó, nó sẽ lật đổ ta và sẽ là hôn quân bạo chúa sai khiến ta.

Giữ lòng trong sạch (07.06.2021)

Trong sạch có thể hiểu đến một sự vật trong trắng tinh tuyền, thuần khiết không vết nhơ bụi bẩn.

Nói về một con người có tấm lòng trong sạch ta hiểu ngay đó là một người thánh thiện, tốt lành, đơn sơ và tâm trong sáng như pha lê. Như một ly nước trong sạch nó trong suốt, tinh khiết không mùi, không vị, người ta có thể dùng nó vào bất kỳ công việc gì đều được một cách tốt nhất, nó sẽ không bao giờ gây nên một sự độc hại nào, và nhờ nó mà làm cho những vật dơ bẩn được trở sạch sẽ. Nếu nước đã bị bẩn đục thì không thể dùng vào việc được nữa, hoặc là đổ đi hoặc là phải thanh lọc.

Trong tám mối Phúc Chúa Giêsu đã dạy, có một điều thứ sáu là, phúc cho ai giữ lòng trong sạch thì sẽ được thấy mặt Đức Chúa Trời. Có câu, trăm nghe không bằng một lần thấy. Như vậy, được thấy mặt Đức Chúa Trời thì không còn hạnh phúc nào hơn, vì khi thấy được mặt Đức Chúa Trời tức là ta đã thấy mình được sự sống hạnh phúc đời đời.

Giữ long trong sạch không tỳ vết tội lỗi, không chút vấn vương tội khiên không phải là điều dễ mà ai cũng có thể làm được, có lẽ ngoài Thánh Giuse và Đức Mẹ Maria thì trên trần gian hiếm có ai. Ngay cả các thánh đã được đẹp lòng Thiên Chúa mà vẫn còn nhiều tội vương. Như ly nước sạch để trên bàn, sau một thời gian nước sẽ nhiễm bẩn, vì bụi đất và nhiều thứ bay vào, rơi vào trong ly do che đậy không kín làm cho ly nước bẩn đi không uống được nữa. Cũng vậy, con người sinh ra và sống trong môi trường ắt hẳn phải bị ảnh hưởng ít hay nhiều tùy thuộc vào bản thân, có ảnh hưởng tốt, có ảnh hưởng xấu, có ảnh hưởng bộc phát, có ảnh hưởng tiềm ẩn, có những ảnh hưởng làm vẩn đục tâm hồn dẫn đến một tội nhân.

Xã hội càng tiến bộ, con người càng chịu nhiều ảnh hưởng, cứ nhìn vào thực tế thì nào thấy ai không ảnh hưởng, những ảnh hưởng thật khó nhận ra, nó tiềm ẩn trong tâm thức và biến đổi con người một cách âm thầm mà mãnh liệt, đến nỗi cả xã hội trở nên gian dối, trong giáo hội cũng có nhiều bi thương.

Muốn giữ được lòng trong sạch, con đường duy nhất là phải giữ Chúa Giêsu trong lòng. Vì chính Chúa Giêsu là suối nguồn sự trong sạch luôn tẩy rửa tâm hồn nên trắng trong.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, con tin cậy, con thờ lậy và yêu mến Chúa, Tám Mối Phúc Chúa dạy con như là hiến chương Nước Trời. Xin ban ân sủng xuống trên con để con uốn nắn sửa chữa con từng ngày nên trong sạch hơn. Xin cho con luôn nhận ra những ảnh hưởng xấu để con tránh xa chúng.

Hư Vô

Thực hiện theo Tám Mối Phúc (08.06.2020)

Hạnh phúc là một trong những khát vọng lớn nhất của con người. Người ta đã phải bỏ ra biết bao công sức, đi tới đi lui và vất vả ngược xuôi để kiếm tìm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không phải là khi Chúng ta có nhiều tiền bạc hay đạt được danh vọng quyền cao chức trọng… Dẫu sao thì những thành công trong cuộc sống đời thường cũng đem lại cho ta đôi chút vinh dự và niềm vui nào đó, nhưng đó chỉ là thứ hạnh phúc ngắn ngủi qua mau mà thôi.

 

Có Chúa, con thấy bình yên

Có Chúa,  con được vui lên mãi hoài

Có Chúa thân thiết miệt mài

Có Chúa cuộc sống tương lai rạng ngời

*

Có Chúa con hết chơi vơi

Có Chúa thanh thản cuộc đời hoan ca

Có Chúa tình nghĩa đậm đà

Có Chúa hạnh phúc bao la ngút ngàn

 

Hạnh phúc của Thiên Chúa thì không giống như hạnh phúc của trần gian. Hạnh phúc đó thuộc về những ai có tâm hồn trong sạch nghèo khó, hiền lành, khiêm nhường… Hạnh phúc đó chỉ đến với những ai chịu bách hại vì danh Đức Kitô nhưng vẫn trung tín làm chứng cho Tin Mừng của Ngài.

Có Chúa sung sướng vô vàn

Có Chúa tất cả đầy tràn yêu thương

Có Chúa chung hướng chung đường

Có Chúa rộng mở muôn phương đất trời

*

Có Chúa rộn rã bao lời

Có Chúa,  con thấy cuộc đời đẹp tươi

Có Chúa phấn khởi vui cười

Có Chúa: thánh thiện tuyệt vời biết bao

 

Chúa Giêsu đã đưa ra Tám Mối tức là Tám cách, hoặc Tám con đường để vào nước trời. Tuy là Tám nhưng lại chỉ có duy nhất một trung tâm chính là Thiên Chúa, một mục đích duy nhất là Nước Trời. Tám Mối Phúc trở thành phúc thật chính là vì có Thiên Chúa, bởi Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.

Có Chúa hồng phúc dạt dào

Có  Chúa ân sủng tuôn trào vô biên

Có Chúa tâm tính dịu hiền

Có Chúa mạnh mẽ loan truyền Tin Vui

*

Có Chúa đi khắp muôn nơi

Có Chúa tín thác cuộc đời mãi luôn

Có Chúa sẽ hết đau buồn

Có Chúa bừng sáng khơi nguồn tin yêu

 

Là những người môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta được mạc khải để nhận biết giá trị đích thực của cuộc sống chính là hưởng hạnh phúc trên Nước Trời. Vì Thế khi Chúa Giêsu công bố bản Hiến Chương Nước Trời, đã mở ra cho chúng ta một tương lai ngời sáng, đem niềm vui đến cho những người dám dấn thân vì Tin Mừng của Chúa.

 

Có Chúa ước nguyện cầu mong

Có Chúa dâng hiến tấm lòng của con

 

 Lạy Chúa, Chúa đã chỉ ra con đường đưa tới hạnh phúc viên mãn là Nước Trời. Xin dạy chúng con biết bước đi theo Chúa để khi trải qua những vui buồn sướng khổ trong cuộc sống, chúng con sẽ được vinh phúc muôn đời trong Nước Chúa. Amen.

 HOÀI THANH

Tâm hồn nghèo khó (10.06.2019)

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3 )

Chị là trưởng một Huynh đoàn Đa Minh tuy nhỏ bé âm thầm về hình thức, nhưng nội lực thì khá mạnh, nhìn bề ngoài khó ai biết được chị có “ Tâm hồn nghèo khó” theo tinh thần của Chúa Giêsu, ấy thế mà khi việc tới tay là mọi người sẽ hay: Chị không tìm vụ lợi cho bản thân mình, thậm chí luôn nhín nhường và chọn phần thua thiệt hơn tất cả mọi người, chị sống rất đơn sơ giản dị và hòa đồng vui vẻ cùng anh chị em mình gặp gỡ.

Bữa nọ trong Huynh Đoàn có một thành viên gia đình gặp hoạn nạn, nhà ấy lại quá túng bấn cơ cực không có tiền để chữa bệnh, họ đã gặp chị tâm sự nhờ cầu nguyện và xin giúp đỡ, mặc dù nhà chị cũng không khá giả gì, nhưng khi biết sự thật khốn khổ của bạn Đa Minh mình, chị đã mở toang cửa lòng đón nhận và sẵn sàng sẻ chia không nuối tiếc, chị đã cho đi số tiền tiết kiệm trong bao năm qua của bản thân mình, nó gần như cả gia tài riêng biệt, mà giờ đây vì lòng bác ái, chị đã dốc cạn túi để cứu vãn hoàn cảnh đau đớn ấy.

Cuộc sống của nhà chị thật thanh thoát, không bám víu vào của cải trần gian, chị quả là người có tâm hồn : “TÂM HỒN NGHÈO KHÓ” trong Chúa.                                              

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt 5,3)

Lạy Chúa, chúng con xin ký thác đường đời cho Chúa, xin giúp mỗi người Đa Minh chúng con có được tâm hồn nghèo khó, theo mẫu gương tuyệt vời của Thánh Gia Thất ngày xưa, luôn biết sống vì Nước Trời, không chạy theo những lợi nhuận phù phiếm thế tục mà quên mất Chúa, vì chính Ngài mới là gia tài vĩnh cửu của chúng con. Amen.

BCT

Hiến chương Nước Trời (12.06.2017)

Suy niệm:

Bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Mát-thêu gom vào đây nhiều điều Chúa Giêsu đã nói ở những hoàn cảnh khác nhau, làm thành bài giảng khai mạc Nước Trời này, quen gọi là bài giảng trên núi hay hiến chương Nước Trời. Các mối phúc được liên quan mật thiết với nhau, mối phúc có những nét đẹp, phát xuất từ Chúa Giêsu đó là: “phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, hiền lành”. Người có tâm hồn nghèo khó, hiền lành v.v…sẽ tìm được hạnh phúc thật, một khi họ có lòng tin là  nhận sứ điệp của Thiên Chúa.

Các mối phúc luôn là kim chỉ nam cho cuộc sống người Kitô hữu, là chìa khóa mở ra cho mọi người suy nghĩ, người có tâm hồn nghèo khó, hiền lành, từ trong sâu thẳm tâm hồn, đã giúp họ trưởng thành trong đức tin, giữa được quân bình trong đời sống. qua đó cũng giúp họ sống tôi luyện con người đạt tới bước đường trọn hảo. Người sống các mối phúc, dù họ giầu có, sang trọng nhưng vẫn toát ra trong tâm hồn sống khó nghèo. Thế nên, tám mối phúc là tinh túy của Thiên Chúa ban tặng cho con người. Với lịch sử hào hùng những vị cha anh của bao Thánh Tử đạo đã anh dũng đã sống, đổ máu đào để thực thi các mối phúc này, Các Ngài chính là những đấng thánh có thể không được nêu danh cụ thể; những vị thánh âm thầm vô danh, trong số đó có cả người thân của các anh chị và của tôi. Các Ngài chính ông bà, cha mẹ của chúng ta tiếp bước các vị tiền nhân đã hy sinh anh dũng  vì lòng tin, vì lòng yêu mến Thiên Chúa.

Một khi chúng ta đã gia nhập Nước Trời, với lòng tin tưởng tuyệt đối vào Người, sống và thực hành  lời Chúa, dựa theo các mối phúc, thì cuộc sống sẽ trở thành chương trình căn bản sống, nếu tin vào Chúa Giêsu, cuộc sống dù, sầu khổ, bách hại, sỉ vả, vu khống đủ điều xấu xa, đó là những điều không hẳn là bất hạnh, mà trái lại có thể giúp con người từ sự gian nan vượt lên chính mình, tìm ra sự hạnh phúc viên mãn của đời sau. Chính sự hạnh phúc là một trong những ước ao hay khát vọng lớn nhất của đời người. Đối với mọi người vẫn phải lao đao, trăn trở đi  tìm hạnh phúc. Những tưởng rằng cuộc sống no đủ, dư thừa của cải, danh vọng là ta có hạnh phúc sao? Thứ hạnh phúc thực ngắn ngủi, tạm bợ, chóng qua đời này, dù sao vật chất trần gian giúp con người no thỏa hạnh phúc phần xác, nhưng đó chỉ là thứ hạnh phúc ngắn ngủi qua mau, khi chúng ta nhắm mắt, xuôi tay linh hồn sẽ biết đi về đâu?

Ai ai sinh cũng mong muốn ta tìm được hạnh phúc. Nhưng với lòng tin của người Kitô hữu luôn hướng tâm hồn tìm hạnh phúc của cuộc sống mai sau. Thế nên họ luôn minh chứng về cách sống của mình bằng việc làm, lời nói và liên lỉ cầu nguyện, hay biết sống khó nghèo hy sinh, hãm mình bằng sự công chính dù họ bị bách hại hay bị sỉ vả vẫn luôn chấp nhận vì danh Thiên Chúa, mặc dù đó cũng là những thách đố lớn với họ qua mọi thời …nhưng Chúa nói: “ Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11:29). 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin giúp chúng con biết sống tinh thần khó nghèo,hiền lành biết chọn lựa dứt khoát theo Chúa, để chúng con luôn chấp nhận thua thiệt trong cuộc sống và can đảm từ bỏ mọi ánh hào quang của thế gian. Cho chúng con biết đi trên con đường phúc thật của Chúa để mai sau chúng con được hưởng phước quê Trời. Amen.

M.Liên

Sống tinh thần khó nghèo (06.06.2016)

1. Ghi nhớ:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì  Nước Trời là của họ”(Mt 5,3).

2. Suy niệm:

Người có “tâm hồn nghèo khó” là gì? Nghĩa là người luôn hướng đến sự khó nghèo về phương diện tinh thần, không tham lam vật chất, không tranh giành địa vị hay hơn thua với mọi người, sống hiền hòa, giản dị, thanh khiết biết phó thác cuộc đời mình  cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh: từ sự nghèo đói, khổ đau, bệnh tật hay giàu sang hay phú quý, chức quyền, nhưng vẫn có một tinh thần sống nghèo khó, không sân si, sống  thanh bần, quên mình, sống vì mọi người, đúng với lương tâm của mình, biết nhìn nhận mình thân phận yếu đuối, biết buông bỏ đời mình, đặt vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Sống nghèo khó là biết đón nhận tha nhân để sống trong tình huynh đệ, trong cách sống và nhìn nhau bằng ánh mắt độ lượng, và cảm thông với mọi người.

“Tâm hồn nghèo khó” là tấm gương để ta nhìn thấy mình với một tâm hồn có chiều sâu, với thân phận thật mong manh, nhỏ bé, chóng qua, nghèo khó về mọi phương diện luôn mòn mỏi đi tìm một con đường ngay chính, chân thật, tìm nẻo vể chính đường ngay, để rồi không màng giàu sang, bổng lộc, để tìm hạnh phúc Nước Trời  là cho mình. Từ xưa tới nay mấy ai cho rằng  nghèo khổ, đói rách  là cõi phúc đâu. Do vậy, con đường sống khó nghèo mà Chúa mời gọi mấy ai hoan hỉ đi theo Ngài, mấy ai nhìn thấy đâu là cõi phúc. Thật khó cho ta khi sống nghèo khó trong tinh thần Phúc Âm, nhưng lại phúc cho chúng ta khi sống tinh thần nghèo khó, được đón nhận hồng ân Thiên Chúa luôn bao phủ, lấp đầy những thiệt thòi mà ta chấp nhận nơi cuộc sống trần gian  này.

Mỗi đoàn viên Đa Minh được sống trong nội dung lời tuyên hứa, tuy không nêu rõ việc tuân giữ ba lời khuyên Phúc Âm như lời tuyên hứa của các tu sĩ, nhưng là “tuân giữ Luật sống Giáo dân Đa Minh”. Trong đó, có nội dung sống tinh thần ba lời khuyên sống Tin Mừng. Trong ba lời khuyên Tin Mừng có lời khuyên sống tinh thần khó nghèo:

 – Biết sống phó thác cuộc đời cho Chúa trong mọi khổ đau hay vui sướng, thành công hay thất bại để tâm hồn được thanh thoát.

– Tránh lối sống xa hoa phung phí, biết chia sẻ những người nghèo khó kém may mắn.

– Tránh xa lối sống hưởng thụ xa đọa.

– Biết tận dụng thời gian, để tạo cho ta cuộc sống xứng đáng với phẩm giá con người.

 3. Gợi ý và chia sẻ :

– Khi ta nghèo khó, hay thất bại, đừng nghĩ Chúa không thương ta, hãy suy gẫm cách của Chúa khác hẳn con người.

– Khi ta giàu sang, hãy đừng kiêu căng, coi thường mọi người, hay tự cho mình là hoàn hảo do bản thân ta tự tạo, hãy nhớ rằng “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” nhờ ơn Chúa ta mới có ngày hôm nay.

– Phúc “sống tinh thần khó nghèo” là cái  phúc hướng thiện trường tồn đời sau, còn phúc hào nhoáng vinh quang bên ngoài là phúc nay còn mai mất là cõi hư vô. Vậy ta hãy chọn phúc nào?

4. Cầu nguyện:

Lạy Chúa! Xin giúp chúng con biết sống tinh thần khó nghèo, biết chọn lựa dứt khoát theo Chúa, để chúng con luôn chấp nhận thua thiệt trong cuộc sống và can đảm từ bỏ mọi ánh hào quang của thế gian. Cho chúng con biết đi trên con đường phúc thật của Chúa để mai sau chúng con được hưởng phước quê Trời. Amen.

M. Liên

Hạnh phúc có thật!

“Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em trên trời thật lớn lao.” (Mt 5,12)

Suy niệm: Tác giả tập truyện thơ Cung Oán Ngâm Khúc cho rằng tạo hoá chơi khăm khi tranh giành hạnh phúc của con người và đẩy họ vào thảm cảnh bi đát: “Quyền phúc hoạ trời tranh mất cả, chút tiện nghi chẳng trả phần ai!” Liệu Thiên Chúa chúng ta thờ – hoặc chúng ta nghĩ như thế – có hành xử như tạo hoá của tác giả kia hay không? Hạnh phúc Chúa hứa ban là hạnh phúc kiểu gì mà đến từ nghèo khó, sầu khổ, bách hại, vu khống đủ điều…? Câu trả lời có giá trị chỉ có thể đến từ Chúa Giê-su và những ai đã kinh qua nghèo khó, sầu khổ và bị bách hại như chính Ngài mà thôi. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể “vui mừng hớn hở” vì “phần thưởng lớn lao” dành cho chúng ta trên trời là có thật.

Mời Bạn: Có hạnh phúc nào đến với ta mà ta không phải trả giá bằng hy sinh, cố gắng hay chưa? Không thể có hạnh phúc từ trên trời rơi xuống, cũng không thể có hạnh phúc trên đau khổ của người khác. Gia đình hạnh phúc khi vợ chồng, cha mẹ con cái biết hy sinh cho nhau, để đem lại cho nhau những điều tốt đẹp. Tôi được hạnh phúc khi dám chấp nhận thiệt thòi về phía mình để cống hiến vì sự lợi ích cao nhất cho tha nhân, nhất là cho những người bé mọn, nghèo hèn, bị bỏ rơi.

Sống Lời Chúa: Hãy học với thánh Phan-xi-cô Khó Khăn, người đã thấm nhuần tinh thần Tin Mừng này: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con kiên vững thực thi lời Chúa dạy, là biết trở nên nghèo khó, hiền lành, nhu mì để chính con được hạnh phúc và làm cho người khác cũng được hạnh phúc nữa.

Hiến Chương Nước Trời

1. Ghi nhớ: “Tám mối phúc thật” (Mt 5, 1-12).

2. Suy niệm: Tám Mối Phúc Thật hay còn gọi là Bảng Hiến Chương Nước Trời hoặc Bài Giảng Trên Núi. Tòan bài Tin Mừng nói lên tinh thần của người công dân Nước Trời. Và có sự liên hệ giữa Cựu Ước là Môi-sen cũng lên núi để nhận lãnh luật Giáo Ước. Còn Đức Giêsu lên núi để công bố luật mới của Người, hình ảnh “núi” đã gợi lên việc lập giáo ước, mặc khải của Thiên Chúa, ban bố lề luật.

Hình ảnh thứ hai là các môn đệ, chúng ta, thấy các Ngài đứng gần bên, đã thể hiện một cử chỉ sẵn sàng đón nhận những đòi hỏi mà người Công dân Nước Trời phải thực hiện. Thiết nghĩ để được là người công dân Nước Trời mỗi người chúng ta hãy tuân hành áp dụng những điều kiện bảng Hiến Chương đưa ra.

3. Sống lời Chúa: Sống Tám Mối Phúc mỗi ngày

4. Cầu nguyện:Lạy Chúa, Xin đổ muôn vàn hồng ân để con có thể thi hành Tám Mối Phúc và làm tròn các bổn phận mà người công dân Nước Trời cần có. Amen.