TTTĐ Sáu Bậc Sống – Bậc sống khô khan tội lỗi (P.11)

 
 
 Thư Tập Tiến Đức Sáu Bậc Sống  
 

I. Bậc sống khô khan tội lỗi

3. Xả kỷ, từ bỏ ý riêng, giết chết dần tự ái

– Từ bỏ ý riêng

Ý riêng là một phần thâm sâu của linh hồn, nó làm nên cái riêng biệt chính yếu của con người đó với con người khác. Theo tự nhiên, ý riêng thể hiện tính cách, phẩm chất đặc thù của mỗi người. Nhưng đồng thời cũng phô diễn bản chất nhân loại đã nhiễm tội truyền, nặng mang sự tăm tối và yếu hèn của phận người đã pha trộn nhiều tinh thần thế tục. Nó ăn sâu vào bản chất tạo thành bản ngã, đến con người chẳng thể tự mình làm thay đổi, thăng hoa được phận người ấy. Nên chỉ còn phương thế duy nhất là cậy trông vào ơn cứu độ của Chúa Giê-su Ki-tô, và còn cậy trông là còn cầu nguyện. Đây là lý do khiến bố nhấn mạnh ở Sáu Bậc Sống: linh hồn nặng nề ý riêng là linh hồn không còn cầu nguyện hay cầu nguyện chỉ còn là hình thức. Đồng thời ngoài việc cậy trông Chúa dẫn tới cầu nguyện, linh hồn phải khiêm hạ sâu thẳm trước nhan Chúa bằng việc quyết tâm từ bỏ ý riêng. Để qua đó Thiên Chúa ban ơn kiện toàn lại linh hồn, hoàn thiện con người đã từng bị thất sủng.

Và việc đầu tiên ân sủng trợ giúp cho linh hồn, là cho họ có cơ hội phục tùng và vâng lời bề trên. Tùy theo bản chất, mức độ ân sủng nơi mỗi người và ơn gọi riêng của họ mà Thiên Chúa quan phòng cho mỗi người một hoàn cảnh phải đối mặt để thanh luyện bản thân. Ngoài ra, Thiên Chúa còn giúp linh hồn từ bỏ ý riêng qua các biến cố Ngài quan phòng, như gặp trái ý, đau khổ, thua thiệt, mất mát, phải hy sinh, chịu sỉ nhục v.v… Nói chung là tất cả những gì ngược lại với tính tự nhiên nơi con người ấy. Bởi đó họ sẽ bộc lộ ý riêng mình như thế nào: cưỡng chống, bất phục, đón nhận nhưng buồn bã, vâng phục và vâng phục trong tươi vui. Hiểu được điều này, cha Pi-ô dòng thánh Phanxicô Assisi đã phó thác mọi sự trong tay Chúa, quì gối thưa với bề trên “Thưa Bề Trên, con xin giao tất cả trong tay Bề Trên, vì con là đứa con của đức vâng phục” (Những Người Lữ Hành Trên Đường Hy Vọng Chương  XVI,4).

Ở bậc sống này thường là linh hồn không chấp nhận ý Chúa, cưỡng chống, bất tuân, trách móc hoàn cảnh, than trách tha nhân hay Thiên Chúa. Nếu vậy họ sẽ ở lì trong bậc sống Khô Khan Tội Lỗi, trong sự bất an dằn vặt mãi trong tâm hồn. Còn nếu linh hồn khiêm hạ, xem mình xứng đáng phải chịu những thánh giá Chúa quan phòng. Hoặc phó thác mọi sự cho tình Chúa quan phòng mà chấp nhận hoàn cảnh, hay vâng phục ý bề trên. Họ sẽ có được sự bình an trong lòng, vì vâng phục và bình an đi đôi. Thêm vào đó ơn an ủi, ơn khích lệ nâng đỡ linh hồn sẽ đến như những sứ giả của đức tin mang lại an bình và hoan lạc trên đường nhân đức. Như thế họ sẽ dần dần thoát ra khỏi bậc sống Khô Khan Tội Lỗi, trở về với ân tình Chúa, ở lại trong mối tương giao tình yêu với Chúa Ki-tô, Đấng mời gọi “Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy” (Ga 15,9b).

Có một thầy tâm sự lại với bố. Thầy đã phải nhiều đêm không ngủ được, vì lời bộc bạch chân tình của một người anh em trong của thầy. Mà thầy thấy những lời nói rất thật lòng ấy cũng có lý, lời tâm sự thầy kể lại như sau “Cùng là người, tại sao chúng ta phải vâng phục bề trên, tức trao phó cuộc đời mình, linh hồn mình cho bề trên. Trong lúc đó chúng ta biết rõ bề trên lắm cũng lúc sai lầm, cũng có nhiều khuyết điểm và mờ mịt ý Chúa như ta. Vậy thì chúng ta tự chịu lấy trách nhiệm về cuộc đời mình, về phần rỗi của mình có hơn không? Cuộc sống có khi lại dễ chịu hơn nhiều”. Sau khi tâm tình với thầy, người anh em ấy đã bỏ tu đoàn ra đi, còn thầy trăn trở…

Thoạt nghe qua lời tâm sự thật lòng kia, rất tự nhiên chúng ta có thể sẽ như vị tu sĩ nọ nghe thấy lập luận ấy cũng có lý. Nhưng điều đó thật đáng sợ cho những ai có lòng kính sợ Chúa và tin tưởng nơi Ngài. Do bởi lập luận kia tạo nên lập trường bất tuân phục, là kết quả thắng cuộc của Sa-tan nơi một tâm hồn trên mặt trận ý riêng “tên ác thần hiện đang hoạt động trên những kẻ không vâng phục” (Ep 2,2). Lập trường kể trên công phá mạnh vào nền tảng thánh thiện và niềm tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi nơi Hội Thánh. Bởi vì khi linh hồn không nhìn nhận quyền quản trị các linh hồn của Hội Thánh, thông qua các vị đại diện ở bất cứ đoàn thể nào trong Hội Thánh. Thì đồng nghĩa với việc họ không hề tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa Ki-tô nơi Hội Thánh “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Và họ cũng phủ nhận luôn sự quan phòng của Ngài, sự quan phòng đầy khôn ngoan và tinh tế bởi tình yêu thương của Thiên Chúa đối với mỗi người “Ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi”; “Cha đã khắc con vào lòng bàn tay Cha” (Mt 10,30; Is 49,15). Hãy suy tư, chúng ta sẽ thấy sự sai lầm lớn nhất của họ là nói mình tin Chúa Ki-tô, nhưng lại không đi vào con đường Chúa Ki-tô cứu thế đã đi, không theo Người nhưng theo ý riêng mình. Ngay cả Con Thiên Chúa, Ngôi Lời Nhập Thể còn “vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” (Pl 2,8). Còn chúng ta là gì, là ai mà có thể tự mình – theo ý mình cứu rỗi được mình. Chẳng phải Chúa Giê-su đã dạy “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”; Ngài  còn khẳng định rõ hơn trong cẩm nang cho người môn đệ “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm  được lối ấy” (Lc 14,26-27; Mt 7,13-14).

Tình Yêu Hoa Cỏ 
                                                                                                                                                                                                24/11/2008