Vatican và Trung Quốc đã đạt được thoả thuận nào? Tóm lược lời ĐHY Thang Hán cuả Hong Kong.

Đức Hồng Y Gioan Thang Hán cuả Hong Kong, trong bức thư phát hành ngày thứ Năm vừa qua và được các tờ báo tăm tiếng như tờ Wall Street Journal đăng tải, cho biế́t rằng Trung Quốc và Vatican đã đạt được sự đồng thuận về việc bổ nhiệm các giám mục, và sẽ dẫn đến việc giải quyết các vấn đề khác một cách mau mắn.

Ngài nói rằng thỏa thuận này sẽ kết thúc một cuộc khủng hoảng giữa giáo hội quốc doanh được chính quyền thừa nhận chính thức và giaó hội ‘chui’ trung thành với Đức Giáo Hoàng.

“Từ nay, sẽ có không có khủng hoảng và phân chia giữa các cộng đồng mở và ngầm trong Giáo Hội tại Trung Quốc,” đức Hồng Y nói.

“Ngược lại, hai cộng đồng sẽ dần dần di chuyển về hướng hòa giải và hiệp thông trong các lãnh vực pháp luật, mục vụ và giáo quyền. Giáo hội ở Trung Quốc sẽ cùng nhau làm việc để rao giảng phúc âm của Chúa Giêsu trên đất Trung Quốc.”

Trong bức thư Đức Hồng Y Thang Hán lưu ý rằng Trung Quốc và Vatican theo đuổi các mục đích khác nhau, vì vậy hai bên sẽ ưu tiên giải quyết từng vấn đề còn tồn đọng theo những thể thức khác nhau.

“Chính phủ Trung Quốc chú trọng đến vấn đề chính trị, trong khi tòa thánh, là những vấn đề tôn giáo và mục vụ ,” ĐHY nói.

Vatican và Trung Quốc đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1951, chỉ có những cuộc hội đàm không chính thức, ‘lúc nóng lúc lạnh’, kể từ năm 1980.

Trong triều giáo hoàng Phanxicô, hai bên đã khởi động lại những cuộc đối thoại chính thức vào năm 2014.

Việc đối thoại đã diễn ra trên quan điểm chính trị, nhưng đức Hồng Y Thang Hán nói rằng Ngài đã muốn đưa thêm vào một quan điểm tôn giáo. Ngài đã đưa ra đề nghị lần đầu tiên vào cuối tháng tám năm ngoái và cho biết đã nhận được nhiều phản hồi tích cực.

Những năm trước, theo những qui tắc cuả chính quyền, các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã bầu giám mục mới, nhưng hầu hết những vị được bầu cũng đã nộp đơn xin Tòa Thánh phê chuẩn.

Đức Hồng Y Thang Hán nói rằng cuộc đối thoại giữa Trung Hoa-Vatican cho thấy rằng Trung Quốc bây giờ sẽ “để cho đức giáo hoàng đóng một vai trò trong việc đề cử và phong chức giám mục.” Bởi vì, theo giáo luật, giáo hoàng là tiếng nói cuối cùng trong việc bổ nhiệm giám mục, điều thoả thuận này sẽ giải quyết một số vấn đề, ĐHY nói.

“Bắc Kinh cũng sẽ công nhận quyền phủ quyết cuả Vatican, và Đức Giáo Hoàng là thẩm quyền cao nhất và cuối cùng trong quyết định chọn ứng cử viên cho chức giám mục ở Trung Quốc,” ĐHY nói.

Hiệp hội Công Giáo yêu nước ủng hộ việc “tự đề cử và tự phong” của giám mục, nhưng nếu thỏa thuận trên đạt được, thì nguyên tắc cuả Hiệp hội Yêu Nước sẽ trở thành lịch sử, ĐHY nói.

Vai trò của Hiệp hội yêu nước, do chính quyền kiểm soát, đã là một trở ngại trong quan hệ Trung Quốc-Vatican, nhưng sau khi thoả thận này được ký kết thì Hiệp hội sẽ chuyển thành một tổ chức “tự nguyện, phi lợi nhuận, yêu nước và yêu thương Giáo Hội, và sẽ bao gồm các giáo sĩ và các tín hữu từ khắp đất nước,” ĐHY Thang Hán nói.

Trung Quốc yêu cầu các vị lãnh đạo Công Giáo phải đăng ký với Hiệp hội yêu nước, và một số giám mục đã từ chối. Điều này dẫn đến cái gọi là cộng đồng chính thức và không chính thức (chui) trong Giáo Hội Công Giáo.

Nhưng đức Hồng Y Thang Hán nói người Công Giáo trong cả hai cộng đồng “vẫn tích cực tìm kiếm và bày tỏ sự hiệp thông toàn vẹn và thống nhất với Giáo Hội phổ quát.”

Mặc dù đã có một số giám mục được tấn phong mà không có phép của giáo hoàng, “họ vẫn cố gắng hết sức để giải thích cho Đức Giáo Hoàng và yêu cầu được thông cảm và được chấp nhận,” đức Hồng Y nói. “Tất nhiên, nếu tất cả mọi việc được xuôi chảy, họ sẽ được tha vạ, chấp nhận và có thể được giao quyền cai quản giáo phận.”

Đức Hồng Y lưu ý rằng có bảy giám mục hiện đang “ở trong tình trạng trái phép” vì họ được phong chức giám mục bất hợp pháp; một số còn có những hành vi bất đạo Đức. Đức Hồng Y Thang Hán cho biết đức giáo hoàng Phanxicô có thể tha vạ tuyệt thông, và các vấn đề về đạo đức sẽ được xử lý một cách riêng biệt.

Để được ân xá, một giám mục phải viết thư xin lỗi cho đức giáo hoàng và biểu lộ ước muốn sẵn sàng hiệp thông với Giáo Hội.

“Theo thông tin đáng tin cậy, tất cả bảy vị giám mục bất hợp pháp đã gửi thư cho đức giáo hoàng. Họ cũng đã bày tỏ sự sẵn sàng vâng phục vô điều kiện và xin được tha thứ,” ĐHY nói.

Một vấn đề khác chưa được thoả thuận là việc Vatican muốn Trung Quốc công nhận các giám mục đã từ chối không đăng ký với chính phủ.

Đức Hồng Y Thang Hán nói đó là kết quả của một giai đoạn lịch sử và chính trị đặc biệt.

“Không có sự tin tưởng lẫn nhau giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh, và điều này gián tiếp dẫn đến sự thiếu lòng tin giữa chính phủ và các giám mục ‘chui’. Cho nên nếu có một thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, thì cũng sẽ dẫn tới sự tin tưởng đáng kể rằng các giám mục ‘chui’ không hoạt động chống chính quyền mỗi khi họ giữ vững lập trường về những nguyên tắc tôn giáo” đức Hồng Y Thang Hán nói.

Đức Hồng Y Thang Hán nói ngài hiểu rằng, ngay cả với những thay đổi kể trên, Giáo Hội vẫn chưa hoàn toàn được tự do như ở các nước khác.

“Sự lựa chọn của chúng tôi là, hoặc nắm lấy sự tự do có giới hạn bây giờ và trở thành một nhà thờ tuy không hoàn hảo, nhưng thực sự có ý nghĩa, và sau đó hy vọng sẽ tiến đến một sự hoàn hảo sau này, hoặc chúng tôi từ bỏ sự tự do cần thiết và không có gì cả, và sau đó chờ đợi cho đến khi được hoàn toàn tự do- nhưng không ai biết khi nào thì sẽ xảy ra. Trong thực tế, nguyên tắc đạo đức của Giáo Hội dạy chúng tôi hãy chọn cái thấp hơn của hai tệ nạn.

“Vì vậy, theo các nguyên tắc thực dụng mà đức giáo hoàng Phanxicô đã dạy, Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc rõ ràng đang đi trên con đường mình nên đi,” ĐHY nói.

 

http://www.vietcatholic.org/News/Html/214260.htm

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *