Tỉnh Dòng Đa Minh Việt Nam: Thường huấn Linh mục trẻ và hiệp hành

Thường huấn là việc học hỏi và đào tạo thường xuyên của một tu sĩ, linh mục sau giai đoạn đào tạo hiến định. Thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis (PDV số 71, ngày 25.3.1992, AAS, 84) gọi thường huấn là “sự nối dài hết sức tự nhiên và hoàn toàn cần thiết đối với tiến trình cơ cấu hoá nhân cách linh mục đã khởi sự và khai triển ở chủng viện.”

Thường huấn: nghe quen và rất nhiều, nhưng tới hôm nay các anh em trẻ trong chức vụ linh mục (từ năm 2021 đến 2014) mới được dịp để thực thi điều mà Hiến pháp đã nói: vị đặc trách thường huấn trợ giúp Giám tỉnh giúp cho anh em theo các “lứa tuổi” hoặc lãnh vực hoạt động sứ vụ có được đời sống canh tân và đáp ứng hơn với việc loan báo Lời Thiên Chúa cho muôn dân (x.c SHP 252 bis). Để cụ thể, Công vụ Tỉnh hội 2019 đã chỉ thị cho “vị đặc trách thường huấn với sự trợ giúp của Ban sinh hoạt trí thức Tỉnh dòng, tổ chức thường xuyên việc thường huấn cho anh em. Trong việc tổ chức này buộc các em liên hệ tham gia” (x.c CVTH 2019, 166).

Đề tài mà anh em được thường huấn trong đợt này là: “Linh mục trẻ và hiệp hành” do cha Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J, Trưởng khoa trường Đại học Công giáo Việt Nam trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam chia sẻ.  Đề tài được đặt trong bối cảnh toàn thể Hội thánh đang hướng về Thượng hội đồng Giám mục thế giới (THĐGMTG 2023). Việc chuẩn bị cho Thượng hội đồng này đã bắt đầu tháng 10 năm ngoái tại Việt Nam.

Việc tổ chức các buổi học hỏi, hội thảo hay góp ý ở cấp độ địa phương (giáo phận, giáo xứ, Dòng tu, đoàn thể,…) có ý nghĩa gì không? Hiệp hành có tầm quan trọng như thế nào trong Giáo hội?  Nó có liên hệ gì đến anh em linh mục, nhất là linh mục trẻ trong giai đoạn đang thực thi mục vụ nhiều môi trường khác nhau? Đó là những ý lực trọng tâm trong hai ngày thường huấn này.

Sự góp mặt của khoảng 42 anh em khắp đất nước và hải ngoại (Lào, Philippine, Thái Lan) về tham dự cùng với một số anh em ở xa dự online đã tạo bầu khí hết sức thân thiện, vui tươi, đầy tình huynh đệ và nhiệt huyết. Với tinh thần hòa nhã, thân thiện, nhưng vẫn đầy tính học thuật, cha Antôn không muốn việc thường huấn mang tính “giáo điều” và một chiều, mà là một sự hiệp hành mang tính “đồng bàn” trong sự chia sẻ, lắng nghe và đối thoại.

Ngày thứ nhất: cha đã chia sẻ với điều cốt lõi của việc hiệp hành với tựa đề bài viết: “Chúa Giêsu và ước mơ hiệp hành” để nhấn mạnh, hiệp hành bắt nguồn từ chính Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu muốn các môn đệ Người cùng đi với nhau trên con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha. Cha Antôn đã chia sẻ:

– Chúa Giêsu không đi xe hơi, xe motor… ngựa, mà đi bộ với đôi dép (tinh thần khó nghèo).

– Chúa Giêsu đi với những người không ai muốn đi với họ. Đó là: tội nhân, thu thuế, tàn tật, bệnh tật, phong cùi, trẻ em, dân ngoại, góa bụa, người bé nhỏ… cả với lãnh đạo….

– Hệ quả của việc hiệp hành: là cái chết. Chúa Giêsu đã sống hiệp hành cho đến cùng nên hệ quả là chết trên cây thập giá. Vì thế, sống hiệp hành là chứng tá Tin Mừng.

– Và dĩ nhiên, Chúa Giêsu đã đồng hành với các Tông đồ với những cá tính khác nhau. Sống chung với những con người như thế không phải dễ dàng. Nhưng Người luôn đồng hành với họ.

Trong ý tưởng đó, anh em đã chia làm 4 tổ và chia sẻ với nhau theo gợi ý của cha Antôn: nơi anh em làm việc hay môi trường anh em đang sống, ai là những người đang cần đến để hiệp hành?

Đây là những giờ phút anh em chia sẻ những gì rất thực tế trong thời gian mục vụ tại các môi trường anh em đang hiện diện: giáo xứ, truyền giáo, sinh viên, tu viện, tu xá, cộng đoàn đào tạo. Sự chia sẻ của anh em nhấn mạnh:

Cần có thái độ lắng nghe những người “không ai muốn đi với họ”: người nghèo khổ, di dân, học thức kém, tội lỗi, nguội lạnh, … Cần có lòng thông cảm và đầy lòng thương xót như Chúa Giêsu mới có thể hiệp hành với họ. Muốn vậy,

Chính anh em trong cộng đoàn hiệp hành trước thì mới hiệp hành với tha nhân.

Cần thi hành chức năng giảng thuyết “theo linh đạo Đa Minh” giảng tĩnh tâm, giảng dạy cho các hội dòng khác, và các giới.

Sự chia sẻ của anh em đang phục vụ tại Thái Lan, Lào.. cũng giúp cho mọi người thấy được những khó khăn trong khía cạnh: phân biệt giàu nghèo, hòa đồng, đồng bàn với họ…

Ngoài ra anh em cũng nêu lên những khó khăn trong việc thực thi tính hiệp hành: tính giáo sĩ trị, cũng như tương quan chưa được tốt đẹp với Giám mục, Linh mục giáo phận và với các nữ tu.

Ngày thứ hai: cha Antôn đã dựa vào cuốn sách “Walking together” (cùng bước đi với nhau) của một phụ nữ tên là M.c Queen thành viên trong Ủy ban Thần học quốc tế tại Vatican để chia sẻ. Ngài nhấn mạnh đến yếu tố: Hiệp hành là yếu tố sống còn của Hội thánh:

Vì Hội thánh là dân Thiên Chúa, bởi lẽ mọi người đều được sinh ra trong phép Rửa tội.

Thánh giáo hoàng Phaolô VI lập ra thượng HĐGM lần 1 (1965 – 1967). Qua đó cho thấy, hàng giáo phẩm không đi một mình, giáo hoàng không đi một mình, mà cả Hội thánh cùng đi. Từ đó, chúng ta hiểu tính đồng hành trong thiên niên kỷ thứ 3 này cũng là tính đồng trách nhiệm.

Anh em tiếp tục thảo luận, chia sẻ theo đề tài trên rất sống động và đầy tâm huyết. Và cuối cùng, cha Antôn chia sẻ với như một sự tóm kết: muốn hiệp hành theo đúng nghĩa, thì cần:

Biết tôn trọng nhau, quý mến nhau.

Coi người khác có Chúa Thánh Thần. Chúng ta cùng có Chúa Thánh Thần, nên luôn hướng về một điểm. Nếu có chia rẽ là do chính bản thân.

Lắng nghe trong kiên nhẫn, đừng bao giờ khinh chê và khẳng định người khác sai, còn mình là đúng. Lối hành xử độc thoại, trịnh thượng cần loại bỏ trong hiệp hành.

Chấp nhận sự khác biệt người khác với ý tưởng: không phải họ chống đối, cũng như họ không phải “kẻ thù”. Ý tưởng bất đồng có thể là để thăng tiến hơn trong tinh thần xây dựng.

Cầu nguyện là tìm ý Chúa mới có hiệp hành. Không có cầu nguyện thì đừng mong có hiệp hành.

Yêu mến Giáo hội, ở lại với Hội thánh dù trong Hội thánh có những lúc “đen tối” trong cơ cấu phẩm trật, vì Hội thánh là của Chúa Giêsu.

Việc cảm nhận về hai ngày thường huấn có thể sẽ khác nhau nơi mỗi anh em. Nhưng qua sự tham gia cách nhiệt tình, chân thành và đầy tính học hỏi, chắc chắn luôn là “điểm son” trong đời sống dâng hiến của anh em. Ít nhất nó mang lại cho anh em bầu khí đầy tình huynh đệ, hiểu biết công việc của nhau, biết chia sẻ thẳng thắn và thông cảm với nhau; đồng anh em đã cố gắng góp phần cho nhau điều tốt đẹp nhất trong việc thực thi sứ mạng mà Chúa và Dòng giao phó.

Hy vọng đây là bước “tái khởi động” trong việc thường huấn của Tỉnh dòng để nó được tiếp tục trở thành hoạt động thường niên trong thời gian tới.

Tháng 09/2022        

Ban thông tin thường huấn

XEM THÊM HÌNH ẢNH

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *