Sự hiệp thông trong Giáo hội được thể hiện một cách cụ thể qua thái độ lắng nghe và đối thoại. Tuy nhiên, điều không nói thì ai cũng phải hiểu, thái độ lắng nghe và đối thoại giữa các thành phần trong Giáo hội không bao giờ chỉ giới hạn ý nghĩa trong “hàng ngang”. Cũng như các hình thức mang tính “dân chủ” trong Giáo hội cũng không bao giờ đóng khung ý nghĩa và giá trị trong việc trao đổi, tương nhượng, hoặc là bỏ phiếu theo kiểu đa số hơn thiểu số. Dân chủ trong Giáo hội luôn phải là một phương cách tìm kiếm Ý Chúa (hàng dọc). Cũng thế, việc đối thoại để lắng nghe nhau, trong Giáo hội, cũng là một phương cách lắng nghe Ý Chúa.
Hơn nữa, việc đối thoại trong tinh thần lắng nghe ở đây không phải chỉ là tìm Ý Chúa như một bài học, như một nguyên lý, như một chân lý đã có sẵn và được giấu ở đâu đó. Trong Giáo hội, Chúa Giêsu vẫn luôn hiện diện sống động, Ngài hiện diện trong Thánh Thần và vẫn luôn là Đầu của Giáo hội.
“Xương sống” của lịch sử ơn cứu độ chính là thực tại “Thiên Chúa ở cùng”. Xương sống ấy trong Tân Ước chính là một đức Giêsu, Đấng đã cam lòng chịu chết cho con người và đã Phục Sinh để luôn đồng hành với con người mọi nơi mọi thời, qua Giáo hội là Hiền Thê của Ngài, như lời kết trong Tin Mừng Matthêu dã công bố :
“Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20)
Chính trong “văn cảnh” ấy, Giáo hội có thể vững lòng Trông Cậy, xác tín Thầy Giêsu vẫn đang hiện diện và đồng lao cộng khổ với mình trong những cố gắng, trong những thiện chí, trong những hy sinh, trong những biến động của cuộc sống.
Do đó, bầu khí đối thoại và lắng nghe được đặt trong tương quan sống động với Chúa, trong bầu không khí linh thánh, không khác với một phương thức cầu nguyện. Bầu khí đối thoại và lắng nghe được đặt trong tinh thần khiêm tốn của những người môn sinh, luôn hiểu rằng chính Chúa đang soi sáng và dạy dỗ. Bầu khí lắng nghe và đối thoại ấy tràn đầy niềm tin tưởng và phó thác vào quyền năng của Chúa đang hoạt động trong Giáo hội, cùng với Giáo hội…
Để hiểu được sự tương tác giữa nỗ lực của con người và sự dẫn dắt của Thiên Chúa, chúng ta cũng biết rằng, theo đường lối sư phạm của Thiên Chúa, Ngài mặc khải chân lý của Ngài cho con người như một thụ tạo có tự do và đang trở thành. Ngài từng bước giáo dục và giúp con người thăng tiến để đạt đến một sự trưởng thành nhân bản và tâm linh. Sáng kiến của Thiên Chúa được tỏ lộ tương tác với sự tự do của con người, một sự tự do được Thiên Chúa hết lòng tôn trọng… Do đó, việc con người nỗ lực suy tư, học hỏi, khát vọng tìm chân lý qua những trao đổi, lắng nghe một cách chân thành và khiếm tốn, có thể nói được như thánh Irenê, cũng chính là cách Thiên Chúa biểu lộ vinh quang của Ngài. Thiên Chúa không biểu lộ quyền năng và vinh quang của Ngài bằng cách đè bẹp con người; Ngược lại, quyền năng và vinh quang của Ngài chính là một cách thức diễn tả tình yêu. Quyền năng và vinh quang ấy bộc lộ trong chiều hướng mà thánh Irenê đã nói :
“Vinh quang của Thiên Chúa là con người sống”. Điều đó cũng có nghĩa là “Sự sống của con người, đó là được nhìn thấy Thiên Chúa” và “Vinh quang của con người, chính là Thiên Chúa”.
Chính trong tinh thần ấy, Thượng Hội Đồng Giám Mục sẵn sàng lắng nghe và đối thoại với các thành phần Dân Chúa; chính trong tinh thần ấy, mỗi người Kitô hữu cũng mạnh dạn góp ý, bàn bạc, tranh luận… trong niềm xác tín có Thiên Chúa đang ở cùng…
Có lẽ không ít người tín hữu lạ lẫm và ngại ngần với những những nỗ lực hiệp hành,- gồm thái độ hiệp thông, tham gia và sứ vụ – của Giáo hội trong dịp chuẩn bị Thượng Hội Đồng Giám Mục lần này. Đó là những người vốn một lòng kính trọng và vâng phục với các “Đấng Bậc” và không nhận ra việc cùng nhau trao đổi tìm tòi chính là ý muốn của Thiên Chúa; và có lẽ cũng có một số người khác lại quen có một lối nhìn phê phán, chỉ trích hoặc chống đối hoàn toàn theo kiểu sinh hoạt trong xã hội con người. Đây lại là những người không nhận ra cách thức giáo dục của Thiên Chúa đối với con người nói chung và đối với Giáo hội, không nhận ra một Giáo hội đang trở thành, bao gồm những con người đang được Chúa Thánh Thần giáo dục để lớn lên…
Cả hai thái độ ấy, có lẽ, phần nào gắn liền với một não trạng coi Giáo hội như mô hình một kim tự tháp mà quên rằng mỗi người Kitô hữu đều có sự bình đẳng về phẩm giá làm con cái Chúa, cũng như bình đẳng trong trách nhiệm xây dựng Nước Chúa. Công đồng Vatican II nói :
“Mặc dù theo ý Chúa Kitô, có những người được chọn làm tiến sĩ, làm người phân phát các nhiệm tích hay chủ chăn lo cho kẻ khác, nhưng giữa tất cả mọi người vẫn có sự bình đẳng thực sự, bình đẳng về phương diện phẩm giá và hoạt động chung của mọi tín hữu để xây dựng thân thể Chúa Kitô.” (GH 32)
Ước mong sao dịp Thượng Hội Đồng Giám Mục này lại là cơ may thực sự để Giáo hội tìm lại nguồn mạch sức sống một cách sung mãn hơn qua thái độ lắng nghe và đối thoại của mỗi người và mỗi thành phần trong Giáo hội.