Ủy ban Thánh nhạc – Đại hội Thánh nhạc lần thứ 49

“Trách nhiệm của linh mục trong Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc tại Giáo xứ và Cộng đoàn” là đề tài được linh mục Antôn Nguyễn Đình Thục (TGP Sài Gòn) thuyết trình trong Đại hội Thánh nhạc 49 do Ủy ban Thánh nhạc (UBTN), trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) tổ chức tại Hội trường B.102, Trung tâm Mục vụ Tổng giáo phận (TGP) Tp.HCM, ngày 18/10/2022.

Lúc 8g00, thứ Ba, ngày 18/10/2022, tại Hội trường B.102, Trung tâm Mục vụ TGP Tp.HCM, số 6 bis Tôn Đức Thắng, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp.HCM đã diễn ra Đại hội Thánh Nhạc lần thứ 49 do UBTN, trực thuộc HĐGM Việt Nam tổ chức, với chủ đề “Trách nhiệm của linh mục trong Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc tại Giáo xứ và Cộng đoàn”, được linh mục Antôn Nguyễn Đình Thục (TGP Sài Gòn) thuyết trình – Trước đây, Lm Antôn là phó Ban Thánh nhạc của TGP Sài Gòn. Hiện nay, ngài là chính xứ Vinh Sơn Nghĩa Hòa – TGP Sài Gòn.

Trong vai trò dẫn chương trình, Nhạc sĩ (NS) Minh Tâm giới thiệu Ban Chủ tọa có sự hiện diện của Đức Giám mục (ĐGM) Aloisiô Nguyễn Hùng Vị – Chủ tịch UBTN trực thuộc HĐGMVN, Lm Rôcô Nguyễn Duy – Thư ký UBTN trực thuộc HĐGMVN – kiêm Trưởng Ban thánh nhạc (BTN) TGP.Tp.HCM.

Ngoài ra, còn có sự hiện diện của các Tham dự viên (TDV) là thành viên các BTN Giáo phận, quý Lm đặc trách Thánh nhạc của 9 chủng viện, quý vị phụ trách Thánh nhạc các hội dòng, các thành viên của Lớp sáng tác Thánh ca, các giảng viên Thánh nhạc tại Trung tâm Mục vụ, quý tu sĩ, nhạc sĩ và quý ca trưởng.

Trước đó, Ban tổ chức đã gửi cho mỗi TDV các ấn phẩm:

1/ Trách nhiệm của linh mục trong hướng dẫn mục vụ Thánh nhạc tại Giáo xứ và Cộng đoàn

2/ Cuộc đời Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II

3/ Tông thư Desiderio Desideravi của Đức Thánh cha Phanxicô ban hành ngày 29-6-2022

4/ Nội san Hương Trầm số 34 (Tháng 10 – 2022)

5/ Tài liệu BTN TGP Sàigòn: Một Ca Đoàn hiệp hành trong một Giáo Hội hiệp hành

Khai mạc Đại hội, linh mục Phaolô Phan Thành Ngữ – Trưởng Ban Thánh nhạc (BTN) giáo phận Vinh hướng dẫn cầu nguyện để xin Chúa chúc lành cho Đại hội.

Tiếp đến, NS Phanxicô đã đưa tin những sự kiện liên quan đến sinh hoạt Thánh Nhạc trong thời gian qua:

Thứ Nhất: Tuyển tập Thánh Ca Việt Nam – Tập 1, đã được đưa lên mạng, mọi người có thể sử dụng những bài trên đó.

Thứ Hai: những nhạc sĩ, những linh mục đã được Chúa gọi về thời gian gần đây.

– 18/10/2022: Giỗ đầu của linh mục (Lm) Phanxicô Xaviê Đinh Quang Tịnh – một cây đại thụ trong nền Thánh nhạc.

– Tháng 11/8/2021: Lm.Giuse Vũ Mộng Thơ đã qua đời tại Pháp (tác giả bài Chúa Vào Thành: Hãy báo cho nữ tử Si-on, Bạn Hãy lo đi tìm…

– Lm Giuse Nguyễn Hữu Triết đã qua đời cuối tháng 6 năm 2022. (bài Cầu Cho Đức Giáo Hoàng: Ta hãy cầu xin cho Đức Giáo Hoàng…)

– Tháng 7 /2022: Tiễn đưa Lm Hoàng Đức – Dòng Chúa Cứu Thế (bài Hành Trang Người Trẻ: Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời…)

– Tháng 9 /2022: Chúa đã gọi về NS Ánh Đăng (bài Giao Ước: Từ đó vâng từ đó, Chúa đã chọn con

– 18/9/2022: Gia đình NS Hùng Lân tổ chức lễ giỗ 36 năm tại nhà thờ Phanxicô Đa Kao

BTN có tổ chức buổi gặp gỡ, chia sẻ về sáng tác Thánh nhạc, dưới sự hướng dẫn của Đức Cha chủ tịch để giúp các nhạc sĩ trẻ có đường hướng và kinh nghiệm trong việc viết Thánh ca.

Lúc 8g30, Đức Giám mục (ĐGM) Aloisiô Nguyễn Hùng Vị – Chủ tịch UBTN, HĐGMVN đã có lời chào các TDV Đại hội Thánh nhạc lần thứ 49 và ngài cho biết: Thường thì cứ sau mỗi 3 năm, HĐGM bầu lại Ban thường vụ, cũng như Chủ tịch các Ủy ban trực thuộc. Đại hội vừa qua, ngài vẫn được bầu chọn để tiếp tục đảm nhiệm Chủ tịch Ủy ban Thánh nhạc, trực thuộc HĐGM Việt Nam. Đồng thời, ngài mời Lm Rôcô Nguyễn Duy vẫn giữ vai trò thư ký.

Tiếp lời ĐGM Aloisiô, Lm Rôcô mong muốn các Lm và tất cả Đại hội tiếp tục hiệp hành với ĐGM chủ tịch. Ngài tin rằng sau Đại hội, mỗi người đều có việc phải làm. Làm cho kho tàng Thánh nhạc Việt Nam càng phong phú hơn ngõ hầu làm sáng danh Chúa và đem lại lợi ích cho các linh hồn. Và ngài cũng xin ĐGM và TDV cầu nguyện cách riêng cho ngài.

I. PHẦN THUYẾT TRÌNH

Mở đầu phần thuyết trình, Lm Antôn Nguyễn Đình Thục giới thiệu Tông thư Desiderio desideravi của Đức Giáo hoàng Phanxicô đã được phát hành và đăng lại trong Hiệp Thông số 131, tháng 9+10/2022

Với chủ đề “Trách nhiệm của linh mục trong Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc tại Giáo xứ và Cộng đoàn”, Lm Antôn nhấn mạnh 3 phần chính: a. Giáo huấn của Giáo Hội; b. Thực tế trong việc thi hành tại Giáo xứ; c. Vài ước mong.

A. GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI QUA HIẾN CHẾ PHỤNG VỤ THÁNH – SACROSANCTUM CONCILIUM CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II

Số 112: Ca ngợi vai trò của Thánh nhạc trong Phụng vụ

– Giúp thánh thiện hơn, diễn tả dịu dàng hơn

– Tạo sự đồng tâm nhất trí, và thêm long trọng

– Để làm Vinh Danh Chúa và Thánh hóa các Tín hữu

Số 114:

– Phải hết sức lo lắng duy trì và cổ võ kho tàng Thánh nhạc

– Phải nỗ lực đào tạo các Ca đoàn (vai trò của GM, LM)

Số 115: Phải chú trọng đến việc huấn luyện và thực tập âm nhạc trong các Chủng viện cũng như Học viện các Dòng tu nam nữ, cả trong những học đường và các Học viện Công Giáo khác.

Còn phải huấn luyện các Giáo sư dạy Thánh nhạc. Đồng thời phải huấn luyện đủ căn bản về Phụng vụ.

Số 116: Đề cao bình ca (ca điệu Gregorio) nhưng vẫn trân trọng các loại Thánh ca khác.

Số 118: Cỗ võ Thánh ca bình dân

Số 119: Lưu tâm tới sắc thái dân tộc của các địa phương, do tính đa dạng và độc đáo của nó, nhất là tâm thức của từng dân tộc với những âm hưởng thân thương. Các vị truyền giáo cần biết quan tâm và trân trọng.

Số 120: Quý trọng nhạc cụ truyền thống của Giáo Hội là Đại Quản Cầm hay Đại Phong Cầm, dĩ nhiên không loại trừ các loại nhạc cụ khác, nhưng phải làm bật tính thánh thiện, nâng cao tâm hồn.

Số 121: Các nhạc sĩ phải trau dồi Thánh nhạc. Cảm hứng lấy từ Kinh Thánh và các nguồn mạch Phụng Vụ là tốt nhất.

Từ nền tảng căn bản của Hiến Chế này, các Giáo Hội địa phương khai triển và đi vào cụ thể. Ủy ban Thánh Nhạc trực thuộc HĐGMVN, tháng 4/2017, đã phát hành cuốn “Hướng dẫn mục vụ Thánh Nhạc”, với nội dung gồm 232 số.

Trong đó, trách nhiệm của Linh mục (số 19-22):

Số 19: Phải cổ vũ âm nhạc Phụng vụ trong Cộng đoàn được giao phó. Linh mục có ảnh hưởng nhiều nhất đối với Cộng đoàn. Linh mục là linh hồn của buổi cử hành Phụng Vụ, cốt thiết, để mọi người cảm nghiệm được Chúa Kitô đang hiện diện giữa họ thực sự.

Số 20: Sự dự phần của Linh mục trong buổi cử hành quan trọng nhất là ở phần lời ca tiếng hát. Không phải Linh mục nào cũng là “ca sĩ”, nhưng chắc chắn phải thể hiện vai trò, bằng khả năng cao nhất. Khi hát chung với Cộng đoàn. Linh mục cũng phải là… đầu tàu. Chỉ khi hoàn toàn đối đế, mới đọc thay cho hát.

Số 21: Trách nhiệm của các Chủng viện, Tu viện, Học viện là phải huấn luyện để Linh mục tương lai có thể hát được những phần dành riêng cho Linh mục trong Thánh Lễ.

Số 22: Ngoại trừ câu đáp của Tung hô sau Truyền phép và lời đáp Amen long trọng kết thúc phần Lễ quy, Linh mục vẫn nên hát chung với Cộng đoàn các phần chung của Cộng đoàn. Nhưng nên lưu ý: Linh mục và ca xướng viên – vì gần micro – không để tiếng mình át tiếng Cộng đoàn. Và trong đối đáp với Chủ tế, thì câu thưa phải dành cho Cộng đoàn.

Lm Antôn cũng nhắc đến Trách nhiệm của Phó Tế: số (23) và (24); Trách nhiệm của Các Tác Viên Thánh Nhạc: Ca Đoàn số (29) đến (34); Ca Trưởng số (35) và (36); Người xướng Thánh Vịnh và Ca xướng viên (số (37) đến (43); Nhạc Công từ số (44) đến (47).  Tất cả đều được gọi là Tác Viên, trực tiếp dự phần của một người trong cuộc. Ca đoàn hát trong Phụng vụ giúp và cùng với Cộng đoàn ca ngợi Chúa.

B. THỰC TẾ TRONG VIỆC THI HÀNH TẠI GIÁO XỨ

1/ Các linh mục chánh xứ phải tự học, nên dành một số thời gian tối thiểu để đọc các văn bản liên quan.

2/ Linh mục cử hành Phụng Vụ cho thật nhanh để tranh thủ giáo dân. Như thế, linh mục đang giáo dục Đức tin cho Giáo dân, hay là Giáo dân đang dạy “đắc nhân tâm” cho linh mục ? Thế nên linh mục sẵn sàng cắt ngắn chừng nào có thể.

3/ Linh mục không nghĩ rằng mình chưa biết các điều phải biết để tự nắn sửa. Và khi được những người đã đi học hỏi về Phụng Vụ, Thánh nhạc thắc mắc, góp ý, lại truyền lệnh phải tiếp tục… giữ cái sai.

4/ Biết Ca đoàn sai, nhưng lại làm ngơ, không dám sửa, sợ đụng chạm, sợ mất lòng, hay sợ họ sẽ bỏ việc, không hợp tác nữa.

5/ Để Ca đoàn tự biên tự diễn, tự tung tự tác, miễn có người hát Lễ là được rồi.

6/ Có những sai phạm trầm trọng về tín lý và linh mục vẫn để yên, không làm “người canh gác” để giáo dân tin cả những điều rối đạo.

7/ Linh mục tạo những thuận lợi cho các anh, chị theo học các lớp huấn luyện mà TTMV /TGP và một số nơi vẫn thực hiện.

Như vậy, trong tinh thần hiệp hành, nếu mỗi người và mọi người đều ý thức vị trí, vai trò của mình trong cộng đoàn, sẽ biết khiêm tốn lắng nghe nhau, tham gia phần của mình. Đừng nghĩ rằng chỉ có trên luôn đúng, dưới thì sai. Ai cũng có thể sai.

Thế nên:

– Linh mục chánh xứ không ngại nhắc nhở, góp ý cho Ca đoàn.

– Ca đoàn cũng không ngại góp ý với linh mục chánh xứ. Đúng, Sai sẽ cùng nhau phân định.

– Cả người đệm đàn khi thấy Ca trưởng hát sai cao độ, không ngại nhắc cho Ca trưởng.

– Còn được nhắc nhở, là mình còn hiện hữu trong lòng anh em. Phải biết ơn người nhắc nhở, khiêm tốn đón nhận để có thể tốt hơn lên.

B. VÀI ƯỚC MONG – ĐỀ XUẤT

1/ UBTN/ HĐGMVN hay BTN/GP cung cấp các tài liệu liên quan; Cung cấp địa chỉ, số điện thoại để giải đáp thắc mắc khi được hỏi đến.

2/ Có một cuốn “Kim chỉ nam bỏ túi”, ghi lại những điều cần thiết, những chuyện quan trọng mà mọi người phải biết, nhất là những gì phải làm, và những gì không được phép làm.

3/ Giới thiệu các “lò luyện Thánh nhạc”, đào tạo Phụng vụ… khóa dài ngày, khóa ngắn ngày, để ai có nhu cầu biết tìm đến.

4/ Mẫu Kinh Lạy Cha, cung Chủ tế chung cho cả 3 giáo tỉnh Bắc-Trung-Nam. Không cần nhiều mẫu. Quan trọng nhất là thống nhất trong một vài mẫu, để đến đâu bất cứ ai cũng có thể “Hiệp hành” được bằng sự tham gia của mình vào buổi cử hành Phụng vụ đó.

Sau cùng, Lm Antôn đề nghị: UB nên chia sẻ với các GM Giáo phận, để các ngài trực tiếp truyền đạt lại cho các Lm trong Giáo phận mình, mới dễ có cái đồng, cái hiệp trong cái hành của Giáo Hội.

II. PHẦN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN và GIẢI ĐÁP THẮC MẮC

Lúc 10g30, sau phần giải lao, mọi người tiếp tục với phần ĐÓNG GÓP Ý KIẾN và GIẢI ĐÁP THẮC MẮC:

– Ý kiến anh Giuse Bùi Quang Hưng – Ca trưởng Ca đoàn Thánh Tâm, Thủ Đức: Trong bài Đáp Ca nếu có 5 phiên khúc, thì hát liên tục 3 phiên khúc rồi Đáp, sau đó hát tiếp 2 phiên khúc còn lại rồi Đáp, Như vậy có được hay không ? – Lm Antôn trả lời anh Giuse: Ví dụ bài “Linh hồn tôi tung hô Chúa…” do Điệp Khúc dài nên Lm đã giải quyết bằng cách hát Điệp khúc – hát liên tục các phiên khúc – trở lại Điệp khúc một lần cuối. Còn đối với các bài Đáp Ca khác, có câu Điệp Khúc tương đối ngắn, thì nên hát theo Xướng – Đáp. (Xướng rồi mới Đáp)

– Ý kiến của chị Têrêsa – Nhạc công: Đôi khi Nốt Trắng ngân dài mà Ca trưởng cứ cho hát luôn. Như vậy, phải sửa làm sao ạ ? – Lm Antôn trả lời chị Têrêsa: Việc này theo sự đồng thuận giữa nhau thôi. Giữa Nhạc công và Ca trưởng nên có sự trao đổi với nhau trước khi vào Thánh lễ. Nếu Ca trưởng vẫn không sửa, thì Nhạc công nên thuận theo ý Ca trưởng, để tránh đi sự dữ to hơn là sự dữ mà không ai biết.

– Một Ca trưởng trẻ: Là Lm chánh xứ có nguyên tắc nào khi làm việc với các Ca đoàn nói chung và các Ca trưởng nói riêng hay không? Lm mong muốn điều gì, khi một Ca trưởng đến làm việc với Lm và lắng nghe Lm như thế nào? Có hướng dẫn nào tổ chức Ca đoàn không ? Trong Ca đoàn, cần có Đoàn trưởng hay không? Nếu có thì vai trò của Đoàn trưởng và Ca trưởng là như thế nào? Khi hát bài Nhập lễ, chúng con chưa kịp hát Phiên khúc thì Lm đã ra đến bàn thờ rồi. Chúng con nên làm sao để vừa đúng Phụng vụ và không làm Cộng đoàn chia trí? – Lm Antôn: Ca đoàn hay Ca trưởng nên gặp gỡ Lm với tinh thần hiệp hành, để đi đến sự thống nhất giữa hai bên với nhau; Quy chế của mỗi Ca đoàn là tùy mỗi Lm chánh xứ.

– Ý kiến linh mục Phaolô Phan Thành Ngữ – Trưởng Ban Thánh nhạc (BTN) giáo phận Vinh: Giám mục nên quan tâm hơn nữa đến các Lm về mặt giảng thuyết (về thời lượng và khả năng); Các Lm đặc trách tìm cách tháo gỡ những khúc mắc cho các Ca trưởng trong việc gần gũi, trao đổi với Lm chánh xứ; Các Ca trưởng cần nhận được sự yêu thương, tôn trọng và tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục vụ. Từ đó, nền Thánh nhạc sẽ ngày càng phát triển. – Lm Antôn: Lm chánh xứ, Ca trưởng, ca viên nên sống tinh thần hiệp hành. Nói thẳng nói thật với nhau, chia sẻ, trao đổi với nhau. Sau cùng là phân định theo Thánh Thần.

– Lm Giuse Phạm Đình Ái – Giám tỉnh Dòng Thánh Thể tại Việt Nam – chuyên viên Phụng tự giải đáp về Thánh Vịnh – Đáp Ca: Phụng vụ nên chọn cái tốt nhất. Thánh Vịnh – Đáp Ca có Xướng và có Đáp là điều tốt nhất, nhưng không phải là điều duy nhất. Trong Văn kiện Mục lục các bài đọc trong Thánh lễ trình bày 2 cách thể hiện Thánh Vịnh – Đáp Ca: Thứ nhất, cách tốt nhất là Xướng và Đáp; Thứ hai, là Cộng đoàn hát từ đầu đến cuối mà không thêm vào câu Đáp, hoặc một người solo từ đầu đến cuối mà không thêm vào câu Đáp. Khi nào không thực hiện được cách thứ nhất, mới thực hiện cách thứ hai. Tiếp nối ý kiến của TDV là anh Ca trưởng trẻ, Lm Giuse Phạm Đình Ái mong muốn: Đoàn rước Nhập lễ là một biểu tượng của một đoàn lữ hành đi từ trần gian bước vào Giêrusalem, Lm rất nên chọn đi từ cuối nhà thờ lên, để cho biết đây là một cử hành của toàn thể dân chúng. Đoàn rước sẽ đi giữa lòng dân chúng và mọi người cảm nhận được là mình đang ở trong đoàn rước.

Ủy ban Thánh nhạc – Đại hội Thánh nhạc lần thứ 49

– Lm Rôcô Nguyễn Duy – Trưởng BTN TGp Sài Gòn tiếp lời: Trong sách Hướng Dẫn Mục Vụ số 145, như một Quy luật, nên hát Thánh Vịnh – Đáp Ca theo kiểu Đối Đáp. Ca Xướng Viên xướng các câu Thánh Vịnh tại Giảng Đài.

Tổng hợp các ý kiến và thắc mắc, Lm Nguyễn Duy nói: Ước muốn của chúng ta làm sao để hiệp hành trong mọi lĩnh vực của đời sống Giáo hội tại Việt Nam. Xin ĐGM chủ tịch Aloisiô trình bày hết sức tha thiết chân thành với các ĐGM trong HĐGMVN. Xin các ĐGM giúp PHỔ BIẾN văn bản “Hướng dẫn Mục vụ Thánh nhạc” đến mọi giáo xứ và cộng đoàn dòng tu.

Sau cùng, ĐGM chủ tịch Aloisiô đúc kết: Đề tài mà Lm Antôn vừa thuyết trình là một đề tài tế nhị, Có thể đụng chạm tới các Đấng ở các Giáo xứ. Tuy nhiên, những điều cần thiết cũng nên nói, có thể mất lòng người này, nhưng cũng sẽ xây dựng được cho những người khác. Nơi các linh mục, tinh thần Giáo sĩ trị vẫn còn nặng nề. Nếu có tinh thần hiệp hành: Gặp gỡ, lắng nghe và phân định thì có thể giải quyết được nhiều vấn đề. Lm Antôn vừa cho mọi người thấy Thánh nhạc có vị trí rất quan trọng. Lễ càng Trọng thì càng phải có những lời ca tiếng hát.

ĐGM chủ tịch Aloisiô hy vọng: các Cơ sở đào tạo Linh mục như Đại chủng viện, Học viện. nên huấn luyện cho các linh mục tương lai hát được đến mức tự tin và biết hát những phần dành riêng cho linh mục trong Thánh lễ. Và ĐGM chủ tịch Aloisiô ước mong các linh mục chính xứ sẽ lắng nghe và sẽ học hỏi được những điều cần thiết. Ngài cũng cho biết: ngài sẽ trình bày những vấn đề này trong đợt họp HĐGMVN lần tới.

ĐGM chủ tịch Aloisiô thông báo: Hội thảo Thánh nhạc lần thứ 50 sẽ được tổ chức vào Thứ Ba, 25/4/2023 và trước đó (thứ Hai, 24/4/2023) có Đêm Thánh ca.

Sau cùng, Lm Matthêu Nguyễn Quang Tuấn – Trưởng BTN giáo phận Ban Mê Thuột giúp cộng đoàn dâng lời tạ ơn Chúa bế mạc Đại hội Thánh nhạc lần thứ 49 qua bài NỮ VƯƠNG MÂN CÔI và ĐGM chủ tịch Aloisiô ban phúc lành cho các TDV.

Đại Hội kết thúc lúc 11g30, mọi người cùng chia sẻ niềm vui với nhau qua bữa cơm thân mật tại tầng trệt Khu B của Trung tâm Mục vụ.

Bài: Vân Nguyễn
Ảnh: Đức Hoàng
Video: Truyền thông TGP Tp.HCM

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *