1. Ủy ban Tình báo Hạ viện nói về các bằng chứng đại dịch có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán
Tử vong toàn thế giới tính cho đến sáng thứ Sáu 21 tháng Năm, đã lên đến 3,444,656 người chết, trong số 165,842,599 trường hợp nhiễm coronavirus. Riêng tại Hoa Kỳ, tử vong đã lên đến 602,616 người chết, trong số 33,833,181 trường hợp nhiễm bệnh.
Tử vong tại Ấn Độ tính đến sáng ngày thứ Sáu 21 tháng 5 là 291,365 người chết trong số 26,030,674 người nhiễm bệnh. Trong vòng 24 giờ trước đó, con số tử vong và nhiễm bệnh vẫn đang ở mức kinh hoàng với 276,261 trường hợp nhiễm bệnh được chính thức ghi nhận, và 3,880 người chết. Con số thương vong thực sự cao hơn rất nhiều vì hệ thống y tế của Ấn Độ đã sụp đổ, hầu hết các bệnh viện không nhận thêm bệnh nhân, nên những người tự chống chọi với căn bệnh quái ác này không có trong các con số thống kê.
Trong bối cảnh kinh hoàng này, tờ New York Post số ra ngày 20 tháng Năm, cho biết các đảng viên Cộng hòa trong Ủy ban Tình báo Hạ viện nói rằng có “các bằng chứng hợp lý đáng kể” cho thấy coronavirus bắt nguồn từ các vụ rò rỉ tại Viện Vi rút học Vũ Hán của Trung Quốc và chính phủ Hoa Kỳ “có thể đã tài trợ hoặc hợp tác” trong việc nghiên cứu dẫn đến kết quả bi thảm ngày hôm nay.
Dân biểu Devin Nunes của Đảng Cộng Hòa đơn vị California, thành viên hàng đầu của Ủy ban và các thành viên Đảng Cộng hòa khác trong ủy ban đã công bố báo cáo do Fox News thu được, kết luận rằng các chuyên gia y tế và quan chức chính phủ cần phải hiểu cách thức hoạt động của loại virus chết người này, và nguồn gốc của nó để có thể ngăn chặn “hoặc nhanh chóng giảm thiểu nguy cơ của đại dịch trong tương lai”.
Báo cáo cho rằng “Các nỗ lực quốc tế nhằm tìm ra nguồn gốc thực sự của vi rút đã bị cản trở bởi sự thiếu hợp tác từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
“Tuy nhiên, có các bằng chứng hợp lý đáng kể làm dấy lên lo ngại nghiêm trọng rằng đợt bùng phát COVID-19 là do rò rỉ từ Viện Vi rút học Vũ Hán.”
Trích dẫn cảnh báo từ các nhà ngoại giao Mỹ tại Trung Quốc vào đầu năm 2017, các dân biểu cho biết Trung Quốc có “một lịch sử dầy những vụ rò rỉ phòng thí nghiệm dẫn đến nhiễm trùng cho các nhà nghiên cứu”.
Báo cáo nói tiếp rằng phòng thí nghiệm ở Vũ Hán đã tiến hành “những nghiên cứu nguy hiểm” về coronavirus mà không tuân theo “các quy trình an toàn cần thiết”, tạo ra nguy cơ bùng phát ngẫu nhiên.
Các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa đã lưu ý trong báo cáo rằng “một số nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm Vũ Hán đã bị ốm với các triệu chứng giống COVID-19” vào mùa thu năm 2019.
“Ngược lại, có rất ít bằng chứng khách quan hỗ trợ cho tuyên bố của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Trung Hoa rằng COVID-19 là một sự xuất hiện tự nhiên, chuyển từ một số loài khác sang con người”
Họ cho rằng các nhà chức trách Trung Quốc “đã loanh quanh, không xác định được loài ban đầu được cho là đã lây lan vi-rút sang người, điều này rất quan trọng đối với lý thuyết truyền bệnh từ động vật sang người”.
Thậm chí nghiêm trọng hơn nữa, báo cáo còn khẳng định “những dấu hiệu rõ ràng” cho thấy các cơ quan chính phủ và tổ chức học thuật Hoa Kỳ “có thể đã tài trợ hoặc hợp tác trong nghiên cứu” tại phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Họ cũng cho biết quân đội của Trung Quốc đã “tham gia” vào phòng thí nghiệm.
“Để bảo vệ công dân Mỹ khỏi các đại dịch trong tương lai, Chính phủ Mỹ phải gây áp lực nhiều hơn với Trung Quốc để cho phép các cuộc điều tra đầy đủ, đáng tin cậy về nguồn gốc của đại dịch COVID-19 và cho phép các cuộc thăm dò khả năng đại dịch coronavirus hiện nay là do rò rỉ từ phòng thí nghiệm”.
“Chính phủ Hoa Kỳ cũng phải minh bạch hóa đầy đủ bất kỳ sự hợp tác nào của Hoa Kỳ với các nghiên cứu coronavirus của phòng thí nghiệm Vũ Hán, bao gồm cả việc hỗ trợ các dự án này thông qua quỹ của Chính phủ Hoa Kỳ.”
Nunes và các thành viên Đảng Cộng hòa khác trong ban hội thẩm đã công bố báo cáo và một lá thư cho Tổng thống Biden và Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, đổ lỗi cho họ vì đã không “thẳng thắn” đối với “tiến trình đưa ra những tuyên bố có thẩm quyền sớm về nguồn gốc của virus” trong khi tình trạng đại dịch vẫn đang hoàng hành kinh hoàng trên thế giới.
Đảng Cộng hòa muốn cộng đồng tình báo phải tiết lộ tất cả dữ liệu mà họ có về nguồn gốc của coronavirus, bao gồm bất kỳ báo cáo nào về khả năng “hợp tác” giữa phòng thí nghiệm Vũ Hán và quân đội Trung Quốc.
Viện Virus học P4 Vũ Hán
Họ ấn định thời hạn trả lời là ngày 31 tháng 5.
Dân biểu Jim Jordan của Đảng Cộng Hòa đơn vị Ohio đã yêu cầu điều tra Tiến sĩ Anthony Fauci với cáo buộc ông này đã trao cho phòng thí nghiệm Vũ Hán 700,000 Mỹ Kim.
“Hãy nhớ rằng, Tiến sĩ Anthony Fauci và tổ chức của ông đã phê duyệt 3 triệu đô la cho EcoHealth; và Ecohealth đã trao 700,000 đô la cho phòng thí nghiệm này”.
Dân biểu Jim Jordan đã nói trước Ủy ban và lập lại cáo buộc này với Maria Bartiromo của Fox Business trên “Mornings With Maria”.
Source:New York Post
2. Phụ nữ không muốn phá thai bị tình nhân nổ súng sát hại
Tổng giáo phận San Antonio, Texas lên tiếng kêu gọi cầu nguyện cho một phụ nữ bị tình nhân bắn nhiều phát súng sau khi từ chối phá thai. Người phụ nữ này đã may mắn được một tình nguyện viên phò sinh cứu mạng bên ngoài một phòng khám phá thai.
Cảnh sát San Antonio cho biết: Hôm thứ Bẩy 15 tháng 5, một phụ nữ bước vào phòng khám phá thai ở San Antonio. Chị ta đã dừng lại nói chuyện với một người biểu tình phò sinh, tỏ ý cần được giúp đỡ. Bất ngờ, một người đàn ông, là chồng hay tình nhân của chị ta, nhảy ra khỏi xe của cô và bắn nhiều loạt đạn vào cô.
Cathy Nix, giám đốc điều hành của Liên minh Phò sinh San Antonio, nói với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng:
“Một nhân viên an ninh trong đoàn biểu tình phò sinh đã nổ súng cứu nguy cho người phụ nữ, nhờ đó cứu được mạng sống của cả mẹ lẫn con”.
Cảnh sát cho biết, nhân viên an ninh trong đoàn biểu tình có giấy phép mang súng lục, và không có ai bị thương trong vụ nổ súng.
Phát ngôn viên của Sở cảnh sát San Antonio, Chris Ramos cho biết hành động của nhân viên an ninh phò sinh này là “hợp lý”.
“Anh ấy nhìn thấy ai đó nổ súng. Vì thế, anh ấy đã can thiệp và nhờ đó đã ngăn chặn được thương vong trong vụ nổ súng,” Ramos nói.
Người phụ nữ đã được chở về trụ sở cảnh sát. Các nhà chức trách cho biết họ tin rằng vụ nổ súng có thể là một vụ bạo lực gia đình.
Đài truyền hình KSAT 12 cho biết thêm các nhà điều tra đã thu hồi một khẩu súng của thủ phạm khi chạy trốn khỏi hiện trường.
Kimberlyn Schwartz, giám đốc truyền thông của tổ chức Right to Life ở Texas, nói với CNA:
“Tôi nghĩ cốt lõi của câu chuyện này cho thấy mong muốn bảo vệ mạng sống của những người Phò Sinh. Mong muốn bảo vệ đó thể hiện hàng ngày trên vỉa hè khi chúng tôi tiếp cận với những người phụ nữ để bảo vệ họ khỏi nỗi đau phá thai và bảo vệ các thai nhi khỏi những cái chết kinh hoàng.”
“Chúng tôi cầu nguyện cho người phụ nữ này được an toàn và đứa con sơ sinh của cô ấy được chào đời. Chúng tôi cảm tạ Chúa vì đã bảo vệ cô ấy trong tình huống khủng khiếp này” Schwartz nói với CNA.
Jordan McMorrough, giám đốc truyền thông của Tổng giáo phận San Antonio, nói với CNA rằng “những lời cầu nguyện của chúng tôi dành cho người phụ nữ liên quan, vì các tường thuật trên các phương tiện truyền thông vào thời điểm này cho thấy vụ này đang được điều tra như một vụ bạo lực gia đình”.
Source:Catholic News Agency
3. Tiến Sĩ George Weigel: Thư của ĐHY Ladaria là một sự can thiệp vô cùng không may từ Rôma
Ông Joe Biden luôn tự hào mình là người Công Giáo rất sùng đạo nhưng lại công khai ủng hộ phá thai hơn cả những vị tổng thống không Công Giáo. Trước gương mù tỏ tường này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dự định trong kỳ họp khoáng đại vào tháng 6 tới, sẽ thảo luận viễn ảnh đưa ra một tuyên bố về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai cũng như “phò” nhiều vấn đề khác mâu thuẫn gay gắt với giáo huấn của Hội Thánh.
Trước khi có cuộc thảo luận này, Đức Tổng Giám Mục José Horacio Gómez, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã viết một lá thư xin ý kiến của Bộ Giáo Lý Đức Tin. Thư phúc đáp của Đức Hồng Y Luis Ladaria đã gây xôn xao cho dư luận tại Hoa Kỳ, đặc biệt là sau khi nhân vật khét tiếng phò phá thai, Nancy Pelosi tuyên bố rất hài lòng với lá thư của Đức Hồng Y Luis Ladaria.
Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, có một bài nhận định đăng trên tờ First Things ngày 19 tháng 5, 2021.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
A Most Unfortunate Roman Intervention
By George Weigel
Một sự can thiệp vô cùng không may từ Rôma
Vào ngày 7 tháng 5, Đức Hồng Y Luis Ladaria, SJ, Tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã gửi một bức thư cho Đức Tổng Giám Mục José Gomez, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ. Nhìn chung, bức thư đó nhằm mục đích ngăn cản vô thời hạn một tuyên bố chung của các giám mục Hoa Kỳ về sự mạch lạc của bí tích Thánh Thể trong Giáo hội, đặc biệt liên hệ đến việc rước lễ của các quan chức Công Giáo đồng lõa với tội ác luân lý nghiêm trọng là phá thai: một vấn đề gần đây được đề cập đến rất hùng hồn bởi Đức Cha Thomas Paprocki của Springfield, Illinois; Đức Cha Thomas Olmsted của Phoenix; Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver; và Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone của San Francisco.
Thư Đức Hồng Y Ladaria bao gồm những tuyên bố không tự minh nhiên, một phần vì chúng xem ra không nhất quán với những gì Bộ Giáo Lý Đức Tin do ngài đứng đầu đã từng dạy vào năm 2002 trong “Lưu ý Tín lý,” có tựa đề “Sự tham gia của người Công Giáo trong Đời sống Chính trị”.
Ví dụ, lá thư của vị Hồng Y gửi cho Đức Tổng Giám Mục Gomez thúc giục các giám mục Hoa Kỳ tiến hành một cuộc “đối thoại” để “họ có thể đồng ý với tư cách là một Hội Đồng Giám Mục rằng việc ủng hộ những luật lệ phò lựa chọn là không tương thích với giáo huấn Công Giáo”. Tại sao lại cần có một cuộc đối thoại như thế? Tại lễ tấn phong của mình, các giám mục tuyên thệ long trọng đề cao giáo huấn của Giáo hội. Và như Lưu ý Tín lý năm 2002, khi trích dẫn thông điệp Evangelium Vitae (Tin Mừng Sự Sống) năm 1995 của Đức Gioan Phaolô II, đã nói “những người trực tiếp tham gia vào việc xây dựng luật pháp có ‘nghĩa vụ nghiêm trọng và rõ ràng là phải chống lại’ bất kỳ luật lệ nào tấn công sự sống con người. Đối với các chính trị gia, cũng như đối với mọi người Công Giáo, không thể cổ vũ những luật đó hoặc bỏ phiếu cho chúng”.
Tuy nhiên, Đức Hồng Y viết rằng các giám mục nên “thảo luận và đồng ý” với giáo huấn đó. Có gì để “thảo luận” ở đây? Và nếu, chẳng may, một số giám mục thực sự không đồng ý với giáo huấn đó, thì tại sao sự từ khước của họ — hoặc thậm chí những hiểu lầm của họ về những tác động của nó — lại có thể ngăn cản phần lớn các giám mục chấp nhận giáo huấn đó không được tái khẳng định và sau đó áp dụng giáo huấn đó? Công Đồng Nicê thứ nhất đã không chờ cho những giám mục ủng hộ Ariô “đồng ý” rồi mới dạy sự thật về thần tính của Chúa Kitô. Công Đồng Êphêsô cũng đã không chờ đợi sự đồng ý của Nestoriô và các giám mục theo bè rối Nestoriô đồng ý trước khi giảng dạy sự thật rằng Đức Mẹ có thể được gọi một cách chính đáng là Theotokos, Mẹ Thiên Chúa. Sự thật không thể bị đánh đổi để giành được sự nhất trí, phải không nào?
Một khi “thỏa thuận” giữa các giám mục về chân lý cơ bản của đức tin Công Giáo đã đạt được, Đức Hồng Y lại kêu gọi các giám mục địa phương phải “tham gia đối thoại với các chính trị gia Công Giáo trong địa phận của mình” như một “phương cách để hiểu bản chất các quan điểm và mức độ lĩnh hội giáo huấn Công Giáo của họ. Có lẽ Đức Hồng Y không biết rằng điều này đã được thực hiện. Có lẽ Đức Hồng Y không biết rằng vấn đề, tiêu biểu là, không phải các chính trị gia “ủng hộ phò lựa chọn” hiểu sai những gì Giáo hội dạy mà là họ [hiểu rất rõ nhưng] bác bỏ những giáo huấn đó – và vẫn khăng khăng thể hiện mình như những người Công Giáo nghiêm túc trong sự hiệp thông trọn vẹn với Giáo hội. (Tuyên bố như vậy bây giờ là một chi tiết thường xuyên trong cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc.) Có rất ít những gì là không rõ ràng ở đây, và tiếp tục “đối thoại” sẽ chẳng làm sáng tỏ bao nhiêu bất cứ điều gì.
Đức Hồng Y cũng lo ngại rằng bất kỳ “chính sách quốc gia nào về sự xứng đáng cho sự hiệp thông Thánh Thể” phải thể hiện “sự đồng thuận thực sự của các giám mục về vấn đề này”. Nhưng, một lần nữa, điều đó có nghĩa là một số các giám mục ít có cảm thức cấp bách về việc phải bảo vệ sự thật, áp dụng nó, và nhờ đó khôi phục tính mạch lạc Thánh Thể của Giáo hội, lại đâm ra là những người quyết định giai điệu cho tất cả các giám mục còn lại. Đây không phải là kiểu “đồng thuận” mà Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã tìm kiếm khi ngài nỗ lực hoạt động để Công đồng Vatican II thông qua Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo với tỷ số lớn nhất có thể. Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục biết rằng Đức Tổng Giám Mục Marcel Lefebvre và những người cực đoan khác sẽ không bao giờ chấp nhận một tuyên bố như vậy, nhưng ngài không sẵn sàng trao cho họ quyền phủ quyết tuyên bố ấy dưới danh nghĩa “đồng thuận”. Tại sao ngày nay quyền phủ quyết như vậy lại được trao cho một số ít những người cực đoan trong Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ?
Lời kêu gọi của Đức Hồng Y Tổng trưởng rằng “mọi nỗ lực… phải được thực hiện” để “đối thoại” với “các Hội Đồng Giám Mục khác khi chính sách này được hình thành” cũng là một điều khó hiểu. Liệu Đức Hồng Y Ladaria có thực sự tin rằng một cuộc “đối thoại” với một Hội Đồng Giám Mục Đức không quan tâm gì đến việc bội giáo và đang quay cuồng bên bờ ly giáo sẽ tạo ra những kết quả tốt đẹp ở Hoa Kỳ? Nếu vậy, sẽ rất lý thú khi biết điều đó sẽ xảy ra như thế nào.
Chiến lược mà Đức Hồng Y Ladaria thúc giục trong lá thư của ngài sao chép các yếu tố chính trong cách tiếp cận của McCarrick đối với các chính trị gia Mỹ ủng hộ việc phá thai. Tôi tin rằng Đức Hồng Y Ladaria đã không biết về điều đó, nhưng dù thế nào đi nữa, cách tiếp cận chậm chạp, tẻ nhạt đối với một cuộc khủng hoảng mà ngài thúc giục các giám mục Hoa Kỳ đang bị đánh giá rất thấp.
Source:First Things