Thư tháng 03 / 2019: Mến mộ và tìm kiếm Chân lý

Lá Thư Đặc Trách Tháng 03 / 2019

Mến mộ và tìm kiếm Chân lý

Anh chị em huynh đoàn thân mến,

Tiếp nối chủ đề chân lý xin đề cập đến truyền thống học hành, một trong bốn trụ cột chính trong đời sống những người con cha Đa Minh. Xin trở lại với hứng khởi nền tảng của Dòng, những hướng dẫn của hiến pháp tiên khởi và tổng hội, trước khi đưa ra một vài gợi ý thực tiễn.

Hứng khởi nền tảng dòng giảng thuyết

Với các sử gia, Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho cha Đa Minh thành lập dòng, trong biến cố thuyết phục thành công người chủ quán phái Cathares tại miền nam nước Pháp, thường được gọi là hứng khởi nền tảng của Dòng.

Chứng kiến sự phát triển của lạc giáo, nhờ sự hăng say truyền bá niềm tin của mình, khiến đông đảo các thiện nam tín nữ rời bỏ giáo hội đi theo họ, trong đó có người chủ quán nơi cha Đa Minh ngủ trọ.

“Cha thức trắng đêm, thân ái nhưng thẳng thắn, trao đổi và thuyết phục người chủ quán trở về chính lộ. Chính đêm nay cha mường tượng thấy một điều : Muốn cảm hóa được lạc giáo, cần phải có những người nhiệt tình, hiểu và sống Tin Mừng, sẵn sàng ra đi, đối thoại và thuyết phục họ”. (1)

Có thể nói lập trường của anh chị em Đa Minh qua mọi thời gắn liền với thành ngữ quen thuộc là : Vô tri bất mộ. Có học mới biết và nhờ hiểu biết mà mến mộ. Chúng ta thực hành lời nhắn nhủ của thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Rôma : “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin ? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe ? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng ? Làm sao mà rao giảng, nếu không có ai được sai đi ? Như có lời chép : Đẹp thay bước chân những sứ giả loan báo tin mừng !” (Rm 10, 14-16)

Xin cùng đọc lại Luật Sống huynh đoàn số 23 : “Theo gương thánh Đa Minh, anh chị em hãy chuyên cần học hỏi; vì việc học hành chẳng những trợ giúp cho việc chiêm niệm thêm phong phú và thi hành sứ vụ tông đồ hiệu quả hơn, mà còn làm nên nét riêng biệt của đời sống và sứ vụ Đa Minh”.

Việc học thuở ban đầu

Vào thế kỷ XIII, thánh Đa Minh được coi là một nhà cách mạng khi nhấn mạnh việc học hành như một phương tiện thể hiện lý tưởng tu trì. Thời đó các dòng tu xem việc học và đọc sách chỉ để giải trí, hoặc đôi khi còn cản trở, vì sợ nguy cơ sinh kiêu ngạo, thì ngay khi lập Dòng, cha Đa Minh đã xếp việc học ngang hàng với cầu nguyện và việc khổ chế.

Chính cha Đa Minh đã dẫn 6 anh em đầu tiên đi học tại trường nhà thờ chính tòa Toulouse. Rồi ngày 15-8-2017, lễ hiện xuống của Dòng, Cha phân tán 16 anh em tiên khởi đến những nơi có các trường đại học nổi tiếng như ở Paris “để học hành, rao giảng và lập tu viện”.

Hiến pháp tiên khởi được soạn khi Cha thánh còn sống, đã dành nhiều đoạn cho việc học. Theo đó, việc học được coi như một phương tiện chính yếu để thực hiện mục tiêu của Dòng là giảng lời Chúa và cứu rỗi các linh hồn. Kế đến, hiến pháp khuyên các bề trên miễn chuẩn vài khoản luật khi chúng làm cản trở việc học hành hoặc giảng dạy. Hiến pháp có những chỉ dẫn cụ thể như : Đừng hát nguyện lê thê kẻo mất thời giờ học hành. Chế giảm việc chay tịnh khi cần có sức để giảng dạy. Nên chuẩn khỏi giữ các chức vụ quản trị tài chánh cho những ai được cử đi giảng hay học hành.

Nhằm cổ võ việc học cá nhân cũng như cộng đoàn, bản hiến pháp trên còn có những chỉ thị hàm chứa nhiều ý nghĩa :

– Ngay khi mới vào Dòng, các tập sinh phải được huấn luyện để biết chuyên chăm học hành, luôn đọc sách hay nghiền ngẫm điều gì đó, khi ở nhà cũng như lúc đi đường.

– Các “học sĩ” được cấp phòng riêng để nghiên cứu học hành thay vì ngủ trong dãy chung. Nhưng nếu việc học không đạt được kết quả mong muốn thì sẽ bị “đòi phòng” để trao cho người khác.

– Giữa lúc giáo hội cổ võ mỗi giáo phận có ít là một giáo sư, Dòng Đa Minh đã coi giáo sư là điều kiện phải có để lập tu viện mới. Ngoài ra các bề trên khi đi kinh lý, luôn phải lưu ý xem tu viện đó có chăm chỉ học hành không. (2)

Chân phước Giocđanô, vị tổng quyền kế vị thánh Đa Minh, đã tóm tắt đời sống anh em Đa Minh trong ba động từ, đó là : “sống đức hạnh, học hành, và giảng dạy”.

Lòng yêu mến Chân Lý

Tổng hội Providence (2001) xác định học hành là đáp lại lời mời gọi vun trồng thiên hướng của con người vốn hướng về chân lý. Dòng Đa Minh ra đời do lòng yêu mến chân lý và niềm xác tín rằng con người, cả nam lẫn nữ, đều có khả năng nhận biết chân lý. Tha nhân chưa đón nhận chân lý là vỉ chúng ta thiếu xác tín, chưa biết nói đúng lúc và nói đúng cách.

Tổng hội nhấn mạnh chiều kích chiêm niệm trong việc học, là suy gẫm sự khôn ngoan thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Việc học giúp ta am hiểu những khủng hoảng, nhu cầu, niềm khao khát và khổ đau của nhân loại. Nên học là một cách thế cưu mang sự sống, dưỡng nuôi bởi chiêm niệm và được sự hỗ trợ của cộng đoàn, nhắm tới sự am hiểu và làm vơi đi những khát vọng cũng như đáp ứng nhu cầu nhân loại. Do đó ngoài nội dung tôn giáo, cần quan tâm tới những kiến thức của các ngành khoa học tự nhiên, xã hội và nhân văn …

Kiến thức căn bản đến chuyên môn

Hiện nay các huynh đoàn đều đã có tập “Tài liệu huấn luyện căn bản”. Tên gọi tài liệu cho thấy đây là cuốn thủ bản ngắn gọn và tóm lược các kiến thức tối thiểu của một tín hữu trưởng thành. Chúng ta không chủ trương học thuộc lòng, nhưng cần phải hiểu biết và có thể trình bày về nội dung đức tin chúng ta tuyên xưng, về nền tảng đức tin là Kinh Thánh, về đời sống đạo hằng ngày là phụng vụ và bí tích, về tinh thần Dòng qua lịch sử và hạnh tích các vị thánh tiêu biểu.

Ước mong tất cả anh chị em đều nắm vững nội dung của tài liệu này, để có khả năng thực hiện lời khuyên của thánh Phêrô : “Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em” (1 Pr 3,15).

Cách riêng với các anh chị trong ban phục vụ, đặc biệt là vị phụ trách học tập, thì tài liệu trên là chưa đủ. Cần phải sẵn sàng và nỗ lực để tham dự các khóa học chuyên biệt, các khóa huấn luyện của giáo phận, giáo hạt hay huynh đoàn. Hãy cố tìm lời giải đáp các thắc mắc, đọc và nghiên cứu các tài liệu liên quan qua sách vở hoặc mạng truyền thông.

Những gì chúng ta đã biết thực ra chỉ là giọt nước giữa đại dương kiến thức cần phải biết. Nên mới có câu : “Càng học càng biết mình dốt”; hoặc “Người đặt câu hỏi ngu năm phút, kẻ không chịu hỏi dốt cả đời”. Xin Chúa Thánh Thần dẫn đưa anh chị em “tới chân lý toàn vẹn” (Ga 16,13).

Lm Phanxicô X. Đào Trung HIệu OP

 

1. Px. Đào Trung Hiệu, Hành Trình Chân Lý, Chân Lý 1993, trang 22

2. Hiến pháp tiên khởi (HPTK, II, số 18, 29)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *