Tổng hợp thông tin ĐTC tại Thái Lan (21.11)
Tổng hợp thông tin ĐTC tại Thái Lan (22.11)
Tổng hợp thông tin ĐTC tại Nhật Bản (23-24.11)
Tổng hợp thông tin ĐTC tại Nhật Bản (25.11)
Tổng hợp thông tin ĐTC tại Nhật Bản (26.11)
4. 60 giây Nhìn lại chuyến tông du của ĐTC tại Thái Lan và Nhật Bản
3. Đức Thánh Cha về đến Roma bình an
Sau 12 giờ bay, chiếc máy bay Boeing 787 của hãng hàng không ANA (All Nippon Airways) của Nhật chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng và các ký giả từ Tokyo đã đáp xuống phi trường Roma lúc 16:13, gần 50 phút so với thời gian dự kiến.
Đức Thánh Cha kết thúc chuyến tông du nước ngoài lần thứ 32 và là chuyến viếng thăm châu Á lần thứ tư. Thái Lan và Nhật Bản, cả hai quốc gia đều có gốc rễ Kitô giáo từ nhiều thế kỷ, đã bày tỏ cho Đức Thánh Cha thấy niềm vui của đức tin và ý muốn tiếp tục hành trình truyền giáo và loan báo Tin Mừng của nhiều vị tử đạo và các chứng tá đã thực hiện trong lịch sử của họ.
Như thường lệ, khi về đến Roma, Đức Thánh Cha đã đến đền thờ Đức Bà Cả, cầu nguyện trước bức ảnh “Đức Bà là phần rỗi dân thành Roma”, trước khi trở về Vatican.
2. Đức Thánh Cha từ giã Nhật Bản
Nghi thức từ giã
Kết thúc cuộc viếng thăm đại học Sophia, Đức Thánh Cha đi xe hơi ra phi trường Tokyo-Haneda cách đó 20 km. Tại phi trường đã diễn ra nghi thức từ giã Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha chào từ giã các giám mục Nhật và các phái đoàn. Hai thiếu nữ trong y phục kimono truyền thống của Nhật đã tặng hoa cho Đức Thánh Cha. Đức Thánh Cha là người cuối cùng bước lên máy bay.
Lúc 11:43, chiếc máy bay của hãng All Nippon Airways chở Đức Thánh Cha trực chỉ phi trường Fiumicino của Roma cách Tokyo 10.516 km, với 13 giờ 30 phút bay. Trên máy bay, Đức Thánh Cha đã chụp hình với phi hành đoàn và có cuộc họp báo với các ký giả đi cùng.
Điện thư gửi Nhật hoàng Naruhito
Ngay khi máy bay cất cánh, Đức Thánh Cha đã gửi điện thư cho Nhật hoàng Naruhito với nội dung như sau:
Từ giã nước Nhật, một lần nữa tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Hoàng thượng, với các thành viên của gia đình hoàng gia và tất cả người dân Nhật Bản, vì sự chào đón nồng nhiệt và lòng hiếu khách nồng hậu. Tôi cầu nguyện cho quý vị và cầu xin phước lành của Chúa trên tất cả quý vị.
Lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha
Đức Thánh Cha đến đất nước “mặt trời mọc” với nụ cười tươi dù trời tối, mưa to, gió lớn. Ngài rất vui khi gặp những người thuộc mọi cảnh đời của xã hội Nhật Bản. Và người dân Nhật có thể cảm thấy sự nhiệt thành của ngài và họ cũng tỏ lòng nhiệt tình quý mến của họ. Từ Nhật hoàng Naruhito, đích thân tiễn Đức Thánh Cha ra xe, đến vị linh mục truyền giáo lớn tuổi, mắt ngấn lệ khi từ giã ngài tại đại học Sophia, từ những đôi mắt thoáng buồn của các tín hữu nhìn theo những bước chân rời đi của vị cha chung, nhưng lòng biết ơn tràn đầy trên khuôn mặt của tất cả. Cám ơn Đức Thánh Cha đã mang đến sứ điệp hòa bình cho đất nước đã từng mang thương tích nặng nề của chiến tranh. Cám ơn Đức Thánh Cha đã mang niềm an ủi đến cho các nạn nhân của các thảm kịch và kêu gọi tình liên đới với nhau. Cám ơn Đức Thánh Cha đã đến củng cố đức tin của đoàn chiên, dù nhỏ bé, nhưng vẫn tỏ rõ căn tính Kitô hữu của mình: bảo vệ sự sống, giúp đỡ những người nghèo khổ yếu thế và đối thoại chung sống hòa bình với mọi người.
1. Những lời khuyên quý giá của Đức Thánh Cha cho giới trẻ Nhật Bản tại nhà thờ chính tòa Đức Bà Tokyo
Lúc 10g sáng 25/11, Đức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ với các nạn nhân của ba tai ương động đất, sóng thần và tai nạn nguyên tử năm 2011. Sau đó, Đức Thánh Cha có cuộc gặp riêng với Nhật Hoàng.
Nhật Bản là một nước theo hệ thống quân chủ lập hiến, quyền lực của Nhật hoàng vì vậy rất hạn chế. Đương kim Nhật hoàng, là người tiếp Đức Thánh Cha Phanxicô là Naruhito. Theo hiến pháp, Nhật hoàng được quy định là một “biểu tượng của Quốc gia và của sự hòa hợp dân tộc” mang tính hình thức lễ nghi. Quyền điều hành đất nước chủ yếu được trao cho Thủ tướng và những nghị sĩ do dân bầu ra. Thủ tướng hiện nay của Nhật là Ông Shinzō Abe. Ông đã đảm nhiệm chức vụ này từ năm 2012 đến nay.
Sau cuộc gặp gỡ với Nhật Hoàng Naruhito, Đức Thánh Cha đã kết thúc buổi sáng với cuộc gặp gỡ giới trẻ tại Nhà thờ chính toà Đức Maria.
Trong diễn từ với các bạn trẻ, Đức Thánh Cha nói:
Các bạn trẻ thân mến,
Cảm ơn các bạn đã đến và có mặt ở đây. Chứng kiến và nghe thấy sự hào hứng và nhiệt tình của các bạn đem đến cho tôi niềm vui và hy vọng. Tôi rất biết ơn vì điều này. Tôi cũng biết ơn Leonardo, Miki và Masako vì những chứng tá của họ. Cần có can đảm rất lớn để mở rộng trái tim và chia sẻ như các bạn đã làm. Tôi chắc chắn rằng tiếng nói của các bạn vang vọng những người các bạn cùng lớp có mặt ở đây. Cảm ơn các bạn! Tôi biết rằng có những người trẻ tuổi từ các quốc tịch khác trong số các bạn, một số là những người tị nạn. Chúng ta hãy học cách xây dựng xã hội mà chúng ta mong muốn cho tương lai.
Khi nhìn các bạn, tôi có thể nhận ra sự đa dạng về văn hóa và tôn giáo của những người trẻ sống ở Nhật Bản ngày nay, và một vẻ đẹp nào đó mà thế hệ của các bạn gìn giữ cho tương lai. Tình bạn của các bạn với nhau và sự hiện diện của các bạn ở đây nhắc nhở mọi người rằng tương lai không đơn điệu; nếu chúng ta can đảm, chúng ta có thể chiêm ngưỡng nó trong tất cả sự khác biệt và đa dạng của những gì mỗi cá nhân mang đến. Gia đình nhân loại của chúng ta cần học cách sống hòa thuận và hòa bình với nhau, không cần tất cả chúng ta phải giống nhau! Chúng ta cần tăng trưởng biết bao trong tình huynh đệ, trong sự quan tâm đến người khác và trong niềm tôn trọng những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau! Cuộc gặp gỡ của chúng ta hôm nay rất vui vì chúng ta đang nói rằng văn hóa gặp gỡ là có thể. Đó không phải là một điều không tưởng, và những người trẻ tuổi của các bạn có sự nhạy cảm đặc biệt cần thiết để đưa nó về phía trước.
Tôi có ấn tượng sâu sắc trước những câu hỏi các bạn đặt ra vì chúng phản ánh những trải nghiệm cụ thể của các bạn, nhưng cũng là hy vọng và ước mơ của các bạn cho tương lai.
Cảm ơn Leonardo, đã chia sẻ kinh nghiệm bị bắt nạt và phân biệt đối xử. Ngày càng có nhiều người trẻ tìm thấy can đảm để nói lên những kinh nghiệm như kinh nghiệm của bạn. Điều tàn bạo nhất trong trò bắt nạt là nó tấn công sự tự tin của chúng ta vào thời điểm mà chúng ta cần nhất là khả năng chấp nhận bản thân và đương đầu với những thử thách mới trong cuộc sống. Đôi khi, nạn nhân của bắt nạt thậm chí đổ lỗi cho chính bản thân mình vì đã trở thành mục tiêu “dễ dàng”. Họ có thể cảm thấy mình thất bại, yếu đuối và vô giá trị, và cuối cùng rơi vào tình huống rất bi thảm: “Phải chi tôi có thể khác đi…” Tuy nhiên, nghịch lý thay, kẻ bắt nạt là những người thực sự yếu, vì họ nghĩ rằng họ có thể khẳng định bản sắc riêng của mình bằng cách làm tổn thương người khác. Đôi khi, họ tấn công bất cứ ai mà họ cho là khác biệt, xem người ấy tiêu biểu cho điều gì đó mà họ thấy bị đe dọa. Trong sâu thẳm, những kẻ bắt nạt sợ hãi, và họ che đậy nỗi sợ hãi của mình bằng một màn thể hiện sức mạnh. Tất cả chúng ta phải đoàn kết chống lại nền văn hóa bắt nạt này và học cách nói “ Đủ rồi!” Đây là một dịch bệnh, và cùng nhau các bạn có thể tìm thấy những phương dược tốt nhất để chữa trị nó. Dù các tổ chức giáo dục và người lớn có sử dụng hết tất cả các tài nguyên có trong tay để ngăn chặn thảm kịch này thì vẫn chưa đủ đâu; điều cần thiết là trong số chính các bạn, trong số các bạn bè và đồng nghiệp, các bạn hãy cùng tham gia khi nói: “Không!”, khi nói: “Làm thế là sai” . Không có vũ khí nào mạnh hơn để chống lại những hành động này cho bằng đứng lên ở giữa các bạn cùng lớp và các bạn bè của chúng ta và nói rằng: “Những gì các bạn đang làm là sai trái”.
Sợ hãi luôn là kẻ thù của lòng tốt vì nó là kẻ thù của tình yêu và hòa bình. Các tôn giáo lớn dạy lòng khoan dung, hòa hợp và lòng thương xót, không sợ hãi, chia rẽ và xung đột. Chúa Giêsu liên tục nói với những người theo Ngài đừng sợ hãi. Tại sao? Bởi vì nếu chúng ta yêu mến Thiên Chúa và anh chị em của mình, thì tình yêu này đã dập tắt đi sự sợ hãi (x. 1 Ga 4:18). Đối với nhiều người trong chúng ta, như Leonardo nhắc nhở chúng ta, nhìn vào cuộc đời của Chúa Giêsu mang đến cho chúng ta niềm an ủi, vì chính Chúa Giêsu đã biết những gì là bị coi thường và bị từ chối – thậm chí đến mức bị đóng đinh. Ngài biết quá rõ những gì xảy ra khi trở thành một người xa lạ, một người nhập cư, một người nào đó “khác” với người xung quanh. Theo một nghĩa nào đó, Chúa Giêsu là một “người ngoài cuộc” đến tột độ, một người ngoài tràn đầy sức sống để trao ban. Leonardo, chúng ta luôn có thể nhìn vào tất cả những thứ chúng ta không có, nhưng chúng ta cũng có thể đến để xem tất cả cuộc sống mà chúng ta có thể cho đi và chia sẻ với những người khác. Thế giới cần các bạn. Đừng bao giờ quên điều đó! Chúa cần các bạn để các bạn có thể khuyến khích tất cả những người xung quanh đang tìm kiếm một bàn tay giúp đỡ để nâng họ dậy.
Điều này liên quan đến việc phát triển một phẩm chất rất quan trọng nhưng bị đánh giá thấp: đó là khả năng học cách dành thời gian cho người khác, lắng nghe họ, chia sẻ với họ, để hiểu họ. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra những trải nghiệm và những vấn đề của chúng ta cho một tình yêu có thể thay đổi chúng ta và bắt đầu thay đổi thế giới xung quanh chúng ta. Trừ khi chúng ta quảng đại dành thời gian cho người khác, chúng ta sẽ lãng phí thời gian vào nhiều thứ mà chung cuộc chỉ khiến chúng ta trống rỗng và bối rối; “cứng đơ” như người ta thường nói ở nước tôi. Vì vậy, hãy dành thời gian cho gia đình và các bạn bè của các bạn, nhưng cũng dành thời gian cho Chúa qua suy tư và cầu nguyện. Và nếu các bạn thấy khó cầu nguyện, đừng bỏ cuộc. Một nhà hướng dẫn tâm linh khôn ngoan đã từng nói: cầu nguyện chủ yếu là vấn đề hiện diện ở đó. Hãy tĩnh lặng; tạo không gian cho Chúa; hãy để Người nhìn các bạn và Người sẽ lấp đầy các bạn bằng sự bình an của Người.
Đó chính xác là những gì Miki đã nói. Miki hỏi làm thế nào những người trẻ tuổi có thể tạo không gian cho Chúa trong một xã hội quay cuồng và tập trung vào việc cạnh tranh và năng suất lao động. Càng ngày chúng ta càng thấy rằng một người, một cộng đồng hay thậm chí là toàn xã hội có thể phát triển cao ở bên ngoài, nhưng có một cuộc sống nội tâm nghèo nàn và kém phát triển, thiếu sức sống và sinh khí. Mọi thứ làm họ chán ngấy; họ không còn mơ, cười hay chơi đùa. Họ không có cảm giác trầm trồ hay ngạc nhiên. Họ giống như thây ma; trái tim của họ đã ngừng đập vì không thể cử mừng cuộc sống với người khác. Có bao nhiêu người trên khắp thế giới của chúng ta giàu có về vật chất, nhưng sống như những nô lệ cho sự cô đơn vô song! Tôi nghĩ về sự cô đơn của rất nhiều người, già trẻ, trong các xã hội thịnh vượng nhưng thường vô danh của chúng ta. Mẹ Teresa, người đã làm việc giữa những người nghèo nhất trong số những người nghèo, đã từng nói một câu rất tiên tri: “Cô đơn và cảm giác không được yêu thương là hình thức khủng khiếp nhất của nghèo đói”.
Chống lại sự nghèo nàn về tinh thần này là một nhiệm vụ mà tất cả chúng ta được mời gọi, và trong đó các bạn có vai trò đặc biệt vì nó đòi hỏi một sự thay đổi lớn trong các ưu tiên và lựa chọn. Nó có nghĩa là nhận ra rằng điều quan trọng nhất không phải là những gì tôi có hoặc có thể giành được, nhưng là tôi có thể chia sẻ với ai. Tôi sống cho những gì không phải là điều quá quan trọng mà chúng ta phải tập trung vào, nhưng vấn đề là tôi sống cho ai. Tôi sống cho những gì là quan trọng, nhưng tôi sống cho ai mới là điều thiết yếu. Không có họ, chúng ta trở nên phi nhân cách, chúng ta mất đi khuôn mặt và tên tuổi mình, và chúng ta trở thành một đối tượng khác, có lẽ là khá hơn những người khác đấy, nhưng cuối cùng không có gì hơn một vật thể. Sách Huấn Ca nói: “Người bạn trung thành là một nơi nương tựa vững chắc, ai gặp được người bạn như thế, là gặp được kho tàng” (6:14). Đó là lý do tại sao luôn luôn cần thiết là chúng ta phải đặt câu hỏi: “Tôi sống vì ai đây? Tất nhiên, các bạn là dành cho Chúa. Tuy nhiên, Ngài đã quyết định rằng các bạn cũng phải dành cho người khác, và Ngài đã ban cho các bạn nhiều phẩm chất, khuynh hướng, quà tặng, và đặc sủng không phải là cho riêng các bạn, nhưng để chia sẻ với những người xung quanh các bạn” (Christus Vivit, 286).
Đây là một cái gì đó rất đẹp mà các bạn có thể trao ban cho thế giới chúng ta. Hãy làm chứng rằng một “tình bạn xã hội” là có thể! Hãy đặt hy vọng của các bạn vào một tương lai dựa trên văn hóa gặp gỡ, chấp nhận, tình huynh đệ và tôn trọng phẩm giá của mỗi người, đặc biệt là những người cần tình yêu và sự cảm thông nhất. Đó là tương lai trong đó chúng ta không cảm thấy cần phải tấn công hoặc coi thường người khác, nhưng thay vào đó học cách nhận ra đặc sủng của họ.
Để có thể sống về thể lý, chúng ta phải giữ nhịp thở; đó là một cái gì đó chúng ta làm một cách tự động mà không nhận ra điều đó. Để sống theo nghĩa đầy đủ nhất của từ này, chúng ta cũng cần học cách thở tâm linh, thông qua cầu nguyện và chiêm niệm, trong một chuyển động hướng nội qua đó chúng ta có thể nghe tiếng Chúa nói với chúng ta trong sâu thẳm trái tim. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần một chuyển động hướng ngoại, qua đó chúng ta tiếp cận với những người khác trong các hành vi yêu thương và phục vụ. Sự chuyển động kép này là những gì cho phép chúng ta phát triển và khám phá ra rằng chúng ta được Thiên Chúa yêu thương, bên cạnh đó, Ngài còn kêu gọi mỗi người chúng ta đến với một sứ mệnh và ơn gọi cá vị. Chúng ta khám phá điều này đến mức chúng ta sẵn sàng trao ban chính mình cho tha nhân, cho những con người cụ thể.
Masako đã nói về tất cả những điều này từ kinh nghiệm của bản thân mình khi còn là một sinh viên, và sau đó là một giáo viên. Cô hỏi làm thế nào những người trẻ tuổi có thể được giúp đỡ để khám phá thiện căn và giá trị bẩm sinh của họ. Ở đây một lần nữa, tôi sẽ nói rằng để phát triển, để khám phá bản sắc, lòng tốt và vẻ đẹp bên trong của chính chúng ta, chúng ta không thể nhìn vào chính mình trong gương. Chúng ta đã phát minh ra tất cả các loại vật dụng tiện nghi, nhưng chúng ta vẫn không thể chụp ảnh chính tâm hồn mình. Cảm ơn Chúa! Bởi vì để có hạnh phúc, chúng ta cần nhờ người khác giúp đỡ, cần người khác chụp ảnh chúng ta. Chúng ta cần phải ra khỏi chính mình hướng về những người khác, đặc biệt là những người quẫn bách nhất (x. Christus Vivit, 171). Cách riêng, tôi xin các bạn mở rộng tình bạn cho những người đến đây, thường là sau những đau khổ lớn, đang tìm kiếm một chốn nương thân trên đất nước của các bạn. Thật vậy, một nhóm nhỏ những người tị nạn có mặt với chúng ta ở đây, và lòng tốt của các bạn đối với họ sẽ cho thấy họ không phải là người lạ. Ít nhất, vì các bạn coi họ như anh chị em.
Một thầy dạy khôn ngoan đã từng nói rằng chìa khóa để phát triển trí tuệ không hệ tại quá nhiều nơi việc tìm ra những câu trả lời đúng mà là khám phá ra những câu hỏi đúng. Không phải tất cả các bạn sẽ trở thành giáo viên như Masako, nhưng tôi hy vọng rằng các bạn sẽ tiếp tục hỏi và giúp đỡ những người khác hỏi, những câu hỏi đúng về ý nghĩa cuộc sống của chúng ta và về cách chúng ta có thể định hướng một tương lai tốt hơn cho những người đến sau chúng ta .
Các bạn trẻ thân mến, tôi cảm ơn các bạn vì sự chú ý lắng nghe thân thiện của các bạn trong dịp này, và cảm ơn các bạn đã chia sẻ với tôi về cuộc sống của các bạn. Đừng bao giờ tuyệt vọng hay đặt những giấc mơ của mình sang một bên. Hãy dành nhiều chỗ trong tâm hồn mình cho Chúa, hãy dám vươn tầm nhìn đến những chân trời rộng lớn và xem những gì đang chờ các bạn nếu các bạn khao khát đạt được những điều ấy cùng nhau. Nhật Bản cần các bạn, và thế giới cần các bạn, hãy quảng đại, vui vẻ và nhiệt tình, hãy có khả năng tạo ra một mái nhà cho mọi người. Tôi cầu nguyện rằng các bạn sẽ phát triển trí tuệ tâm linh và khám phá con đường dẫn đến hạnh phúc thực sự trong cuộc sống này. Tôi sẽ nhớ đến các bạn trong những lời cầu nguyện của tôi, và tôi xin các bạn, xin vui lòng, cầu nguyện cho tôi nhé.
Tôi gởi đến tất cả các bạn, cùng với gia đình và các bạn bè của các bạn, lời chúc tốt đẹp nhất và phước lành của tôi.
Cảm ơn nhiều.