1. Pháo hoa trong nhà thờ chính tòa? Truyền thống Phục sinh cổ xưa của người Công Giáo ở Florence, Ý mà có thể anh chị em chưa từng thấy, thậm chí chưa từng nghe nói đến
Linh mục nổi tiếng trên Twitter, Cha Ronald Vierling đã chia sẻ một video về cách thức thú vị mà một cộng đồng Công Giáo ở Ý tổ chức lễ Phục sinh.
Theo truyền thống lâu đời của Florence, hàng năm các tín hữu tập trung tại nhà thờ chính tòa. Trong khi chuông reo lúc 11:00 sáng, Đức Tổng Giám Mục chủ tế thánh lễ sẽ đốt một hỏa tiễn hình chim bồ câu và nó bay giữa lối đi để ra ngoài nhà thờ, sau khi đi một vòng, nó vòng trở vào trong nhà thờ đập vào cột đá nơi nó xuất phát và rơi xuống trong tiếng pháo tay của anh chị em giáo dân.
Cha Ronald Vierling cho biết: Theo truyền thống Lễ Phục sinh của Florence: ‘Năm nay, ngày 9 tháng 4 năm 2023, lúc 11 giờ, trong khi tiếng chuông của Nhà thờ đang ngân vang rộn rã, một quả hỏa tiễn nhỏ có hình chim bồ câu, tiếng Ý gọi là ‘colombina’, được Đức Tổng Giám Mục đốt gần bàn thờ chính. Sau đó, nó bay dọc theo sợi dây, ra ngoài khai hỏa dàn pháo hoa ở quảng trường nhà thờ chính tòa và vòng vào nhà thờ, đập vào cột nơi nó xuất phát từ tạo thành một vụ nổ lớn của pháo hoa. Nếu hành trình của chim bồ câu thuận buồm xuôi gió thì mùa màng mới bội thu.”
Liên quan đến nguồn gốc lịch sử đằng sau hình thức đạo đức bình dân thú vị này, vị linh mục cho biết:
“Truyền thống này bắt nguồn từ những sự kiện một phần mang tính lịch sử và một phần huyền thoại. Một thanh niên Florence tên là Pazzino, một thành viên của gia đình quý tộc Pazzi, dường như đã tham gia Cuộc thập tự chinh đầu tiên ở Thánh địa vào năm 1099, nơi anh ta đã đưa ra nhiều bằng chứng về lòng dũng cảm của mình, anh ta là người đầu tiên mở rộng các bức tường thành Giêrusalem và nâng cao biểu ngữ Kitô giáo.
“Khi trở về nhà, anh ấy đã mang về ba viên đá lửa từ Mộ Thánh mà anh ấy đã nhận được vì hành động dũng cảm của mình. Thánh tích này, ngày nay được bảo quản trong Nhà thờ Thánh Apostoli. Anh ta là người khởi xướng cách thức thú vị này để kỷ niệm sự Phục sinh của Chúa Kitô ở Florence.”
Cha Vierling đã chỉ trích một số người Công Giáo vì đã “làm hỏng” truyền thống. Ngài giải thích rằng “những truyền thống này làm chứng cho sức sống của đời sống đức tin Công Giáo,” đó là “điều đáng để ăn mừng.”
“Thật buồn khi thấy những người trong giới Công Giáo đưa ra lời chỉ trích thẳng thừng đối với truyền thống này mà không cố gắng tìm hiểu ‘tại sao’ và ‘điều gì’ đang diễn ra,” ngài nói.
“Có rất nhiều truyền thống phụng vụ kết nối đức tin Công Giáo của chúng ta với lối sống Công Giáo theo phong tục địa phương. Những truyền thống này làm chứng cho sức sống của đời sống Công Giáo và tính phổ quát của đức tin chúng ta. Một cái gì đó để ăn mừng!
Source:Church POP
2. Tòa Thánh bác bỏ việc giáo dân tham dự bầu ứng viên giám mục tại Đức
Tòa Thánh ngăn chặn việc giáo dân tham dự tiến trình bầu giám mục mới tại Tổng giáo phận Paderborn bên Đức.
Theo hiệp định ký kết giữa Tòa Thánh và nước Đức trước đây, ba ứng viên giám mục cho Tổng giáo phận Paderborn, do Kinh sĩ đoàn Nhà thờ Chính tòa bầu lên và Đức Thánh Cha tự do quyết định bổ nhiệm.
Theo chiều hướng của Tiến trình Công nghị mới đây của Công Giáo Đức, 14 giáo dân nam nữ cũng tham gia vào tiến trình chọn lựa giám mục này cùng với Kinh sĩ đoàn. Họ lập danh sách các ứng viên giám mục và gửi tới Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic ở thủ đô Berlin. Họ cũng thỉnh cầu Đức Sứ thần trao đổi với từng người trong họ về các ứng viên, đồng thời cho họ được tham dự vào cuộc bầu kín, gọi là “bí mật Giáo hoàng” để chọn ứng viên ba giám mục đệ trình lên Đức Thánh Cha.
Nhưng Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, Sứ thần Tòa Thánh tại Đức, đã gửi thư quyết liệt phủ quyết việc làm này, khẳng định rằng việc tham dự của giáo dân vào việc bầu giám mục là điều không thể được, chiếu theo hiệp định nước Phổ (Prussia) đã ký kết với Tòa Thánh ngày 20 tháng Bảy năm 1933, theo đó không thể nới rộng việc bầu giám mục ngoài các thành viên Kinh sĩ đoàn Nhà thờ chính tòa.
Paderborn là giáo phận đầu tiên ở Đức tìm cách để giáo dân tham gia vào việc bầu ứng viên giám mục và muốn đi tiên phong trong vấn đề này. Sự phủ quyết của Tòa Thánh cũng sẽ được áp dụng cho các giáo phận khác, ví dụ tại Osnabrueck, nơi Đức Cha Bode, Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, mới từ chức. Rút kinh nghiệm từ giáo phận Paderborn, giáo phận này chỉ tham khảo ý kiến giáo dân, nhưng giáo dân không được quyền tham dự cuộc bầu ứng viên của Kinh sĩ đoàn Nhà thờ chính tòa.
Tại tổng giáo phận Bamberg thuộc miền Bavaria, cũng đang trống tòa, nhưng Kinh sĩ đoàn Nhà thờ chính tòa địa phương minh thị bác bỏ việc tham dự của giáo dân trong việc lập danh sách các ứng viên để Đức Thánh Cha bổ nhiệm, chiếu theo hiệp định giữa Đức và Tòa Thánh.
Cũng liên quan đến Giáo Hội Đức, tại Giáo phận Limburg, Giám Mục Bätzing xác nhận rằng năm nay giáo phận này không có tân linh mục nào.
Đức Cha Bätzing thông báo như trên, trong bài giảng thánh lễ làm phép dầu hôm 04 tháng Tư vừa qua, tại nhà thờ chính tòa địa phương. Ngài nói với các linh mục: “Tôi biết việc phục vụ này đòi hỏi rất nhiều năng lực nơi anh em, về thể lý cũng như tinh thần, đến độ nhiều khi bị kiệt lực. Nhưng đồng thời tôi cũng muốn được nghe từ anh em thông tin thực sự về đời sống linh mục và tình trạng cá nhân của anh em. Linh mục là thành phần quan trọng trong hàng lãnh đạo giáo phận. Sứ vụ của anh em và của tôi chỉ thành công nếu có sự cộng tác tốt”.
Giáo phận Limburg có hơn 630.000 tín hữu Công Giáo, thuộc 117 giáo xứ, với gần 400 linh mục.
3. Nhà nước độc tài Nicaragua tịch thu một đan viện
Nhà nước độc tài Nicaragua do Tổng thống Daniel Ortega và vợ là Phó Tổng thống Rosario Murillo cai trị, đã tịch thu một đan viện chiêm niệm và bắt giữ 20 người vì các hoạt động trong Tuần thánh vừa qua.
Đan viện bị tịch thu vốn là của các nữ Đan sĩ Xitô nhặt phép, quen gọi là dòng Trappist. Ngày 27 tháng Hai năm nay, trên mạng Facebook, các chị cho biết đã tự ý rời khỏi Nicaragua vì những lý do nội bộ, như không còn ơn gọi, và nhiều chị cao niên. Trang Facebook của các chị ngày 11 tháng Tư vừa qua cho biết khi rời khỏi Nicaragua, các chị đã để lại Đan viện dưới quyền quản trị của giáo phận, trong khi việc tự ý đóng cửa được các chị tiến hành với Bộ nội vụ của nước này.
Tuy nhiên, sau khi các nữ tu rời đan viện, ngày 03 tháng Ba, chính quyền đến gặp Đức Giám Mục giáo phận và nói rằng từ nay đan viện trở thành cơ sở của Viện Nicaragua về kỹ thuật canh nông.
Các nữ tu Trappist vừa nói hiện nay sống tại Panama, nơi các chị được đón tiếp nồng nhiệt và quảng đại, sau khi rời Nicaragua. Các chị cũng xin trợ giúp để có thể tự lực mưu sinh.
Mặt khác, trong Tuần thánh vừa qua, nhà nước Nicaragua tiếp tục bách hại Giáo Hội Công Giáo và đã bắt giam 20 người liên quan đến lệnh cấm tổ chức các cuộc rước hoặc các hoạt động tôn giáo. Một trong những người bị bắt, là ký giả Victor Ticay, bị cảnh sát bắt giam hôm thứ Năm Tuần thánh, sau khi ông truyền đi trên Facebook một biến cố Tuần thánh ngày hôm trước.
Ông Félix Maragiaga, một cựu tù nhân chính trị ở Nicaragua và là Chủ tịch Hội Tự Do cho Nicaragua, nói với hãng tin ACI, hôm 13 tháng Tư vừa qua, rằng “Nicaragua bây giờ đã trở thành một trong những nước thù nghịch nhất đối với hàng giáo sĩ Công Giáo. Vì tiếng nói mục vụ của Giáo hội trái ngược với các kế hoạch của vợ chồng Ortega-Murillo, chủ trương thiết lập một chế độ độc tài. Ông Ortega cai trị Nicaragua từ 15 năm nay, và nhiều người nói rằng hai cuộc bầu cử ông làm tổng thống diễn ra trong sự gian lận.