1. Đức TGM Joseph E. Kurtz thăm giáo hội Việt Nam
Từ ngày 24 đến ngày 30 tháng 01/2017, Đức Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thay mặt Đức Hồng Y Daniel DiNardo, Chủ Tịch, thăm Giáo Hội Việt Nam. Cùng tháp tùng với Ngài, có Đức Ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ Tịch, và Cha Antôn Ngô Đình Chính, Phó Chủ Tịch Liên Đoàn.
Đức Tổng Giám Mục Kurtz, thăm và chúc Tết Đức Tổng Phaolô Bùi Văn Đọc và Tổng Giáo Phận Sài Gòn (25/01), Đức Tổng Giuse Nguyễn Chí Linh và Tổng Giáo Phận Huế (26/01), Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Tổng Giáo Phận Hà Nội (29/01), Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo và Giáo Phận Xuân Lộc (29/01), Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp và Giáo Phận Vinh (30/01), các Đức Giám Mục, Linh Mục, Tu Sĩ Nam Nữ, các Dòng Tu và Giáo Dân. Ngài đã đến thăm Học Viện Công Giáo, Cơ Quan Bác Ái Công Giáo, Bà Susan Sutton, Phó Đại Sứ Mỹ tại Hà Nội.
Trong bài giảng Thánh Lễ Mùng Ba Tết tại Đền Thánh Antôn, Trại Gáo, ngài nói: “Chúng tôi, những người sống ở Hoa Kỳ, ngưỡng mộ đức tin vững mạnh của anh chị em…Chúng tôi chân thành cảm ơn sự tận tâm, tận lực của anh chị em để bảo vệ đức tin. Tự do tôn giáo là một ân huệ của Thiên Chúa, là quyền của con người phải được tôn trọng, và khi được thể hiện đúng và tốt, nó sẽ mang lại cho chúng ta một dân tộc biết hy sinh cho nhau và tiếp tục truyền bá đức tin của mình cho các thế hệ kế tiếp.” Được biết, Giáo Phận Vinh và Tổng Giáo Phận Louisville, Kentucky của Ngài kết nghĩa được nhiều năm.
Đức Tổng Kurtz và phái đoàn của Ngài đã có chuyến thăm mục vụ Việt Nam tốt lành.
2. Kẻ chủ mưu sát hại linh mục Hamel tại Pháp vừa bị lực lượng đồng minh bắn hạ
Theo nguồn tin thân cận Tổng Nha An ninh Quốc ngoại của Pháp, viết tắt DGSE, tội phạm Rachid Kassim vừa bị máy bay do thám đồng minh bắn hạ tại Mossoul, thủ phủ của phiến quân hồi giáo cực đoan E.I. Tin tức này do CIA thông báo cho cơ quan gián điệp của Pháp.
Rachid Kassim |
Rachid Kassim, 29 tuổi, là thành phần hồi giáo cực đoan, quốc tịch Pháp, từ nhiều tháng qua là mục tiêu truy nã của Paris và Washington. Chính Kassim tự nhận chủ mưu nhiều vụ khủng bố, được nói đến nhiều nhất là vụ Kassim ra lệnh cho hai tiên khủng bố hồi giáo sát hại linh mục Hamel trong khi ngài đang cử hành thánh lễ tại thánh đường Saint-Etienne-du-Rouvray vào mùa hè 2016. Ngoài ra còn nhiều vụ khủng bố tại Pháp, vụ tấn công bất thành Vương cung Thánh đường Paris, việc sử dụng các thiếu niên ám hại các quân nhân v.v.
Sau vụ khủng bố tại Nice vào ngày 14/07/2016, Kassim ra lệnh quay phim việc chặt đầu các con tin. Kassim còn đe dọa tính mạng tổng thống François Hollande và loan báo còn tiếp tục nhiều vụ khủng bố khác.
Cũng vào thời điểm này, tòa thị chính Saint-Étienne-du-Rouvray xúc tiến việc dựng bức tượng linh mục Hamel bằng đá, cao 2 mét rưỡi, để tán dương sự hy sinh cao cả của vị tử đạo và lòng hiếu hòa của các giáo dân. Bức tượng sẽ được dựng trước ngôi thánh đường từng nhuốm máu đào tử đạo. Thị trưởng Hubert Wulfranc đã xin ý kiến Đức tổng giám mục Dominique Lebrun (giáo phận Rouen) về việc dựng tượng. Ngoài ra, một tấm lưu niệm bằng cẩm thạch, tưởng niệm cố linh mục Hamel cũng sẽ được gắn vào bức tường trong thánh đường. Đức TGM Dominique Lebrun còn cho biết thủ tục phong chân phước cho cha Hamel có triển vọng hoàn tất trong vòng hai năm.
Các tín hữu Saint-Étienne-du-Rouvray hoan nghênh sáng kiến dựng thánh tượng : ‘‘Chúng tôi mong đợi ngày khánh thành. Đây là một ý kiến tuyệt vời, cần thiết. Chúng tôi luôn ghi nhớ công đức của ngài’’.
3. Giáo Hội Công Giáo chăm lo sức khoẻ cho người nghèo
Vatican Trong buổi tiếp kiến khách hành hương hàng tuần vào ngày thứ Tư vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố: Ngày 11 tháng 2 tới đây, trong ngày lễ kính Đức Mẹ Lộ Đức, Giáo Hội sẽ cử hành Ngày Thế Giới Bệnh Nhân lần thứ 25. Buổi lễ sẽ sẽ diễn ra tại Lộ Đức Pháp Quốc do Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh chủ tọa. Cha xin mọi ngưòi cầu nguyện để nhờ sự can thiệp của Đức Mẹ Maria, Chúa ban ơn cho các bệnh nhân và những người săn sóc họ.
Giáo Hội Công Giáo điều hành rất nhiều cơ sở y tế, từ trạm y tế nhỏ đến các bệnh viện lớn, các trung tâm săn sóc bệnh tật. Nhân viên làm việc ở đây có khả năng chuyên môn, có tinh thần dấn thân,và bác ái Kitô giáo. Họ thường xuyên phải làm việc trong những điều kiện khó khăn, để săn sóc y tế cho những người bị thua thiệt nhất trong xã hội.
Có rất nhiều dòng tu đặc trách chăm lo sức khoẻ cho người nghèo.
Niên Giám Thống Kê mới nhất của Giáo Hội Công Giáo cho biết những cơ sở y tế của Công Giáo trên toàn thế giới như sau:
Về bệnh viện: Trên toàn thế giới Giáo Hội Công Giáo điều hành 5158 bệnh viện được phân chia như sau:
– 1501 bệnh viện ở Mỹ Châu
– 1221 bệnh viện ở Phi Châu
– 1159 bệnh viện ở Á Châu
-1042 bệnh viện ở Âu Châu
-235 bệnh viện ở Đại Dương Châu;
Về trạm y tế Giáo Hội Công Giáo điều hành 16,523 trạm xá trên toàn thế giới, chủ yếu là ở châu Phi
– Phi Châu: 5230 trạm xá
– Mỹ Châu: 4667 trạm xá
– Á Châu: 3584 trạm xá
Về trung tâm săn sóc người bệnh phong, Giáo Hội Công Giáo điều hành 612 trung tâm, chủ yếu ở châu Á và châu Phi
– Châu Á: 313 trung tâm
– Châu Phi: 174 trung tâm
Về cơ sở nuôi người già, bệnh kinh niên và tàng tật, Giáo Hội Công Giáo điều hành 15,679 cơ sỏ trên toàn thế giới. Chủ yếu là ở Âu Châu:
– Âu Châu: 8304 cơ sở
– Mỹ Châu: 3726 cơ sở
– Á Châu: 3584 cơ sở
– Phi Châu: 648 cơ sở
– Đại Dương Châu: 437 cơ sở
4. Ở Ma Rốc bỏ đạo Hồi không còn bị án tử hình
Lật ngược lại phán quyết năm 2012, Uỷ Ban Tôn Giáo Cao Cấp Ma-Rốc đã phán quyết rằng những người chuyển đổi từ đạo Hồi sang một đạo khác không còn bị trừng phạt án tử hình như nghị định tôn giáo trước đây.
Theo một báo cáo của cơ quan Tin Tức Thế Giới Ma Rốc có trụ sở tại New York, thì Ủy Ban Tôn Giáo Cao Cấp Ma Rốc “định nghĩa rằng bỏ đạo không phải là một vấn đề tôn giáo, nhưng là một lập trường chính trị gắn liên với ‘tội phản quốc”,.
Trên trang nhất của tờ báo phát hành tại Vatican, người ta thấy bài báo nói quyết định Uỷ Ban Cao Cập Tôn Giáo Ma Rốc là một phần trong toàn bộ khung sườn cải cách, khởi đi từ việc cởi mở văn hóa và chấp nhận đa dạng tôn giáo. Đó là ước vọng của triều đại Đức Vua Mohammed VI của Ma Rốc.
Ma-Rốc là một quốc gia có 33,7 triệu dân, 99% là người Hồi giáo.
5. Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 25 – RV
VATICAN. ĐHY Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, Đặc Sứ của ĐTC, sẽ chủ sự thánh lễ trọng thể quốc tế lúc 10 giờ sáng ngày 11-2-2-17 tại Vương cung Thánh Đường Thánh Piô 10 ở Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức nhân Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 25.
Thánh lễ được đài truyền hình Lộ Đức và nhiều đài phát thanh Công Giáo tiếng Pháp trực tiếp truyền đi.
Ban chiều cùng ngày, vào lúc 3 giờ rưỡi, sẽ có buổi lần hạt Mân Côi bằng tiếng Pháp trước hang đá Đức Mẹ Lộ Đức, và lúc 6 giờ chiều có kinh Mân Côi bằng tiếng Ý. Sau cùng, vào lúc 9 giờ tối sẽ có cuộc rước đuốc kính Đức Mẹ.
Trước đó, trong hai ngày 9 và 10-2-2017, có Hội nghị thường niên của các ban tổ chức các cuộc hành hương Lộ Đức, cũng như các chủ nhà trọ đón tiếp các khách hành hương tại Trung Tâm Thánh Mẫu quốc tế này. Trong hai ngày hội nghị, ngoài các buổi thuyết trình và chia sẻ, còn có những buổi cầu nguyện và thánh lễ. Đặc biệt tối ngày 9-2-2017, có buổi chiếu cuốn phim mới với tựa đề ”Các cuộc khỏi bệnh và phép lạ ở Lộ Đức”.
ĐTC Phanxicô cũng đặc biệt quan tâm đến việc cử hành Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 25 tại Lộ Đức năm nay. Trong thư bổ nhiệm ĐHY Parolin làm Đặc Sứ, ngài chào thăm các bệnh nhân trên toàn thế giới và bày tỏ sự gần gũi với những người đang chịu đau khổ, đồng thời mời gọi các tín hữu kiên trì cầu xin sự chuyển đầu của Mẹ Maria, là Sức Khỏe của các bệnh nhân, để Mẹ xin Con của Mẹ dồi dào ân sủng, nhất là ơn kiên nhẫn trong sầu muộn, lòng tín thác nơi Thiên Chúa, và lòng biết ơn vì những ơn lành đã nhận lãnh cũng như lòng yêu mến đối với tất cả mọi người.
Ngoài ra, ĐTC cũng đã công bố một sứ điệp để chuẩn bị các tín hữu thế giới cử hành Ngày Thế Giới các bệnh nhân sốt sắng và chân thành. Sau đây là toàn văn sứ điệp của ĐTC.
Sứ điệp của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến,
Ngày 11 tháng 2 tới đây trong toàn Giáo Hội, đặc biệt tại Lộ Đức, sẽ cử hành Ngày Thế Giới các bệnh nhân về đề tài: ‘Kinh ngạc vì điều Thiên Chúa thực hiện: ”Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều trọng đại” (Lc 1,40). Ngày này do vị Tiền Nhiệm của tôi, Thánh Gioan Phaolô 2, thành lập năm 1992, và được cử hành lần đầu tiên chính tại Lộ Đức ngày 11 tháng 2 năm 1993. Ngày này là cơ hội để đặc biệt quan tâm đến tình cảnh các bệnh nhân, và nói chung là những người đau khổ; và đồng thời mời gọi những người đang xả thân vì họ, bắt đầu từ các thân nhân, các nhân viên y tế và những người thiện nguyện, hãy cảm tạ vì ơn gọi nhận lãnh từ Chúa để đồng hành các anh chị em bệnh nhân. Ngoài ra, dịp kỷ niệm này canh tân trong Giáo Hội sức mạnh tinh thần để ngày càng thi hành tốt đẹp hơn phần cơ bản trong sứ mạng của Giáo Hội, trong đó có việc phục vụ những người rốt cùng, các bệnh nhân, những người đau khổ, những người bị loại trừ và người bị gạt ra ngoài lề xã hội (Xc Gioan Phaolô 2, Tự Sắc ”Dolentium hominum, 11-2-1985,1). Chắc chắn những lúc cầu nguyện, cử hành Thánh Lễ và xức dầu bệnh nhân, chia sẻ với người bệnh và những đào sâu về đạo đức sinh học và thần học mục vụ diễn ra tại Lộ Đức trong những ngày này sẽ công hiến một đóng góp quan trọng cho việc phục vụ này.
Ngay từ bây giờ tôi đặt mình trong tinh thần nơi Hang Đá Massabielle, trước ảnh Đức Mẹ Vô Nhiễm, nơi Mẹ Đấng Toàn Năng đã làm những điều trọng đại để cứu chuộc nhân loại, tôi muốn bày tỏ sự gần gũi với tất cả anh chị em đang trải qua kinh nghiệm đau khổ, và với gia đình anh chị em; và tôi cũng bày tỏ lòng quí mến đối với tất cả những người, trong những vai trò khác nhau và trong tất cả các cơ cấu y tế rải rác trên thế giới, đang hoạt động theo khả năng chuyên môn, tinh thần trách nhiệm và lòng tận tụy, để thoa dịu đau khổ, săn sóc và mang lại an sinh hằng ngày cho anh chị em. Tôi muốn khích lệ tất cả mọi người, các bệnh nhân, người đau khổ, các bác sĩ, y tá, thân nhân, người thiện nguyện, hãy chiêm ngắm nơi Mẹ Maria, là Sức Khỏe của các bệnh nhân, Người bảo đảm sự dịu dàng của Thiên Chúa đối với mỗi người và là mẫu gương lòng phó thác cho thánh ý Chúa; và luôn tìm được trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và các Bí Tích, sức mạnh để yêu mến Thiên Chúa và anh chị em cả trong kinh nghiệm bệnh tật.
Chúng ta ở dưới cái nhìn của Mẹ Maria như thánh nữ Bernadette. Thiếu nữ khiêm hạ ở Lộ Đức kể lại rằng Đức Trinh Nữ, mà thánh nữ gọi là ”Bà Đẹp”, nhìn thánh nữ như nhìn một người. Những lời đơn sơ này mô tả sự sung mãn của một quan hệ. Bernadette, một thiếu nữ nghèo, không biết chữ và đau yếu, cảm thấy được Mẹ Maria nhìn đến như một người. Bà Đẹp nói với cô bé với lòng tôn trọng, không phải với sự thương hại. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng mỗi bệnh nhân là và sẽ luôn luôn là một người, và cần phải được đối xử như vậy. Các bệnh nhân, trong tư cách là những người mang bệnh tật, kể cả những bệnh tất rất nặng, có phẩm giá bất khả nhượng và có sứ mạng riêng trong cuộc sống và không bao giờ trở thành những đồ vật, cho dù nhiều khi có thể họ dường như là người bất động, nhưng thực tế không bao giờ như vậy.
Bernadette, sau khi ở Hang Đá, nhờ kinh nguyện, đã biến đổi sự mong manh của mình thành sự nâng đỡ cho những người khác, nhờ tình yêu trở nên có thể làm cho tha nhân được phong phú, và nhất là dâng hiến cuộc sống để cứu độ nhân loại. Sự kiện Bà Đẹp bảo thánh nữ cầu nguyện cho những người có tội, nhắc nhớ chúng ta rằng các bệnh nhân, những người đau khổ, không phải chỉ mang trong mình ước muốn được chữa lành, nhưng cả ước muốn sống theo tinh thần Kitô, đến độ dâng hiến cuộc sống của mình như những môn đệ thừa sai đích thực của Chúa Kitô. Mẹ Maria đã chỉ cho Bernadette ơn gọi phục vụ các bệnh nhân và kêu gọi chị trở thành Nữ Tu Bác Ái, một sứ mạng mà chị diễn ra ở mức cao đến độ trở thành mẫu gương mà mỗi nhan viên y tế có thể tham chiếu. Vì vậy chúng ta hãy cầu xin Đức Mẹ Vô Nhiễm ơn biết mình luôn có liên hệ với bệnh nhân như với một người chắc chắn cần được giúp đỡ, nhiều khi cần cả những điều sơ đẳng nhất, nhưng họ cũng mang trong mình món quà chia sẻ với những người khác.
Cái nhìn của Mẹ Maria, là Đấng An ủi những người sầu muộn, soi sáng khuôn mặt của Giáo Hội trong sự dấn thân hằng ngày săn sóc những người túng thiếu và đau khổ. Những hoa trái quí giá của sự quan tâm ân cần như thế của Giáo Hội đối với thế giới đau khổ và bệnh tật chính là lý do để cảm tạ Chúa Giêsu, Đấng đã liên đới với chúng ta, trong niềm vâng phục Chúa Cha cho đến đến trên thập giá, để nhân loại được cứu chuộc. Tình liên đới của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, sinh bởi Đức Maria, là sự biểu lộ toàn năng thương xót của Thiên Chúa, Đấng tự biểu lộ trong đời sống chúng ta, nhất là khi sự sống ấy mong manh, bị tổn thương, bị tủi nhục, bị gạt ra ngoài lề, chịu đau khổ – đổ tràn vào cuộc sống ấy sức mạnh của niềm hy vọng làm cho chúng ta trỗi dậy và nâng đỡ chúng ta.
ĐTC viết tiếp:
”Bao nhiêu phong phú của tình người và của đức tin không được phân tán mất, nhưng đúng hơn phải giúp chúng ta đương đầu với những yếu đuối con người, và đồng thời, với những thách đố trong lãnh vực y tế và kỹ thuật. Nhân dịp Ngày Thế giới các bệnh nhân chúng ta có thể tìm được một đà tiến mới để góp phần phổ biến một nền văn hóa tôn trọng sự sống, sức khỏe và môi trường; một động lực được canh tân để chiến đấu cho sự tôn trọng đặc tính toàn vẹn và phẩm giá của những người, qua một lối tiếp cận đúng đắn đối với những vấn đề đạo đức sinh họ, bảo vệ những người yếu thế nhất và chăm sóc môi trường.
Nhân dịp Ngày Thế giới các bệnh nhân lần thứ 25, tôi tái bày tỏ sự gần gũi trong kinh nghiệm và khích lệ các bác sĩ, y tá, những người thiện nguyện và tất cả những người thánh hiến, nam cũng như nữ đang dấn thân phục vụ các bệnh nhân và những người gặp khó khăn; các tổ chức của Giáo Hội và dân sự, đang hoạt động trong lãnh vực này; và các gia đình đang yêu thương chăm sóc những người thân yêu bệnh tật. Tôi cầu chúc tất cả luôn là những dấu chỉ vui mừng về sự hiện diện và tình thương của Thiên Chúa, noi gương chứng tá rạng ngời của bao nhiêu bạn hữu của Thiên Chúa trong đó có thánh Gioan Thiên Chúa, thánh Camillo de Lellis, bổn mạng các nhà thương và các nhân viên y tế, thánh Têrêsa Calcutta, thừa sai về dịu dàng của Thiên Chúa.
Tất cả anh chị em, các bệnh nhân, các nhân viên y tế, những người thiện nguyện, cùng nhau chúng ta dâng lời khẩn nguyện lên Mẹ Maria, xin sự chuyển cầu từ mẫu của Mẹ nâng đỡ và đồng thành đức tin của chúng ta và xin Chúa Kitô Con của Mẹ ban cho chúng chúng ta niềm hy vọng trong hành trình chữa lành và sức khỏe, ý thức về tình huynh đệ và trách nhiệm, sự dấn thân phát triển nhân bản toàn diện và niềm vui biết ơn mỗi lần nó làm cho chúng ta kinh ngạc vì lòng trung thành và từ bi của Chúa.
Lạy Mẹ Maria là Mẹ chúng con, trong Chúa Kitô Mẹ đón nhận mỗi người chúng con làm con của Mẹ, xin Mẹ nâng đỡ sự chờ đợi tín thác của tâm hồn chúng con , xin cứu giúp chúng con trong tình trạng bệnh tật và đau khổ của chúng con, xin hướng dẫn chúng con đến cùng Chúa Kitô Con của Mẹ và là Anh chúng con và xin giúp chúng con tín thác nơi Chúa Cha Đấng thực hiện những điều cao cả.
Tôi hứa nhớ đến tất cả anh chị em trong kinh nguyện và tôi thành tâm ban Phép lành Tòa Thánh cho anh chị em.
Vatican ngày 8 tháng 12 năm 2016
Vietcatholic