1. Hình ảnh hậu trường bên trong công trình xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà

Không có gì lạ khi những nhà thờ lớn như thế này phải mất hàng thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để xây dựng.

Trần nhà hình vòm, cửa sổ kính màu và hàng cột phức tạp – rất nhiều điều khiến Nhà thờ Đức Bà Paris trở thành một trong những kỳ quan gothic tinh tế nhất thế giới, nổi bật một cách gần như kỳ diệu.

Công trình kiến trúc ngôi nhà thờ Pháp này bắt đầu vào năm 1163, mãi đến năm 1345 mới hoàn thành.

Việc xây dựng nhà thờ có thể đã mất 182 năm kể từ khi nó bắt đầu vào năm 1163, nhưng ngọn lửa vào năm 2019 chỉ mất vài giờ để ảnh hưởng đến sự ổn định của tòa nhà. Công việc trong hai năm qua là bảo đảm rằng nhà thờ luôn đứng thẳng.

Jean-Louis Georgelin, Giám đốc cơ quan phụ trách tái thiết Nhà thờ Đức Bà cho biết: “Chúng tôi phải an tâm hoàn toàn rằng cấu trúc đó vững chãi bằng cách thực hiện nhiều biện pháp gia cố. Chúng tôi không muốn tái thiết mà không được yên tâm”.

Ngọn Tháp phía Bắc mang tính biểu tượng, đã có lúc bị ngọn lửa đe dọa vào đêm hỏa hoạn. Cuối cùng, ngọn lửa đã bị dập tắt trước khi nó có thể khiến ngọn tháp sụp đổ. Nơi có ngọn tháp Notre Dame nổi tiếng từng đứng sừng sững trên nền trời Paris là nơi diễn ra phần tàn khốc nhất của đám cháy.

Khi cả thế giới quan sát, ngọn tháp, lúc bấy giờ đang được trùng tu, đã sụp đổ và xuyên thủng trần nhà thờ, trước khi ngã gục xuống gian giữa.

Giàn giáo bao quanh nó bao gồm 40,000 ống kim loại sụp đổ, nóng chảy, xoắn vào tòa nhà. Những mảnh kim loại này phải được cẩn thận nhặt lên và loại bỏ.

Jean-Louis nói: “Đây là nơi ngọn tháp sụp đổ, đây là trung tâm của thảm kịch”.

Bây giờ giàn giáo cho việc cải tạo đã sẵn sàng, Jean-Louis cho biết công việc xây dựng lại trần hình vòm của nhà thờ chính tòa Đức Bà và phần chóp của nó sẽ bắt đầu trước cuối năm nay.

Phần bên ngoài nhà thờ chính tòa cũng được chỉnh trang trước cuối năm nay. Mặt tiền gothic mang tính biểu tượng của nhà thờ đứng vững là minh chứng cho một công trình đã được chứng minh là vững chắc và tinh tế.


Source:Net TV

2. Ba thách đố của Đức Cha Luc Crepy, tân giám mục của Versailles

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là lễ nghi nhậm chức của Đức Cha Luc Crepy, tân Giám Mục Versailles, vào ngày Chúa Nhật 11 Tháng Tư tại Nhà thờ Saint-Louis của giáo phận.

Giáo phận Versailles có khoảng 1,5 triệu dân, trải rộng trên 75 giáo xứ, với khoảng 180 linh mục, 40 phó tế vĩnh viễn và hàng ngàn tình nguyện viên tham gia ở các cấp độ khác nhau trong việc phục vụ Giáo hội.

Chủng viện của giáo phận ở Yvelines có khoảng hai mươi chủng sinh đang được đào tạo. Ngoài ra, chín thanh niên hiện đang tham gia vào một năm tìm hiểu. Sự năng động này đã giúp giáo phận có thể mở lại một chủng viện cho đến bậc đại học vào năm 2006, sau khi đã bị đóng cửa vào năm 1972.

Trong giáo phận với nhiều nét trái ngược này, việc thực hành đạo của người Công Giáo dao động từ 30% ở một số quận nhất định của Versailles cho đến dưới 1% ở các khu vực khác.

Tờ La Croix trong số ra ngày 12 tháng Tư, có bài nhận định nhan đề “Les trois défis de Mgr Luc Crepy, nouvel évêque de Versailles”, nghĩa là “Ba thách đố của Đức Cha Luc Crepy, tân giám mục của Versailles”. Bài báo trình bày khá nhiều bài học hữu ích cho Giáo Hội tại Việt Nam. Vì thế, xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi toàn văn bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Anh Chi.

Với sự khởi đầu sứ vụ chủ chăn của Đức Cha Luc Crepy, 62 tuổi, lịch sử giáo phận Versailles đã bước sang một trang mới vào ngày Chúa Nhật 11 tháng 4, sau khi giáo phận này được Đức Cha Éric Aumonier chăn dắt trong hai thập kỷ.

Về mặt xã hội, văn hóa và tôn giáo, ít nơi nào ở Pháp có vẻ trái ngược như Le Chesnay và Trappes. Le Chesnay được kể là vùng ngoại ô thượng lưu của Versailles với nhiều nhóm hướng đạo sinh và là nơi một phần ba dân số đi lễ vào các ngày Chúa Nhật hàng tuần. Trappes, ngược lại, được kể là một vùng ngoại ô khét tiếng là có nhiều vấn nạn, và gần đây là tiêu điểm của các phương tiện truyền thông trước các vấn đề liên quan đến Hồi giáo ly khai.

Chưa hết, cả Trappes và Le Chesnay đều là hai thị trấn của Yvelines, và phụ thuộc vào cùng một giáo phận, là giáo phận Versailles. Đức Cha Bruno Valentin, Giám Mục Phụ Tá từ năm 2019 đến nay, nhận xét rằng: “Đó là một vùng của tất cả những tương phản”. Vị Giám mục Versailles phải thông thạo mọi địa hình, phải thích nghi được với phụng vụ truyền thống lẫn các thánh lễ với nhiều nét chấm phá qua các bài hát Phi Châu. Lời khuyên của Đức Cha Valentin dành cho vị tân giám mục là “Hãy nếm trải sự đa dạng này càng nhanh càng tốt, trước mùa hè”.

Vị tân Giám mục sẽ có thể khám phá ra ở đó những cộng đồng tràn đầy sức sống và năng động, đặc biệt là nơi các Kitô hữu thuộc các nhóm thiểu số, nhưng mong đợi rất nhiều từ nơi ngài, với các hỗ trợ và nhiệt tình mục vụ. “Yêu cầu đầu tiên của chúng tôi với Đức Cha là ngài hãy đến gặp chúng tôi!” Những cộng đoàn như thế ở mọi nơi trong vùng Yvelines, cả ở những khu vực giàu có và những khu dân cư của tầng lớp lao động.

Nữ tu Bernadette Diarra, thuộc dòng Filles du Cœur immaculé de Marie de Bamako, tức là dòng Nữ Tử Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Maria Bamako, bên Mali, được bổ nhiệm hoạt động mục vụ tại Yvelines từ tháng 9 năm ngoái. Sơ Diarra tuyên bố “không hề cảm thấy lạc lõng khi đến nơi”. Và vì lý do rất xác đáng: “trong các lễ lạc lớn, tôi thấy thực sự là một ngày đại lễ ở Phi Châu!” Đó là một thực tế khác xa với những khuôn sáo thông thường trong giáo phận Versailles. Versailles đã từng là trú sở của Vua Louis XIV, và ngày nay người ta cũng phải thừa nhận rằng đó cũng là nơi định cư của nhiều người với các quốc tịch khác nhau, thường gắn bó với Hồi giáo cực đoan hơn là với Công Giáo. Chẳng hạn như ở Trappes, nơi gần đây bị cáo buộc là trung tâm của các cộng đồng Hồi giáo. Đó chính xác là nơi nữ tu người Mali sống.

Cha Xavier Chavane, cha sở của Sartrouville, là một người quan sát tinh tường thực tế đa dạng của vùng này. Ngài mỉm cười nói: “Thành phố này là một bản tóm tắt của tất cả các thể loại Yvelines”. Ở đó, cách trung tâm Paris vài nhà ga đường sắt tốc hành, tiếng Pháp gọi là Réseau Express Régional, viết tắt RER, các khu trung lưu và các chung cư cao tầng nằm san sát cách nhau vài chục mét. Đối với Cha Chavane, khi đề cập đến giáo phận Versailles, người ta không nên quên thực tại Kitô giáo trong các khu dân cư của tầng lớp lao động – và đừng lý tưởng hóa thực tại ấy.

Cũng giống như Sơ Diarra, người rất vui mừng khi phát hiện ra ở Trappes “một Giáo hội luôn tìm kiếm những người khác”, Cha Chavane nhìn thấy những kho báu thực sự trong kinh nghiệm của các Kitô hữu tại các thành phố. Ngài nói: “Một trong những đặc điểm của các giáo xứ ở các khu bình dân, là cách họ tôn vinh Chúa Kitô khiến bạn muốn gặp Người. Một linh mục Việt Nam, Cha phó xứ Daniel Lê còn tỏ ra hài hước hơn: “Ở đây, tôi phát hiện ra rằng thánh lễ có thể truyền giáo!”

Điều này không có nghĩa là hoàn cảnh của các tín hữu Kitô là thanh bình ở những thành phố khó khăn này. Cha xứ Sartrouville cho biết, tình hình có khả quan hơn trước đây, nhưng vẫn có một áp lực nhất định tác động lên các Kitô hữu trẻ tuổi để buộc họ phải cải sang đạo Hồi. Điều này đặc biệt đúng khi những người trẻ tuổi không được đào tạo giáo lý vững chắc và cảm thấy mình bất lực khi bị các đồng nghiệp Hồi giáo chất vấn về niềm tin của mình. Cha Lê tóm tắt: “Tình cảnh này không dễ dàng và một trong những thách đố là chúng ta phải giúp trẻ em và người trẻ không xấu hổ về phúc âm và đức tin của họ”.

Để khuyến khích những người trẻ này, vị tân Giám mục Versailles có thể phải quan tâm đến việc phát triển các cầu nối giữa các cộng đồng giáo xứ, mang lại cho họ sự tự tin rằng họ không đơn độc trong niềm tin và trong việc thể hiện cho những cư dân khác trong giáo phận thấy lòng nhiệt thành đang làm sôi động các giáo xứ của thành phố. Đã có những cuộc trao đổi không thường xuyên giữa các giáo xứ, như khi anh chị em giáo dân từ một thành phố đặc biệt khó khăn đến để linh hoạt thánh lễ trong một vùng ngoại ô dân cư giàu có hơn.

Tuy nhiên, tương tác này không nên là một con đường một chiều. Đây là cách mà Đức Cha Valentin muốn thành công trong việc “chia sẻ của cải địa phương hóa” được đại diện bởi những giáo dân dấn thân. Nói cách khác, ngài muốn dựa vào sự dấn thân của các tín hữu – đặc biệt ở một số nơi như Versailles, Chatou hoặc Saint-Germain-en-Laye – để những khu vực khó khăn nhất của giáo phận có thể hình thành nên một cơ cấu giáo hội thực sự nhằm phục vụ người dân địa phương.

Cha Pierre Bothuan, chánh xứ Houdan, ở biên giới với Eure-et-Loir, cười nói: “Tôi năm nay 51 tuổi, có 80 linh mục trẻ hơn tôi trong giáo phận”. Đó là một tình huống có một không hai ở Pháp. Với độ tuổi trung bình là 52, các linh mục ở Versailles trẻ hơn đáng kể so với phần còn lại của nước Pháp, khoảng 1/4 thế kỷ.

Để giải thích đặc thù này, Cha Matthieu Dupont, giám đốc chủng viện Versailles, đặc biệt đề cao đức tin của các gia đình – “ân sủng của một ơn gọi đến từ ân sủng của một môi trường mà nó có thể phát triển” – và tầm quan trọng của việc khải đạo. Ngài không giấu giếm điều đó, hơn nữa, hầu hết tất cả các chủng sinh đều đến từ những vùng mà đạo Công Giáo “gia đình” vững vàng nhất. Sự giàu có này đã khiến Versailles, vào năm 2006, có thể mở được chủng viện của riêng mình – dù chỉ đến bậc đại học. Điều này không phải là không gây ra một số ngạc nhiên vào thời điểm đó ở các giáo phận lân cận.

Tuy nhiên, sự năng động về ơn gọi này không che lấp những khó khăn mà linh mục đoàn đã phải trải qua trong những năm gần đây. Một số linh mục đã kiệt sức, một số rời khỏi giáo phận, tự nguyện hoặc bị bắt buộc, và có cả những người tự nguyện rời khỏi chức linh mục, hay bị huyền chức. “Sau nhiều năm không có biến động, chúng tôi đột nhiên trải nghiệm sự mong manh,” Cha Bothuan nói một cách khiêm tốn. Và theo cha giám đốc chủng viện giáo phận, tuổi trẻ của hàng giáo sĩ Versailles có thể là một khuyết tật, các linh mục cao niên không đủ nhiều để mang lại sự trưởng thành cho hàng giáo sĩ.

Bên cạnh những lý do đa dạng khác, những cuộc ra đi này đặt ra câu hỏi về mối quan hệ giữa các linh mục và giám mục của họ. Đức Cha Bruno Valentin, được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá vào năm 2019, đặc biệt để xoa dịu những căng thẳng, nhìn nhận: “Linh mục đoàn của chúng tôi đã trải qua một cuộc khủng hoảng trầm trọng về lòng tin và quản trị, đặc biệt là liên quan đến các mối liên hệ với giám mục”. Một số linh mục cũng có thể có những lời lẽ đặc biệt gay gắt đối với giám mục cũ của các ngài, với lý do là không được quan tâm cá nhân và thiếu sự công nhận những thành tích của các ngài. Đối với Giám mục Valentin, “một sự thay đổi trong văn hóa quản lý” là cần thiết.

Nhưng đối với nhiều người, sự thay đổi cũng phải đến từ hàng giáo sĩ, những người được yêu cầu phải có “đức vâng phục”. Cha Dupont nhấn mạnh: “Đó là một phẩm chất, nhưng nó có thể trở thành một nhược điểm khi ngăn cản việc nói ra những bất đồng”. Theo Cha Dupont, “có lẽ chúng ta phải tạo ra một cơ chế cho các bất đồng chính đáng, cho phép mình nói ra những điều ấm ức mà không mất tinh thần phục vụ và cống hiến. Trong khi toàn tâm hướng về Đức Cha và cộng đoàn dân Chúa”.

Ngay cả trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô được bầu làm Giáo Hoàng và những lời kêu gọi về một “sự chuyển đổi truyền giáo” trong Giáo hội, Giáo phận Versailles đã đặc biệt nhấn mạnh đến nghĩa vụ truyền giáo của các Kitô hữu. Sau Thượng hội đồng giáo phận năm 2010-2011, một trường học, École Pour Servir L’évangélisation, gọi tắt là ESE, đã được thành lập để phục vụ công cuộc tân Phúc Âm Hóa.

Giáo phận Versailles lúc này lúc khác được xem là một đỉnh cao của Công Giáo Pháp, nhưng điều này không có nghĩa là việc truyền giáo không có chỗ ở đó. Geneviève Guilhem-Ducléon, một trong hai người phụ trách ESE, mỉm cười nói: “Như ở khắp mọi nơi, Tin Mừng cần được công bố một cách táo bạo và với đức bác ái”. Để hỗ trợ cho nhận định này, một con số được đưa ra: số người Công Giáo thực hành đạo thường xuyên trong vùng này ước tính khoảng 5%. “Có chỗ để nâng cao!”, Frédéric Deren, người phụ trách khác của ESE, nói. Tất cả các dịp đều tốt cho việc rao truyền Chúa Kitô. Do đó, ESE đã có thể đào tạo một đội tang lễ. Hai tình nguyện viên giải thích: “Mục tiêu là tìm ra những từ ngữ phù hợp để rao giảng cho các gia đình bị tang tóc”.

Tinh thần truyền giáo của người dân Yvelines không chỉ giới hạn ở sự phục vụ tận tâm của họ. Tại Trappes, nơi có 3/4 dân số theo đạo Hồi, việc rao giảng Tin Mừng cũng được thực hiện tại trường Sainte-Marie. Cơ sở có 330 học sinh đại diện cho sự đa dạng của thành phố Đây không phải là một cơ sở chiêu dụ tín đồ, nhưng không có cách nào làm giảm bản sắc Công Giáo của nhà trường. Hiệu trưởng Magali Ménard nhấn mạnh: “Tất cả các bậc cha mẹ đều biết rằng có một thông báo rất rõ ràng về đức tin ở đây”.

Bí mật của sự hiện diện truyền giáo ôn hòa này trong một thành phố thường được coi là điểm nóng của Hồi giáo cực đoan là gì? Thưa: Đó là sự dấn thân của phụ huynh và đội ngũ giảng dạy vì sự thành công của trẻ. Điều này cho phép biến nhà trường thành “một nơi gặp gỡ, nơi đức tin được sống một cách vui tươi và không bị gò bó”.


Source:La Croix