Tình yêu Cha dành cho nhân loại

Tình yêu Cha dành cho nhân loại

Phúc Âm thánh Mát-thêu đã ghi lại một đoạn rất đỗi nhiệm mầu: Viên đại đội trưởng có được đức tin vào giờ Chúa Giê-su trút hơi thở sau cùng. Ông đại diện cho những người được tái sinh vào giờ Chúa Giê-su không còn gì để ban tặng nữa, ngoài nỗi bi thảm của một Người Tử Tội chết trần trụi, đớn đau, tủi nhục vì khổ nạn thập hình trước những kẻ quyết khai trừ mình ra khỏi miền đất của sự sống. Với đức tin, nếu các con được sinh ra trong khoảnh khắc hết sức bi thương ấy, các con có chấp nhận Chúa Giê-su là Chúa và là Cha của mình không?

Có một người tín hữu vô danh chiêm niệm dưới chân thập tự, và nhận ra mình được Chúa Giê-su tái sinh trong giây phút nhiệm mầu như viên đại đội trưởng kia. Vì yêu nhân loại, không muốn con người phải mất phần rỗi, nên Chúa Giê-su tự nguyện chịu đau khổ và đau đớn cho đến cùng. Nên không để cho thần tính hỗ trợ cảm xúc và cảm giác của Người trong chặng đường thương khó. Trải qua cuộc đánh đòn khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người suốt một đêm, máu chảy cạn kiệt, rồi sáng ra vác thập giá lên đồi Can-vê, cuối cùng chịu đóng đinh vào thập tự trong sự sỉ nhục khôn tả. Ấy vậy mà trong trí năng thượng đỉnh của Đấng Thần Nhân lại thấy có vô số linh hồn gọi Chúa là Cha phải hư mất đời đời, nỗi đau cuồng dại của thập giá hóa ra hoài công vô ích nơi vô số những linh hồn đó. Cơn sốt cao của thể xác bị tổn thương làm khô rúm thêm linh hồn nứt vỡ bởi đau khổ và tủi nhục quá dữ dằn. Sức chịu đựng của bản tính nhân loại nơi Người: đau khổ và đau đớn tràn trụa dâng lên tột đỉnh rồi giữ mãi ở cao trào này cho đến lúc Người trút hơi thở cuối cùng.

Chúa Giê-su không còn gì để cho anh lúc đó, ngoài cơn hấp hối tang thương: thân xác nát tan vì quá nhiều thương tích của Đức Ki-tô lên cơn co giật trước khi trút hơi thở tàn, biểu lộ của cơn đau tột đỉnh đang gấp rút đánh tan nốt chút sự sống còn lại nơi thân xác tả tơi. Linh hồn Người cũng chìm ngập trong đau khổ tột cùng, thấy giá tình của mình dường ấy mà có biết bao linh hồn vẫn hờ hững quay đi, để rồi đánh mất chính mình trong chốn trầm luân muôn thuở. Người ngả lòng đến tâm hồn nhuốm màu bi thương khủng khiếp, ngỡ như Chúa Cha cũng bỏ rơi mình. Người bị tước lột tất cả, không còn một vinh quang nào nữa, cũng không có sự sống để làm phép lạ hay chữa bệnh, hoặc ban ân gì đó cho ai, hay cho anh. Âm vang lời thều thào “sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27,46b) là lời trăng trối cuối cùng người dành cho anh, và cũng là điều duy nhất anh được nhận từ nơi Đấng Cứu Độ từ trên Thập tự giá. Thế nên, anh được thừa kế trọn vẹn nỗi đau tột đỉnh và sự sỉ nhục cho đến chết của Người… Dẫu biết phận mình như thế đấy, nhưng anh vẫn tin người là Chúa và là Cha của anh, người Cha duy nhất có thể dẫn đưa anh trở về quê hương vĩnh hằng. Cho anh diện kiến Đấng Tạo Hóa đã dựng nên anh trong lòng mẹ, lập nên một trang sử tình giữa anh và Đấng Hằng Hữu.

Tạ ơn Cha.

Tình Yêu Hoa Cỏ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *