1. Vị Hồng Y bị bao quanh bởi F0 đã qua đời trong niềm thương tiếc của các tín hữu Mỹ Châu Latinh
Trong bản tin hôm thứ Năm 23 tháng 9, Hội đồng Giám mục Venezuela, cho biết Đức Hồng Y Jorge Liberato Urosa Savino, Tổng Giám mục hiệu tòa của Thủ đô Caracas đã qua đời vì coronavirus vào ngày 23 tháng 9. Tin buồn ngay lập tức khiến người dân Venezuela rất đau lòng. Đức Hồng Y được nhiều người yêu mến và kính trọng không chỉ ở Mỹ châu Latinh, nơi ngài được nhiều người biết đến mà còn là trên toàn thế giới.
Vào ngày 27 tháng 8, một ngày trước sinh nhật thứ 79 của ngài, Đức Hồng Y được đưa vào một phòng khám ở Caracas và được chẩn đoán nhiễm coronavirus. Ngài đã lãnh nhận các bí tích bệnh nhân trước khi được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt và đặt máy thở.
Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino là vị Hồng Y duy nhất của Venezuela, và là Tổng giám mục hiệu tòa của Caracas. Ngài là tiếng nói đối kháng, thường xuyên chỉ trích tên độc tài Nicolas Maduro.
Đức Hồng Y được tường trình là đã bị vây quanh bởi những người lạ khi ngài đang đi tản bộ và lần hạt trong một công viên.
Lần cuối cùng Đức Hồng Y xuất hiện trước công chúng là vào ngày 24 tháng 6 trong một thánh lễ tưởng niệm để vinh danh Trận chiến Carabobo, được tổ chức tại nhà thờ chính tòa của thành phố Valencia, Venezuela.
Vào ngày 3 tháng 9, các phương tiện truyền thông của chế độ loan tin ngài đã qua đời. Tổng giáo phận Caracas bác bỏ tin đồn này nhưng cho biết sức khỏe của vị Hồng Y trong tình trạng mỏng manh và ngài đang nhận được tất cả các can thiệp y tế cần thiết trong khu chăm sóc đặc biệt. Vào ngày 12 tháng 9, tổng giáo phận cho biết sức khỏe của vị Hồng Y đã xấu đi và ngài đang ở trong tình trạng “rất mong manh”.
Tuyên bố cho biết thêm rằng “chúng ta hãy hiệp nhất trong lời cầu nguyện, nhờ sự chuyển cầu của Thánh Maria thành Coromoto và Chân phước José Gregorio Hernández, cầu xin sự bình phục cho vị Tổng giám mục hiệu tòa của chúng ta và cho tất cả những người bệnh”.
Hôm 28 tháng 8, Đức Hồng Y Urosa đã viết một thông điệp như một lời trăn trối “trong trường hợp phải được chăm sóc đặc biệt do tình trạng của tôi trở nên trầm trọng hơn, tôi muốn bày tỏ tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với Giáo hội, và tình yêu cho người dân Venezuela”.
Trong thông điệp của mình, vị Hồng Y bảo đảm rằng “Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc khi được làm linh mục “ và cầu xin “ sự tha thứ từ Chúa và tất cả anh em của tôi về những lỗi lầm mà tôi có thể đã phạm phải, đặc biệt là những thiếu sót”.
“Tôi cũng bày tỏ tình cảm to lớn của mình đối với người dân Venezuela và sự cống hiến tuyệt đối của tôi cho tự do của anh chị em, cho các thể chế của họ, để bảo vệ quyền của người dân trước những hành vi lạm dụng gây ra bởi nhà cầm quyền.”
Để kết luận, ngài viết:
“Tôi hy vọng Venezuela thoát khỏi tình trạng tiêu cực này”.
Đức Hồng Y Jorge Urosa Savino là vị Hồng Y thứ hai qua đời do dịch bệnh. Vị Hồng Y đầu tiên là Đức Hồng Y Eusébio Oscar Scheid, tổng giám mục hiệu tòa của Brasilia, qua đời ngày 13 tháng Giêng năm 2021.
Source:Sismografo
2. Đức Hồng Y Chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu tiết lộ một điều ít cơ quan truyền thông nào dám đăng
Trong bài phỏng vấn có nhan đề “Bagnasco: l’Europa sia davvero una famiglia di popoli”, nghĩa là “Đức Hồng Y Bagnasco nói: Âu Châu thực sự là một gia đình các dân tộc” vào ngày 23 tháng 9 năm 2021 với Vatican News, Đức Hồng Y Bagnasco đã tiết lộ một điều ít cơ quan truyền thông nào dám đăng tải.
Khi được phóng viên hỏi:
“Chúng ta vẫn chưa thoát khỏi đại dịch. Một bộ phận lớn người dân bày tỏ sự phản đối với việc tiêm phòng và tính chất bắt buộc của giấy thông hành xanh ở Ý. Đức Hồng Y cảm thấy mình có thể đưa ra gợi ý nào vào thời điểm này không?”.
Đức Hồng Y trả lời như sau:
“Tôi chỉ đơn giản nói kinh nghiệm của tôi, rằng tôi đang bị nhiễm coronavirus đây, nhưng ở dạng cực kỳ nhẹ nhàng, không có triệu chứng cụ thể và tôi nghĩ rằng sự nhẹ nhàng này chắc chắn là do thực tế là tôi đã hoàn thành việc tiêm chủng từ tháng 5 năm ngoái. Vì vậy, người ta chắc chắn biết rằng ngay cả khi đã tiêm vắc xin, chúng ta vẫn có thể bị nhiễm bệnh nhưng ở dạng cực kỳ nhẹ. Đây là kinh nghiệm của tôi.”
Trong các tường thuật trên các phương tiện truyền thông chính mạch hiện nay, chúng ta không ngừng đọc thấy những tin những người phản đối vắc xin bất ngờ chết thảm vì coronavirus. Ít khi nào chúng ta thấy các nhận định trung thực như của Đức Hồng Y Bagnasco. Chúng tôi không có ý định phản đối vắc xin, xin vui lòng đừng xuyên tạc ý kiến của chúng tôi. Ý chúng tôi muốn nói là cho dù đã chích cả hai liều chúng ta vẫn có thể bị nhiễm bệnh. Vì thế, dù đã chích vắc xin, vẫn phải cẩn thận.
Source:Vatican News
3. Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong thánh lễ khai mạc Hội Nghị Khoáng Đại Thứ 50 Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu
Lúc 5 giờ chiều thứ Năm 23 tháng 9, tại bàn thờ Ngai Tòa bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ khai mạc Hội Nghị Khoáng Đại lần thứ 50 của Liên Hội Đồng Giám Mục Âu Châu. Các bài đọc trong Phụng Vụ lấy từ lễ nhớ thánh Piô Năm Dấu Thánh. Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Hôm nay lời Chúa giới thiệu cho chúng ta ba từ ngữ thách thức chúng ta trong tư cách là các Kitô hữu và các Giám mục ở Âu Châu: đó là suy tư, tái thiết và gặp gỡ.
Suy tư. Chúa nói với chúng ta, qua tiên tri Khác-gai. Hai lần Ngài nói với dân Người: “Các ngươi hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi!” (Kg 1: 5,7). “Đường lối” mà dân Chúa phải lưu tâm suy gẫm là đường lối nào? Chúng ta hãy nghe Chúa nói: “Chớ thì đến lúc các ngươi cư ngụ trong nhà ấm cúng, và để đền thờ này hoang vu sao?” (Câu 4). Dân chúng, khi trở về từ cuộc lưu đày, đã lo lắng về việc xây dựng lại nhà cửa của họ; giờ đây, họ được an vị thoải mái tại nhà, trong khi ngôi nhà của Thiên Chúa nằm trong đống đổ nát, không có ai xây dựng lại. Những từ đó – “Hãy lưu tâm đến đường lối các ngươi!” – là một thách thức bởi vì ngày nay, ở Âu Châu, các Kitô hữu chúng ta có thể bị cám dỗ để thu mình trong sự an toàn thoải mái, trong các cấu trúc, nhà cửa và nhà thờ của chúng ta, trong sự an ninh do truyền thống của chúng ta cung cấp, bằng lòng với một mức độ nhất trí nhất định, trong khi tất cả các nhà thờ xung quanh chúng ta đang trống rỗng và Chúa Giêsu ngày càng bị lãng quên.
Hãy nhìn xem có biết bao nhiêu người ngày nay không còn đói và khát Chúa nữa! Không phải vì họ xấu xa, mà vì không có ai đánh thức trong họ niềm khao khát đức tin và thỏa mãn cơn khát trong trái tim con người, “cơn khát bẩm sinh và vĩnh viễn” đã được Dante đề cập đến (Phần II, 19) và cũng là cơn khát mà chế độ độc tài của chủ nghĩa tiêu dùng đang nhẹ nhàng nhưng kiên quyết cố gắng làm cho người ta quên đi. Vì vậy, nhiều người bị lôi kéo đến chỗ chỉ cảm thấy các nhu cầu vật chất, mà không còn cảm thấy bất cứ nhu cầu nào đối với Thiên Chúa. Chắc chắn, chúng ta đang “bận tâm” về điều này, nhưng chúng ta có thực sự “bận tâm” với cách đối phó với nó không? Phán xét những người không tin hoặc liệt kê các lý do dẫn đến trào lưu tục hóa là điều dễ dàng, nhưng chung cuộc chẳng đi đến đâu. Lời Chúa thách thức chúng ta nhìn lại chính mình. Chúng ta có cảm thấy lo lắng và thương xót cho những người không có được niềm vui khi gặp Chúa Giêsu, hay những người đã đánh mất niềm vui đó không? Chúng ta có cảm thấy thoải mái vì trong sâu thẳm mọi việc trong cuộc sống của chúng ta vẫn diễn ra như thường lệ, hay chúng ta cảm thấy bối rối khi thấy rất nhiều anh chị em của mình tách biệt khỏi niềm vui gặp gỡ Chúa Giêsu?
Qua tiên tri Khác-gai, Chúa yêu cầu dân Người suy tư về một điều khác nữa: “Các ngươi đã gieo nhiều mà thu vào ít: các ngươi đã ăn không no, đã uống không say, đã mặc không ấm” (câu 6). Nói cách khác, người dân có mọi thứ họ muốn, nhưng họ không hạnh phúc. Họ đã thiếu những gì? Chúa Giêsu gợi ý câu trả lời bằng những từ có vẻ giống với câu của Khác-gai: “Ta đói, các ngươi đã không cho ăn; Ta khát, các ngươi đã không cho uống; Ta trần truồng, các ngươi đã không cho mặc” (Mt 25:42-43). Thiếu bác ái gây ra bất hạnh, vì chỉ tình yêu mới thỏa mãn được trái tim con người. Chỉ quan tâm đến công việc riêng của họ, cư dân Giêrusalem đã mất đi niềm vui đến từ sự nhưng không. Đây cũng có thể là vấn đề của chính chúng ta: chúng ta tập trung vào các quan điểm khác nhau trong Giáo hội, vào các cuộc thảo luận, chương trình nghị sự và chiến lược, và đánh mất đi chương trình thực sự, chương trình của Tin Mừng: sự thúc đẩy của lòng bác ái, lòng nhiệt thành cho đi nhưng không. Giải pháp cho các vấn đề và cho xu hướng tự hấp thụ vào chính mình luôn là tính nhưng không. Không có giải pháp nào khác. Đây là điều cần suy ngẫm.
Sau khi suy tư, chúng ta đi đến một bước khác: tái thiết lại. “Hãy xây dựng nhà Ta”, Thiên Chúa phán qua tiên tri Khác-gai (Kg 1: 8), và dân Chúa xây dựng lại đền thờ. Họ thôi bằng lòng với hiện tại yên bình và bắt đầu làm việc cho tương lai. Tuy nhiên, vì một số người phản đối điều này, nên Sách Biên niên sử cho chúng ta biết rằng dân chúng đã làm việc bằng một tay trên đá để xây dựng; và tay kia cầm kiếm để bảo vệ quá trình tái thiết này. Không dễ dàng gì để xây dựng lại đền thờ. Đây là những gì cần thiết để xây dựng ngôi nhà chung Âu Châu: chúng ta phải bỏ lại sau lưng những khả năng ngắn hạn và quay trở lại với tầm nhìn xa trông rộng của những người sáng lập ra Âu Châu, là điều mà tôi dám gọi là tầm nhìn tiên tri về tổng thể. Họ không tìm kiếm sự đồng thuận thoáng qua, mà mơ về một tương lai cho tất cả mọi người. Đây là cách các bức tường của ngôi nhà Âu Châu được dựng lên, và chỉ bằng cách này, chúng mới có thể được củng cố. Điều này cũng đúng đối với Giáo Hội, là nhà của Thiên Chúa. Để làm cho Giáo Hội xinh đẹp và được chào đón, chúng ta cần cùng nhau nhìn về tương lai chứ không phải khôi phục lại quá khứ. Đáng buồn thay, một số “não trạng hoài cổ” hiện đang là mốt thời trang, điều đó có thể tiêu diệt tất cả chúng ta. Chắc chắn, chúng ta phải bắt đầu từ nền tảng, vâng thực sự từ cội nguồn của chúng ta, bởi vì đó là nơi bắt đầu xây dựng lại: từ truyền thống sống động của Giáo Hội, dựa trên những gì là thiết yếu, tức là Tin Mừng, sự gần gũi và chứng tá. Chúng ta cần xây dựng lại từ nền tảng của mình là Giáo hội mọi lúc và mọi nơi, từ sự thờ phượng Thiên Chúa và tình yêu thương người lân cận, chứ không phải từ sở thích của chúng ta, không phải từ bất kỳ liên minh hoặc thương lượng nào mà chúng ta có thể thực hiện để bảo vệ Giáo hội hoặc Kitô Giáo.
Anh em thân mến, tôi muốn cảm ơn anh em về công việc xây dựng lại mà anh em đang theo đuổi nhờ ân sủng của Thiên Chúa; điều đó không phải là dễ dàng. Cảm ơn anh em vì năm mươi năm đầu tiên phục vụ Giáo hội và Âu Châu. Chúng ta hãy động viên lẫn nhau, không bao giờ nản lòng hoặc lùi bước. Chúa đang kêu gọi chúng ta đến với một công việc huy hoàng, đó là công việc làm cho ngôi nhà của Ngài ngày càng được chào đón hơn, để mọi người có thể vào và cư ngụ tại đó, để Giáo Hội có thể mở rộng cửa cho tất cả mọi người và không ai bị cám dỗ chỉ nghĩ đến việc canh cửa và thay ổ khóa, là những cám dỗ đơn giản. Không, thay đổi diễn ra ở nơi khác: nó đến từ gốc rễ. Đó là chỗ từ đó bắt đầu việc xây dựng.
Dân Israel đã tự tay mình xây dựng lại Đền thờ. Những người xây dựng lại đức tin vĩ đại trên lục địa này cũng vậy. Chúng ta hãy nhìn lên các thánh bổn mạng. Họ đã làm phần việc nhỏ nhoi của mình trong niềm tin cậy nơi Chúa. Tôi nghĩ đến các thánh như Thánh Martinô, Thánh Phanxicô, Thánh Đaminh, Thánh Piô thành Pietrelcina, những người mà chúng ta mừng lễ hôm nay; cũng như những vị Thánh Bảo trợ khác như Thánh Biển Đức, Thánh Cyrilô và Methođiô, Thánh Bridget, Thánh Catêrina thành Siena và Thánh Teresa Benedicta của Thánh Giá. Các ngài đã bắt đầu với việc xây dựng lại chính họ, thay đổi cuộc sống của chính họ qua việc đón nhận ân sủng của Thiên Chúa. Các ngài không quan tâm đến thời kỳ đen tối, gian khổ và những chia rẽ luôn hiện hữu. Các ngài không lãng phí thời gian để chỉ trích hay đổ lỗi. Các ngài đã sống theo Phúc Âm, mà không cần lo lắng về uy danh hay chính trị. Vì vậy, với sức mạnh dịu dàng của tình yêu Thiên Chúa, các ngài đã thể hiện phong cách gần gũi, từ bi và dịu dàng của Ngài – vì đó là phong cách của Thiên Chúa. Các ngài xây dựng tu viện, khai khẩn đất đai, làm sống động tinh thần của các cá nhân và đất nước. Các ngài không có một “nghị trình xã hội”, không có gì khác ngoài Tin Mừng. Và các ngài tiếp tục với Tin Mừng.
Hãy xây dựng lại ngôi nhà của Ta. Ở đây động từ “tái thiết” ở số nhiều. Tất cả việc xây dựng lại diễn ra cùng nhau, trong sự thống nhất, với những người khác. Các hình ảnh có thể khác nhau, nhưng sự thống nhất phải luôn được duy trì. Vì nếu chúng ta giữ ân sủng của toàn thể, thì Chúa vẫn tiếp tục xây dựng, ngay cả khi chính chúng ta vấp ngã. Ân sủng của toàn thể. Đây là lời kêu gọi dành cho chúng ta: hãy cùng nhau trở thành một Giáo hội, một Thân thể. Đây là ơn gọi của chúng ta với tư cách là những mục tử: hãy quy tụ đoàn chiên; chứ không phải phân tán đàn chiên hoặc giữ chiên bên trong những hàng rào đẹp, điều này thực tế sẽ giết chết đàn chiên. Xây dựng lại có nghĩa là trở thành những nghệ nhân của sự hiệp thông, những người thợ dệt nên sự hiệp nhất ở mọi cấp độ: không phải bằng mưu kế mà bằng Tin Mừng.
Nếu chúng ta xây dựng lại theo cách này, chúng ta sẽ cho phép anh chị em của chúng ta gặp gỡ Chúa. Đây là từ thứ ba, xuất hiện ở cuối bài Tin Mừng hôm nay. Hêrôđê cố gắng “gặp gỡ” Chúa Giêsu (x. Lc 9: 9).Ngày nay cũng như vào thời đó, nhiều người nói về Chúa Giêsu. Trong những ngày đó, họ nói: “Ông Gioan đã từ cõi chết sống lại… Ông Êlia đã hiện ra… một trong các ngôn sứ xưa đã xuất hiện” (Lc 9: 7-8). Tất cả những người đó đều kính trọng Chúa Giêsu, nhưng họ không nắm bắt được sự mới mẻ của Ngài; họ đặt ngài vào trong những khuôn khổ đã định trước: Thánh Gioan, Tiên tri Elijah, và các tiên tri khác. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không thể bị áp đặt vào khuôn khổ của các tin đồn hay những điều đã thuộc về quá khứ. Chúa Giêsu luôn luôn mới, luôn luôn. Cuộc gặp gỡ với Người luôn gây kinh ngạc, và nếu anh chị em không cảm thấy sự ngạc nhiên đó trong cuộc gặp gỡ, anh chị em đã không gặp Chúa Giêsu.
Vì vậy, nhiều người ở Âu Châu xem đức tin là déja vu, một di tích của quá khứ. Tại sao? Bởi vì họ đã không nhìn thấy Chúa Giêsu đang làm việc trong cuộc sống của chính họ. Thông thường điều này là do chúng ta, trong cuộc sống của chúng ta, đã không thể hiện đầy đủ về Chúa Giêsu đối với họ. Thiên Chúa làm cho mình được nhìn thấy trong khuôn mặt và hành động của những người nam nữ được biến đổi bởi sự hiện diện của Ngài. Nếu các Kitô hữu, thay vì tỏa ra niềm vui lây lan của Tin Mừng, tiếp tục nói bằng một ngôn ngữ tôn giáo lạc hậu về trí tuệ và đạo đức, thì người ta sẽ không thể nhìn thấy Người Mục Tử Nhân Lành. Họ sẽ không nhận ra Đấng yêu thương từng con chiên của mình, gọi tên chúng và cưu mang chúng trên vai. Họ sẽ không nhìn thấy Đấng có niềm đam mê đáng kinh ngạc mà chúng ta rao giảng: vì đó là niềm đam mê làm tiêu hao, niềm đam mê dành cho nhân loại. Tình yêu thiêng liêng, nhân hậu và mạnh mẽ này tự nó là nét mới lâu đời của Tin Mừng. Anh em thân mến, chúng ta phải có những quyết định khôn ngoan và táo bạo, được thực hiện nhân danh tình yêu điên cuồng mà Chúa Kitô đã cứu chúng ta. Chúa Giêsu không yêu cầu chúng ta đưa ra các lập luận cho Thiên Chúa, Ngài yêu cầu chúng ta chỉ cho người ta thấy Ngài, giống như cách các thánh đã làm, không phải bằng lời nói mà bằng cuộc sống của chúng ta. Ngài kêu gọi chúng ta cầu nguyện và sông thanh bần, sáng tạo và nhưng không. Chúng ta hãy giúp Âu Châu ngày nay – đang mờ nhạt với tình trạng mệt mỏi hiện nay của lục địa này – khám phá lại khuôn mặt trẻ trung mãi mãi của Chúa Giêsu và Hiền thê của Ngài. Làm thế nào chúng ta lại có thể không cống hiến hết mình để làm cho tất cả mọi người nhìn thấy vẻ đẹp không phai tàn này?
Source:Holy See Pres Office