Người Kitô hữu được mời gọi trở nên như “những cánh tay nối dài”, luôn phải gắn bó với cội nguồn dòng suối yêu thương từ nơi lòng mến Chúa (x. thư tháng 5), và người Kitô hữu cũng được thôi thúc để trở nên “những bước chân” tiếp nối nhau như một sự đảm nhận trách nhiệm đối với anh chị em của mình.
Đôi chân vốn không phải là điều gì cao đẹp, so với những chi thể khác trong con người. Tuy nhiên, người Việt cũng thường dùng hình ảnh đôi chân (dấu chân, vết chân, bước chân…) như một sự dấn thân, liên lụy vào những khó nhọc của người khác. Nếu sự “bắt tay” như một sự đồng ý hợp tác trong tinh thần, thì sự “dấn bước” lại cho chúng ta thấy một sự liên lụy thật sự trong hành động, một cách cụ thể, nhất là khi gặp những tình huống khó khăn hoặc khi cùng dấn thân trong một sứ vụ.
Con người có đôi chân, không phải chỉ là để đứng cho vững, mà còn để tiếp nối nhau, bàn chân này nối bàn chân kia, để tiến về phía trước. Hình ảnh ấy nói lên một sự kế tiếp nhau, vượt qua tầm mức nhỏ bé và giới hạn của cá nhân, để cùng nhau vẽ lên một con đường dài, một hành trình liên tục, một sức sống trào vọt.
Đối với con người ngày nay, lý tưởng nắm tay nhau, cùng hợp tác,… vẫn là một hình ảnh đẹp. Tuy nhiên, thái độ dấn thân, liên lụy một cách cụ thể trong những vất vả, cực nhọc lại là một lựa chọn khó khăn hơn nhiều và không ít người đã không muốn chấp nhận bước tiếp theo này.
Có lẽ một trong những nguyên nhân sâu xa của tình trạng ấy là : càng ngày người ta càng đánh mất ý nghĩa của phạm trù “trao tặng” và biến tất cả cuộc sống thành một cuộc “trao đổi”. Với phạm trù trao đổi, người ta dễ vạch ra những giới hạn của sự hợp tác, người ta sẽ dễ dàng tìm một lý do chính đáng để hợp lý hóa thái độ rút lui của mình : hợp tác thì phải bình đẳng, hợp tác thì phải công bằng, không thể hợp tác với người này, không thể chấp nhận thái độ kia…
Tâm thức ấy cũng làm cho con người hiện đại dần dần đánh mất hoặc giảm thiểu ý nghĩa của trách nhiệm. Với tâm thức trao đổi, trách nhiệm cũng chỉ là một sự trao đổi hoặc do sự liêm chính bản thân, hoặc do đòi hỏi của lẽ công bằng mà thôi. Thế giới của trao đổi không còn mùi vị tình nghĩa, và nơi đó, người ta loay hoay tìm một điểm trung bình giữa lý với tình theo cách nghĩ và lập trường riêng của mình….
Những biến chuyển trong quan niệm tình nghĩa ở tầng vĩ mô cũng cho chúng ta thấy thực trạng của thế giới hiện đại. Trước đây người ta chọn nguyên tắc “bạn ra bạn, thù ra thù”. Ngày nay thì : “không có bạn vĩnh viễn, không có thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Thứ “chân lý” thực dụng ấy không phải chỉ là một thực trạng con người buộc phải chấp nhận trong hoàn cảnh hiện tại, nhưng còn đuọc coi như một nguyên tắc lý tưởng hướng dẫn cho hành động của mình… Rồi những thứ nguyên tắc nặng tính trao đổi theo tinh thần thế gian như thế cũng thấm đẫm trong tương giao con người ở tầng vi mô. Nguyên lý trao đổi khiến cho đời sống gia đình cũng không khác gì một hợp đồng kinh tế, khiến cho tình bạn cũng chao đảo và đổi trắng thay đen…
Ta có thể thấy, trong chiều sâu của cuộc khủng hoảng xã hội hiện nay, có bóng dáng sự đảo lộn giá trị giữa trao đổi và trao tặng. Thứ văn hoá trao đổi đã càng ngày càng xâm chiếm mảnh đất của trao tặng. Người ta trao đổi mọi thứ, “cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”. Rồi chính tình yêu cũng bị sự vật hoá thành một hợp đồng trao đổi sòng phẳng, và đó là lý do khiến cho đời sống gia đình trở nên quá mong manh.
Thật ra, chỉ có sự trao tặng và đón nhận với lòng tri ân mới là đời sống nghĩa tình và là tương giao chân thật ở mức độ người. Thế giới thẫm đẫm nguyên lý trao đổi làm sao có thể là một dung môi thuận lợi cho tinh thần dấn thân, liên lụy, đồng lao cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi…?
Sự dấn thân của Thiên Chúa không phải chỉ là lòng quảng đại, nhưng còn là “chiến lược” để cứu độ con người :
“Thật vậy, nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Người, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5,10).
Do đó, chính Giáo hội, chính mỗi người Kitô hữu cũng không có con đường nào khác hơn để mang ơn cứu độ của Thiên Chúa cho anh chị em của mình. Nếu Đức Giêsu đã công bố Nước Trời trong thế giới của “chữ Phúc”, thì người Kitô giáo cũng tin chắc rằng cuộc sống nhân sinh chỉ có thể được giải quyết trong nguyên lý trao tặng, nhờ nối kết vào sự trao tặng của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã trao tặng chính Con Một của Ngài cho nhân loại. Từ nguồn mạch trao tặng và thái độ lãnh nhận với lòng tri ân, tinh thần trách nhiệm mới được phục hồi và người Kitô hữu mới có thể cùng dấn thân để đem Tin Mừng yêu thương cho nhân loại.