Tôi không còn cô đơn

Ngày tháng cứ kế tiếp nhau trôi đi biền biệt, bốn mùa cứ lơ đãng trôi theo, Xuân xanh qua rồi đến Hạ đỏ về, Thu vàng đi nay Đông đã lại đem màu lam tím vãi vung khắp chốn. Chiều nay, mình thẫn thờ bên hiên nhìn những đám lá vàng lác đác rơi rụng trong vườn, mà sao thấy cô đơn lạ lùng. Phía chân trời, hoàng hôn đang chậm rãi thu dần những sợi tơ mỏng manh cuối cùng, thay vào đó là màn sương trắng đang hối hả giăng mắc trên những lùm cây bụi cỏ. Mình vốn yêu vô cùng những buổi chiều hoàng hôn, hoàng hôn luôn là niềm si mê không bao giờ vơi cạn trong mình, nhất là hoàng hôn của mỗi độ thu vàng. Vậy mà đã mấy tháng nay, mỗi khi hoàng hôn về là mình lại lo sợ trước một đêm dài thao thức, mệt mỏi, vì phải “canh chừng” một bệnh nhân đặc biệt. Đưa bước chân quen thuộc như mọi ngày, mình đến Đền Đức Mẹ La Vang của giáo xứ, ngước nhìn lên Mẹ, mình thấy đôi mắt hiền từ của Mẹ như đang an ủi: “Hỡi con! đừng sợ, có Mẹ đây!”

… Mình mồ côi mẹ lúc mới hai tháng tuổi, về ở với bà nội, anh trai khi ấy hai tuổi đến ở với ông bà ngoại, bố đi công tác vắng nhà. Tuổi thơ của mình là những đêm khi bạn bè yên giấc nồng thì mình bì bõm đi kéo chũm (cất vó), bắt ếch, đánh giậm, bà cháu rau cháo nuôi nhau. Là thôn nữ, nên theo đất lề quê thói, mình lấy chồng sớm, tính đến nay đã tròn 40 năm, cuộc sống tuy đơn nghèo, xoay vần đủ kiểu vẫn thiếu trước hụt sau, nhưng bù lại, ông xã không để mình phải lam lũ sớm hôm như thủa còn thơ. Cách đây bốn năm, qua một cơn bạo bệnh, bố mình đã theo tiếng gọi của Chúa để về đoàn tụ cùng mẹ mình, rồi sau đó ba năm, anh trai mình lại đi theo bố mẹ, bỏ lại mình côi cút bơ vơ, chẳng biết than thở cùng ai. Vẫn biết rằng rồi mình sẽ gặp lại bố mẹ và anh trai ở… nơi ấy, nhưng sao nước mắt cứ mằn mặn trên đôi môi đã luống màu thời gian…

Sự cô đơn càng nặng trĩu, khi nửa năm nay ông xã mình ngã bệnh, một căn bệnh  nghe qua thì đơn giản mà khi đã “dính” vào thì lại không hề giản đơn chút nào, đó là bệnh ngoài da. Có bệnh thì vái tứ phương, mình chạy hết nơi này đến nơi kia, hết thuốc nam lại đến thuốc tây, rồi sang đông y. Thuốc gì cũng thấy thuyên giảm khoảng vài ba ngày, rồi sau đó bùng phát lại, nhanh và nhiều hơn gấp bội, theo cấp số nhân. Khoảng 50% da trên cơ thể bị sùi đỏ như hình những bông hoa, chồng chất lên nhau, cùng với những cơn ngứa như điên dại, nhất là vào ban đêm. Vì vậy, đêm đêm mình cứ phải thức canh chừng, để mỗi khi ông xã đưa tay định gãi thì mình ngăn lại, kẻo da bị trầy xước bệnh thêm nặng và dễ lây lan hơn. Mình có hai đứa con, cô con gái lớn đã đi lấy chồng, cậu con trai đi làm vắng chẳng mấy khi ở nhà, trước đây còn có các cháu ngoại đến hủ hỉ, nay không dám cho tới vì sợ bị lây bệnh, thế là quanh ra quẩn lúc nào cũng lặng thinh một mình. Nhiều lúc muốn phá tan bầu khí nặng nề, mình cũng ê a một vài khúc ca dao cho đời bớt quạnh hiu, nhưng cũng chỉ là: “Tự mình ru lấy mình thôi, khúc ru nghe cũng cô đơn tựa mình”. Ngày lại ngày, mình đi vào các bìa rừng, bờ ruộng, để lấy các loại lá về nấu nước tắm cho ông xã. Thời gian tắm, ngâm rửa sau đó là thoa thuốc, mình làm khoảng gần hai tiếng đồng hồ, xong đâu đó lại đến các loại thuốc uống, ngày hai lần đều đặn như vậy. Đã nửa năm trôi qua, bệnh vẫn dai dẳng đeo bám, mình thật sự mệt mỏi về tất cả mọi mặt, làm cho mình bỗng trở nên nhớ nhớ, quên quên mọi thứ. Có người nửa đùa nửa thật: “Dạo này sao thấy khác quá!”, khác gì nhỉ?  mình cầm lấy gương soi, ừ, mình… xuống dốc quá thể.

Do đó mà đã lâu lắm rồi, mình vắng bóng những bài tâm tình trên tập san CSTM, có bạn đọc gọi điện hỏi thăm: “Chị bệnh hay sao mà lật giở mãi vẫn chẳng thấy ló mặt ?” có bạn thì bóng gió: “Chị trốn dịch covid hơi lâu đấy!” hôm rồi lại có anh gặp tôi cười cười: “Đúng là Mờ – inh, dạo này… mờ lắm rồi!”. Đúng là thời gian này mình có chểnh mảng việc viết lách thật, lý do chính thì đã mình đã tâm sự với các bạn, cộng thêm chút chút lười nữa, nên chỉ gửi tới các bạn được mảng tin tức về các huynh đoàn mà thôi. Nhưng có những bản tin mình cố gắng thu xếp công việc để đi tác nghiệp, về nhà lụi hụi viết lách, xong rồi để đó, vội đi lo thuốc thang cho ông xã, thế là… quên không gửi bài. Mấy tháng sau mới nhớ đến, hỡi ơi, còn gì là tin nữa, mà chỉ còn có… tức thôi. Có những lần mình đồng hành cùng với huynh đoàn bạn ở cách nhà mình mấy chục cây số, khi về đến nhà đã hơn 10 giờ đêm, vậy mà ông xã vẫn nằm chờ mình về thoa thuốc, nhìn thấy tội quá. Dù vậy, mình sẽ cố gắng trong thời gian tới, để không phụ lại tấm lòng yêu mến của các bạn, mình vẫn sẽ mãi là một dòng sông: “Một dòng sông cuồn cuộn sóng nước – một dòng sông êm đềm và phẳng lặng. Một dòng sông đục ngầu nước phù sa, rác rưởi và xác súc vật chết – một dòng sông trong xanh, mát rượi và ngọt lịm”.

Ngày nguyệt hội vừa rồi của huynh đoàn, mình chia sẻ và xin anh chị em trong huynh đoàn cầu nguyện giúp, mình nhủ lòng hãy cứng rắn lên, vậy mà giọng mình cứ ứ nghẹn và nước mắt thì lã chã tuôn dài, sao thấy giận mình quá thể. Chúa ơi! Sao Chúa không để nước mắt con tuôn rơi mỗi khi con lỗi lầm với Chúa? Sao Chúa không để nước mắt con chảy vì anh em con ở miền Trung đang phải chịu lũ chồng lũ, bão chồng bão, mất vợ mất chồng, mất nhà mất cửa, họ khốn khổ hơn con gấp bội phần. Còn con? Chỉ một chút thử thách Chúa gửi đến, có đáng chi đâu mà sao đứng trước mọi người con lại yếu đuối như vậy.

Xong buổi nguyệt hội, mọi người ra về, mình ở lại sau để tắt đèn điện và đóng cửa nhà thờ, có tiếng chuông điện thoại reo vang, mình mở máy nghe: “ Chị ơi! Chị về nhà chúng em gặp một chút”. Mình vội vàng ra về, từ xa, mình đã thấy rất đông anh chị em của cả một chi đang đứng trước ngõ, hay nói đúng hơn là cả giáo họ Phú Thọ, ở cách nhà mình khoảng gần hai cây số, chi này bao gồm cả Ban hành giáo, ca đoàn và đủ mọi thành phần các hội đoàn trong giáo họ. Sau lời thăm hỏi và động viên thật nghĩa tình, mọi người cứ thay nhau dúi vào tay mình những tấm lòng thơm thảo, nước mắt mắt mình lại tranh nhau trèo qua cái bọng mắt sưng trĩu nặng vì bao đêm thức trắng lo âu. Lần này mình không giận bản thân nữa mà là giận… Chúa, sao Chúa lại rộng rãi, quảng đại cho con cái tâm hồn đa sầu đa cảm nhiều thế? Sao Chúa không chia bớt cho người khác, kẻo khi nó cứ chảy mãi thì con lo nó sẽ không còn sạch, còn đẹp nữa trong cái nhìn của anh chị em con, mà có khi nó lại trở thành nước mắt của một loài cá… không đẹp.

Vài ngày sau, khi đang dọn dẹp sân vườn, mình thấy một lão đi xe máy qua ngõ, đầu đội mũ bảo hiểm, mắt ngó nghiêng, đi qua một đoạn lại quay vòng tới nhà mình. Mình mở cổng định nói: “ Nhà không có gì bán đâu!” thì giật mình nhận ra đó là cha Gioan Baotixita Nguyễn Xuân Thiều, OP. Đặc trách huynh đoàn giáo phận Hưng Hóa. Mình thật bất ngờ và lúng túng, cha ơi! con chẳng đáng cha vào nhà con, vì cha còn bộn bề bao công việc mục vụ và thăm viếng hơn 70 huynh đoàn của một giáo phận rộng lớn nhất dải đất hình chữ S. Có những huynh đoàn cách nhau tới 200 cây số, vậy mà cha vẫn lưu tâm đến gia đình nhỏ bé của con, thật cảm động biết bao. Cha con ngồi tâm sự, chia sẻ công việc riêng, chung, cha khuyên ông xã mình nên đi viện huyết học để xét nghiệm máu xem có gì bất thường không, chứ cứ dùng thuốc đỡ rồi lại bùng phát lại như thế này xem ra không ổn. Trước khi ra về, cha lại… đặt vào tay mình tấm lòng của vị mục tử vì đàn chiên của mình với câu ngắn gọn không thể chối từ: “ Chúa cho”. Vâng! Con xin tạ ơn Chúa, vì muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Con cứ nghĩ rằng mình mồ côi, đơn lẻ, nhưng không, Chúa vẫn luôn đồng hành, nâng đỡ con qua những anh chị em, qua vị mục tử đại diện Chúa trên trần gian. Chúa xô những người thân yêu trong gia đình nhỏ của con ra xa, thì Chúa lại kéo về cho con một  đại gia đình, đó là: “Gia đình Đa Minh”,  con không còn cô đơn.

Khi mình viết lên những dòng này thì bệnh tình của ông xã đang có những tiến triển tốt hơn, hy vọng khi những lời tâm tình này đến với mọi người, xin mỗi người một lời cầu nguyện lên Thiên Chúa toàn năng và nhân từ, ban cho ông xã mình chóng lành bệnh. Vì “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể”.

Một chút lan man về quãng thời gian đã qua, những khúc gập ghềnh của cuộc sống đời thường, càng làm cho những nốt nhạc trong bản tình ca bác ái thêm phần bay bổng.

 Hoàng hôn đã khuất núi đồi

Thảo thơm vẫn đọng bồi hồi lòng ai

Dòng đời nào biết ngắn dài

Tình này ghi khắc mãi hoài chẳng phai.

Mờ – inh

 

 

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *