Làm việc và cầu nguyện (15.01.2025 – Thứ Tư Tuần I Thường Niên)

Chuỗi Kinh cầu nguyện trong cơn Đại dịch Covid-19

Lời Chúa: 1 Sm 3,1-10.19-20 (năm chẵn), Hr 2,14-18 (năm lẻ), Mc 1,29-39

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô (Mc 1,29-39)

29 Khi ấy, vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. 30 Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. 31 Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy ; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.

32 Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. 33 Cả thành xúm lại trước cửa. 34 Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

35 Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. 36 Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm kiếm. 37 Khi gặp Người, các ông thưa : “Mọi người đang tìm Thầy !” 38 Người bảo các ông : “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” 39 Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.

 

Làm việc và cầu nguyện (15.01.2025)

“Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật.”

Với nhịp sống hối hả như hiện nay, nhiều người ngụy biện rằng dành ra một khoảng thời gian để lo bổn phận thiêng liêng xem chừng khó quá, vì suốt ngày bận rộn làm việc, đến tối thì lăn ra ngủ để lấy sức ngày mai làm tiếp. Nhịp sống cứ cuống cuồng như thế, lấy đâu ra thời gian rảnh rỗi mà cầu nguyện? Vậy đó, ít ai biết rằng “cầu nguyện là hơi thở của linh hồn”.

Có lẽ chúng ta sẽ không tìm được mẫu gương nào liên kết giữa cầu nguyện và làm việc hoàn hảo hơn mẫu gương Chúa Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại một ngày hoạt động khá bận rộn của Chúa Giêsu: giảng ở hội đường, sau đó Ngài đến nhà chữa bệnh cho mẹ vợ của Phêrô, đến chiều người ta lại đem các bệnh nhân tới và Ngài lại cứu chữa. Ngài dành thời gian để cầu nguyện vào “sáng sớm, lúc trời còn tối mịt”, nghĩa là khởi đầu và kết thúc công việc của Ngài trong ngày đều diễn ra trong sự cầu nguyện. Trong mọi biến cố và công việc lớn nhỏ, Chúa Giêsu đều cầu nguyện. Ngài cầu nguyện chung trong hội đường và lánh riêng ra nơi hoang vắng cầu nguyện. Điều đó cho thấy đối với Chúa Giêsu, việc cầu nguyện hết sức quan trọng và cần thiết, không có gì thay thế được.

Việc cầu nguyện nói lên rằng con người cần Thiên Chúa và con người tin cậy yêu mến Ngài. Cầu nguyện làm cho con người biết sống tình con thảo với Thiên Chúa là Cha, nhờ đó con người biết sống yêu thương mọi người là anh chị em của mình. Nhờ việc cầu nguyện, con người có thể khám phá ra thánh ý Thiên Chúa, tìm được nguồn ơn thánh để vượt qua mọi cám dỗ và thử thách giữa dòng đời.

Xã hội hiện đại quá bận rộn và đòi hỏi con người phải cắm đầu vào làm việc. Với quan điểm làm được nhiều việc, thu được nhiều tiền mới đáng đề cao, mới là người có ích, đây là một cám dỗ quá đỗi ngọt ngào đối với con người. Tác hại của việc giảm thiểu, coi thường việc cầu nguyện chung cũng như riêng, hẳn ai cũng biết. Rất nhiều linh mục, tu sĩ, gia đình, cộng đoàn… bất hạnh vì thiếu vắng những giây phút bên nhau cùng tham dự thánh lễ, cùng suy niệm Lời Chúa, cùng cầu nguyện thân tình với nhau… Một khi thiếu tương quan với Thiên Chúa là Cha thì làm sao có tương quan thân ái với mọi người là anh chị em được? Vì Chúa Giêsu đã nói: “Không có Thầy anh em không thể làm gì được.”

Chúng ta hãy noi gương Chúa Giêsu, dành thời giờ để tiếp xúc, đối thoại, chiêm ngưỡng Thiên Chúa, như Ngài đang hiện diện trước mặt chúng ta. Muốn đạt tới việc cầu nguyện như thế, chúng ta cần phải có đức tin mạnh mẽ và lòng yêu mến Thiên Chúa như người con đối với người cha. Mẹ Têrêsa Calcutta đã nói: “Cầu nguyện là việc tiếp xúc với Thiên Chúa. Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi ngày bằng cầu nguyện. Hãy đến với Chúa như đứa con đến với cha mình.”

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết làm sáng danh Chúa ngay trong chính việc bổn phận của mình. Xin giúp chúng con biết quân bình thời gian làm việc – cầu nguyện và luôn đặt niềm tín thác vào Chúa để đời sống vật chất và đời sống thiêng liêng của chúng con luôn được thăng tiến bởi muôn ơn lành Chúa ban cho chúng con. Amen.

Joston

Ưu tiên việc cầu nguyện (10.01.2024)

“Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.”

Tin Mừng hôm nay kể về Đức Giêsu, về công việc rất bận rộn với cuộc sống của Ngài. Chúa giảng dạy, chữa bệnh, và trừ quỷ nữa. Người ta đến với Chúa rất đông, Ngài nhận được vô số lời ca tụng từ dân chúng. Thế nhưng Ngài không bị cuốn vào đó, Ngài vẫn ưu tiên dành thời gian cho việc cầu nguyện với Chúa Cha rất thân tình, để luôn biết làm mọi việc theo Thánh ý của Cha mình.

Huynh Đoàn Đa Minh chúng ta có được truyền thống rất tốt lành là hằng ngày nguyện Kinh Phụng Vụ sáng tối, tuy không phải đọc đủ các giờ như: Giờ ba, giờ sáu, giờ chín, Kinh chiều… giống Tu sĩ Đa Minh. Chúng ta ở bậc giáo dân Đa Minh và hiệp thông trong tâm tình cầu nguyện sốt sắng qua các Thánh Vịnh mình đọc:“ Miệng đọc tâm suy” cũng là một cách cầu nguyện thiết thực rồi. Ngày nay có một số Đoàn Viên Đa Minh còn bận nhiều công việc ngoài đời, giúp sinh kế cho gia đình, không thể cùng Huynh Đoàn dự Kinh Phụng Vụ chung, đã được Cha Linh Hướng miễn chuẩn để đọc riêng, và có thể tùy hoàn cảnh cá nhân, sẽ chỉ cần cầu nguyện vắn tắt hơn ….

Thiết nghĩ điều quan trọng nơi mỗi hội viên Đa Minh chúng ta, đó là biết noi gương cầu nguyện theo cách của Chúa Giêsu , cầu nguyện trong tâm tình người con thảo yêu mến Cha mình, cụ thể là biết lắng nghe và thực thi những Lời Chúa dạy, chứ không phải cầu nguyện bằng đầu môi chót lưỡi, hình thức bên ngoài còn nội tâm bên trong thì trống rỗng, như vậy quả thật vô ích, cần lưu ý để tâm hồn hướng về Chúa hơn mỗi ngày.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết ưu tiên dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện, thinh lặng để chiêm nghiệm tình yêu Chúa dành cho chúng con, từ đó chúng con luôn biết sống trong tâm tình tạ ơn Chúa trong từng giây phút của đời mình. Amen.

BCT

Cầu nguyện (11.01.2023)

     “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó.” (Mc 1, 35 )

Đọc kĩ bài Tin Mừng hôm nay cho thấy : Chúa Giêsu luôn phối hợp việc cầu nguyện và bác ái hằng đi đôi. Ngài cầu nguyện để nhận ra ý Cha trên trời, và Ngài thi hành ý Cha, làm các phép lạ chữa lành bệnh tật cho những ai có lòng tin vào quyền năng và tình yêu Thiên Chúa, chứ Ngài không làm phép lạ để trổ tài khoe mẽ, hoặc cho những kẻ kiêu ngạo dám thách thức thử sức ngông cuồng…

Cuộc sống Sài Gòn ngày nay quá nhiều phức tạp, nếu chúng ta thiếu sự cầu nguyện thì dễ bị sai lầm khi làm việc bác ái. Cụ thể như người Đa Minh trong Huynh Đoàn Thánh Hiền, khi nghe bà con giới thiệu về gia đình kia đang gặp hoạn nạn, nghèo khổ vô gia cư đang cầu cứu…, người Đaminh này quên chưa cầu nguyện, chưa xác minh sự việc rõ ràng đã vội vàng đi quyên góp mọi người cho tiền để giúp hoàn cảnh đó.

Tình cờ sau vài tuần, chính người Đaminh quá nhiệt thành này, đã tận mắt chứng kiến cái gia đình kia là dân ăn chơi sa đọa…, giang hồ thứ thiệt ở một địa phương thuộc vùng ngoại ô.

Khi biết chuyện thì đã muộn bởi tiền bao nhiêu gom góp được đã trao tận tay cho đồng bọn của họ mất rồi, đành tiếc rẻ bởi vì số tiền mồ hôi công sức ấy đáng lý phải sẻ chia những nơi thật sự đói nghèo cơ cực…

       Lạy Chúa, Ngài đã để lại cho chúng con mẫu gương “Cầu nguyện” bằng tất cả tâm hồn yêu mến, điều đó rất quan trọng và cần thiết, xin Chúa thương giúp chúng con biết ý thức, siêng năng cầu nguyện…,để nhận được ơn khôn ngoan sống chứng nhân Tin Mừng giữa cuộc đời hôm nay. Amen.

BCT

Bước xuống, bước xuống, bước hiệp hành (12.01.2022)

“Ngài  chữa  nhiều  người  đau  ốm  những  chứng  bệnh  khác nhau“. (Mc 1, 34)

“Ngài chữa nhiều người, những chứng bệnh khác nhau”. Bước xuống, bước xuống, và bước xuống cho đến tận cùng thấp…là bước hiệp hành của Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, chí cao, chí thánh. Bước xuống là bỏ ngai cao. Bước xuống là tự đồng hoá mình thấp hèn, bé mọn. Bước xuống tới tận nỗi đau sâu kín của những con người cô độc lẻ loi. Bước xuống tới tận nỗi tủi nhục của những người trầm mình trong thất chí tuyệt vọng vì tội lỗi. Bước xuống và chạm xuống tới tấm thân tàn ma dại, chạm xuống tới mảnh linh hồn vụn vỡ, nát tan…

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay cho thấy bao nhiêu cái bước xuống hiệp hành của Chúa Giê-su và chạm tay xuống chữa lành bao thương tích cuộc đời! Nếu như không có cái bước xuống hiệp hành ấy, không có cái chạm xuống sẻ chia và cứu vớt ấy, thì hẳn là mọi người chẳng mong tìm đến Chúa Giê-su mà chi. Hoá ra, cái bước xuống của Chúa Giê-su, của Tin Mừng, có sức làm cho người ta tin tưởng, khát khao và bước lên với Chúa.

Giáo Hội ý thức cái bước xuống chuẩn mực kiểu mẫu của Chúa Giê-su, và  mời gọi  mọi thành phần  giáo  hội hãy “theo đúng cái bước xuống  hiệp  hành”  của  Chúa  Giê-su, và “cùng Chúa Giê-su bước xuống hiệp hành với tất cả những con người bé mọn, đau khổ tuyệt vọng” để thắp lên cho họ niềm vui của Tin Mừng. Hẳn là giáo Hội đang muốn nói với mọi thành phần dân Chúa rằng: đừng đứng trên cao mà kêu nữa, người hèn mọn chẳng nghe được đâu; phải bước xuống thật thấp mới ngóng được từng lời thầm nỉ non của đám bần dân thấp cổ bé miệng. Vâng, đa số con người vẫn luôn ở dưới mức thấp bình thường, và không tự ngoi lên nổi. Vì thế, bước xuống hiệp hành là giải pháp cứu rỗi của Chúa Giê-su và cũng là của Giáo Hội Người.

Lạy Chúa, xin cho các gia đình chúng con luôn biết quan tâm đến nhau, và nhất là biết bước xuống hiệp hành với các gia đình đau khổ để cảm thông, chia sẻ trong tình yêu thương của Chúa. Amen.

BCT

Một ngày sống ý nghĩa (13.01.2021)

“Ngài chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau”. ( Mc 1,34 )

Tin Mừng ghi lại một ngày sống và làm việc của Chúa Giê-su: hết giảng trong hội đường, lại đi thăm viếng, giúp đỡ, chữa bệnh, trừ quỷ… tất cả vì  yêu thương và  khao khát cho con người có cuộc sống an vui, hạnh phúc. Một  ngày  sống  của  Chúa  Giê-su  gợi  hứng  cho  tất  cả chúng ta về một ngày sống ý nghĩa. Có những người làm cha mẹ đã khởi đầu một ngày sống tất bật từ rất sớm. Ba bốn giờ sáng đã thức dậy với lời nguyện dâng ngày, dâng công ăn việc làm, dâng vợ chồng con cái cho Chúa, và chuẩn bị đi cày.

Có người cày trên ruộng lúa, có người cày trên công sở, có người cày ở  chợ, có  người cày ở  nương rẫy, ở  trường học, ở bệnh viện… Nơi nào cũng có những cố gắng, những hy sinh, những giọt mồ hôi, những nước mắt nhỏ xuống, để cho hạt giống tình yêu nẩy mầm, rồi thành cây lúa vươn lên trổ sinh ngàn bông hạt  bình  an  hạnh  phúc  cho  gia  đình  nhỏ  bé  của  mình.  Thật đáng quý một ngày tất bật vì yêu chồng, yêu vợ, yêu con, yêu cuộc sống này! Một ngày ý nghĩa! Một ngày đáng sống!

Nhưng cũng thật đáng tiếc và đáng thương cho một số người đáng ra phải làm việc vì yêu thương gia đình, thì ngược lại, ăn không ngồi rồi, chẳng nhiệt tình với công việc, lại còn lông nhông, ăn chơi phung phí, tiêu xài cẩu thả, số đề, cá độ, bài bạc, rượu chè, chưng diện, đua đòi, ngồi lê, hóng chuyện hết ngày này qua ngày khác… Một ngày sống không ý nghĩa. Lời  Chúa  muốn  mời  gọi  các  gia  đình  hãy  noi  gương Chúa Giê-su, ra công gắng sức mà làm việc vì yêu vợ chồng con cái, và nhất là, vì tạ ơn hồng ân thời gian Chúa ban.

Lạy Chúa, xin cho các gia đình luôn biết tận tụy hy sinh làm việc nuôi nhau và kiến tạo an bình hạnh phúc. Amen.

BCT

Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau (15.01.2020)

Tin Mừng hôm nay thánh Maccô mô tả sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu tại quý hương Galilê của Người, nơi Người đã sinh trưởng trong gia đình Nadaret. Người đã đi khắp miền, thi ân giáng phúc đầy tràn cho quý hương ấy.

Người chữa bệnh cho đủ mọi lớp người, đủ thứ bệnh tật, cả người xa lạ đến người thân quen. Hôm nay “Người đến nhà ông Simon và Anrê. Có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo. Lúc đó có bà vợ ông Simon đang lên cơn sốt… Người lại gần cầm tay bà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay”. Chúa đã bày tỏ tình thương uy quyền và để ghi dấu ấn đặc biệt ban đầu cho bốn môn đệ Chúa vừa chọn nữa.

Rồi tiếp tục “Chiều đến… người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người… Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói vì chúng biết Người là ai”.

Chúa Giêsu quả là Đấng cứu thế. Trước hết Người đã đến chăm sóc sự sống cho nhân loại, tạo vật cao quý mà Thiên Chúa tạo dựng. Người khử trừ mọi bệnh hoạn tật nguyền thân xác mà chính  do tội lỗi họ gây nên. Chỉ có Người là Đấng cứu thế  của Thiên Chúa, vì xưa nay chưa có vị thủ lãnh trần gian nào làm được những công việc ấy. Điều mà ngôn sứ Isaia đã loan báo từ trước mấy trăm năm: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta”. (Mt 8,7). Sau này qua cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ta càng thấy rõ công ơn cứu chuộc của Người. Chúa không chỉ chữa bệnh như các thầy thuốc bác sĩ bằng quyền năng của mình, mà còn “gánh lấy, mang lấy” các bệnh nạn tật nguyền của ta. Rồi Người cũng nhận lấy mọi tội lỗi loài người làm tội của mình mà chết thay cho cả nhân loại để họ được sống muôn đời.

Ta nghe đoạn cuối Tin Mừng kể lại: “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simon và các kéo nhau đi tìm… Người bảo các ông: Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh… Rồi Người đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ”. Chúa đã, vật lộn, lăn xả nơi quý hương Galilê của Người để loan báo Tin Mừng. Người cũng làm gương các tông đồ không được sao nhãng việc cầu nguyện. Từ đây người xứ Galilê không thể viện cớ rằng tôi đã không được nghe giảng Tin Mừng, không được thấy những dấu lạ về Nước Thiên Chúa. Chỉ có điều họ có tin hay không tin những việc làm của Chúa. Ở đây ma quỷ chúng còn “biết Người là ai”, vậy người Do Thái?

Mới đây trên trang mạng, người ta đưa tin một gia đình lương y Phạm Cao Sơn ở giáo xứ Gia Lạc giáo phận Thái Bình có 13 người xin gia nhập giáo hội công giáo. Ông kể rằng do được gần đức cha Ngô Quang Kiệt, quý cha dòng Chúa cứu thế mà ông và gia đình đã nhận ra chân lý Thiên Chúa và giáo hội của Người.

Lạy Chúa! Ước gì mỗi lời nói, mỗi việc làm của chúng con đều góp phần làm cho anh chị em con, những người chưa nhận biết Chúa cứu thế, chưa nhận biết Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, được nhận ra điều ấy thì phúc cho chúng con biết mấy. Amen.

Gs. Ngọc Năng

Người đã gánh lấy những bệnh hoạn của chúng tôi (16.01.2019)

Sau khi khởi đầu rao giảng Tin mừng tại quê hương Galilêa,  hôm nay Chúa Giêsu tiếp tục sứ mệnh tại đó. “Từ hội đường Caphácnaum đi ra, Người đến nhà hai ông Simon và Anrê, có ông Giacôbê và ông Gioan cùng đi theo”. Đó là 4 ông Chúa mới chọn làm môn đệ của Người.

Ở đó có bà mẹ vợ ông Simon đang lên cơn sốt, Người đến gần đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay”. Thế rồi “người ta đem mọi kẻ đau yếu và những ai bị quỷ ám… Cả thành xúm lại trước cửa… Đức Giêsu chữa nhiều kẻ đau yếu mắc đủ thứ bệnh tật”. Thật ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia: “Người đã chịu lấy những tật nguyền của chúng tôi và gánh lấy những bệnh hoạn của chúng tôi” (Mt 8,17).

Khi Chúa trừ quỷ, bọn quỷ biết Người là ai. Nhưng Chúa không cho chúng nói vì giờ của Người chưa đến, chưa muốn tỏ vai trò cứu thế ra cho thiên hạ hay. Người muốn mỗi người tự nhìn nhận, xác quyết. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu còn dạy cho các môn đệ một đời sống cầu nguyện: “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt Người đã dậy đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”. Một lòng khao khát say sưa truyền giáo: “Chúng ta hãy đi nơi khác… Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó”. Chúa cũng dạy một công thức truyền giáo để đem lại những kết quả tốt đẹp là: cầu nguyện, giảng dạy, làm phép lạ. Cả ba việc không thể thiếu hay tách rời nhau. Cầu nguyện để “Thần Khí Chúa ngự trên tôi”. Giảng dạy: loan báo giáo lý của Chúa. Làm phép lạ hay việc làm của nhà truyền giáo: minh chứng, xác quyết cho lời dạy.

Ngày nay đọc lại những phép lạ Chúa đã làm xưa, chắc có người sẽ hỏi: Ngày nay Chúa Giêsu còn làm phép lạ nữa không? Ta có thể trả lời ngay với người có đức tin rằng: Có, Chúa vẫn làm. Người còn có quyền phép chữa ta khỏi mọi tật nguyền như tính hư, nết xấu, tội lỗi của đời sống linh hồn mà cho ta hưởng phúc trường sinh nữa. Để được phúc trường sinh ấy, không có cách nào khác, Chúa vẫn muốn chúng ta phải vác thập giá mình, những bệnh tật, khổ đau mà theo Chúa lên đồi Canvê. Chúa cũng không muốn cất ta ra khỏi thế gian ngay để ta khỏi chịu mọi bệnh tật, như Chúa đã cầu nguyện cho ta: “Con không xin cha cất họ ra khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ” (Ga 17,15). Vì Chúa đã sai ta vào thế gian để lập công, để làm men, làm muối cho đời.

Người ta kể một chuyện trong chiến tranh thế giới thứ 2: Giữa làn mưa bom lửa, đạn đổ xuống bao triệu người Châu Âu tan xương nát thịt, một nữ tu đã than thở với Chúa: “Lạy Chúa sao Ngài để vậy?” Rồi chị đã nghe thấy tiếng nói: “Nếu Cha muốn cứu độ họ thì con nghĩ sao?”

Lạy Chúa, xin cho con luôn vững tin và đến với Chúa, để Người hằng săn sóc chữa trị mọi bệnh tật phần hồn, phần xác cho con.  Amen.

Gs. Ngọc Năng (BC) 

 

Sống đời cầu nguyện và yêu thương giúp đỡ mọi người (10.01.2018)

Tin Mừng hôm nay, Thánh sử Máccô cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã cùng với hai môn đệ là Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Tại đây Ngài đã chữa lành cho bà nhạc gia của Simon khỏi cơn cảm sốt mà bà đang mắc phải. Khi được Chúa Giêsu chữa cho khỏi bệnh, bà liền ngồi dậy để tiếp đãi Chúa và các môn đệ của Ngài. Việc làm của bà đã chứng tỏ lòng chân thành cảm ơn Chúa và thể hiện sự trân trọng đối với Ngài.

Cuộc sống này  khó khăn chồng chất

Bao nỗi buồn vảng vất kề bên

Đau thương khổ lụy nhiều thêm

Hành trình vất vả ngày đêm nặng sầu

*

Nhưng có Chúa tình sâu rộng lớn

Giang cánh tay Ngài đón chờ con

Thương ban hồng phúc muôn ơn

Giúp con qua khỏi bao cơn hiểm nghèo

 

Có lẽ ngày hôm đó, Chúa Giêsu và các môn đệ đã lưu lại nhà Simon. Khi nghe biết Ngài đang ở đó, dân chúng đã đưa những thân nhân của họ đang bị bệnh đến với Chúa, có cả những người bị quỷ ám. Mục đích của họ là xin Chúa chữa lành cho những bệnh nhân đang phải đau khổ buồn phiền. Chạnh lòng thương xót những người nghèo khổ, bất hạnh, bệnh tật … Chúa Giêsu đã cứu giúp và chữa lành cho nhiều người vì họ có lòng tin vào Ngài

Cuộc sống này hồng ân lãnh nhận

Dẫu biết rằng thân phận nhỏ nhoi

Niềm tin nơi Chúa rạng ngời

Hạnh phúc đích thực tuyệt vời biết bao

Sáng sớm ngày hôm sau, lúc trời còn tối, Chúa Giêsu đã chỗi dậy, đi đến một nơi thanh vắng để cầu nguyện với Chúa Cha. Mặc dù bận rộn với rất nhiều công việc trong ngày, nhưng Chúa Giêsu vẫn không quên cầu nguyện. Ngài thường xuyên cầu nguyện để làm gương cho các môn đệ của Ngài. chính Ngài đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. Đã có lần,  Ngài lấy hình ảnh cây nho và cành nho để nói lên tầm quan trọng của việc cầu nguyện: “Thầy là cây nho, các con là cành nho; ai lưu lại trong Thầy và Thầy trong người ấy, thì người ấy sẽ sinh nhiều hoa tráí”.

Cảm tạ Chúa! Con theo Ngài mãi

Với tấm lòng hoán cải ăn năn

Về đây với Chúa từ nhân

Đời con bừng sáng muôn phần hỷ hoan

 

Trong cuộc sống, từng ngày đã đến, rồi lại qua đi, đã có biết bao hồng ân mà Chúa trao ban cho chúng ta. Mỗi ngày khi vừa thức dậy, chúng ta hãy cảm tạ Chúa đã cho chúng ta qua một đêm bình an và lại có thêm những thời gian thuận lợi đang đến để thực hiện một ngày sống tốt đẹp cho chính mình, cũng như đối với mọi người đang sống chung quanh. Từ đó, chúng ta sẽ sống kết hiệp mật thiết với Chúa trong việc cầu nguyện để thi hành Thánh ý của Chúa và nhiêt thành  phục vụ tha nhân một cách hữu hiệu hơn.

Ở bên Chúa vô vàn êm ái

Sống an lành luôn mãi bình yên

Niềm vui chan chứa vững bền

Đạo đức thánh thiện tăng thêm bội phần

Lạy Chúa! Chúa đã xuống trần để cứu chuộc chúng con. Chúa đã giải thoát chúng con khỏi mọi nỗi khổ đau do tội lỗi gây nên. Chúa đã thực hiện công trình cứu chuộc chúng con bằng sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng con và bằng chính cái chết trên thập giá. Xin Chúa cho chúng con biết sống cho Chúa và thân thiện yêu thương tất cả mọi người, để họ nhận biết Chúa và cùng tin theo Chúa. Amen.

HOÀI THANH

Tất cả chỉ vì yêu (13.01.2016)

Vì yêu. Ngôi Hai Thiên Chúa đã xuống thế làm người.

Chính vì yêu. Đức Giêsu chọn sinh ra nơi máng cỏ, hang lừa tanh hôi, ẩm thấp.

Cũng vì yêu. Đức Giêsu vui nhận làm con Đức Giuse và Đức Maria; Ngài đã chấp nhận sống đơn sơ, khó nghèo suốt 30 năm tại Nagiarét.

Lại bởi vì yêu. Khởi đầu, tại miền Galilê, Đức Giêsu đã công khai việc rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người giảng dạy tại các hội đường trong thành Ca-phác-na-um; đồng thời chữa trị cho mọi kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và những ai bị quỷ ám… ở trong miền này.

Đức Giêsu đã thực hiện việc giảng dạy song song với việc chữa lành bệnh tật, cũng như việc trừ quỷ. Dân chúng thời đó, xem nguyên nhân của bệnh tật là do hậu quả của tội lỗi; mọi bệnh tật được xem là do ma quỷ gây nên. Vì thế, việc chữa lành bệnh tật được xem như là cuộc chiến thắng trên ma quỷ. Đức Giêsu đã đến để đánh đuổi ma quỷ và giải thoát loài người khỏi quyền lực chúng. Người đã khởi đầu cuộc chiến với ma quỷ bằng một chiến thắng trực tiếp trên Satan trong sa mạc (x. Mc 1,12-13).

Cũng chỉ bởi vì yêu. Tại nhà ông Simôn và Anrê, Đức Giêsu đã chữa dứt cơn sốt cho nhạc mẫu của ông Simôn bằng cách “lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy”. Sự ân cần, yêu thương, gần gũi, thân tình… của Đức Giêsu làm cho dân chúng hiểu ra. Khi họ ở trong tình trạng quẫn bách, họ có thể trông mong được Người giúp đỡ. Vì thế, lúc chiều tối, họ đưa tất cả mọi bệnh nhân và những người bị quỷ ám đến cho Người chữa trị. Đức Giêsu đã không từ chối chữa trị cho một người nào cả. Do bởi lòng thương xót vô biên và tình yêu thương hải hà mà Người đã chạm đến những nỗi đau khổ, bệnh tật của con người. Đức Giêsu đã chữa lành, xoa dịu nỗi khổ đau của con người cả thể xác lẫn tinh thần, và phục hồi lại những gì đã hư mất.

Tất cả là vì yêu. Đức Giêsu đã làm nhiều phép lạ cho con người ta. Tin Mừng ghi lại rất nhiều phép lạ Đức Giêsu đã làm để minh chứng tình yêu nhưng không của Ngài dành cho con người quá đỗi dư tràn. Một trong những phép lạ đó, chính là phép lạ chữa lành bệnh tật.

Nhưng những phép lạ chữa lành bệnh tật Đức Giêsu thực hiện, không chỉ nhằm chữa trị những đau thương nơi thân xác con người. Nhưng cái chính là để giải thoát con người khỏi mọi khốn khổ phần hồn cũng như phần xác; điều này nói lên một thực tại cao siêu. Đó là bày tỏ tình yêu thương hải hà, và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với con người. Đồng thời mời gọi con người hãy đón nhận, và trao ban tình yêu thương ấy cho nhau, qua việc phục vụ anh chị em chung quanh mình; tức là cũng phục vụ và làm cho chính Chúa (x. Mt 25,37-40).

Ngày nay, vẫn còn đó những bệnh tật mà y học phải bó tay. Người bệnh dù muốn hay không cũng phải đối mặt với sự thật này và phải chấp nhận. Người tín hữu Chúa Kitô cũng không là ngoại lệ. Nhưng thái độ của con cái Chúa, là thái độ của người có đức tin thì khác…

Người tín hữu Chúa Kitô chấp nhận đau khổ bệnh tật không phải như một đường cùng không lối thoát. Người tín hữu Chúa Kitô chấp nhận đau khổ bệnh tật cũng vì tin yêu, và phó thác để được tham dự vào cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Chỉ bằng việc chấp nhận như vậy mới đem lại bình an, và ơn phúc cho tâm hồn người bệnh khi phải mang bệnh tật đau khổ về phần xác…

Lạy Chúa Giêsu, giữa biết bao nhiêu con người đau khổ, xin cho sự hiện diện của người tín hữu Chúa trở thành dấu chỉ của tình yêu của Thiên Chúa đối với con người. Xin cho mỗi người chúng con trở thành bàn tay đưa ra nối kết con người với lòng thương xót, yêu thương của Thiên Chúa. Amen.

CÁT BIỂN

Nói với Chúa về người khác

Bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài. (Mc 1,30-31).

Suy niệm: Có vẻ như phải đợi có người “nói với Chúa Giê-su” về bệnh tình của bà gia ông Si-môn thì Ngài mới ra tay cứu chữa. Chúa Giê-su thừa quyền năng để chữa bệnh. Hơn nữa, Người còn là Đấng đầy lòng thương xót đối với những ai đau khổ, Người thấu hiểu tình trạng của từng người; cho nên gặp người đau yếu là Chúa có thể chữa ngay mà không cần ai khai bệnh dùm hay nói cho biết tình trạng bệnh nhân thế nào. Tuy nhiên, khi ai đó nói với Chúa về tình trạng của người bệnh, thì điều đó cũng diễn tả mối quan tâm của họ đối với người bệnh và lòng tin tưởng vào quyền năng và tình yêu chữa lành của Chúa. Chắc chắn Chúa vui thích sự quan tâm này và sẽ ra tay chữa lành bệnh nhân.

Mời Bạn: Đức Giê-su dạy chúng ta cầu nguyện: “Lạy Cha chúng con…” nghĩa là chúng ta có chung một Cha và chúng ta là anh em với nhau. Theo tính tự nhiên, chúng ta dễ nghĩ đến những nhu cầu của bản thân mình trước tiên. Thế nhưng điều Chúa muốn nơi chúng ta là sự quan tâm tới người khác và nói với Chúa về nhu cầu cua họ hay cầu nguyện cho họ; chắn chắn đó là điều đẹp lòng Chúa. Vì Chúa thích chúng ta có lòng quan tâm đến tha nhân.

Sống Lời Chúa: Để cụ thể mối quan tâm đến người khác, tôi quyết tâm mỗi ngày cầu nguyện cho một người nào đó.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đặt chúng con sống với tha nhân. Xin cho chúng con có một tấm lòng yêu thương quan tâm đến họ, nhất là lúc họ rơi vào hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn.

Hết mình vì tha nhân

Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy, cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các Ngài. Chiều đến khi mặt trời lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỉ ám đến cho Người. … Chúa Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai. (Mc 1,31-34)

Suy niệm: Dân chúng tìm đến với Chúa Giêsu như tìm đến một thầy thuốc chữa bá bệnh, nhưng qua các phép lạ chữa bệnh, Chúa lại cho họ thấy Ngài là Đấng Thiên Sai. Hành vi “lại gần, cầm lấy tay mà đỡ dậy” chính là ngôn ngữ của Tin Mừng mà Ngài loan báo. Đức Kitô giải thoát con người khỏi những nỗi đau thể xác, để loan báo trọng tâm của chương trình cứu độ là giải thoát con người khỏi tội lỗi, tái lập mối tương quan mật thiết giữa Thiên Chúa với con người.

Mời Bạn: Bạn chia sẻ những đau khổ của con người, qua những biến cố thiên tai bão lụt, chiến tranh tại đất nước chúng ta hay đó đây trên thế giới. Nhưng bạn chưa là chứng nhân Tin Mừng nếu bạn dừng lại ở đó. Hành vi phục vụ, chia sẻ phải là một lời loan báo Tin Mừng, trước hết là trong ý hướng.

Chia sẻ: Có gì khác giữa việc chữa bệnh của thầy thuốc với việc chữa lành của Đức Kitô? Có gì khác giữa việc phục vụ của một người tin với một người không tin?

Sống Lời Chúa: Mỗi khi làm việc gì, bạn hãy làm với ý hướng phục vụ, và mỗi công việc phục vụ bạn hãy định hướng nó về việc loan báo Đức Kitô.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, thế giới hôm nay vẫn còn đầy dẫy sự dữ: bệnh tật, tội lỗi, những sa đoạ trong kiếp người. Xin Chúa chữa lành chúng con để chúng con được hưởng dư đầy ơn Chúa cứu độ. Amen.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *