Hôm thứ Ba 11 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Tông thư dưới dạng Tự sắc Antiquum Ministerium, nghĩa là Thừa Tác Vụ Cổ Kính, nhằm thiết lập thừa tác vụ giáo lý viên trong Giáo Hội Công Giáo.
Tự sắc được giới thiệu trong cuộc họp báo, do Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa thánh tái truyền giảng Tin mừng chủ tọa tại Phòng báo chí Tòa thánh.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
1. Giáo lý viên trong Hội thánh là một Thừa Tác Vụ cổ kính. Các nhà thần học thường cho rằng những ví dụ đầu tiên [về thừa tác vụ này] đã có mặt trong các bản văn Tân Ước. Sứ vụ dạy giáo lý có thể truy nguyên đến những “thầy dạy” mà Tông đồ Phaolô đã đề cập trong thư gửi cộng đoàn Côrinhtô: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ. Chẳng lẽ ai cũng là tông đồ? Chẳng lẽ ai cũng là ngôn sứ, ai cũng là thầy dạy sao? Chẳng lẽ ai cũng được ơn làm phép lạ, ai cũng được ơn chữa bệnh sao? Chẳng lẽ ai cũng nói được các tiếng lạ, ai cũng giải thích được các tiếng lạ sao? Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả”. (1 Cr 12: 28-31).
Thánh Luca bắt đầu Tin Mừng của ngài bằng cách nói rõ: “Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài Thêôphilô, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.” ( Lc 1: 3-4). Vị Thánh Sử dường như nhận thức rõ rằng các bài viết của ngài đưa ra một hình thức hướng dẫn cụ thể có thể bảo đảm chắc chắn cho những người đã được rửa tội. Về phần mình, Tông đồ Phaolô nói với các tín hữu thành Galát rằng: “Người được học Lời Chúa, hãy chia sẻ mọi của cải với người dạy dỗ mình” (Gal 6: 6). Rõ ràng là văn bản này cung cấp thêm một chi tiết khác; nó đề cập đến sự hiệp thông trong cuộc sống như một dấu chỉ cho thành quả của việc dạy giáo lý đích thực.
2. Ngay từ đầu, cộng đoàn Kitô hữu được đặc trưng bởi nhiều hình thức thừa tác vụ khác nhau do những người nam và những người nữ thực hiện, là những người vâng phục công việc của Chúa Thánh Thần, đã hiến dâng cuộc đời của mình cho việc xây dựng Giáo Hội. Đôi khi, những đặc sủng mà Thánh Linh không ngừng tuôn đổ trên những người được rửa tội đã được thể hiện dưới những hình thái hữu hình và cụ thể trong công việc phục vụ trực tiếp cho cộng đồng Kitô hữu, và được công nhận như một thừa tác vụ không thể thiếu đối với cộng đồng. Tông đồ Phaolô chứng thực điều này một cách có thẩm quyền khi ngài nói rằng “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại được ơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người.” (1Cr 12: 4-11).
Do đó, trong truyền thống đặc sủng rộng rãi hơn của Tân Ước, chúng ta có thể thấy rằng một số người được rửa tội nhất định đã thi hành sứ vụ truyền đạt giáo huấn của các thánh tông đồ và các thánh sử dưới một hình thức hữu cơ và ổn định hơn liên quan đến các tình huống khác nhau trong cuộc sống (xem Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, 8). Giáo Hội muốn nhìn nhận việc phục vụ này như là một biểu hiện cụ thể của một đặc sủng cá nhân góp phần to lớn vào việc thực thi sứ mệnh loan báo Tin Mừng của mình. Cái nhìn này về đời sống của các cộng đồng Kitô hữu tiên khởi tham gia vào việc truyền bá Phúc âm cũng khuyến khích Giáo Hội trong thời đại chúng ta đánh giá cao những cách thức mới khả thi để Giáo Hội luôn trung thành với lời Chúa sao cho Tin Mừng của Ngài có thể được rao giảng cho mọi tạo vật..
3. Lịch sử truyền giáo trong hơn hai thiên niên kỷ qua cho thấy rõ hiệu quả của sứ vụ các giáo lý viên. Các giám mục, linh mục và phó tế, cùng với nhiều nam nữ tu sĩ sống đời thánh hiến, đã cống hiến cuộc đời của mình cho việc hướng dẫn giáo lý để đức tin trở thành một hỗ trợ hữu hiệu cho cuộc sống của mỗi con người. Một số người trong số họ cũng tập hợp xung quanh mình những người khác trong số anh chị em của họ có cùng đặc sủng, và thành lập các dòng tu chuyên trách việc dạy giáo lý.
Chúng ta cũng không thể quên vô số anh chị em nam nữ giáo dân đã trực tiếp tham gia vào việc rao truyền Tin Mừng qua việc dạy giáo lý. Họ là những người nam và người nữ có đức tin sâu sắc, những chứng nhân đích thực của sự thánh thiện, và trong một số trường hợp, họ cũng là những người sáng lập các cộng đoàn Giáo Hội và cuối cùng chết như những người tử vì đạo. Trong thời đại của chúng ta cũng vậy, nhiều giáo lý viên có năng lực và tận tụy là những người lãnh đạo cộng đồng ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới và thực hiện một sứ mệnh vô giá là truyền bá và tăng trưởng đức tin. Hàng dài các chân phước, các thánh và các vị tử đạo là giáo lý viên đã nâng cao đáng kể sứ mệnh của Giáo Hội và xứng đáng được ghi nhận, vì nó tiêu biểu cho một nguồn tài nguyên phong phú không chỉ cho việc dạy giáo lý mà còn cho toàn bộ lịch sử linh đạo Kitô giáo.
4. Bắt đầu từ Công Đồng Chung Vatican II, Giáo Hội đã đánh giá lại tầm quan trọng của việc giáo dân tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Các Nghị Phụ Công Đồng đã nhiều lần nhấn mạnh đến nhu cầu lớn lao đối với các tín hữu giáo dân phải tham gia trực tiếp, bằng nhiều cách khác nhau tùy theo đặc sủng của họ, trong việc hình thành cộng đoàn Giáo Hội (“plantatio Ecclesiae”) và sự phát triển của cộng đồng Kitô hữu. “Cũng thế, có một đạo binh thực sự đáng khen và rất đáng thưởng công nhờ việc truyền giáo nơi Muôn Dân, đó là đạo binh các giảng viên giáo lý nam cũng như nữ; là những người đã thấm nhuần tinh thần tông đồ, họ vất vả rất nhiều để mang lại sự trợ giúp đặc biệt và hoàn toàn cần thiết cho việc bành trướng đức tin và Giáo Hội.”(xem Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về Hoạt động Truyền giáo của Giáo Hội Ad Gentes, 17).
Cùng với giáo huấn quan trọng của Công đồng, cần đề cập đến sự quan tâm thường xuyên của các Đức Giáo Hoàng, các Thượng hội đồng Giám mục, các Hội đồng Giám mục và cá nhân các Giám mục, là những người, trong những thập kỷ gần đây đã góp phần vào việc đổi mới đáng kể việc dạy giáo lý. Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, Tông huấn Catechesi Tradendae – Giáo Lý Trong Thời Đại Chúng Ta, Chỉ Nam Việc Dạy Giáo Lý, Hướng dẫn Tổng quát về Dạy Giáo lý và Chỉ Nam Giáo Lý gần đây, cũng như nhiều sách Giáo lý cấp quốc gia, khu vực và giáo phận, đã xác nhận tính trung tâm của một nền huấn giáo dành ưu tiên cho việc giáo dục và đào tạo liên tục các tín hữu.
5. Dù không đánh giá thấp sứ mệnh của Giám mục với tư cách là giáo lý viên chính trong Giáo phận của ngài, là nhiệm vụ mà ngài chia sẻ với linh mục đoàn của ngài, cũng không coi nhẹ trách nhiệm cụ thể của các bậc cha mẹ đối với việc đào tạo đức tin Kitô cho con cái của họ (xem Giáo luật nghi lễ Latinh, gọi tắt là CIC, số 774 §2; Giáo luật nghi lễ Đông phương, gọi tắt là CCEO, số 618), chúng ta cũng nên công nhận những người nam và nữ giáo dân cảm thấy được kêu gọi nhờ phép rửa tội của họ để hợp tác trong công việc dạy giáo lý (xem CIC số 225; CCEO số 401 và 406). Ngày nay, sự hiện diện này càng cấp thiết hơn vì chúng ta ngày càng nhận thức được nhu cầu truyền giáo trong thế giới đương đại (xem Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 163-168), và sự trỗi dậy của một nền văn hóa toàn cầu hóa (xem Thông điệp Fratelli Tutti, 100, 138). Điều này đòi hỏi sự tương tác thực sự với những người trẻ, đó là chưa kể đến nhu cầu phải có các phương pháp luận sáng tạo và các nguồn lực có khả năng thích ứng việc loan báo Tin Mừng với sự biến đổi truyền giáo mà Giáo Hội thực hiện. Trung thành với quá khứ và trách nhiệm với hiện tại là những điều kiện cần thiết để Giáo Hội thực hiện sứ mệnh của mình trên thế giới.
Đánh thức lòng nhiệt thành cá nhân từ phía tất cả những người đã được rửa tội và làm sống lại ý thức về lời kêu gọi của họ để thực hiện một sứ mệnh thích hợp trong cộng đồng đòi hỏi sự chú ý lắng nghe tiếng nói của Thánh Linh, Đấng luôn hiện diện và sinh hoa trái (xem CIC số 774 §1; CCEO số 617). Ngày nay, Thánh Linh cũng đang kêu gọi những người nam và người nữ lên đường và gặp gỡ tất cả những ai đang chờ đợi để khám phá vẻ đẹp, sự tốt lành và chân lý của đức tin Kitô giáo. Các mục tử có nhiệm vụ hỗ trợ họ trong tiến trình này và làm phong phú đời sống của cộng đồng Kitô thông qua việc công nhận các thừa tác vụ giáo dân có khả năng đóng góp vào sự biến đổi xã hội thông qua việc “thâm nhập các giá trị Kitô vào các lĩnh vực xã hội, chính trị và kinh tế.” (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 102).
6. Hoạt động tông đồ giáo dân chắc chắn là “thế tục”. Nó đòi hỏi giáo dân “tìm kiếm Nước Trời bằng cách tham gia vào các công việc trần thế và hướng dẫn chúng theo ý muốn của Thiên Chúa” (xem Công Đồng Chung Vatican II – Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 31). Trong cuộc sống hàng ngày, đan xen với các mối quan hệ gia đình và xã hội, người giáo dân nhận ra rằng họ “được ban cho ơn gọi đặc biệt này: đó là làm cho Giáo Hội hiện diện và sinh hoa kết quả trong những nơi và những hoàn cảnh mà chỉ nhờ họ, Giáo Hội mới có thể trở thành muối của thế gian” (thượng dẫn, 33). Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng ngoài việc tông đồ này, “giáo dân có thể còn được mời gọi góp phần trực tiếp hơn và bằng nhiều cách vào công cuộc tông đồ của hàng giáo phẩm, giống như những tín hữu nam nữ đã chịu vất vả vì Chúa Kitô để giúp đỡ Tông đồ Phaolô rao giảng Phúc Âm (thượng dẫn)
Vai trò của các giáo lý viên là một hình thức phục vụ cụ thể giữa những công việc khác trong cộng đồng Kitô. Các giáo lý viên trước hết được kêu gọi trở thành chuyên gia trong công tác mục vụ truyền đạt đức tin khi đức tin phát triển qua các giai đoạn khác nhau, từ việc công bố Tin Mừng ban đầu, cho đến việc hướng dẫn nhằm trình bày cuộc sống mới của chúng ta trong Chúa Kitô, và chuẩn bị cho các bí tích khai tâm Kitô, và sau đó là việc đào tạo tiếp tục ngõ hầu mỗi người có thể giải thích về niềm hy vọng bên trong tâm hồn họ (xem 1 Pr 3:15). Đồng thời, mỗi giáo lý viên phải là một chứng nhân cho đức tin, một người thầy và một nhà khai tâm đức tin, một người bạn đồng hành và một nhà sư phạm, là người giảng dạy cho Giáo Hội. Chỉ qua cầu nguyện, học tập và tham gia trực tiếp vào đời sống của cộng đoàn, họ mới có thể lớn lên trong căn tính này cũng như trong sự chính trực và trách nhiệm mà nó đòi hỏi (x. Hội đồng Giáo hoàng về Cổ võ Tân Phúc âm hóa, Chỉ Nam Giáo lý, 113).
7. Với tầm nhìn xa trông rộng, Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã ban hành Tông thư Ministeria Quaedam – Một Số Thừa Tác Vụ – với ý định không chỉ nhằm điều chỉnh các thừa tác vụ Đọc Sách và Giúp Lễ cho phù hợp với hoàn cảnh lịch sử đã thay đổi (xem Tông thư Spiritus Domini – Thần Khí Chúa), mà còn khuyến khích các Hội đồng Giám mục cổ vũ cho các các thừa tác vụ khác, bao gồm thừa tác vụ Huấn Giáo. “Bên cạnh các thừa tác vụ chung cho toàn thể Giáo Hội Latinh, không có gì ngăn cản các Hội đồng Giám mục yêu cầu Tòa thánh thiết định những thừa tác vụ khác, vì những lý do cụ thể, mà các ngài cho là cần thiết hoặc rất hữu ích trong khu vực của các vị. Trong số này, ví dụ, có các tác vụ Giữ Cửa [Nhà thờ], Trừ Tà và Huấn Giáo”. Lời mời gọi khẩn thiết tương tự cũng được tìm thấy trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi – Loan Báo Tin Mừng; trong việc kêu gọi phân định các nhu cầu hiện tại của cộng đồng Kitô hữu trong sự liên tục trung thành với nguồn gốc của nó, Đức Giáo Hoàng đã khuyến khích việc phát triển các hình thức thừa tác vụ mới cho việc canh tân hoạt động mục vụ. “Những thừa tác vụ như thế, tuy có vẻ mới mẻ, nhưng gắn liền với những kinh nghiệm mà Giáo Hội đã trải qua trong suốt lịch sử. Chúng ta có thể kể đến thừa tác vụ dạy giáo lý… rất quý báu cho việc thành lập và tăng trưởng của Giáo Hội cũng như cho việc soi sáng cho những người chung quanh và cả đến những người ở xa Giáo Hội.” (Thánh Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Tông huấn Evangelii Nuntiandi – Loan Báo Tin Mừng, 73).
Chắc chắn, “ngày càng có nhiều nhận thức về bản sắc và sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội. Quả thật chúng ta có thể trông cậy vào nhiều giáo dân, mặc dù vẫn chưa đủ, những người có ý thức sâu xa về cộng đồng và trung thành tuyệt đối với các nhiệm vụ bác ái, dạy giáo lý và cử hành đức tin” (Tông huấn Evangelii Gaudium – Niềm Vui Phúc Âm, 102). Theo đó, việc tiếp nhận một thừa tác vụ giáo dân như Giáo lý viên sẽ nhấn mạnh hơn nữa đến cam kết truyền giáo thích hợp cho mỗi người đã được rửa tội, tuy nhiên, đó là một dấn thân phải được thực hiện một cách hoàn toàn “thế tục”, tránh mọi hình thức giáo sĩ hóa.
8. Mục vụ này có một khía cạnh chuyên nghiệp nhất định, được chứng minh qua Nghi thức Trao Tác Vụ, và do đó, đòi hỏi Giám mục phải có sự phân định thích đáng. Trên thực tế, đó là một hình thức phục vụ ổn định được cung cấp cho Giáo Hội địa phương phù hợp với các nhu cầu mục vụ được xác định bởi đấng bản quyền địa phương, nhưng là một hình thức được thực hiện như một công việc của giáo dân, theo yêu cầu của chính bản chất thừa tác vụ này. Thật phù hợp khi những người được gọi vào thừa tác vụ Giáo lý viên là những người nam và người nữ có đức tin sâu sắc và sự trưởng thành nhân bản, là những người tham gia tích cực vào đời sống của cộng đồng Kitô hữu, có khả năng chào đón người khác, quảng đại và sống một đời sống hiệp thông huynh đệ. Họ cũng cần được đào tạo phù hợp về kinh thánh, thần học, mục vụ và sư phạm để trở thành những người truyền đạt có năng lực cho chân lý đức tin và họ phải có một số kinh nghiệm trước đây về việc dạy giáo lý (xem Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về Mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus, 14; CIC số 231 §1; CCEO số 409 §1). Điều cần thiết là họ phải là những người cộng tác trung thành với các linh mục và phó tế, chuẩn bị thi hành chức vụ của mình ở bất cứ nơi nào có thể thấy cần thiết và được thúc đẩy bởi lòng nhiệt thành tông đồ thực sự.
Vì vậy, sau khi đã cân nhắc mọi sự, và theo thẩm quyền tông đồ của mình
Tôi quyết định thành lập Thừa Tác Vụ Giáo Lý Viên
Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích trong thời gian ngắn tới đây sẽ lo liệu công bố Nghi thức trao thừa tác vụ giáo dân giáo lý viên.
9. Tôi mời gọi các Hội đồng Giám mục hãy hữu hiệu hóa thừa tác vụ giáo lý viên, thiết định chương trình huấn luyện cần thiết và những tiêu chuẩn lựa chọn để tín hữu có thể lãnh nhận thừa tác vụ này, và tìm ra những hình thức thích hợp nhất cho việc phục vụ mà các giáo lý viên được kêu gọi thi hành, phù hợp với nội dung của Tông thư này.
10. Thượng Hội đồng của các Giáo Hội Phương Đông hoặc các Hội Đồng Giáo Phẩm có thể chọn lọc những gì được thiết lập ở đây cho các Giáo Hội thuộc thẩm quyền của các vị, và phù hợp với luật cụ thể của các ngài.
11. Các giám mục nên cố gắng hết sức để tuân theo lời khuyến dụ của các Nghị phụ Công đồng: “Các mục tử… phải biết mình được Chúa Kitô thiết định không phải để một mình lãnh nhận tất cả gánh nặng sứ vụ cứu độ của Giáo hội đối với thế giới. Thay vào đó, họ phải đánh giá cao nhiệm vụ cao cả của mình là chăn dắt các tín hữu, đồng thời nhìn nhận các tác vụ và đặc sủng của anh chị em giáo dân để tất cả theo những cách riêng biệt, nhưng đồng tâm nhất trí, hợp tác trong nhiệm vụ chung” (Lumen Gentium, 30 ). Ước gì việc phân biệt những ân sủng mà Chúa Thánh Thần không ngừng ban cho Giáo Hội sẽ duy trì nỗ lực của các ngài trong cố gắng làm cho thừa tác vụ Giáo lý viên giáo dân có hiệu quả đối với sự phát triển cộng đoàn của các ngài.
Những gì tôi đã đề cập đến trong Tông thư dưới dạng Tự Sắc này, tôi truyền rằng nó có sức mạnh vững chắc và ổn định, bất chấp bất cứ điều gì ngược lại, ngay cả khi điều đó đáng được đề cập đặc biệt, và truyền công bố trên tờ Quan Sát Viên Rôma, và có hiệu quả thi hành ngay lập tức, và sau đó được xuất bản trong công báo chính thức của Tòa Thánh Acta Apostolicae Sedis.
Làm tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô, Rôma vào ngày 10 tháng 5 năm 2021, Lễ Thánh Gioan Thành Avila, Linh mục và Tiến sĩ Hội Thánh, trong năm thứ chín triều Giáo hoàng của tôi.
+ Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Source:Holy See Press Office