Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc về cuộc gặp gỡ của Tổng thống Joe Biden với Đức Hồng Y Matteo Zuppi của Tòa thánh

1. Tuyên bố của Tòa Bạch Ốc về cuộc gặp gỡ của Tổng thống Joe Biden với Đức Hồng Y Matteo Zuppi của Tòa thánh

Trong một thông cáo báo chí được đưa ra ngay sau cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Joe Biden, Tòa Bạch Ốc cho biết như sau:

Hôm nay, Tổng thống Joseph Robinette Biden, Jr. đã gặp gỡ Đức Hồng Y Matteo Maria Zuppi, Tổng Giám mục Bologna và là Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý. Tổng thống Biden đã chia sẻ mong muốn của ngài về việc Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục thừa tác vụ và lãnh đạo toàn cầu, đồng thời hoan nghênh việc đề cử một tổng giám mục Hoa Kỳ làm Hồng Y gần đây. Họ cũng thảo luận về những nỗ lực của Tòa thánh cung cấp viện trợ nhân đạo để giải quyết những đau khổ lan rộng do sự gây hấn liên tục của Nga ở Ukraine, cũng như sự ủng hộ của Vatican đối với việc trao trả trẻ em Ukraine bị bắt cóc.

Tưởng cũng nên nhắc lại là vào cuối tháng 6, Đức Hồng Y Zuppi đã có chuyến thăm tới Mạc Tư Khoa “nhằm xác định các sáng kiến nhân đạo, có thể mở ra những con đường đạt được hòa bình”, Vatican cho biết trong một thông cáo chính thức.

Ngài đã gặp gỡ các quan chức hàng đầu trong chuyến thăm bao gồm Yuri Ushakov trợ lý tổng thống Nga và Maria Lvova-Belova, ủy viên Nga về quyền trẻ em.

“Trong các cuộc đàm phán, khía cạnh nhân đạo của sáng kiến đã được nhấn mạnh mạnh mẽ, cũng như sự cần thiết để có thể đạt được hòa bình rất mong muốn,” Vatican cho biết thêm rằng Đức Hồng Y Zuppi cũng đã có một cuộc gặp gỡ có thành quả với Đức Thượng Phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và toàn Nga.

Vào ngày 5 tháng 6 và ngày 6 tháng 6, Đức Hồng Y Zuppi đã đến Kyiv để nói chuyện với chính quyền Ukraine về “những cách khả thi để đạt được một nền hòa bình công bằng và ủng hộ những cử chỉ nhân đạo góp phần xoa dịu căng thẳng”.

Vào tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ định Đức Hồng Y Zuppi lãnh đạo một sứ mệnh hòa bình ở Ukraine để giúp giải quyết những căng thẳng trong cuộc xung đột.


Source:White House

2. Đặc phái viên của Giáo hoàng thảo luận về việc hồi hương trẻ em Ukraine với Biden

Trong chuyến thăm ba ngày tới Hoa Kỳ, Đức Hồng Y người Ý Matteo Zuppi, được Đức Thánh Cha Phanxicô giao nhiệm vụ giúp mang lại hòa bình cho Ukraine, đã thảo luận cùng với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Washington về việc hồi hương những trẻ em và những người khác mà Kyiv cho là đã bị Nga bắt cóc.

Đức Hồng Y Zuppi đã gặp Tổng thống Biden vào hôm thứ Ba tại Tòa Bạch Ốc, nơi hai vị đã thảo luận về những đau khổ do chiến tranh gây ra, viện trợ nhân đạo và việc hồi hương trẻ em Ukraine bị các quan chức Nga bắt cóc.

Chính phủ Kyiv ước tính gần 19.500 trẻ em đã được đưa đến Nga hoặc Crimea bị Nga tạm chiếm kể từ tháng 2 năm 2022, trong những gì họ lên án là bắt cóc bất hợp pháp.

Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, hồi tháng 3 đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh bắt cóc trái phép hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine.

Vào tháng 6, Ukraine đã đưa ra những cáo buộc đầu tiên về cáo buộc bắt cóc trẻ mồ côi Kherson đối với một chính trị gia Nga và hai cộng tác viên người Ukraine bị nghi ngờ, sau một cuộc điều tra rộng hơn được thực hiện với sự hợp tác của ICC.

Nga, nước có lực lượng kiểm soát các khu vực phía đông và nam Ukraine sau cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022, đã phủ nhận việc bắt cóc trẻ em và trước đó nói rằng chúng đã được chuyển đi vì sự an toàn của chính chúng.

Grigory Karasin, nhà lãnh đạo ủy ban quốc tế tại Hội đồng Liên bang, hay thượng viện Nga, cho biết hồi đầu tháng rằng Nga đã đưa khoảng 700.000 trẻ em từ các vùng xung đột ở Ukraine vào lãnh thổ Nga.

Đức Hồng Y Zuppi trước đây đã nói về một “cơ chế” có thể bảo đảm việc đưa trẻ em trở lại và cá nhân ngài đã thảo luận vấn đề này với Đức Phanxicô.

Tháng trước, Đức Hồng Y Zuppi đã đến thăm Mạc Tư Khoa, nơi ngài đã gặp nhà lãnh đạo Giáo Hội Chính thống có ảnh hưởng lớn của Nga, Thượng phụ Kirill, và với Ủy viên phụ trách trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova.

Đầu tháng 6, ngài đến thăm Kyiv và gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Zelenskiy, người đã gặp Đức Giáo Hoàng vào tháng 5, đã yêu cầu Vatican ủng hộ kế hoạch hòa bình vô điều kiện của mình, mà ông đã nói là 10 điểm được nêu trong đó là không thể đàm phán. Kế hoạch kêu gọi khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, rút quân đội Nga và chấm dứt chiến sự, và khôi phục biên giới quốc gia của Ukraine.


Source:Reuters

3. Tương lai hậu Vatican của Đức Tổng Giám Mục Gänswein bắt đầu hình thành

Thư ký riêng lâu năm của Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16, người đã được lệnh rời khỏi Vatican vào đầu tháng này, sẽ không đảm nhận một vị trí cố định trong tổng giáo phận Freiburg, quê hương của ngài.

Thay vào đó, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein sẽ là một giáo sĩ danh dự trong nhà thờ chính tòa Freiburg, nơi ngài dự kiến sẽ chủ trì các nghi thức phụng vụ bắt đầu từ mùa thu này.

Tổng giáo phận đã đưa ra thông báo vào hôm thứ Hai, ngay sau cuộc gặp gỡ giữa Đức Tổng Giám Mục Gänswein và vị bản quyền địa phương, là Đức Tổng Giám Mục Stephan Burger.

“Sau khi tham khảo ý kiến của Đức Tổng Giám Mục Burger, ngài có thể giúp cử hành các buổi lễ như thêm sức hoặc các lễ hội địa phương,” tổng giáo phận cho biết, theo các báo cáo địa phương. Đức Tổng Giám Mục Gänswein được cho là đang cư trú trong một căn hộ tại chủng viện Freiburg.

Một số người đã suy đoán rằng việc Đức Tổng Giám Mục Gänswein không nhận được một vị trí chính thức ở Freiburg nên được coi là một sự coi thường, nhưng quan điểm này bị tranh cãi bởi một luật sư giáo luật địa phương, người đã nói chuyện với giới truyền thông Công Giáo Đức.

“Tôi đã đặt cược vào một thỏa thuận như vậy,” Georg Bier nói về kết quả cuộc gặp của hai vị Tổng Giám Mục Gänswein và Burger. Bier giải thích rằng vì Gänswein đã được Vatican bổ nhiệm làm tổng giám mục chính thức, nên ngài không còn là linh mục của Tổng giáo phận Freiburg và về mặt kỹ thuật, ngài không thể nhận chỉ thị từ đấng bản quyền địa phương.

Bier nói về sự sắp xếp giữa Đức Tổng Giám Mục Gänswein và Burger: “Cả hai giám mục không cam kết bất cứ điều gì ngoài việc bảo đảm với nhau về sự sẵn sàng hỗ trợ lẫn nhau trong các trường hợp riêng lẻ khi cần thiết.

Trước khi ra đi vào đầu tháng 7, vị tổng giám mục 66 tuổi đã sống ở Rôma gần 30 năm. Ông đã từng là thư ký riêng của Đức Bênêđictô XVI từ năm 2003 cho đến khi cố giáo hoàng qua đời vào tháng 12 vừa qua. Đức Bênêđíctô cũng bổ nhiệm ngài làm trưởng nội các giáo hoàng vào năm 2012, một vai trò mà ngài đã thực hiện trong triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Vào ngày 15 tháng 6, Vatican thông báo rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ thị cho Tổng giám mục Gänswein trở về giáo phận quê hương của ngài ở Đức “trong thời điểm hiện tại”. Báo cáo tương tự cũng cho biết vai trò của Tổng Giám mục Gänswein với tư cách là nhà lãnh đạo phủ Giáo hoàng đã chính thức kết thúc vào ngày 28 tháng 2 và rằng ngài đã không được trao một nhiệm vụ mới.

Việc Đức Thánh Cha Phanxicô sa thải Tổng giám mục Gänswein được đưa ra sau mối quan hệ căng thẳng đáng chú ý giữa hai người. Vào Tháng Giêng năm 2020, giáo hoàng được cho là đã yêu cầu vị Giám Mục người Đức “từ nay trở đi hãy ở nhà” vì sự tham gia của Đức Tổng Giám Mục Gänswein trong việc xuất bản một cuốn sách về luật độc thân của linh mục trong Thượng hội đồng toàn Amazon mà ban đầu liệt kê Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 là đồng tác giả. Tổng giám mục Gänswein vẫn giữ chức vụ chủ tịch phủ Giáo Hoàng, nhưng nhiệm vụ của ngài đã bị đình chỉ trên thực tế, một kinh nghiệm mà ngài đã mô tả trong một cuốn sách kể lại tất cả được xuất bản ngay sau khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô 16 qua đời.


Source:National Catholic Register

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *