Lá Thư Đặc Trách Tháng 03 / 2018
Giáo dục con cái nên người
Anh chị em huynh đoàn thân mến,
Tiếp nối chủ đề “Đồng hành với các gia đình trẻ”, xin được chuyển sang đề tài giáo dục gia đình, với hai nội dung là giáo dục con cái nên người và giáo dục đức tin. Với các bậc cha mẹ, đây không chỉ là một bổn phận, mà còn là một vinh dự lớn lao, được cộng tác với Thiên Chúa trong việc đào tạo những con người hữu ích cho gia đình, cho xã hội và cho giáo hội.
Sách Huấn Ca nhắc chúng ta : “Có con cái ư ? Hãy dạy dỗ và uốn nắn chúng ngay thuở còn thơ” (Hc 7, 23). Còn sách Châm Ngôn thì nhắn nhủ rằng : “Từ phút đầu hãy dạy cho trẻ thơ biết đường lối phải đi theo, để đến tuổi già nó vẫn không bị lạc đường” (Cn 22, 6).
Vai trò của cha mẹ.
“Đức Giêsu đi cùng với cha mẹ, trở về Nagiarét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2, 51).
Chỉ một câu ngắn gọn, nhưng thánh Luca đã cho chúng ta thấy mẫu gương của thày Giêsu. Ngài đã sinh sống và trưởng thành trong môi trường gia đình, và nêu gương thảo kính vâng lời cha mẹ mình là thánh Giuse và đức Maria.
Quyền và bổn phận giáo dục con cái là trách nhiệm ưu tiên của cha mẹ. Vai trò giáo dục của cha mẹ đặt nền trên mối tương quan độc nhất vô nhị của tình phụ tử và mẫu tử. Chính tình cha con mẹ con là bảo đảm cho việc giáo dục được thấm đượm những những hoa trái quý giá nhất của tình yêu là dịu dàng, kiên nhẫn, nhân hậu, phục vụ, hy sinh, vô vị lợi. Nên vai trò cha mẹ trong việc giáo dục con cái là tuyệt đối không thể thay thế hay nhường lại cho ai.
Giáo dục là một nghệ thuật, các bậc cha mẹ nên học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước, đặc biệt là ông bà nội ngoại. Nên tìm đọc nghiên cứu các tài liệu về giáo dục, qua sách vở báo chí và mạng truyền thông, và tham dự các buổi hội thảo của các chuyên gia, để có thể nắm vững tâm lý trẻ tương ứng theo lứa tuổi. Nhưng đừng quên, chính các bạn phải quyết định việc nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái thế nào. Ước mong các bạn biết nối kết những hướng dẫn nuôi dạy con thời hiện đại với những giá trị giáo dục truyền thống, để có được những người con thực sự ngoan giỏi và đạo hạnh.
Tự hoàn thiện chính mình
“Lời nói lung lay, việc tay lôi cuốn”. Điều quan trọng nhất trong giáo dục là gương sáng. Tuổi thơ như tờ giấy trắng, sẽ lưu lại những dấu ấn khó phai mờ, nhất là khi các cháu còn quá nhỏ, chưa thể phân biệt phải trái, tốt xấu, chúng sẽ dễ dàng bắt chước và làm theo những gì mắt thấy tai nghe.
Vì thế các bậc phụ huynh nên tránh tình trạng nói một đàng làm một nẻo, đừng bao giờ hành động ngược với điều mình dạy. Cách tốt nhất để thành công trong giáo dục là quyết tâm sống những gì mình muốn truyền đạt cho con cái. Khi cha mẹ thăng tiến bản thân, tự hoàn thiện chính mình, nêu gương mẫu tốt đẹp về nhân cách, đạo đức và các khả năng khác, chắc chắn con cái sẽ noi theo. Như người xưa từng nói: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy” hay “Cha nào con nấy” .
Theo hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng : “Để gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh mình, cần phải biết hòa hợp tâm hồn: vợ chồng phải cùng nhau bàn định cũng như cha mẹ phải ân cần cộng tác trong việc giáo dục con cái” (GP số 52). Các đôi vợ chồng nên thường xuyên trao đổi để thống nhất về đường hướng và phương thức giáo dục, tránh mâu thuẫn hay nói ngược với nhau, nhất là trước mặt con cái, trái lại biết đoàn kết và hợp tác để dẫn dắt trẻ hợp lý, hợp tình.
Việc giáo dục toàn diện
Có thể khám phá nội dung việc giáo dục toàn diện dựa vào thời thơ ấu đức Giêsu theo Tin mừng thánh Luca : “Đức Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2, 52).
Câu văn ngắn gọn nhưng bao hàm đầy đủ ba chiều kích phải quan tâm phát triển trong giáo dục là : trí dục (thêm khôn ngoan), thể dục (thêm cao lớn) và đức dục (thêm ân nghĩa). Xin triển khai thêm nội dung của ba chiều kích này :
- Về Thể dục : cha mẹ có trách nhiệm chăm sóc và tặng cho cuộc đời những đứa con mạnh khỏe, có khả năng gánh vác việc đời. Hướng dẫn con cái biết tự bảo vệ, rèn luyện sức khỏe, và biết tránh những gì nguy hại.
- Về Trí dục : tạo điều kiện cho con cái có những kiến thức cần thiết. Đừng tiếc đầu tư, cho con ăn học càng cao càng tốt, để hữu ích cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Nên hướng dẫn con cái phát huy năng khiếu và chọn nghề nghiệp thích hợp. Cũng đừng quên giáo dục về kỹ năng sống, nghĩa là khả năng tháo vát, tự xoay xở và tự lập.
- Về Đức dục : giáo dục trẻ các đức tính nhân bản như : cần, kiệm, liêm, chính, và nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… Dạy cho trẻ biết thương người, biết cư xử, biết sắp xếp tổ chức, có lòng tự trọng, có ý chí để quyết định, nghị lực để hoàn thành và bản lãnh để đương đầu với khó khăn.
Trên hết mọi sự, hãy có đức yêu thương
Ngày nay do hoàn cảnh, nhiều cha mẹ bận rộn với việc làm ăn mà quên dành thời gian cho con cái. Đừng bắt trẻ sống như người lớn, cần kiên nhẫn tìm hiểu, hỏi han và lắng nghe trẻ tâm sự, cần cảm thông với những khác biệt, tránh cho trẻ cảm giác bị ép buộc gò bó. Tùy theo tuổi, nên cho trẻ biết lý do của việc ngăn cản hoặc yêu cầu thực hiện. Hướng dẫn trẻ khi khôn lớn có khả năng suy luận, ý thức và tự giác thực hiện những việc phải làm, việc nên làm và việc có thể làm.
Khi con trẻ sai lỗi, hãy bình tĩnh và tự chủ : đừng nổi nóng khiến trẻ sợ hãi. Nên tạo cho trẻ cảm giác tự nhiên và vui tươi để tiến bộ. Kiên trì và nhẫn nại, cương quyết nhưng dịu dàng. Cùng lắm mới dùng đến hình phạt. Nên chừng mực trong tưởng thưởng và lời khen.
Như vậy, điều cần thiết nhất trong giáo dục chính là tình yêu, như lời thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôsê :
“Anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện”…, “Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt. (Cl 3,12-14.21)
Xin thánh Giuse và Đức Mẹ ban ơn cho các gia đình trẻ có những người cha người mẹ tốt lành và gương mẫu.
Lm. Phanxicô X. Đào Trung Hiệu OP
NB. Hình ảnh sưu tầm trên mạng