Truyền giáo ở Nhật Bản là đi cùng với dân chúng, “Kitô hữu trong tâm hồn”

Tokyo – “Ở Nhật Bản, hơn cả những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội, có những Kitô hữu trong tâm hồn”. Đây là cách hai nhà truyền giáo đến từ Guadalupe bình luận về sự dấn thân của họ trong vùng đất của Mặt trời mọc: một sứ vụ đòi hỏi sự kiên nhẫn và “đi giữa mọi người”.

Cha Ignacio Martinez, người phụ trách văn phòng công tác Xã hội của HĐGM Nhật nói: “Tin Mừng không phải là một lời dạy, mà là một lối sống. Và chúng ta cần phải làm điều đó ở giữa xã hội, xã hội thực sự. Đức tin của chúng ta không sống ở trên trời, chúng ta phải bắt đầu từ đây”.

Tương tự như lời chứng trên, cha Antonio Camacho, người lãnh trách nhiệm trên năm giáo xứ Kyoto nói: “Loan báo Tin Mừng không làm ‘nhiều thứ’, nhưng ở cùng với mọi người, đi cùng họ, mang ánh sáng cho họ. Nó không giống như ở châu Âu hay châu Mỹ, điều này xuất phát từ lịch sử, truyền thống và văn hóa của Nhật Bản khác với châu Âu và châu Mỹ. Nếu chúng ta muốn truyền giáo ở Nhật Bản, chúng ta phải biết và hiểu họ. Đây sẽ là những công cụ để truyền bá Tin Mừng ở Nhật Bản. Đó là một hành trình dài, cần nhiều năm”.

Cha Camacho tiếp tục: “Các linh mục khác trước tôi, các đấng truyền bá Tin Mừng, mà không biết liệu họ có thành công hay không chạm vào tâm hồn của người dân. Bây giờ tôi cử hành bí tích Rửa tôi cho họ. Có thể mất hai mươi, ba mươi năm, chỉ có Chúa mới biết. Chúng ta cần phải ở với mọi người, không phải là những nhà giảng dạy, mà như là một phần của cộng đồng. Đối với tôi, ở Nhật Bản ba điều cần thiết là: thứ nhất là kiên nhẫn, thứ hai là kiên nhẫn và thứ ba là kiên nhẫn”.

Đối với cha Martinez, “một trong những niềm vui của tôi, một nhà truyền giáo là đi theo con đường của một người muốn trở thành người Kitô hữu. Ở phía trược họ có một cuộc hành trình để tìm Chúa Kitô, để hiểu Giáo hội là gì, đức tin Kitô giáo. Không chỉ là một sự dạy dỗ thần học, mà là một kinh nghiệm về sự gặp gỡ với Đấng Kitô. Để trở thành Kitô hữu, họ phải thay đổi cách sống, suy nghĩ và quan sát xã hội”. Ở một đất nước nơi Kitô hữu – Công giáo và Tin Lành – chiếm khoảng 1% dân số, không dễ hoán cải, bởi vì xãy ra xung đột với sự phán xét của gia đình và xã hội. Nhà truyền giáo nhận xét: “Tuy nhiên, một điều rất đẹp đó là khi tôi quan sát họ lần đầu tiên đọc Tin Mừng và họ nói: “Trong nhiều năm, tôi đã tìm kiếm điều này”.

Ở Nhật Bản, theo cả hai linh mục, Kinh Thánh là một “cuốn sách bán chạy nhất”. Nhưng có một sự khác biệt giữa “đọc” và “sống” Tin Mừng. Vì lý do này, tất cả các nhà thờ mở các nhóm nghiên cứu Kinh Thánh cho những người muốn biết thêm về cuộc đời của Chúa Giêsu và đức tin Kitô giáo.

Cha Martinez nói: “Có rất nhiều người ở Nhật Bản đã mở lòng với Chúa. Những người là Kitô hữu trong cách sống, trong cách họ giúp đỡ người khác. Những người rất tốt, những người có giá trị Kitô giáo ngay cả khi họ không phải là kitô hữu.  Giáo hội mở cửa cho tất cả mọi người. Đó là sứ vụ của chúng tôi: không phải lãnh nhận bí tích Rửa tội, mà là truyền bá Tin Mừng. Công việc của chúng tôi ở đây là dấu chỉ cho tình yêu của Chúa. Họ sẽ không trở thành Kitô hữu vì những người truyền giáo, nhưng bởi vì họ đã gặp được tình yêu của Chúa”.

Đối với cha Camacho, truyền giáo ở Nhật Bản là quan trọng, vì đức tin của các Kitô hữu Nhật Bản được diễn tả: “Có lẽ chúng tôi không nhảy múa trong Thánh lễ như người châu Phi, chúng tôi không hát những bài hát như người châu Âu, nhưng trái tim chúng tôi nhảy múa với Lời của Chúa”.

Cha Camacho  kết luận: “Ở Nhật Bản, mọi người rất trầm lặng, nhưng trái tim họ tràn đầy niềm vui. Tôi muốn các linh mục trẻ đến Nhật Bản. Tôi biết rằng tiếng Nhật rất khó, nhưng nếu họ đến đây, [họ sẽ thấy] đây là trái tim của người dân Nhật Bản”. (AsiaNews 12/06/2018)

Ngọc Yến

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *