Tổng hợp thông tin ĐTC tại Nhật Bản (23-24.11): đến Tokyo, gặp Giám mục, đến Nagasaki, Thánh lễ, và đến Hiroshima

6. Cuộc gặp gỡ vì hòa bình tại Hiroshima

Lúc 18 giờ 40 ngày 24/11, ĐTC tham dự cuộc gặp gỡ vì hoà bình tại đài tưởng niệm hòa bình tại Hiroshima, với sự hiện diện của khoảng 1.300 người. Sau khi ký vào sổ lưu niệm, ĐTC đến quảng trưởng nhỏ và chào 20 lãnh đạo tôn giáo và gặp các nạn nhân hiện diện. Sau khi nghe lời chứng của hai nạn nhân bom nguyên tử, ĐTC có một bài diễn văn trước những người hiện diện.
1574593159255.jpg

ĐTC mở đầu bài diễn văn với một lời cầu nguyện trích từ Thánh Vịnh 122:

“Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói rằng: ‘chúc thành đô an lạc’” (Tv 122,8).

Thiên Chúa giàu lòng thương xót và Chúa của lịch sử, chúng con ngước nhìn lên Chúa từ nơi đây, nơi giao nhau giữa sự chết và sự sống, giữa sụp đổ và tái sinh, giữa đau khổ và từ bi.

1574592880565.jpg

ĐTC tiếp tục bài diễn văn:

Tại đây, trong vụ nổ sét và lửa, rất nhiều người nam và người nữ, rất nhiều giấc mơ và hy vọng, đã biến mất, chỉ còn lại bóng tối và sự im lặng. Ngay lập tức, mọi thứ bị nuốt chửng bởi một lỗ đen hủy diệt và chết chóc. Từ vực thẳm của im lặng, ngay cả hôm nay chúng ta tiếp tục nghe tiếng khóc của những người không còn nữa. Họ đến từ các nơi khác nhau, có tên khác nhau và một số người nói các ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên, tất cả họ hợp nhất trong cùng một số phận, trong một giờ kinh hoàng để lại dấu ấn mãi mãi không chỉ trong lịch sử của đất nước này, mà còn trên bộ mặt của cả nhân loại.

Tại đây, tôi bày tỏ sự kính nhớ đến tất cả các nạn nhân, và tôi cúi đầu trước sức mạnh và phẩm giá của những người sống sót sau những giây phút đầu tiên, rồi trong nhiều năm sau đó họ phải mang nơi thân xác những nỗi đau tột cùng, và nơi tinh thần những hạt giống chết chóc không ngừng bào mòn sức sống của họ.

1574592872142.jpg

Tôi cảm thấy có bổn phận phải đến đây như một người hành hương của hòa bình, để đứng đây trong cầu nguyện, tưởng nhớ những nạn nhân vô tội của bạo lực này, và cũng mang trong tim những lời cầu nguyện và khao khát của những người nam nữ thời đại chúng ta, đặc biệt là giới trẻ, những người khao khát hòa bình, những người làm việc vì hòa bình và hy sinh bản thân vì hòa bình. Tôi đến nơi đầy ký ức và hy vọng về tương lai này, mang theo tiếng khóc của những người nghèo. Họ luôn là nạn nhân bất lực nhất của sự thù hận và xung đột.

Tôi khiêm tốn ao ước là tiếng nói của người không có tiếng nói, của người đang nhìn bằng sự âu lo và thống khổ vì những căng thẳng đang gia tăng của thời đại chúng ta: sự bất bình đẳng và bất công không thể chấp nhận được đang đe dọa sự chung sống của con người, gây ra sự bất lực nghiêm trọng liên quan đến ngôi nhà chung của chúng ta và sự bất ổn bùng nổ xung đột vũ trang, như thể những điều này có thể đảm bảo một tương lai hòa bình.

Với niềm tin sâu sắc, tôi mong muốn một lần nữa tuyên bố rằng việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh, ngày nay hơn bao giờ hết, là một tội ác không chỉ chống lại con người và phẩm giá của con người, mà còn chống lại mọi khả thể tương lai trong ngôi nhà chung của chúng ta. Việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là vô đạo đức, tương tự, việc sở hữu hạt nhân cũng vô đạo đức, như tôi đã từng nói hai năm trước. Chúng ta sẽ bị xét xử về điều này. Các thế hệ tương lai sẽ đứng lên xét xử sự thất bại của chúng ta nếu chúng ta nói về hòa bình nhưng lại không hành động để thực hiện nó giữa các dân tộc trên trái đất. Làm thế nào chúng ta có thể nói về hòa bình khi chúng ta chế tạo vũ khí chiến tranh mới và đáng sợ? Làm thế nào chúng ta có thể nói về hòa bình khi chúng ta biện minh cho các hành động bất hợp pháp bằng các bài phát biểu chứa đầy sự phân biệt đối xử và thù hận?

Tôi tin rằng “hòa bình” không hơn kém là một lời sáo rỗng nếu nó không được thiết lập dựa trên sự thật, được xây dựng theo công lý, nếu nó không được linh hoạt và hoàn thiện bởi đức ái, và nếu không được thực hiện trong tự do (x. Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, Pacem in Terris, 37).

Xây dựng hòa bình trong sự thật và công lý có nghĩa là phải thừa nhận rằng “con người thường khác nhau về tri thức, đức hạnh, tư duy và sở hữu vật chất” (sdd., 87), và điều này không bao giờ có thể biện minh cho mưu toan áp đặt ý muốn của mình lên người khác. Thật vậy, những khác biệt đó đòi hỏi trách nhiệm và sự tôn trọng lớn hơn. Các cộng đồng chính trị có thể khác biệt về sự phát triển văn hóa hoặc kinh tế, nhưng tất cả đều được kêu gọi dấn thân làm việc “vì mục đích chung”, vì lợi ích của tất cả mọi người (sđd., 88).

Thật vậy, nếu chúng ta thực sự muốn xây dựng một xã hội công bằng và an toàn hơn, thì chúng ta phải để vũ khí rời khỏi tay chúng ta. “Không ai có thể yêu với vũ khí tấn công đang cầm trong tay” (Th. Phaolô VI, Diễn văn tại Liên Hợp Quốc, 4/10/1965, 5). Khi chúng ta dựa vào logic của vũ khí và tránh đối thoại, thì chúng ta quên mất rằng, ngay cả trước khi gây ra các nạn nhân và hủy hoại, vũ khí có khả năng tạo ra ác mộng: “Chúng tiêu tốn các khoản chi phí khổng lồ, làm gián đoạn các dự án liên đới và công việc hữu ích, và gây tâm lý sợ hãi nơi các quốc gia (sđd., 5). Làm thế nào chúng ta có thể đề xuất hòa bình nếu chúng ta liên tục sử dụng mối đe dọa chiến tranh hạt nhân như một cách đòi hỏi hợp pháp để giải quyết các cuộc xung đột? Có thể vực thẳm nỗi đau chịu đựng ở đây nhắc nhở chúng ta về những ranh giới không bao giờ được vượt qua. Một nền hòa bình thực sự chỉ có thể là một nền hòa bình không vũ trang. Đối với hòa bình, không chỉ đơn thuần là sự vắng mặt của chiến tranh … nhưng nó là một toà nhà không ngừng được xây dựng (Gaudium et Spes, 78). Đó là thành quả của công lý, phát triển, liên đới, chăm sóc ngôi nhà chung của chúng ta và thúc đẩy lợi ích chung, như chúng ta đã học được từ những bài học lịch sử.

Nhắc nhớ, đi cùng nhau và bảo vệ. Đây là ba mệnh lệnh đạo đức mà, ngay tại đây, ở Hiroshima này, có ý nghĩa mạnh mẽ và phổ quát hơn, và có thể mở ra một con đường thực sự cho hòa bình. Vì lý do này, chúng ta không thể cho phép các thế hệ hiện tại và tương lai mất đi ký ức về những gì đã xảy ra tại đây. Đó là một ký ức đảm bảo và khuyến khích việc xây dựng một tương lai công bằng và huynh đệ hơn; một ký ức mở rộng, có khả năng đánh thức lương tâm của tất cả mọi người nam nữ, đặc biệt là những người ngày nay đóng một vai trò quan trọng trong vận mệnh của các quốc gia; một ký ức sống giúp chúng ta nói từ thế hệ này sang thế hệ khác: không bao giờ nữa!

1574592874242.jpg

Đó là lý do tại sao chúng ta được kêu gọi bước đi cùng nhau, với một ánh mắt thấu hiểu và tha thứ, mở ra chân trời để hy vọng và mang đến một tia sáng giữa nhiều đám mây làm tối bầu trời hôm nay. Chúng ta hãy mở ra với hy vọng, và trở thành công cụ của hòa giải và hòa bình. Điều này sẽ luôn luôn có thể nếu chúng ta có thể bảo vệ lẫn nhau và nhận ra rằng chúng ta là anh em trong cùng một số phận chung. Thế giới của chúng ta, liên kết với nhau không chỉ bởi toàn cầu hóa mà còn bởi chính trái đất mà chúng ta luôn chia sẻ, đòi hỏi, ngày nay hơn bao giờ hết, loại bỏ những lợi ích dành riêng cho một số nhóm hoặc lĩnh vực nhất định, để đạt được sự cao cả của những người chiến đấu một cách có trách nhiệm để đảm bảo một tương lai chung.

Cuối cùng, ĐTC dâng một lời cầu nguyện, xin cho thế giới không còn chiến tranh nữa, không còn những xung đột và những đau khổ nữa.

Kết thúc buổi gặp gỡ, ĐTC ra sân bay Hiroshima cách đó 53km để bay về Tokyo trong gần 1 giờ rưỡi bay.

Từ sân bay, ĐTC về nghỉ đêm tại Toà Sứ Thần, cách sân bay 20km, kết thúc một ngày làm việc hết sức đầy.

5.  Thánh Lễ tại Sân Vận Động Bóng Chày Nagasaki, Nhật Bản 

Sau khi dùng bữa trưa tại Tòa TGM, vào lúc 13 giờ 30, ĐTC đến sân vận động bóng chày Nagasaki để cử hành Thánh lễ. Trước khi lên xe, ĐTC chào cách đặc biệt 16 nhân viên làm việc tại đây.

1574574034734.JPG

Sân vận động bóng chày Nagasaki, được làm bằng gạch đỏ và trắng, kết cấu như đấu trường thời cổ với một loạt các vòm. Công trình bốn tầng được hoàn thành trong khoảng thời gian từ tháng 01 năm 1996 đến tháng 7 năm 1997, với chi phí 7,2 tỷ yên. Sân vận động có sức chứa hơn 25 nghìn chỗ ngồi; ngoài ra còn có khu liên hợp thể thao, bao gồm một sân tập trong nhà và một phòng triển lãm bóng chày địa phương.

Thánh lễ được cử hành theo phụng vụ Chúa nhật kính trọng thể Chúa Kitô Vua. Bài đọc thứ nhất được đọc bằng tiếng Nhật, bài đọc thứ hai tiếng Anh.

1574575156811.JPG

Mở đầu bài giảng, ĐTC trích dẫn một câu Tin Mừng Thánh Luca: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42).

ĐTC mời gọi các tín hữu “chúng ta hãy để cho tiếng nói của chúng ta hợp với tiếng kêu của người làm điều ác, người bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu, người đã nhận ra và tuyên bố Chúa là vua. Ở đó, trong giờ phút ít chiến thắng và vinh quang, giữa những tiếng kêu gào chế giễu và sỉ nhục, người phạm tội đã có thể lên tiếng và tuyên xưng đức tin của mình. Đây là những lời cuối cùng mà Chúa Giêsu lắng nghe; và đến lượt mình, Chúa cũng đã có những lời cuối cùng trước khi phó mình cho Cha: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43).

1574576356563.JPG

ĐTC giải thích: “Ngay lập tức, quá khứ không ngay chính của người trộm mang một ý nghĩa mới: đồng hành với cuộc khổ nạn của Chúa. Núi Sọ, một nơi đang diễn ra sự bất công, nơi của sự thờ ơ, nhạo báng được biến đổi. Tất cả nhờ vào thái độ của người trộm lành, mang lại hy vọng cho cả nhân loại. Những trò đùa cợt và tiếng kêu réo “tự cứu mình” trước những đau khổ của người vô tội không phải là những lời cuối cùng”.

Áp dụng câu chuyện của người trộm lành vào chính cuộc sống của mỗi người, ĐTC nói: “Hôm nay, ở đây chúng ta muốn làm mới lại đức tin và dấn thân của chúng ta. Như người trộm lành, chúng ta biết rõ lịch sử của những thất bại, tội lỗi và giới hạn của chúng ta, nhưng chúng ta không muốn điều này quyết định hiện tại và tương lai của chúng ta”.

1574576354698.JPG

“Vì thế, giống như người trộm lành, hôm nay, chúng ta muốn sống giây phút mà chúng ta có thể lên tiếng và tuyên xưng đức tin của mình, để bảo vệ và phục vụ Chúa, Người vô tội đau khổ. Chúng ta muốn đồng hành với nỗi thống khổ của Chúa, nâng đỡ Chúa trong lúc cô đơn và bị bỏ rơi. Và một lần nữa, chúng ta lắng nghe ơn cứu độ, đó là lời mà Chúa muốn ban cho mọi người: “Hôm nay anh sẽ ở cùng tôi trên thiên đường”.

Tiếp đến, ĐTC nhắc đến Thánh Phaolô Miki và các bạn tử đạo. Chính vì ơn cứu độ mà các thánh đã can đảm làm chứng bằng chính cuộc sống mình. Theo mẫu gương của các ngài, chúng ta muốn tiếp tục bước đi như thế, chúng ta muốn ra đi, tuyên xưng với lòng can đảm rằng tình yêu được Chúa Kitô trao ban, hy sinh và tôn vinh trên thập giá có thể vượt qua mọi hận thù, ích kỷ, sỉ nhục; có thể vượt qua bất kỳ sự bi quan biếng nhác hoặc mê ngủ trong an hưởng. Như Công đồng Vatican II đã nhắc nhở chúng ta: Chúng ta là công dân của cả hai đô thị, hãy nỗ lực chu toàn cách trung thành những bổn phận trần thế, và chu toàn dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm. Thực sai lầm cho những ai đang khi biết rằng chúng ta không có một quê hương trường tồn ở trần thế và đang phải kiếm tìm một quê hương hậu lai để rồi vì đó tưởng rằng mình có thể xao lãng các bổn phận trần gian” (Gaudium et spes, 43).

“Đức tin của chúng ta là tin vào Thiên Chúa của người sống. Chúa Kitô đang sống và đang hành động giữa chúng ta, hướng dẫn tất cả chúng ta đến cuộc sống viên mãn. Chúa Kitô đang sống và Người muốn chúng ta sống: đây là niềm hy vọng của chúng ta (Christus Vivit, 1). Mỗi ngày, chúng ta khẩn nài: Lạy Chúa, xin cho Nước Chúa trị đến. Và khi làm như vậy, chúng ta cũng muốn cuộc sống và hành động của chúng ta trở thành một lời khen ngợi. Nếu sứ mệnh của chúng ta là môn đệ truyền giáo, làm chứng và loan báo những gì sẽ đến, thì điều này không cho phép chúng ta cam chịu trước sự dữ, nhưng thôi thúc chúng ta trở thành men của Nước Chúa. Cho dù chúng ta ở đâu: trong gia đình, tại nơi làm việc, trong công ty, hãy là một lối mở nhỏ, trong đó Thánh Thần tiếp tục thổi bùng niềm hy vọng giữa các dân tộc”.

“Nước Trời là mục đích chung của chúng ta, một mục tiêu không chỉ cho tương lai, nhưng chúng ta khẩn nài và bắt đầu sống Nước Chúa ngay hôm nay. Chúng ta phải biết rằng, sự thờ ơ và im lặng đang bao quanh chúng ta, người già và người tàn tật, người bị bỏ rơi, người tị nạn và người lao động nước ngoài; tất cả đều là bí tích sống động của Chúa Kitô, Vua của chúng ta (Mt 25,31-46). Như thế, nếu chúng ta thực sự xuất phát lại từ việc suy ngẫm Chúa Kitô, chúng ta sẽ biết cách nhìn thấy trong khuôn mặt của những người này chính Chúa muốn đồng hóa với họ ( Novo millennio ineunte, 49). Trên Núi Sọ, nhiều tiếng nói im lặng, rất nhiều người nhạo báng; chỉ có tên anh trộm lành biết cách đứng lên và bảo vệ người vô tội đau khổ: một hành động can đảm tuyên xưng đức tin. Tùy thuộc vào việc mỗi chúng ta quyết định giữ im lặng, chế giễu hoặc nói lời ngôn sứ”.

Kết thúc bài giảng ĐTC khuyến khích các tín hữu: “Anh chị em thân mến, Nagasaki đã để lại trong tâm hồn anh chị em một vết thương khó lành, một biểu hiện của đau khổ không thể giải thích được của rất nhiều người vô tội; nạn nhân của các cuộc chiến tranh trong quá khứ nhưng ngày nay vẫn phải chịu đựng. Tại đây, chúng ta lên tiếng, cùng nhau cầu nguyện cho tất cả những người còn đang phải chịu đau khổ trong thân xác, tội này kêu thấu trời cao. Chúng ta cùng nhau cầu nguyện để cho ngày càng có nhiều người, giống như người trộm lành, không im lặng hoặc chế giễu, nhưng nói lời ngôn sứ bằng tiếng nói của chính mình cho một vương quốc của sự thật và công lý, của sự thánh thiện và ân sủng, của tình yêu và hòa bình”.

Thánh lễ được tiếp tục và phần lời nguyện tín hữu được đọc bằng tiếng Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Tagalog, Nhật và Việt Nam. Cuối Thánh lễ Đức cha Joseph Mitsuaki Takami, TGM Nagasaki có lời cám ơn ĐTC.

4. Đức Thánh Cha viếng Đài Các thánh Tử đạo Nagasaki

Trong bài diễn văn, Đức Thánh Cha nói rằng các vị tử đạo là ký ức sống động và thúc đẩy canh tân việc loan báo Tin Mừng, đồng thời cũng mời gọi bảo vệ sự sống qua sự phục vụ âm thầm mỗi ngày, đặc biệt là những người nghèo khổ nhất.

1574561370358.JPG

Sáng Chúa Nhật 24/11, sau khi từ giã công viên bom nguyên tử, Đức Thánh Cha đi xe hơi đến đồi Nishizaka cách đó 3 km để viếng Đài Các thánh Tử đạo Nagasaki. Đây là nơi thánh Phaolô Miki và 25 bạn tử đạo bị xử tử theo lệnh của shogun Toyotomi Hideyoshi.

Thánh Phaolô Miki

Thánh Phaolô Miki là một trong những tu sĩ dòng Tên đầu tiên người Nhật. Khi vị Pháp quan Phật giáo yêu cầu ngài chối đạo: nếu giẫm lên các tượng Chúa Giêsu và Đức Trinh nữ Maria thì sẽ được sống, nhưng thánh Phaolô Miki đã từ chối vì tình yêu Chúa Kitô. Vì thế ngài bị đóng đinh trên một ngọn đồi ngay bên ngoài thành Nagasaki vào năm 1597, cùng với 25 vị khác.

Đài Các thánh Tử đạo Nagasaki

Đài Các thánh Tử đạo được xây bằng gạch đỏ, trên đó có 26 tượng đồng cao bằng người thật của 26 vị tử đạo Nhật Bản được xếp theo hình thánh giá. Năm 1981 thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã hành hương đến nơi này. Phía sau đài tưởng niệm là bảo tàng các vị Tử đạo, lưu giữ lịch sử của Kitô giáo ở Nagasaki với bộ sưu tập các đồ vật trong cuộc sống hàng ngày.

Đến đài các vị tử đạo Nagasaki vào lúc 10:45, Đức Thánh Cha được Giám đốc bảo tàng, một linh mục và một tu sĩ dòng Tên chào đón. Một gia đình dâng hoa cho Đức Thánh Cha và ngài đặt tại chân đài tưởng niệm. Sau đó Đức Thánh Cha đốt một ngọn nến rồi thinh lặng cầu nguyện trước đài tưởng niệm.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Bắt đầu bài nói chuyện, Đức Thánh Cha nói rằng ngài đến đây để cầu nguyện như một khách hành hương và để củng cố các tín hữu Nhật Bản trong đức tin

Đức Thánh Cha nhắc rằng đền thánh này nói với chúng ta về sự chiến thắng của sự sống và thánh Gioan Phaolô II không chỉ xem đền thánh này như núi các vị tử đạo mà như một “núi Bát phúc” thật sự, nơi chúng ta cảm nghiệm chứng tá của những người tràn đầy Chúa Thánh Thần, được thoát khỏi sự ích kỷ, sự an toàn và kiêu hãnh.

Ánh sáng của Tin Mừng chiến thắng sự bách hại

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Đền thánh này, trên hết, là một tượng đài loan báo sự Phục sinh, vì nó công bố lời cuối cùng – bất chấp tất cả các bằng chứng ngược lại – không thuộc về cái chết, mà thuộc về sự sống. Chúng ta không được gọi để chết, nhưng đến với một cuộc sống tràn đầy; các vị tử đạo đã công bố điều này. Vâng, ở đây có bóng tối của sự chết và tử đạo, nhưng ánh sáng của sự phục sinh cũng được loan báo, nơi máu của các vị tử đạo trở thành hạt giống của sự sống mới mà Chúa Kitô muốn ban cho tất cả chúng ta. Lời chứng của họ củng cố chúng ta trong đức tin và giúp chúng ta đổi mới sự cống hiến và cam kết của chúng ta, để sống như môn đệ truyền giáo, biết hoạt động cho một nền văn hóa có khả năng bảo vệ và luôn bảo vệ mọi cuộc sống, thông qua sự “tử đạo” trong việc phục vụ hàng ngày và âm thầm tất cả mọi người, đặc biệt là những người thiếu thốn nhất.”

Tử đạo không phải là di tích vinh quang nhưng là hồi ức sống động

Đức Thánh Cha nói ngài đến đài dâng kính các vị tử đạo để gặp gỡ những người nam nữ thánh thiện này. Nhưng ngài nói thêm: “Tôi muốn làm điều đó với sự nhỏ bé của tu sĩ Dòng Tên trẻ đến từ ‘tận cùng trái đất’ và tìm thấy nguồn cảm hứng sâu sắc và đổi mới trong lịch sử của những nhà truyền giáo đầu tiên và các vị tử đạo Nhật Bản.”

Và ngài nhắc nhở: “Chúng ta đừng quên tình yêu hy sinh của họ! Xin cho nó không phải là một di tích vinh quang của những việc làm trong quá khứ, được gìn giữ và được tôn vinh trong một bảo tàng, nhưng là một ký ức và ngọn lửa sống động nguồn linh hứng cho mọi hoạt động tông đồ ở vùng đất này, có khả năng canh tân và tiếp tục đốt cháy lòng nhiệt thành truyền giáo.

Các vị tử đạo của thế kỷ XXI

Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi hiệp nhất với các Kitô hữu trên thế giới ngày nay đang chịu đau khổ và tử đạo vì đức tin. Chứng tá của các vị tử đạo của thế kỷ XXI này thách thức chúng ta đi theo con đường của các mối phúc thật với lòng can đảm. Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúng ta cầu nguyện cho họ và với họ, và chúng ta lên tiếng để tự do tôn giáo được đảm bảo cho mọi người và ở mọi nơi trên thế giới; và chúng ta lên tiếng chống lại bất kỳ sự thao túng nào của các tôn giáo.”

Kết thúc bài nói chuyện, Đức Thánh Cha đã cùng các tín hữu đọc Kinh Truyền Tin.

3. Tuyên ngôn chống vũ khí hạt nhân của Đức Thánh Cha tại Nagasaki

Trong Sứ điệp về vũ khí hạt nhân, Đức Thánh Cha khẳng định rằng hòa bình không đạt được bằng vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt, ngược lại các vũ khí chỉ tạo nên sự mất tin tưởng và an toàn ảo tưởng. Một thế giới không hạt nhân là điều có thể nhưng chỉ có được với sự cộng tác của mọi người với sự tin tưởng, đối thoại và cầu nguyện.

Lúc 6:40 sáng Chúa Nhật 24/11, Đức Thánh Cha rời tòa Sứ thần để ra phi trường Tokyo lấy máy bay đi Nagasaki cách đó 1100 cây số.

Nagasaki – trái tim của Giáo hội Công giáo Nhật Bản

Nagasaki là thành phố có hơn 400 ngàn dân, nằm trên đảo Kyushu và là một trong những hải cảng chính của Nhật Bản. Cảng này được xây dựng khi làn sóng những người châu Âu đầu tiên đến châu Á. Những nhà truyền giáo đầu tiên từ Tây Ban nha, Bồ Đào Nha cũng như các thành phố khác đã đến thành phố này, cùng với các thương nhân, để truyền đạo. Nagasaki trở thành một trong những trung tâm chính của sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Năm 1585, những người quý tộc trở lại đạo đã gửi bốn người trẻ Nhật Bản đến gặp Đức Giáo hoàng ở Roma. Các nhà thờ được xây dựng trong thời gian này và nền văn hóa Kitô giáo nở rộ đến độ thành phố này được gọi là “Roma nhỏ”.Sau đó, các hoàng đế Nhật vì sợ bị ngoại quốc xâm chiếm nên đã cấm cách và bách hại đạo.

Vụ nổ bom nguyên tử ngày 06/08/1945

Trong thế chiến thứ hai, ngày 06/08/1945, Hoa Kỳ đã thả một quả bom nguyên tử xuống Nagasaki, khiến cho 150 ngàn người chết và bị thương, nhiều người khác chịu ảnh hưởng của tia hóa học, và 1/3 thành phố bị san bình địa. Người dân Nagasaki đã làm việc để khôi phục lại vẻ đẹp của thành phố. Nhiều vết tích của bom nguyên tử ngày nay được đặt tại Bảo tàng bom nguyên tử Nagasaki và cạnh đó là Đài quốc gia tưởng niệm các nạn nhân của bom nguyên tử Nagasaki, được xây dựng năm 2003.

Đài tưởng niệm

Đến sân bay Nagasaki lúc 9:20, Đức Thánh Cha dùng xe hơi di chuyển đến Công viên Hòa bình cách đó 35 cây số. Công viên được xây dựng năm 1955 để tưởng nhớ thảm kịch bom nguyên tử, đồng thời cũng để phổ biến niềm hy vọng hòa bình. Tại đây có Đài tưởng niệm các nạn nhân vụ nổ bom nguyên tử, là một khối đá cẩm thạch màu đen trên đó khắc tên các nạn nhân.

Đến công viên, Đức Thánh Cha được chính quyền và thị trưởng Nagasaki tiếp đón. Sau đó, hai nạn nhân dâng vòng hoa cho Đức Thánh Cha và ngài đặt trước đài tưởng niệm. Tiếp đến, Đức Thánh Cha đốt một ngọn nến và thinh lặng cầu nguyện trước đài tưởng niệm.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Mở đầu bài diễn văn Đức Thánh Cha nói: “Nơi này khiến chúng ta nhận thức hơn về nỗi đau và sự kinh hoàng mà những con người chúng ta có thể gây cho nhau. Cây Thánh giá bị bỏ bom và tượng Đức Mẹ, mới được tìm thấy tại nhà thờ chính tòa Nagasaki, một lần nữa nhắc chúng ta về nỗi kinh hoàng không thể nói được mà các nạn nhân và gia đình phải chịu trên da thịt của họ.”

Ước vọng về thế giới phi hạt nhân

Một thế giới phi hạt nhân là khát vọng của hàng triệu người nam nữ ở khắp mọi nơi. Đức Thánh Cha khẳng định rằng vũ khí hạt nhân và vũ khí hủy diệt hàng loạt không phải là giải pháp đáp lại khao khát bình an và an ninh của con người. Đó là sự an ninh sai lầm xuất phát từ sự sợ hãi và thiếu tin tưởng; nó chỉ hủy hoại các mối quan hệ giữa các dân tộc và ngăn cản mọi hình thức đối thoại. Đức Thánh Cha nói: “Hòa bình và sự ổn định quốc tế chỉ có thể đạt được trên nền tảng của một đạo đức liên đới và cộng tác toàn cầu, để phục vụ cho một tương lai được định hình bởi sự phụ thuộc lẫn nhau và chia sẻ trách nhiệm trong toàn bộ gia đình nhân loại hiện tạ và tương lai.”

Sự lãng phí các nguồn lực

Đức Thánh Cha tái khẳng định rằng cuộc đua vũ trang lãng phí các nguồn tài nguyên quý giá, những thứ có thể được sử dụng tốt hơn để mang lại lợi ích cho sự phát triển toàn diện của các dân tộc và bảo vệ môi trường tự nhiên. Ngài nói: “Trong một thế giới nơi hàng triệu trẻ em và gia đình sống trong điều kiện không xứng  với con người, số tiền bị lãng phí và cơ hội được tạo ra thông qua việc sản xuất, nâng cấp, bảo trì và bán vũ khí hủy diệt hơn bao giờ hết, là một tiếng kêu thấu đến trời.”

Để xây dựng thế giới hòa bình, phi hạt nhân, Đức Thánh Cha nhắc rằng cần có sự cộng tác của mọi thành phần và mọi quốc gia. Để đáp trả lại sự đe dọa của vũ khí hạt nhân, chúng ta phải phối hợp và lấy cảm hứng từ nỗ lực liên tục để xây dựng niềm tin lẫn nhau và do đó vượt qua được tình trạng mất lòng tin hiện nay.

Sự dấn thân của Giáo hội

Đức Thánh Cha khẳng định sự dấn thân của Giáo hội  trong việc thăng tiến hòa bình giữa các dân tộc và các quốc gia, vì “đây là một nghĩa vụ mà Giáo hội cảm thấy mình có trọng trách trước mặt Chúa và mọi người nam nữ trên thế giới.” Đức Thánh Cha nói: “Ước mong rằng lời cầu nguyện, việc hoạt động không mệt mỏi để ủng hộ các thỏa thuận và không ngừng đối thoại là những vũ khí mạnh nhất mà chúng ta đặt niềm tin và cũng là nguồn cảm hứng cho những nỗ lực xây dựng một thế giới công bằng và liên đới, có thể mang lại sự đảm bảo cho hòa bình.”

Một thách đố cho mọi người

Đức Thánh Cha tin rằng một thế giới không có vũ khí hạt nhân là điều có thể và cần thiết. Cần suy nghĩ về ảnh hưởng tàn khốc của nó và và từ chối gia tăng bầu khí sợ hãi, ngờ vực và thù địch được thúc đẩy bởi các học thuyết hạt nhân. Và Đức Thánh Cha nói rằng nghĩa vụ kiến tạo các công cụ để đảm bảo sự tin tưởng và phát triển hỗ tương là một trong những mối quan tâm và thách thức đối với mỗi chúng ta.

Cuối cùng Đức Thánh Cha mời mọi người cùng cầu nguyện mỗi ngày “cho sự hoán cải con tim và cho sự chiến thắng của nền văn hóa sự sống, hòa giải và huynh đệ. Một tình huynh đệ có thể nhận biết và tôn trọng sự đa dạng trong cuộc tìm kiếm vận mệnh chung.

Đức Thánh Cha kết thúc bằng lời cầu nguyện cho hòa bình của thánh Phanxicô:

Lạy Chúa xin dùng con như khí cụ bình an của Chúa:

Để con đem yêu thương vào nơi oán thù,

Đem thứ tha vào nơi lăng nhục,

Đem tin kính vào nơi nghi nan,

Chiếu trông cậy vào nơi thất vọng.

Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm,

Đem nguồn vui đến chốn u sầu.

Đức Thánh Cha nói: “Tại nơi tưởng niệm đáng nhớ này, nơi khuấy động sự thờ ơ của chúng ta, sẽ ý nghĩa hơn khi chúng ta hướng về Chúa với niềm tin tưởng, xin Ngài dạy chúng ta trở thành khí cụ hiệu quả của hòa bình và nỗ lực hết mình để không lặp lại sai lầm của quá khứ.”

2. ĐTC gặp các Giám mục Nhật Bản

Chiều thứ bảy, vào lúc 18 giờ 30’, tại Tòa Khâm Sứ, ĐTC Phanxicô có buổi nói chuyện với các Giám mục Nhật Bản. Đây là hoạt động đầu tiên của ĐTC trong chuyến tông du. Nội dung bài huấn dụ của ĐTC xoay quanh các chủ đề: Tình cảm cá nhân của ĐTC đối với Nhật Bản; khẩu hiệu cuộc viếng thăm “Bảo vệ mọi sự sống”; những vấn đề của xã hội Nhật và sứ vụ của các Giám mục.

1574511309810.JPG

Tòa Khâm sứ của Tokyo nằm ở quận Chiyoda, thủ đô Nhật Bản. Trong cùng một khu vực có nhiều văn phòng thương mại và ngoại giao. Tòa nhà được xây theo kiểu hiện đại và có một công viên lớn bao quanh tòa nhà.

1574502877914.jpg

Hội đồng Giám mục Nhật Bản gồm các Giám mục của 3 Tổng Giáo phận và 13 Giáo phận; được thành lập vào năm 1941 như “tổ chức Công giáo Nhật Bản”; năm 1945 đã trở thành “Liên đoàn Công giáo Liên giáo phận” và sau đó, vào năm 1952 chính thức với tên gọi “Hội đồng Giám mục Nhật Bản”. Chủ tịch của HĐGM là Đức cha Joseph Mitsuaki Takami, Tổng Giám mục Nagasaki.
Khi tới nơi, vào lúc 18giờ 30, ĐTC được một nhóm 200 tín hữu đón tiếp. Tại đây, sau lời chào ngắn của Đức cha, Chủ tịch HĐGM, ĐTC có bài diễn văn dành cho các Giám mục.

1574502914482.jpg

Tình cảm cá nhân đối với Nhật Bản

Trước hết, ĐTC nói về tình cảm cá nhân của ngài đối với Nhật Bản. ĐTC cho biết khi còn trẻ, ngài đã nghe nói nhiều về vùng đất này và đem lòng yêu mến: “Ước muốn ra đi truyền giáo luôn ấp ủ trong tôi, chỉ đợi ngày thực hiện.Và hôm nay Chúa đã cho tôi cơ hội ở giữa anh em như một người hành hương truyền giáo theo bước chân của các vị truyền giáo vĩ đại”. ĐTC nhắc đến Thánh Phanxicô Xavier, cách đây 470 năm đã tới đây, đánh dấu sự khởi đầu công cuộc loan báo Tin Mừng; tiếp đến, thánh Phaolô Miki cùng các bạn tử đạo và Chân phước Justo Takayama Ukon. Chính việc dâng hiến của các thánh đã làm cho đức tin của các tín hữu kiên vững, giúp cộng đoàn Kitô giáo nhỏ bé phát triển, củng cố và sinh hoa trái. Điều này được minh chứng rõ nhất nơi các “Kitô hữu hầm trú” ở khu vực Nagasaki, những người đã giữ đức tin qua nhiều thế hệ chỉ nhờ Bí tích Rửa tội, cầu nguyện và giáo lý.

1574511259544.jpg

Khẩu hiệu cuộc viếng thăm “Bảo vệ mọi sự sống”

ĐTC nhắc đến khẩu hiệu của chuyến tông du: “‘Bảo vệ mọi sự sống’, khẩu hiệu này cũng có thể tượng trưng cho thừa tác vụ giám mục của chúng ta. Từ dân của mình, Giám mục được Chúa kêu gọi, và rồi để được trao lại cho dân chúng một mục tử có khả năng bảo vệ mọi sự sống”.

ĐTC giải thích thêm: “Bảo vệ mọi sự sống có nghĩa là, trước hết, có một ánh mắt chiêm nghiệm, có khả năng yêu thương cuộc sống của tất cả những người được giao phó cho anh em, để nhận ra, trước hết đó là một món quà của Chúa. Bảo vệ mọi sự sống và loan báo Tin Mừng không phải là hai điều riêng biệt hay đối lập nhau”.

Sứ vụ loan báo Tin Mừng

“Chúng ta biết rằng ở Nhật Bản, Giáo hội rất nhỏ bé và người Công giáo chỉ là thiểu số, nhưng điều này không làm giảm lòng nhiệt thành dấn thân truyền giáo của anh em. Lòng hiếu khách và quan tâm mà anh em đã có đối với nhiều công nhân nước ngoài, không chỉ như một việc làm chứng của Tin Mừng trong xã hội Nhật Bản, mà còn minh chứng cho tính phổ quát của Giáo hội, tỏ cho thấy rằng sự hợp nhất của chúng ta với Chúa Kitô, Đấng mạnh hơn bất kỳ sự ràng buộc hay bản sắc nào khác và có thể đạt được”.

“Vì thế, tôi khuyến khích anh em luôn nỗ lực, làm cho cộng đoàn Công giáo ở Nhật Bản biết làm chứng cho Tin Mừng giữa lòng xã hội. Hoạt động tông đồ giáo dục của Giáo hội Nhật được đánh giá cao, đại diện cho một nguồn lực lớn công cuộc truyền giáo và thể hiện sự cam kết với các dòng chảy trí tuệ và văn hóa rộng lớn”.

Những vấn nạn trong xã hội

Đề cập đến thực trạng xã hội Nhật, ĐTC nói: “Chúng ta biết, thực tế có một số tai họa đang đe dọa cuộc sống của một số người trong cộng đoàn anh em; do bị cô đơn, tuyệt vọng. Việc gia tăng số vụ tự tử tại các thành phố, đang tạo ra các loại tâm bệnh và mất định hướng tâm linh mới. Những điều này, trước tiên ảnh hưởng đến những người trẻ! Xin anh em chú ý đặc biệt đến họ và nhu cầu của họ, cố gắng tạo ra những không gian, trong đó văn hóa hiệu quả và thành công có thể mở ra văn hóa của một tình yêu tự do và vị tha; có thể cung cấp cho mọi người khả năng có một cuộc sống hạnh phúc và thành công. Với lòng nhiệt thành, những ý tưởng và năng lượng mà anh em có thể trao ban, cũng như với việc đào tạo và sự đồng hành tốt, những người trẻ của anh em có thể là một nguồn hy vọng quan trọng cho các đồng nghiệp của họ và làm chứng sống bác ái Kitô”.

“Tôi biết lúa chính thì nhiều mà thợ thì ít, vì vậy tôi khuyến khích anh em tìm kiếm, nuôi dưỡng và phát triển một sứ vụ có khả năng liên quan đến các gia đình và thúc đẩy một việc đào tạo có khả năng tiếp cận mọi người ở nơi họ sống: điểm khởi đầu cho mọi hoạt động tông đồ đến từ nơi mọi người tìm thấy chính họ, với thói quen và nghề nghiệp của họ. Ở đó, chúng ta phải đạt đến linh hồn của các thành phố, nơi làm việc, của các trường đại học để đồng hành với các tín hữu được giao phó cho chúng ta với Tin Mừng về lòng trắc ẩn và lòng thương xót”.

Sau buổi nói chuyện với HĐGM Nhật Bản, ĐTC dùng cơm tối với các Giám mục cũng tại Tòa Khâm Sứ.

1. Đức Thánh Cha đã đến Tokyo trong một buổi chiều mưa gió

Như chúng tôi đã đưa tin lúc 9g sáng Thứ Bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2019, đã có nghi thức từ biệt tại Terminal 2 của sân bay Bangkok và lúc 9:30 máy bay đã cất cánh đưa ngài sang Tokyo.

Sau 6 giờ 10 phút bay, lúc 17:40, Đức Thánh Cha đã đến sân bay Haneda của thủ đô Tokyo. Sân bay này được kể là gần nhất nhưng cũng cách trung tâm thành phố Tokyo đến 29km. Một sân bây quốc tế khác của thủ đô Tokyo là Narita nằm cách trung tâm thành phố Tokyo đến 71km.

Đức Thánh Cha đã đến nơi trong một buổi chiều mưa gió. Trước khi ngài đến đã có mưa lớn, nhiệt độ xuống thấp đến 14oC, gió mạnh thổi từ phía Bắc giật từng cơn lên đến 39km một giờ.

Khi Đức Thánh Cha đến nơi mưa tạnh được một lúc. Dự báo thời tiết cho biết buổi tối sẽ có mưa lớn.

Các quan chức Nhật Bản ra tận chân thang máy bay để đón Đức Thánh Cha. Có khoảng 20 Giám Mục ra đón Đức Thánh Cha. Đức Tổng Giám Mục Mitsuaki Takami, Tổng Giám Mục Nagasaki, và là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Nhật Bản đã thay mặt cho 29 Giám Mục nước này chào mừng Đức Thánh Cha.

Vì gió lớn nên các lễ nghi được diễn ra bên trong phòng khánh tiết của sân bay.

Với chuyến tông du này, Đức Thánh Cha đã đạt được nguyện vọng từ lâu của ngài là đến miền đất mặt trời mọc này để truyền giáo. Cũng với chuyến tông du này ngài đã trở thành vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm Nhật Bản.

Vị tiền nhiệm của ngài, là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đã đến đây 38 năm trước, cụ thể là vào năm 1981; và để lại những dấu ấn lâu dài cho Giáo Hội Công Giáo địa phương.

Chuyến thăm đó đã giúp người dân Nhật Bản đánh giá cao vai trò của Giáo hội trong xã hội. Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã đến thăm Hiroshima, Nagasaki và cả Tokyo Dome lẫn Đại học Sophia trong chuyến thăm lịch sử của ngài.

Như thế, sau 38 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng có một hành trình phản ánh chặt chẽ chuyến viếng thăm của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Ngài sẽ đến Nagasaki và Hiroshima vào ngày Chúa Nhật, và dành ngày thứ Hai và thứ Ba tại Tokyo, nơi ngài sẽ đến thăm cùng một trường đại học do Dòng Tên điều hành và cử hành Thánh lễ tại Tokyo Dome.

Căn cứ trên các nhận định của các phương tiện truyền thông Nhật Bản, hầu hết người Công Giáo tại Nhật đều chắc chắn rằng chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ có tác động lâu dài đến cả đất nước và Giáo hội địa phương.

Nếu như tại Thái Lan, người đảm trách phiên dịch cho ngài là người em gái họ của ngài, sơ Ana Rosa Sivori, thì tại Nhật Bản, người phụ trách công việc này là cha Renzo De Luca, một linh mục dòng Tên, từng là học trò của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Nhật Bản là một đảo quốc nằm trên Thái Bình Dương, ở vùng Đông Á gồm khoảng 6,852 đảo, chủ yếu nằm trong khu vực ôn đới với bốn mùa rõ rệt, nhưng có khí hậu khác biệt dọc theo chiều dài đất nước. Năm hòn đảo chính yếu là Honshu, Hokkaido, Kyushu, Shikoku và Okinawa, chiếm khoảng 97% diện tích đất liền của nước này, nhưng phần nhiều chỉ là rừng và núi với nguồn tài nguyên khoáng sản rất hạn chế.

Với tổng diện tích 377,915 km2, Nhật Bản đứng thứ 63 trên thế giới về mặt diện tích. Dân số khoảng là 127,700,000 người, xếp thứ 10 trên thế giới.

Người Nhật chiếm khoảng 98.1% tổng dân số. Năm 2015, viện Gallup hợp tác với tổ hợp thăm dò dư luận WIN đã phỏng vấn 64,000 người trên thế giới về quan điểm tôn giáo và việc thực hành niềm tin tôn giáo của họ. Kết luận được đưa ra cho thấy Thái Lan, nơi Phật Giáo chiếm đa số; và Armenia nơi Kitô Giáo chiếm đa số là hai quốc gia sùng đạo nhất. Trong khi đó, Trung Quốc, Hương Cảng, Nhật Bản là những nước có tỷ lệ cao nhất những người xưng mình là vô thần.

Xét về chỉ số thu nhập quốc dân GDP, quốc gia này có nền kinh tế đứng hạng ba thế giới và đứng hạng tư hành tinh cả về kim ngạch nhập khẩu lẫn xuất khẩu. Mặc dù không có quyền tuyên chiến, Nhật Bản có một lực lượng quân đội hiện đại với ngân sách cao thứ tám thế giới. Nhật Bản là một nước phát triển với mức sống và chỉ số phát triển nhân văn rất cao, trong đó người dân được hưởng tuổi thọ cao nhất thế giới, đứng hạng ba trong số những quốc gia có tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh thấp nhất thế giới, và vinh dự có số người đoạt giải Nobel nhiều nhất Á châu.

Sau lễ nghi chào đón chính thức tại đây, Đức Thánh Cha đã về Tòa Sứ Thần Tòa Thánh tại Tokyo để gặp gỡ các Giám Mục nước này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *