Video: Bác sĩ Anh Hùng Lý Văn Lương có phải là người Công Giáo không?

2. Bác sĩ Anh Hùng Lý Văn Lương có phải là người Công Giáo không?

Bác sĩ Lý văn Lương (Li Wenliang – 李文亮), là bác sĩ đầu tiên đưa ra cảnh báo về coronavirus và công an Trung Quốc đã bắt anh phải im lặng. Anh đã chết trong bệnh viện sau khi nhiễm bệnh từ các bệnh nhân. Cái chết của anh – đầu tiên bị bọn cầm quyền phủ nhận, sau đó được cả truyền thông nhà nước thừa nhận – đã gây ra những lời bình luận dữ dội trên mạng, ngay cả khi công an internet cố gắng xóa sạch những lời bình luận này.

Tháng 12 năm ngoái, vị bác sĩ 34 tuổi này đã gửi tin nhắn cho các đồng nghiệp của mình để cảnh báo về một loại virus tương tự như virus Sars. Nhưng công an internet đã ngay lập tức can thiệp và cáo buộc anh ta “tung tin đồn” gây rối trật tự công cộng. Sau đó, anh bị nhiễm virus và bị cô lập tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán.

Tin tức về cái chết của bác sĩ Lương đã xuất hiện vào khoảng 9h30 tối ngày thứ Năm 6 tháng Hai, thoạt đầu cũng được các phương tiện truyền thông của đảng cộng sản, như tờ Hoàn cầu Thời báo, và tờ Nhân dân đưa tin. Nhưng nhiều giờ sau đó, tin tức này đã bị phủ nhận, nói rằng bác sĩ Lương thực sự đang được điều trị đặc biệt. Các nhà báo và các bác sĩ nói rằng các thành viên của chính phủ đã đến bệnh viện, buộc mọi người phải thay đổi bản tin của họ, nói rằng bác sĩ vẫn còn sống. Nhưng khoảng 3 giờ sáng, các bác sĩ đã quyết định thông báo cái chết của anh.

Cái chết của anh tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán đã gây ra một loạt các bình luận ca ngợi anh là một “anh hùng thường nhật”, người đã hy sinh mạng sống của mình cho người dân, trái ngược với “các thủ lĩnh béo tốt”, là những người đã dấu nhẹm tin tức về virus trong hơn 40 ngày, vì chỉ quan tâm làm sao duy trì “sự ổn định” và sức mạnh của họ. Không khí chung là một sự đau buồn và phẫn nộ.

Tuy nhiên, sau khi mạng WeChat của Trung Quốc đăng một bài thơ được cho là của anh trước khi qua đời, đã có những thay đổi trong tâm tình của các tín hữu Kitô Trung Quốc đối với biến cố này.

Bài thơ rất dài, xin chỉ trích những câu cuối:

Xin tạm biệt những người tôi yêu mến.
Xin chia tay Vũ Hán, quê hương tôi.
Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm họa,
Có ai đó sẽ một lần nhớ đến,
Có người đã cố gắng cho họ biết sự thật càng sớm càng tốt.
Cố gắng cho bạn biết sự thật càng sớm càng tốt.
Tôi hy vọng rằng sau cơn thảm họa,
Người ta học được cách đứng cho thẳng,
Không còn để những người tử tế,
Phải chịu đau khổ vô tận,
Và nỗi buồn bất lực.
Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp,
đã chạy hết chặng đường,
đã giữ vững niềm tin.
Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính (2 Ti-mô-thê 4:7-8a)

Với việc công bố bài thơ này, cộng đồng Kitô hữu trực tuyến đã có một bức tranh khác. Nhiều nhóm Kitô hữu WeChat đang chuyển tiếp cho nhau tin nhắn theo đó bác sĩ Lương là một thầy thuốc Kitô hữu, như Thánh Luca trong Kinh thánh.

Các Kitô hữu trên Internet nói với nhau một cách sôi nổi như thể đây không phải là lúc để bày tỏ sự đau buồn mà là lúc để hát Allelujah, để ca ngợi khoảnh khắc tuyệt vời của tình yêu Chúa. Tờ China Christian Daily nhận xét rằng “Tin tức mới nhất này, bác sĩ Lương là người anh em trong Chúa Kitô của chúng ta, khiến nhiều người vui mừng như vừa khám phá ra một thế giới mới.”

Trên mạng Vi Bác (Weibo – 微博), một mạng xã hội giống Twitter của Trung Quốc, đã xuất hiện các tweet nóng bỏng, nâng việc tưởng niệm vị bác sĩ này lên một tầm cao tâm linh, chẳng hạn, có những tweet nói rằng bác sĩ Lương đã “vinh quang trở về ngôi nhà trên thiên đàng của mình”, “anh đã yên nghỉ trong vòng tay của Chúa”. Nhiều người cũng cho rằng chứng tá anh hùng của anh là một cơ hội tốt để truyền giáo.

Nhiều độc giả hỏi chúng tôi, bác sĩ Lương có phải là người Công Giáo không? Chúng tôi đã đem chuyện này trao đổi với các đồng nghiệp Hương Cảng tại Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh, gọi tắt là HSSC.

Câu trả lời chúng tôi nhận được từ HSSC cho đến nay, trước khi thu hình chương trình này là:

Trong những năm gần đây, số Kitô hữu Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Trước năm 1949, là thời điểm cộng sản chiếm được Hoa Lục, có 4 triệu Kitô hữu (3 triệu là người Công Giáo và 1 triệu là người Tin lành). Con số này đã đạt đến 47 triệu, theo các thống kê của bọn cầm quyền Bắc Kinh. Nhiều nghiên cứu độc lập cho thấy ít nhất phải có 67 triệu Kitô hữu. Kitô giáo được cho là tôn giáo phát triển nhanh nhất ở Trung Quốc với tỷ lệ tăng trung bình hàng năm là 7%. Tuy nhiên, các nhóm Tin Lành phát triển mạnh hơn Công Giáo, thu hút đặc biệt những người trẻ.

Nếu bài thơ ấy thực sự là của bác sĩ Lương thì có thể cho rằng anh là một Kitô hữu. Nhưng anh là người Công Giáo hay Tin Lành thì vô phương mà biết được. Trong điều kiện bị bách hại rất cam go tại Trung Quốc, đặc biệt là trong tỉnh Hồ Bắc, phần lớn các Kitô hữu đều sinh hoạt trong các Giáo Hội thầm lặng. Nói nôm na là hoạt động như các hội kín. Cho nên, ngay cả câu hỏi đơn giản nhất là có bao nhiêu người Công Giáo thuộc tổng giáo phận Hán Khẩu, trong tỉnh Hồ Bắc với dân số 57 triệu dân này, cũng không có câu trả lời.

Chúng ta chưa có điều kiện để biết bác sĩ Lương có phải là người Công Giáo hay không. Nhưng có thể hy vọng mãnh liệt rằng giờ đây anh đã được an nghỉ trong vòng tay Chúa.

 

1. Tình cảnh bi thảm của Giáo Hội tại Trung Quốc theo nhận định của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân

Hôm 11 tháng Hai, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên giám mục Hương Cảng đã gặp gỡ các nhà lãnh đạo Quốc Hội Hoa Kỳ trên Đồi Capitol ở Washington, DC. Sau cuộc gặp gỡ đó, Đức Hồng Y đã dành cho Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, một cuộc phỏng vấn, trong đó ngài đã thảo luận về tình hình Giáo hội tại Trung Quốc, thỏa thuận của Tòa Thánh với chế độ cộng sản này, và mối quan hệ của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Đức Hồng Y với CNA. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

CNA: Thưa Đức Hồng Y, xin Đức Hồng Y cho chúng con biết về tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc?

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân: Giáo Hội đang bị đàn áp ở Trung Quốc ngày càng bi đát hơn. Cả Giáo hội chính thức, và Giáo Hội thầm lặng. Trên thực tế, Giáo Hội thầm lặng phải chịu số phận bi đát là biến mất dần. Tại sao? Bởi vì ngay cả Tòa thánh cũng không giúp họ. Các giám mục lớn tuổi đang hấp hối, chỉ còn không đến 30 giám mục trong Giáo hội thầm lặng và không có linh mục mới nào được thụ phong.

Nhưng chúng tôi hy vọng rằng người Công Giáo Trung Quốc có thể giữ vững niềm tin trong gia đình của họ – vì vậy chúng tôi thường nói với họ, ‘anh chị em hãy quay lại các hang toại đạo!’

“Ngay cả trong Giáo Hội chính thức, các tín hữu cũng bị kiểm soát ngày càng chặt chẽ hơn. Trên nóc nhà thờ người ta bảo họ phá hủy cây thánh giá đi, còn bên trong nhà thờ, người ta bắt họ trưng bày hình ảnh của Tập Cận Bình, có lẽ không phải ở giữa gian cung thánh, nhưng ở một nơi trang nghiêm nào đó. Bây giờ họ phải có cờ cộng sản trong nhà thờ, họ phải hát quốc ca.

Những trẻ em dưới 18 tuổi không được phép vào nhà thờ, không được phép tham gia bất kỳ hoạt động tôn giáo nào. Lễ Giáng sinh bị cấm, trong cả nước. Ngay cả Kinh thánh cũng bị dịch lại, theo tư duy chính thống của Cộng sản. Vì thế, bây giờ chúng ta thấy cộng sản ngày càng có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với Giáo hội, và thực sự đang có một lời than van lan rộng trong toàn Giáo hội.

Bây giờ, tôi không dám liên lạc trực tiếp với bất cứ ai ở Trung Quốc – vì quá nguy hiểm cho họ. Nhưng đôi khi người này người khác có thể đến Hương Cảng, để gặp gỡ tôi và khóc với tôi, họ nói ‘chúng ta có thể làm gì đây?’ Tôi nói ‘Tôi còn có thể làm gì cho anh chị em? Tôi không thể làm gì được. Tôi không có tiếng nói ở Vatican, đơn giản là không có.’

CNA: Thưa Đức Hồng Y, ngài đã công khai chống lại mối quan hệ của Tòa Thánh với nhà nước Trung Quốc, điều này có ảnh hưởng đến mối quan hệ của ngài với Đức Thánh Cha Phanxicô không?

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân: Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ tình cảm đặc biệt với tôi. Trong các cuộc phỏng vấn, họ hỏi ngài ‘Đức Thánh Cha nghĩ gì về Hồng Y Trần Nhật Quân?’ và Đức Giáo Hoàng nói ‘Ngài là một người tốt, nhưng có lẽ hơi sợ hãi, vì tuổi tác của ngài’ Bạn muốn hỏi tôi bao nhiêu tuổi à? Tôi đã già, tôi 88 tuổi, nhưng tuổi tác giúp tôi không còn sợ hãi nữa. Bởi vì tôi không còn gì để đạt được, và cũng chẳng còn gì để mất.

Tình hình ở Trung Quốc là rất xấu. Và người gây nên nông nỗi này không phải là Đức Giáo Hoàng. Đức Giáo Hoàng không biết nhiều về Trung Quốc. Và ngài có thể có một số thiện cảm với những người cộng sản, bởi vì ở Nam Mỹ, trong những người cộng sản cũng có những người tốt, những người biết đau khổ trước bất công trong xã hội. Nhưng cộng sản Trung Quốc không phải như thế. Họ là những kẻ bắt bớ dân lành vô tội. Vì vậy, tình hình là, trên phương diện con người mà nói, chẳng có chút hy vọng gì đối với Giáo Hội Công Giáo: Những người cộng sản luôn luôn đàn áp Giáo hội, nhưng bây giờ oái oăm là các tín hữu Công Giáo không nhận được bất kỳ sự giúp đỡ nào từ Vatican. Vatican đang giúp bọn cầm quyền, đầu hàng, trao mọi thứ vào tay chúng.

Vì vậy, chân thành mà nói, tôi không có vấn đề với Đức Giáo Hoàng. Nhưng tôi có vấn đề với Đức Hồng Y Pietro Parolin. Bởi vì những điều tồi tệ này từ ngài mà ra. Từ chính ngài. Đến nay, vẫn như vậy, ngài vẫn rất lạc quan về cái chính sách gọi là ‘Ostpolitik’, tức là chính sách thỏa hiệp. Nhưng bạn không thể thỏa hiệp với họ: vì họ chỉ muốn bạn đầu hàng hoàn toàn – chủ nghĩa cộng sản là như thế.

CNA: Thưa Đức Hồng Y, sau thỏa thuận năm 2018 giữa Tòa thánh và Trung Quốc về việc bổ nhiệm giám mục, các thành viên của Giáo hội thầm lặng dường như đã chịu những áp lực mới của bọn cầm quyền, ngài có thấy như thế không?

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân: Tôi nghĩ rằng trường hợp rõ ràng nhất liên quan đến một Giám Mục ở Phúc Kiến, là Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm (Guo Xijin – 郭希錦).

Bây giờ, họ hợp pháp hóa cho 7 giám mục bất hợp pháp, là các giám mục ly khai, các giám mục bị vạ tuyệt thông. Nhưng điều đã xảy ra là, ở hai trong số bảy giáo phận đó, cũng có hai Giám Mục thầm lặng được Tòa Thánh bổ nhiệm. Họ là các Giám Mục hợp pháp nhưng Rôma lại yêu cầu họ phải từ chức. Bây giờ cả hai vị chịu bước xuống, rồi thì sao?

Một vị ở Phúc Kiến được hứa hẹn rằng ngài sẽ được công nhận là Giám Mục Phụ Tá, dù bị giáng cấp, nhưng vẫn là giám mục. Thế là ngài chấp nhận. Nhưng sau đó, bọn cầm quyền Trung Quốc nói ‘không, chúng tôi chưa bao giờ công nhận ông là giám mục. Ông phải ký vào tài liệu này.’ Và tài liệu đó nói ‘Tôi đã chấp nhận Giáo hội độc lập.’ Đức Cha Vinh Sơn Quách Hy Cẩm nói ‘không, tôi không thể ký vào đó được.’ Thế là ngài chưa được công nhận là giám mục.

Thời gian gần đây, những tin tức từ Hoa Lục cho biết ngài bị đuổi ra khỏi Tòa Giám Mục và phải ngủ đầu đường xó chợ bởi vì họ nói ‘tòa nhà của bạn không an toàn. Nó vi phạm quy định phòng cháy.’

Có người cho rằng có thể có chút cường điệu khi nói ngài phải ngủ đầu đường xó chợ. Nhưng thực ra đó là sự thật, vì chính phủ không cho phép bất cứ ai chứa chấp ngài. Bây giờ trong giáo phận đó, Giáo Hội thầm lặng có đến 80% các linh mục và các tín hữu. Giáo hội chính thức chỉ có một số ít linh mục, và vị Giám Mục, là Giám Mục thực sự, hiện nay thậm chí không được công nhận là Giám Mục Phụ Tá. Kinh khủng thật.

Cho nên, trong thỏa thuận này, Vatican mất tất cả, và chẳng được cái gì. Tôi không thể hiểu tại sao họ lại làm điều đó. Tôi chắc chắn rằng Đức Giáo Hoàng có ý định tốt là giành cho được một không gian, một chút không gian để có thể thở nổi và rồi có thể một ngày nào đó chúng ta có thể có được điều gì đó tốt hơn chăng. Nhưng còn Hồng Y Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ngài biết rất rõ cộng sản là ai, và không có cách nào để mặc cả với cộng sản, lại đi làm một việc chẳng đem lại được điều gì.

Tôi luôn luôn nói “anh chị em có thể tưởng tượng ra được cái cảnh Thánh Giuse đi thương thuyết với Hêrôđê để cứu hài nhi Giêsu bé bỏng không?” Không đời nào. Bạo chúa ấy chỉ muốn giết Chúa Hài Đồng.


Source:Catholic News Agency

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *