Thư tháng 01.2022 : Cùng nhau thi hành sứ vụ.

Anh chị em thân mến,

Thời gian này, mọi người tín hữu trong Giáo hội được mời gọi để “Hướng đến một Hội thánh hiệp hành: Hiệp thông, Tham gia và Sứ vụ”.

Chủ đề ấy vừa muốn diễn tả những đường nét căn bản nhất của Giáo hội, vừa muốn thể hiện bản chất ấy một cách cụ thể trong hiện tình của thời đại chúng ta. Từ ngữ hiệp-hành cho thấy bản chất của Giáo hội, theo Công đồng Vatican II, là Dân Chúa lữ hành qua dòng lịch sử. Giáo hội không phải là một trụ sở hành chính hay một pháo đài cố thủ, mang tính cách an ổn và đóng kín, nhưng Giáo hội đang hành trình, trải qua những biến động, những thách đố của trần thế để đi tới ngày Quang Lâm của  Đức Giêsu Kitô. Trên hành trình ấy, bản chất của Giáo hội được thể hiện vừa như một sự hiệp thông nội bộ của mọi thành phần Dân Chúa, vừa mang lấy sứ mạng loan báo Tin Mừng cho thế giới.

Đối diện với hiện tình của thế giới, đức Giáo hoàng Phanxicô muốn cụ thể hoá những đường nét thuộc bản chất của Giáo hội bằng một sức sống đích thực, được thể hiện cách cụ thể qua việc tham gia của mọi thành phần Dân Chúa. Quả thật diễn tiến của Thượng Hội Đồng Giám Mục thứ XVI này chính là nỗ lực “canh tân” như đã được khởi xướng trong Công đồng Vaticanô II; và đối với đức giáo hoàng Phanxicô, “Con đường hiệp hành này chính là con đường Thiên Chúa mong đợi nơi Giáo hội của thiên niên kỷ thứ ba”.

Trong nỗ lực này, có lẽ có hai điều trước tiên chúng ta cần thực hiện : 1) nhìn lại thực trạng sự hiệp nhất trong đời sống Giáo hội; 2) nhìn lại cách thức Giáo hội đã thực hiện sứ vụ Loan Báo Tin Mừng.

1) Có lẽ có một thực trạng lâu đời trong Giáo hội, hiện tượng xầm xì. Những người giáo dân nói xấu linh mục, linh mục nói xấu giám mục, bề dưới nói xấu bề trên… hiện tượng này có thể không phải là phổ biến khắp nơi, nhưng chắc cũng không ít lắm. Những chuyện xầm xì về con người, về tư cách cá nhân là chuyện muôn thuở mà để giảm bớt thì cần một sự sám hối lâu dài và tận căn của cả hai phía. Nhưng đối với những thứ “xầm xì” về phương cách tổ chức hoặc những giá trị, những ý nghĩa vì lợi ích chung thì mọi người phải nhìn lại một cơ cấu nào đó chưa tốt lắm, khiến cho những ý kiến góp ý, những phản hồi,.. không có điều kiện để trình bày một cách minh bạch và đường hoàng…

2) Về sứ vụ truyền giáo, có lẽ vẫn còn một số người cho rằng việc truyền giáo là trách nhiệm của ai khác chứ không phải việc của mình. Giáo dân thì nghĩ rằng đó là trách nhiệm của các linh mục, tu sĩ..; linh mục và tu sĩ cũng có thể ngấm ngầm nghĩ rằng đó là trách nhiệm của các đấng bậc cao hơn, hoặc của những nhà thừa sai… Ở đây, cần phải xác định lại cách nhìn về hai nguyên tắc căn bản : nguyên tắc toàn diện và nguyên tắc thích nghi hoặc tiệm tiến. Nguyên tắc toàn diện nghĩa là mọi Kitô hữu đều cần sống và thực hiện toàn vẹn những yếu tố căn bản thuộc bản chất của ơn gọi. Nguyên tắc thích nghi nghĩa là trong từng giai đoạn, với từng giới và trong từng hoàn cảnh, ta có thể thể hiện yếu tố nào nhiều hơn, yếu tố nào ít hơn. Hai nguyên tắc ấy không bao giờ được loại trừ nhau, nhưng luôn phải kết hợp mật thiết với nhau. Nguyên tắc toàn diện làm nên cấu trúc của một linh đạo; nguyên tắc thích nghi là cách thức áp dụng cụ thể để đạt được những mục tiêu gần.

Có lẽ con người thời đại rơi vào tình trạng bị phân mảnh vì quá nhiều thách đố, cho nên, hoặc vô tình hoặc cố ý, lấy nguyên tắc thích nghi bào chữa cho việc bỏ mất nguyên tắc toàn diện. Chẳng hạn có không ít người Kitô hữu cho rằng phải sống đức Tin tốt đã rồi với nghĩ tới việc truyền giáo; không ít giáo sĩ ngầm hiểu phải xây dựng và củng cố đời sống đức Tin nội bộ đã, rồi mới thực nghĩ tới việc loan báo Tin Mừng cho người chưa tin…

Anh chị em thân mến,

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XVI này thực sự là một cơ hội để Giáo hội đón nhận được luồng gió canh tân của Chúa Thánh Thần, để tìm lại một sức sống mới trước thách đố của thời đại.

Ước mong mọi người cùng hân hoan và mở rộng lòng để đồng hành cùng nhau trong vận hội mới.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *