Trực Tuyến: Thánh Lễ Hành Hương Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu Của Giáo Hạt Trà Kiệu

 

“Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu” (01/01 – 11/9/2020), Mùa Ân Phúc Cho Dân Chúa

Kể từ ngày đầu năm dương lịch, 01/01/2020 (lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và là ngày thế giới cầu nguyện cho hòa bình), toàn thể cộng đồng dân Chúa giáo phận Đà Nẵng được mời gọi bước vào một thời gian ân phúc của Năm Thánh tôn vinh Đức Mẹ Trà Kiệu với tước hiệu “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu”, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa và nhờ Mẹ,  cùng với Mẹ đến với Thiên Chúa quyền năng và yêu thương muốn cho nhân loại để được thông dự vinh quang của Thiên Chúa và hạnh phúc Nước Trời trong cuộc hành trình trần thế này.

Cùng ôn lại một chặng đường lịch sử gian truân của hành trình và làm chứng tá đức tin nơi cộng đồng dân Chúa giáo phận Đà Nẵng được Mẹ Maria từ ái chở che, hộ phù và dẫn hướng.

Ngày 11/9/1885 được đặc biệt ghi nhớ trong lịch sử Giáo hội Việt Nam nói chung và cộng đồng dân Chúa giáo phận Đà Nẵng cách riêng vì một biến cố thánh thiêng đã xảy ra tại TRÀ KIỆU, một xứ đạo toàn tòng và cố cựu của vùng Trung Trung bộ Việt Nam trong bối cảnh khủng hoảng và thử thách kinh hoàng về đức tin và đời sống Đạo vào thời kỳ khởi đầu của công cuộc Truyền giáo tại Việt Nam. Lịch sử của linh địa Trà Kiệu đã ghi lại: “Trong những ngày 10-11/9/1885, quân Văn Thân liên tục nả đạn thần công vào nhà thờ và nhà xứ (Trà Kiệu) từ sáng đến tối, không chút nào ngơi; và ‘sự lạ’ đã xảy ra: Đức Mẹ hiện ra trên nóc nhà thờ Giáo xứ…”

Cho đến nay, 135 năm đã trôi qua với biết bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử và cuộc sống dân Chúa, nhưng phép lạ Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu để cứu giúp giáo dân trong cơn lâm lụy vẫn tiếp tục được tin tưởng và khắc ghi không chỉ trong tâm trí mà còn trong chính đời sống cộng đồng đức tin, trong mọi cử hành phụng tự, nơi các công trình xây dựng để hình thành, duy trì và phát triển thành một danh xưng trang trọng ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU và một cơ ngơi là TRUNG TÂM THÁNH MẪU TRÀ KIỆU để tạ ơn Thiên Chúa và tôn vinh Mẹ Maria “Phù hộ các giáo hữu”.

Nhân dịp kỷ niệm 135 năm phép lạ Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu, Bản quyền Giáo phận Đà Nẵng đã thỉnh cầu với Đức Thánh Cha Phanxicô, qua Tòa Ân Giải Tối Cao của Hội Thánh Công Giáo để xin mở một NĂM THÁNH hồng ân cho cộng đồng dân Chúa giáo phận Đà Nẵng và mọi tín hữu thành tâm tôn vinh Mẹ Maria với tên gọi là NĂM THÁNH ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU.

Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, giám mục giáo phận Đà Nẵng đã phát hành một văn thư đặc biệt vào ngày 15/11/2019 (dịp Áp lễ Chúa Nhật kính trọng thể Các Thánh Tử Đạo Việt Nam) để CÔNG BỐ NĂM THÁNH ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU. Thư Công bố Năm Thánh đã nhấn mạnh rằng: “Chính vì thế, để tạ ơn Thiên Chúa và tôn vinh Mẹ Maria, cũng như để dân Chúa được hưởng những ơn ích thiêng liêng nhân dịp kỷ niệm 135 năm Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu (1885-2020), Giáo phận Đà Nẵng đã xin Tòa Ân Giải Tối Cao cho phép mở Năm Thánh và đã được chấp thuận. Với thư này, tôi chính thức công bố Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu tại giáo phận Đà Nẵng, bắt đầu từ ngày 01/01/2020 (Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa) đến ngày 11/9/2020 (ngày kỷ niệm Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu)”

Một ban Năm Thánh được thành lập với sự tham gia của nhiều thành viên thuộc các ủy ban mục vụ của Giáo phận đã tích cực làm việc để đệ trình Đức Giám mục Giáo phận và phát hành cho toàn thể dân Chúa “CẨM NANG CỬ HÀNH NĂM THÁNH ĐỨC MẸ TRÀ KIỆU” với nội dung trình bày những chi tiết cụ thể về (A) Tổng quát về Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu cùng các tài liệu liên quan đến Năm Thánh và lịch sử biến cố Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu; (B) Những tài liệu văn bản hướng dẫn, học hỏi và cử hành nghi thức, phụng vụ sử dụng trong các cuộc hành hương; (C) Lịch cử hành Năm Thánh cho toàn giáo phận; (D) Bản phân nhiệm cụ thể.

Các tài liệu đính kèm (Tài liệu học hỏi Năm Thánh Đức Mẹ Trà Kiệu, Cầu nguyện cùng Mẹ Trà Kiệu và bản Lược sử Đức Mẹ Trà Kiệu)

hỗ trợ cho việc học hỏi và tổ chức các  cử hành phụng vụ khi hành hương hoặc tôn vinh Đức Mẹ Trà Kiệu tại các cộng đoàn,  giáo xứ / giáo họ ) được phát hành cho cộng đồng dân Chúa. Đặc biệt, có 3 đại lễ cấp giáo phận được cử hành trọng thể tại linh địa Trà Kiệu là:

1/ Thánh lễ Khai mạc Năm Thánh dịp đầu năm dương lịch kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa (01/01/2020)

2/ Thánh lễ dịp đại hội Thánh Mẫu Trà Kiệu hằng năm (29-30/5/2020)

3/ Thánh lễ Bế Mạc Năm Thánh dịp kỷ niệm 135 năm Đức Mẹ hiện ra (11/9/2020)

Ngoài 3 thánh lễ (cấp Giáo phận) là điểm nhấn của Năm Thánh, 29 cuộcHành Hương về linh địa tôn vinh Đức Mẹ Trà Kiệu trong suốt Năm Thánh cũng được sắp xếp cho các Hội Đoàn, các Giới, các Ban Ngành, các Giáo hạt, v.v …; đồng thời cũng khuyến khích các cá nhân, các nhóm tổ chức các cuộc hành hương về với Mẹ Trà Kiệu trong suốt Năm Thánh.

Thêm vào đó, các hoạt động phù trợ làm phong phú Năm Thánh cũng được đề nghị tổ chức: các cuộc thánh du của Tượng Đức Mẹ Trà Kiệu đến các giáo xứ, giáo họ và cộng đoàn; chương trình sáng tác nghệ thuật với đề tài về Đức Mẹ Trà Kiệu cũng được ban Văn hóa Giáo phận tổ chức cho mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài Giáo phận tham gia bày tỏ lòng tôn kính, mến yêu Đức Mẹ Trà Kiệu; và 1 cuộc hội thảo chuyên đề về Đức Mẹ Trà Kiệu (Thánh Mẫu học) đặc biệt trong Năm Thánh.

Để thuận tiện cho công cuộc mục vụ truyền thông một trang mạng chính thức của Trung tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu (TTTM/TK) được thiết kế và khai trương với địa chỉ https://ttthanhmautrakieu.org tạo sự kết nối, tương tác của cộng đồng dân Chúa, khách hành hương và du khách với TTTM/TK.

Tạ ơn Thiên Chúa đã “đoái thương đến phận hèn tôi tớ Người” là Mẹ Maria từ ái, và nhờ Mẹ, toàn thể nhân loại và đoàn con cái Chúa giáo phận Đà Nẵng được sống và thăng tiến trong ân phúc và bình an của Thiên Chúa.

Nhờ Đức Mẹ Trà Kiệu “phù hộ các giáo hữu”, cùng hợp ý, chung sức, đồng lòng tiến bước trên con đường thánh hóa bản thân và loan báo Tin Mừng tình thương và sự sống đến với muôn người trên quê hương Quảng Nam-Đà Nẵng và Việt Nam thân yêu của chúng ta!

Ban MVTT/GP Đà Nẵng

Biến Cố Đức Mẹ Hiện Ra Tại Trà Kiệu

Năm Ất Dậu (1885), sau khi vua Hàm Nghi bỏ kinh thành chạy ra Quảng Trị, thì hịch Cần Vương của Tôn Thất Thuyết được ban bố. Phong trào Văn Thân nổi dậy hầu hết tại các tỉnh miền Trung cũng như ngoài Bắc. Khẩu hiệu “Bình Tây Sát Tả” được thi hành triệt để. Hơn hai thế kỷ hiện diện tại Việt Nam, kể từ ngày (26/7/1644) Thầy Giảng Anrê Phú Yên bị trảm quyết tại Phước Kiều, Quảng Nam, Giáo hội Việt Nam đã phải chịu bao sóng gió qua các thời kỳ cầm cố, nhưng không có năm nào “máu con nhà có đạo” lại chảy ra nhiều như năm Ất Dậu 1885. Người ta ước tính có trên 30.000 giáo dân bị sát hại.

Chung số phận chịu bắt bớ và gian khổ với tín hữu Công giáo khắp đất nước, tại Quảng Nam thuộc giáo hội Đàng Trong, có 2 xứ đạo tập trung đông giáo dân nhất vùng Quảng Nam là Trà Kiệu và Phú Thượng đã bị Văn Thân bao vây và tấn công tàn khốc. Sáng ngày 01/9/1885, đoàn quân Văn Thân kéo đến bao vây giáo xứ Trà Kiệu. Họ chiếm cứ hai ngọn đồi là Kim Sơn (Hòn Bằng) và Bửu Châu (Non Trược) để khống chế toàn giáo xứ. Quân số Văn Thân khoảng 8.000 đến 10.000 người và được trang bị vũ khí đầy đủ, tối tân nhất thời đó như đại bác thần công và voi chiến dưới sự chỉ huy của các vị tướng thiện nghệ, như cựu đô đốc Chưởng Thủy Tý.

Về phía giáo dân, để tự vệ và chống trả, chỉ có 350 nam nhân tuổi từ 16 đến 60 và vài trăm phụ nữ với vũ khí thô sơ tự chế.

Ban đầu giáo dân Trà Kiệu khiếp sợ muốn đầu hàng. Họ chạy đến nhà thờ xin Cha sở, là Cố Nhơn (Bruyère) giải tội lòng lành và cam lòng chờ chết! Riêng Cha sở, Ngài chỉ biết khuyên giáo dân trông cậy vào Chúa và Mẹ Maria; Ngài đã lập một bàn thờ Đức Mẹ ngay giữa nhà xứ để giáo dân cùng tụ họp đọc kinh cầu nguyện.

Thế  nhưng trong giáo xứ, có ông Trương Phổ là người gan dạ, ông kêu gọi mọi người cầm khí giới ra chống lại đối phương và chính ông đi đầu để kháng cự những đợt tấn công của quân Văn Thân. Bên Công giáo tuy quân số ít ỏi, vũ khí thô sơ nhưng lần nào giáp chiến cũng thắng.

Môt vài niên biểu về diễn tiến các cuộc tấn công của Văn Thân và phản công của tín hữu Công giáo Trà Kiệu.

* Ngày 01/9/1885: Văn Thân bao vây giáo xứ

* Ngày 02 & 03/9/1885: Hai bên chuẩn bị và củng cố phòng tuyến.

* Ngày 04/9/1885: Văn Thân tấn công hai trận. Một vào buổi sáng, một vào buổi chiều – nhưng đều thất bại và bị đẩy lui.

* Ngày 05 và 06/9/1885: Văn Thân đắp thêm phòng lũy vây chặt giáo xứ nhằm mục đích khống chế: “Nội bất xuất, ngoại bất nhập”.

* Ngày 07/9/1885: Tín hữu Công giáo phản công mặt trận phía Bắc. Văn Thân bị vướng hàng rào của chính họ, nên bị thua lớn.

* Ngày 08/9/1885: Văn Thân tấn công phía Nam và phía Tây. Đội phụ nữ Công giáo tham chiến và dành chiến thắng.

* Ngày 09/9/1885: Văn Thân củng cố hàng ngũ. Họ quyết tâm tiêu diệt gọn mục tiêu nên đã về Tỉnh kéo đại pháo lên đặt trên hai ngọn đồi Kim Sơn và Bửu Châu.

Ngày 10/9/1885: Văn Thân nả đạn thần công vào nhà thờ và nhà xứ liên tục cả ngày từ sáng tới tối, không chút nào ngơi. Và sự lạ đã xảy ra: Đức Mẹ hiện ra trên nóc nhà thờ giáo xứ.

Ngày 11/9/1885: Văn Thân tiếp tục bắn súng thần công và sự lạ tiếp tục xuất hiện:  Đức Mẹ hiện ra đứng trên nóc nhà thờ. Quân sĩ Văn Thân đồng thời tấn công mặt trận Phước Viện. Các Dì Phước cũng phải tham chiến và giành thắng lợi.

* Ngày 12/9/1885: Đội cảm tử Công giáo tấn công đồi Kim Sơn (Hòn Bằng) – chiến thắng, chiếm lại đồi Kim Sơn.

* Ngày 13/9/1885: Văn Thân khép chặt hàng rào vây hãm giáo xứ Trà Kiệu.

* Ngày 14/9/1885: Văn Thân tổ chức tấn công ồ ạt mặt trận phía Nam do cựu đô đốc Chưởng Thủy Tý cầm đầu, quân Công giáo nghinh chiến phản công thắng lợi và đô đốc Chưởng Thủy Tý bị chém đầu.

* Ngày 15/9/1885: Văn Thân pháo đạn ria, không gây tổn thất gì.

* Ngày 16/9/1885: Văn Thân dùng hỏa công mở mặt trận phía Đông, nhưng vẫn bị đội dân binh Công giáo phản công. Quân Văn Thân tháo chạy.

* Ngày 17/9/1885: Văn Thân bao vây nhưng không tấn công.

* Ngày 18/9/1885: Văn Thân tấn công với chiến thuật dùng những bó chà gai để “bổ xuống búi tóc người Công giáo”, nhưng thất bại.

* Ngày 19 và 20/9/1885: Văn Thân án cư bất động, vì hàng ngũ mất tinh thần, quân sĩ đào ngũ nhiều.

* Ngày 21/9/1885: Nắm bắt thế trận thuận lợi, nhất là vì tình hình trở nên bức thiết khi giáo xứ bắt đầu thiếu hụt lương thực, bên Công giáo tấn công đồi Bửu Châu và đồng loạt tấn công mặt trận phía Bắc với “Thiên binh thần nhi tham chiến”. Những con voi chiến của Văn Thân bị sức mạnh vô hình trói chân, tiến không được mà chỉ lùi. Quân Văn Thân hoảng hốt tháo chạy, vất lại vô vàn vô số lương thực và khí giới. Giáo xứ thoát nạn và hoàn toàn được giải vây.

Sau đó, quân Văn Thân còn 2 lần tiến đánh Trà Kiệu vào ngày 23/9/1885 và 20/4/1886 nhưng sớm tan rã.

Sự sống còn của một giáo xứ trước một đạo quân đông gấp bội, được trang bị hùng hậu với quyết tâm san bằng giáo xứ, đã minh chứng rằng: Nếu không có ơn trợ lực linh thiêng của Thiên Chúa và Mẹ Maria thì làm sao Trà Kiệu thoát khỏi sự hủy diệt? Đặc biệt là các biến cố xảy ra trong những ngày 9, 10 & 11 tháng 9…

Thực vậy, sau 10 ngày cố tâm đánh chiếm Trà Kiệu không thành công, ngày 09/9/1885, quân Văn Thân quyết định về tỉnh đem thêm súng thần công lớn nhằm tăng cường hỏa lực từ xa. Các khẩu thần công này được đặt ở lưng chừng đồi Kim Sơn (Hòn Bằng), cách nhà thờ, nhà xứ khoảng non 100 mét, và giao cho một cựu sĩ quan thiện xạ điều khiển.

Ngày 10/9/1885, họ bắt đầu bắn đại pháo ồ ạt xuống nhà thờ, nhà xứ. Những trận đại pháo khủng khiếp nổ vang dội cả tỉnh.

Sang ngày 11/9/1885, họ càng quyết tâm bắn phá dữ dội hơn.

Tại phía nam Cửa Hàn, trên một chiếc tàu chiến đậu “án binh bất động”, sĩ quan Pháp đã nghe thấy và đếm được khoảng 500 phát đại bác bắn vào Trà Kiệu trong một ngày.

Tại Phú Thượng, Cố Thiên và giáo dân khi nghe những tiếng nổ khủng khiếp liên tục, thì ai nấy đều nghĩ rằng: Trà Kiệu đã bị tàn phá bình địa.

Nhưng thật vô cùng lạ lùng, sau những trận mưa pháo, nhà thờ nhà xứ vẫn còn nguyên vẹn, chỉ có một quả đạn pháo rơi trúng phòng áo, nơi hoa thị nhỏ và vài quả đạn rơi vào nhà xứ, nhưng không gây thiệt hại gì.

Suốt hai ngày 10 & 11/9/1885, giáo dân Trà Kiệu và cả Cha quản xứ (Linh mục Bruyère Nhơn) đều nghe rất rõ ràng là quân lính Văn Thân ở trên đồi Kim Sơn không ngừng bàn cãi với nhau: “THẬT LẠ LÙNG, CÓ MỘT NGUỜI ÐÀN BÀ LUÔN ÐỨNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ. BÀ RẤT ÐẸP, MẶC ÁO TRẮNG, MÀ BẮN KHÔNG TRÚNG”.

Chính viên quan xạ thủ là một cựu binh rất rành sử dụng súng thần công, cũng đã thú nhận: “TÔI MUỐN NHẮM BẮN MỘT BÀ ÐẸP, MẶC ÐỒ TRẮNG. ÐỨNG TRÊN NÓC NHÀ THỜ. TẤT CẢ ĐỀU ÐI QUÁ CAO TRỪ CÓ MỘT QUẢ.”

Khi nghe họ nói với nhau như vậy, Cha sở và giáo dân Trà Kiệu tin là Ðức Mẹ đã hiện ra, đều cố nhìn lên nóc nhà thờ nhưng không ai nhìn thấy Ðức Mẹ. Dầu vậy, mọi người đều tin tưởng mãnh liệt rằng: Chính Đức Mẹ đã hiện ra và làm phép lạ tỏ tường để chở che cho giáo xứ Trà Kiệu.

Ngoài ra, một vài lần giáo dân Trà Kiệu còn nghe quân Văn Thân kêu lên với nhau: “Có một đạo quân Trẻ Em, mặc Áo Trắng và Đỏ từ trời cao xuống dọc theo các lũy tre và tiến lên như một đạo quân đánh giúp cho người Công giáo. Do đó, trận nào cũng chỉ sau vài phút giao tranh là họ hoảng sợ bỏ chạy.”

Cuộc bao vây tấn công kéo dài 21 ngày đêm, giáo xứ Trà Kiệu thiệt mất 15 người trong lúc trực chiến và 25 người do tạc đạn bên ngoài cuộc giao chiến.

Còn bên Văn Thân có khoảng hơn 300 người thiệt mạng. Giáo hữu thu được 3 khẩu đại bác, súng hiệp và giáo mác đủ trang bị thêm trong thời gian cố thủ, lấy nhiều kho đạn dược và một kho dự trữ gạo. Xác quân binh, sau khi họ rút lui, nằm ngổn ngang đầy đồng xung quanh Trà Kiệu và đã được giáo hữu chôn cất tử tế.

Trong thư Cố Nhơn (Bruyère) đệ trình về Tòa Giám mục Qui Nhơn, ngài đã thành thật quả quyết rằng: “Đối với con, thú thật là con không thấy được phép lạ, nhưng điều làm con tin chắc chắn đó là phép lạ và chỉ có phép lạ thôi, là nhà thờ, nhà xứ đã thoát khỏi sự tàn phá ghê gớm của đại pháo, chỉ đặt cách đó chục mét và bắn trực xạ vào nhà thờ, nhà xứ” (Compte rendu, Octobre 1886).

Có hai người được diễm phúc nhìn thấy Ðức Mẹ là bà Chỉnh và bà Nhã.

Bà Chỉnh làm dâu tộc Nguyễn Thanh, chồng là ông Nguyễn Thanh Chỉ, bố chồng là ông Nguyễn Thanh Đồng. Ông bà Chỉnh có hai con là Chương và Quỳ.

Bà Nhã là con ông Phạm Thơ, làm dâu tộc Lê Văn; chồng là ông Lê Văn Kiệm, bố chồng là ông Lê Văn Tá, anh chồng là ông Lê Văn Thẻ (tự Tiết).

Để bày tỏ lòng biết ơn, cũng như để cho con cháu muôn đời về sau nhớ đến Hồng Ân cao cả này của Đức Mẹ, Cha quản xứ và giáo dân Trà Kiệu đã trùng tu lại ngôi Thánh Ðường chính, nơi Đức Mẹ đã hiện ra.

Công trình bắt đầu thi công từ năm 1889. Đến cuối 1892, Ðức Cha Hân (Van Calmebecke) Giám mục địa phận Quy Nhơn ra chủ trì lễ Khánh thành. Đó là một Thánh đường nguy nga đồ sộ với hai tháp có chuông hai bên thật kiên cố, cung thánh cũng được trang hoàng công phu rực rỡ.

Ngôi Thánh đường hai tầng hiện nay do Cha Quản xứ Phêrô Lê Như Hảo tái thiết vào năm 1970.

Ngôi Thánh đường trên đỉnh đồi Bửu Châu (nơi mà giáo xứ đã giao chiến trận cuối cùng với Văn Thân và đã toàn thắng) được xây dựng vào năm 1898 (Mậu Tuất niên) dâng kính cách riêng cho Ðức Mẹ với tước hiệu là: “ĐỨC BÀ PHÙ HỘ CÁC GIÁO HỮU” (B.M. Auxilium Christianorum). Ngôi Thánh đường này (thường được gọi là Nhà thờ núi) lúc đầu được làm bằng gỗ, đến năm 1927 Cố Phú (Tardieu) cho xây lại bằng gạch, mái lợp ngói đất nung.

Đến năm 1963, Cha Phêrô Lê Như Hảo đã cho kiến thiết thành một ngôi đền nguy nga, kiên cố hơn theo đồ án thiết kế (được cho là) của vị Kiến trúc sư Công giáo tài danh Ngô Viết Thụ. Ngôi đền này có tháp dự kiến cao 27m, nhưng mới xây được 09m.  Năm 2016, khi toàn bộ phần mái Đền Mẹ có dấu hiệu xuống cấp và hư hại nặng, Cha Quản xứ đương nhiệm đã quyết định cho tu sửa và tiếp tục bổ sung phần chóp đỉnh để ngôi đền được hoàn thiện hơn như hiện nay.

Khi còn trực thuộc giáo phận Qui Nhơn, Trà Kiệu trở thành TRUNG TÂM THÁNH MẪU của Giáo phận; và một ĐẠI HỘI THÁNH MẪU đã được tổ chức trọng thể vào năm 1959 cho tín hữu toàn giáo phận.

Năm 1963, khi Giáo phận Đà Nẵng được chính thức thành lập (tách rời từ giáo phận Qui Nhơn) và Ðức Cố Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi được Tòa Thánh bổ nhiệm về làm Giám mục tiên khởi, ngài cũng đã chọn Trà Kiệu làm TRUNG TÂM THÁNH MẪU của Giáo phận Ðà Nẵng. Và trong Thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Mẫu tại Trà Kiệu vào ngày 31/5/1971, Đức Cố Giám mục P.M. Phạm Ngọc Chi đã long trọng tuyên bố: Trà Kiệu là TRUNG TÂM THÁNH MẪU của Giáo phận Ðà Nẵng.

Kể từ đó hằng năm, vào dịp lễ Đức Mẹ đi viếng bà Thánh Isave, ngày 30 và 31 tháng 5, con cái Mẹ lại tụ họp về Trà Kiệu để tôn vinh, cảm tạ và khấn cầu Mẹ Maria – vì nơi đây, những ai thành tâm chạy đến cùng Mẹ Nhân Lành vẫn thường được lãnh nhận nhiều phúc ân đặc biệt nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Trà Kiệu dấu yêu.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *